Đi tìm chiên

 Bà Bảy Hoài, người được đề cử làm “Mẹ Việt Nam Anh hùng” , mời mình đi Rạch Lùm xức dầu cho người anh hai đã xa đạo trên bốn chục năm. Xuồng máy phải chạy mất hai tiếng rưỡi. Nghe cái tên Rạch Lùm mình nghĩ ngay đến một vùng tối tăm mù mịt. Thế mà có ngờ đâu Rạch Lùm đã đẻ ra bác Ba Phi, một nhân vật nổi tiếng của tỉnh Minh Hải. Ông nội Đức cha Mẫn cũng đã sống và chết ở đây. Rạch Lùm cũng đã từng có nhà thờ và đã từng sinh hoạt như một họ đạo…

Ông Hai đã ngoài tám mươi, chân và mặt phù lên, nhưng trí khôn vẫn tỉnh táo. Ông xưng tội và rước lễ sốt sắng. Sau khi cử hành các bí tích, mình mời ông một điếu thuốc “Bảy Hột Xoàn” và dìu ông vào chuyện vui. Từ vui đến tếu :

– Ông Hai có sợ chết không ?

– Không ! Chúa kêu thì dạ. Sợ gì ?

– Hồi còn trẻ, ông Hai có ham chơi không ?

– Ảnh trời đất lắm đó, ông cố. Vì ảnh mà ông già con bị ông cố Quimbrôtz đánh cho mười sáu hèo, bà Bảy Hoài tếu táo như thế.

– Tại sao vậy ?

– Thì ảnh chèo ghe cho cố Quimbrôtz, rinh ngay cô bếp của ông cố trốn đi mất tiêu, chẳng cần làm phép gì ráo trọi.

– Thế ông cố Quimbrôtz có bị Đức cha đánh cho ba mươi hai hèo không ?

– Có con hư thì mới bị đánh chứ.

– Chèo ghe cho ông cố thì là con ông cố; nấu cơm cho ông cố thì cũng là con ông cố. Như thế là ông cố có những hai đứa con hư. Vậy thì ông cố phải ăn hai lần đòn. Hai lần mười sáu là ba mươi hai.

– Biết đâu à.

– ……

Bữa cơm gia đình thật vui : con cháu tề tựu khá đông; khách từ Cái Rắn đến thăm lại còn đông hơn nữa. Để chia sẻ sự tốn kém của gia đình, mình nhét vào túi ông Hai hai tờ năm mươi.

– Biếu ông Hai một chút để bồi dưỡng. Nếu ông Hai về chầu Chúa trước thì nhớ cầu nguyện cho tôi, cầu nguyện cho con cháu và lối xóm. Tôi trao Rạch Lùm này cho ông Hai. Ông Hai nhõng nhẽo với Chúa để Rạch Lùm lại có nhà thờ nữa nhé !

– Dạ.

Cái Rắn, ngày 2-9-1995

2g30 chiều, có khách lạ tới.

– Xin cha xức dầu và trao Mình Chúa cho mẹ con.

– Ông ở đâu nhỉ ?

– Con ở Quản Phú.

– Quản Phú ở gần Vàm Đình đó hả ? Xa dữ ạ. Chắc phải ngủ ở đó, mai mới về được.

Đúng 6 giờ chiều thì mình tới Quản Phú. Bà Út 90 tuổi nằm im lìm. Bà không nói được, nhưng vẫn nghe và hiểu. Biểu bà ăn năn tội, thì bà gật đầu. Giải tội xong, thì mình dâng thánh lễ và cho bà rước lễ. Bà sẽ ra đi ngọt lịm như ngọn đèn hết dầu…

Bà Út quê ở Trà Vinh xuống làm ăn ở vùng này từ trên sáu chục năm. Con cháu của bà đông lắm, nhưng chỉ có người con thứ năm và một đứa cháu nội là có phép hôn phối. Gốc có đạo nhưng ngọn thì lạc đạo hết rồi. Người con gái thứ tư đã ngoài sáu mươi mà chưa rước lễ lần đầu.

Bữa cơm tối rực lên dưới ánh đèn măng sông. Thịt gà luộc trộn với rau chuối xắt ghém. Rượu đế cay nồng thơm mùi nếp. Thôi thì vui cũng rượu, mà buồn cũng rượu. Ngồi ăn với mình có ba người con của bà Út cùng với vài người trong xóm.

Ông Năm tâm sự :

– Cha con chết có dặn dò con cháu kỹ lưỡng : “Mình ở đây giống như cây đước giữa rừng mắm. Đước phải chung sống với mắm thôi. Nhưng ở đây không có người đạo mà cưới gả, thì phải cưới gả với người ngoại, nhưng đạo ai nấy giữ”.

– Nhưng đước thì chết gần hết rồi ! Bây giờ tôi tính với ông Năm nhá. Tôi sẽ cho người đến ở đây với ông Năm vài tuần để dạy giáo lý cho con cháu. Dâu rể ngoại, thì ông Năm khuyên nhủ chúng nó cho chúng nó biết Chúa là Cha. Nếu chúng nó biết ông Trời là Cha, thì chúng nó thương liền chứ gì. Nhắm chừng được không ông Năm ?

– Được chứ ! Nếu được các dì xuống dạy thì hay lắm.

Trước khi chui vô mùng, mình hỏi nhỏ bà Tư Quý :

– Có nhà vệ sinh không ?

– Ở tuốt đàng sau đó. Lội sình tới đây nè (bà lấy ngón tay gí vào giữa bắp chân).

– Nếu đêm hôm cần xài nó thì sao ?

– Thì ra đại bờ sông. Tối thui ai mà thấy…

Ngoài kia, trời tối như mực, mưa rơi tí tách. Mình nghĩ bụng: Nếu các dì phước xuống dạy giáo lý ở đây, thì phải giải quyết cách nào. “Sống như” trăm phần trăm được không ? Nan giải thật ! Cầu tiêu trên bờ sông, thì được lệnh phá hết rồi. Cầu tiêu mà theo tiêu chuẩn văn hóa mới, thì chưa có. Hố xí theo kiểu miền cao, thì ở đây không làm được. Đành đi vào thời quá độ. Trăm sự nhờ vào bóng đêm… Tin Mừng không thể vì thế mà bị ngưng trệ.

Cái Rắn, ngày 6-9-1995

Hai chàng thanh niên và một cô gái lạ mặt bước vô phòng.

– Mai là ngày kỷ niệm của mẹ tụi con. Xin ông cố làm cho mẹ con một lễ.

– Tụi con ở đâu ?

– Vợ chồng con ở đầm Bà Tường. Tụi con về làm kỷ niệm cho mẹ.

– Bao xa ?

– Con chèo xuồng ba tiếng.

– Còn con thì ở đâu ?

– Con ở Tân Ánh.

– Bao xa ?

– Chừng tám cây số.

– Sao tụi con không mời cha đến tận nhà làm lễ cho mẹ tụi con ?

– Tụi con nghèo lắm.

– Kệ, mai cha sẽ tới làm lễ cho mẹ tụi con và thăm tụi con luôn.

Cái Rắn, ngày 7-9-1995

Hôm nay mình xách vỏ lãi đi Tân Ánh. Có ba bà phước và hai người giáo dân cùng đi. Vỏ chạy hết bốn mươi lăm phút. Gia đình nghèo thật. Căn chòi nhỏ quá. Bàn thờ kê ở giữa nhà, thì gần chạm tới hai cái giường kê ở hai bên.

Tham dự thánh lễ có mẹ và các con cháu của người quá cố. Bà mẹ già tám mươi hai tuổi. Vì hoàn cảnh chiến tranh bà chỉ rửa tội cho một mình đứa con út, mà hôm nay mình làm lễ giỗ. Bản thân bà thì cũng đã trên bốn mươi năm chưa xưng tội. Bà có rất nhiều con cháu ở Cái Rắn, vậy mà hôm nay mình mới gặp bà lần đầu tiên.

Ba bà phước năn nỉ bà già tám mươi hai về Cái Rắn xưng tội và dâng thánh lễ. Bà từ chối, lấy cớ là lu bu công chuyện. Nhưng khi mình xuống vỏ lãi về thì bà cũng xách túi đi theo. Bà phước có tài năn nỉ thật.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Exit mobile version