Đi – Nhật ký truyền giáo

Hôm nay khai mạc Đại hội truyền giáo tại nhà nguyện Dòng Thánh Phaolô. Mình phụ trách phần thuyết trình. Lần đầu tiên trong đời, mình đăng đàn trước một cử tọa có nhiều người tai to mặt lớn như thế. Mình bắt đầu run. Phải hít thật sâu mấy hơi liền mới thấy hết hồi hộp.

Mình chủ trương rằng người truyền giáo phải khởi đầu sự nghiệp bằng việc ra đi. Đi để thấy mình phải làm gì, phải làm thế nào và phải làm tới mức độ nào. Đức Giêsu đã đi và đi không ngừng. Thánh Phaolô cũng thế. Mình trích dẫn lời của Thủ tướng Ben Gourion : “Người lính Do Thái phải tìm hiểu và yêu thương quê hương của mình bằng hai bàn chân” .

Người truyền giáo có thể đi bằng phương tiện truyền thông xã hội, nhưng đi bằng chính thân xác của mình, để hiện diện và đối thoại với người lương dân là cách đi hoàn hảo nhất. Mặt đối mặt, lời trao lời mới nảy ra tình yêu. Truyền giáo mà không yêu thương, thì không thể là truyền giáo được. Muốn thế thì phải đi, phải đến…

Bài thuyết trình của mình có một ưu điểm là rất ngắn gọn, nên được thính giả vỗ tay hơn thông lệ. Vừa rời giảng đài được chừng ba bước, thì chạm trán với thầy Hiến Minh. Thầy siết tay mình thật chặt và khen ngợi bằng một câu rất gọn : “Cậu nói được đấy”.

Thái độ niềm nở và lời khen ngợi của thầy làm mình phấn khởi và thêm xác tín vào lập trường sẵn có : “Người truyền giáo phải khởi đầu sự nghiệp bằng việc ra đi. Đi để thấy mình phải làm gì, phải làm thế nào và phải làm tới mức độ nào”.

Ngô Xá, ngày… 1989

Hôm nay mình đến thăm Ngô Xá, một họ đạo thuộc tỉnh Phú Thọ. Mình biết Ngô Xá nhiều, vì trong những năm kháng chiến chống Pháp, trường của mình đã sơ tán về đây. Ngô Xá là một họ đạo có 6.000 tín đồ. Vậy mà từ mười năm qua, nhà thờ của họ không có một thánh lễ nào. Ngô Xá được sát nhập vào Du Bơ, một họ đạo bạn, có cha xứ là một linh mục già và bệnh tật. Ngài lẫn đến mức độ không còn xác nhận được vị trí của các phòng trong nhà.

Bữa cơm trưa được khoản đãi tại nhà bà con của ông bạn. Câu nói “mâm cao, cỗ đầy” được hiểu theo nghĩa đen thật sự. Đãi tối đa cho vừa lòng, vì đây là chuyện “ngàn năm một thuở” . Được tin có hai linh mục từ miền Nam về thăm, bà con ùn ùn tuôn đến. Căn nhà ba gian chật cứng người. Người ta xô lấn từ phía sau lưng, khiến bát cơm cầm trên tay mà không kê vào miệng được. Bỗng có một người đàn ông la to lên :

– Xin mời hai cha đứng lên ghế để bà con được thấy mặt ạ.

Hai anh em mình đứng lên ghế, quay một vòng. Lại có tiếng la lên từ ngoài sân :

– Xin hai cha ra ngoài này cho bà con thấy mặt một cái.

Hai anh em lại ngoan ngoãn đi ra.

Một người đàn bà nói sau lưng mình :

– Thấy hai cha, chúng con thèm quá !

– Nếu Đức cha cho hai anh em chúng tôi về đây thì các bà có lấy không ?

– Chúng con lấy tất.

– Nhưng nếu Đức cha cho một cha già mù, thì các bà có lấy không ?

– Mù cũng được, miễn là có lễ thì thôi.

Mình tếu táo để chặn dòng lệ đang muốn trào ra. Bây giờ mình mới cảm nghiệm được lời than thở của Chúa tại Béxaiđa thuở xưa : “Ta thương quần chúng, vì họ bơ vơ như những con chiên không người chăn dắt”.

Mình đã được thông tin khá đầy đủ về tình trạng thiếu chủ chăn ở đây. Nhưng những nguồn thông tin ấy chỉ chạm tới não, chứ chưa đụng tới con tim. Hôm nay đến đây, được chứng kiến tận mắt, mình mới cảm nghiệm được rằng : để họ bơ vơ như thế là một trọng tội, một trọng tội dành cho mọi chủ chăn. Chính bản thân mình, mình cũng đã có thái độ thờ ơ đối với họ. Mình vừa mới được giác ngộ nội trong ngày hôm nay, sau một chuyến đi. Đi và không đi khác nhau như thế đó.

Đời truyền giáo của mình cũng vậy. ĐI là một động từ mà mình muốn tôn thờ. Mình muốn nó được viết bằng chữ hoa, được gạch đít, được đóng khung và vẽ hoa xung quanh. Nếu truyền giáo mà không ĐI, thì kể như chưa truyền giáo. Suốt bốn năm truyền giáo tại Năm Căn, mình đã đi, đi thật nhiều, nhiều đến nỗi trong hai năm cuối mình không ngủ ở nơi nào quá hai đêm. Đi nhiều đến thế, mà hôm nay mình vẫn chưa hề hối hận.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo

Exit mobile version