Khi thì gặp phải đứa trẻ bơ vơ giữa chợ đời khi bé vẫn còn cha còn mẹ nhưng cha mẹ đã chia tay mỗi người mỗi ngã. Bữa thì gặp phải chuyện một cô gái cứ bị chôn chân mãi trong cái “cõi tình” mà chẳng thấy chữ yêu, quanh quẩn chỉ là trao nhau chuyện thể xác. Nay thì gặp phải một chuyện khác của cuộc đời, chuyện dính đến hai chữ “đời tu”.
Tối nay mệt nên đi ngủ sớm cho khỏe, chẳng hiểu sao cái điện thoại nó cứ reng. Một giọng nói quen quen nhưng hình như lâu ngày quá chẳng gặp. Thì ra bên đầu dây là người ngày xưa thi thoảng có làm chung vài việc bác ái xã hội và lâu quá không có dịp gặp. Nay người ta truy tìm ra số điện thoại nên người ta hỏi thăm tình hình sức khỏe. Biết lão gia còn thở đều ăn tốt nên bắt đầu trút bầu tâm sự.
Trước hết, cô ta tâm sự hoàn cảnh bi đát chẳng đặng đừng của gia đình cô. Cô kể chuyện cơm không lành canh không ngọt của gia đình cô từ nhiều năm trước. Cô nói rằng nếu như cô không có vướng người em trai đang ở chủng viện thì cô đã giải quyết xong chuyện gia đình của cô rồi. Thế nhưng mà nghĩ đến chuyện chịu chức của thằng em nên cô phải nán lại vài năm nữa !
Thắc mắc về chuyện đó để rồi cô nói rằng vì thằng em chưa chịu chức mà có anh chị ly dị nên sợ bị ảnh hưởng nên chờ đó ! Cô còn kể thêm rằng gia đình kẹt nhiều chuyện lắm nhưng cứ nán lại, nán lại !
Ngưng một lát cô bèn nói tiếp. Chuyện là gia đình bên ngoại của cô có nhiều người đi tu quá nên mẹ cô mong cho thằng út ở nhà nó đi tu để cho thêm “đông quân số”. Mọi chuyện bắt đầu từ thằng út !
Cô kể tiếp rằng thằng út vì nó được mẹ mong đi tu nên tất cả ưu tiên một dành cho nó. Bà mẹ thì tất cả cái gì cũng dành cho thằng út cả. Chẳng hiểu sao mỗi tháng chi cho nó năm ba triệu nó tiêu sao hết sạch ! Ngay cả cô ta, vì thương em nên mua cho nó cái “ai phôn” mới ra lò “nóng hổi” (dù chủng viện chỉ cho dùng nó khi về thăm nhà). Chuyện không dừng ở đó. Cô nói rằng ông ở nhà thì thích bay thích nhảy nên rồi chẳng hợp tính bà là bao. Hai ông bà cũng đang sống trong cảnh chiến tranh lạnh hay nói cách khác cắn răng chịu đựng để chờ ngày thằng con được chịu chức.
Và, linh cảm về người con trong gia đình đó không thành hay sao đó nên đôi lần bà mẹ bàn đến chuyện phải bán nhà đi xứ khác khi thằng con không còn ở trong nhà tu nữa !
Cô hỏi ý kiến già lão về chuyện gia đình tính bán nhà thì già lão mới nói rằng chuyện ơn gọi là chuyện của Chúa, không đi tu được thì về chứ có gì đâu mà phải bán nhà đổi xứ. Đâu phải bằng mọi giá cắm đầu cắm cổ đi tu khi không có ơn gọi.
Câu chuyện về người em nó cứ sàng qua sàng lại về chuyện chủng viện nơi người em ở với những điều không tiện nói ở đây. Người em cũng cảm thấy ngán ngẫm khi nói với chị rằng tưởng chừng trong môi trường ấy nó là thế nhưng sự thật nó không phải như vậy ! Có nghĩa là người em cũng đang cắn răng chịu đựng cái môi trường mà có lẽ anh ta cũng chẳng thích nghi cho mấy. Chuyện là vì gia đình, vì cha vì mẹ mà anh ta cứ phải nai lưng ra gánh vác.
Nói qua nói lại nhìn đồng hồ cũng đã trễ nên lão đành xin gác lại câu chuyện đời tu.
Phone đã cúp, người nói cũng chẳng còn mà câu chuyện cũng đã gác nhưng sao chẳng ngủ được.
Thật tình thì không ở trong hoàn cảnh người ta nên cũng chẳng thể nào hiểu được để mà phán đoán. Thế nhưng mà khi nghe xong câu chuyện người đầu phone bên kia kể nó làm sao đó. Người em đi tu vì động lực danh dự của gia đình, ý muốn của người mẹ chứ còn thật sự nơi người em thì không. Cũng như người ta thường hay ví von “lỡ phóng lao phải theo lao” nên rồi người em và gia đình cố gắng phóng cây lao đi tu cho người em đó.
Tu quả là một hành trình, quả là một ơn gọi hết sức huyền nhiệm và thiêng liêng. Đâu phải ai muốn mà được và có những người muốn rẽ đời tu để về đời thương nhưng cũng chẳng xong vì Thiên Chúa chọn không theo cách lối của con người. Chuyện quan trọng là người ta có an bình đi trên con đường người ta tìm kiếm hay không.
Nhớ lại ngày xưa, tôi cũng đã gặp một trường hợp hết sức bi hài.
Gia đình nọ có cả chục đứa con. Các anh các chị hầu như định cư tại Mỹ, còn sót lại thằng út ở Việt Nam. Vì muốn được làm “bà cố” nên người mẹ bằng mọi giá ép con đi tu. Vào nhà tu được vài ba tháng, người con ấy đã xách giỏ ra về và trả lời thật với người mẹ rằng chàng ta thấy không có ơn gọi, thấy bất an.
Cũng từ ngày xách giỏ bỏ nhà tu ra về đó mà tình mẫu tử cũng chẳng còn. Bà cấm vận người con từ ngày ấy. Cả cái ngày người con lấy vợ bà cũng chẳng đứng ra cưới xin. Chẳng còn cách nào khác cha xứ và một thầy dòng đứng ra tổ chức vì lẽ anh ra hoàn toàn có quyền tự do trong chuyện cưới xin. Bà mẹ dù gì đi chăng nữa chẳng có quyền cấm đoán.
Gần chục năm trôi qua, nay với hai đứa con nhỏ, người vợ làm nghề uốn tóc, anh có một gia đình êm đềm hạnh phúc.
Thế đấy ! Đâu phải cứ bảo tu là tu và đâu phải bảo đi về là “Chúa phạt”. Chúa nào phạt những người thấy mình bất an trong đời tận hiến nay lại quay về. Chỉ có con người phạt nhau khi không làm theo ý họ mà thôi.
Thì ra mới hiểu rằng đi tu cũng còn đó quá nhiều ràng buộc. Khi thì vì danh vọng, khi thì vì sự thúc ép của gia đình, khi thì vì muốn tìm sự nhàn nhạ trong cuộc đời …
Để lượng định cho một ơn gọi không phải là chuyện đơn giản. Chính bản thân đương sự phải chuyên chăm cầu nguyện và cùng cộng tác với người hướng dẫn thiêng liêng để nhìn ra ơn gọi thật của bản thân mình.
Đi tu chỉ vì sức ép của dư luận, đi tu chỉ vì làm thỏa mãn mong ước của người khác không biết có phải là tu thật hay không ?
Đêm nay lại thao thức cho những ơn gọi tu trì chỉ vì một sức ép nào đó chứ không tự bản thân của ứng sinh chọn lựa và dựa vào ơn Chúa giúp.
Vũ Hưu Dưỡng