Dì của Gjini hỏi cô có muốn trở thành một nữ tu không. Gjini trả lời dì của mình là cô không muốn. Nhưng mà hiện nay, tại chính thành phố mà lần đầu tiên họ gặp nhau, Gjini lại là một nữ tu cùng dòng với dì Gjoka của mình, người đã cùng các chị em trong dòng sống đức tin cách bí mật trong thời cộng sản.
Từ năm 1945, Albania bị chính quyền cộng sản do Enver Hoxha lãnh đạo, đàn áp khắc nghiệt. Chính quyền cộng sản đã bách hại và giết hàng trăm giáo sĩ và giáo dân. Năm 1967, nhà nước cộng sản chính thức cấm đạo, giải tán các cơ sở tôn giáo và trục xuất các tu sĩ ngoại quốc. Các tu sĩ người Albania được lệnh phải trở về quê nhà và rời bỏ đời tu. Tại Vlore, 5 thành viên của dòng Nữ tỳ Đức Bà của Shkodra đã quyết định chống lại lệnh của chính quyền cộng sản, dù họ có thể gặp nguy hiểm, có thể bị cầm tù và bị chết. Sơ Gjoka là nữ tu trẻ nhất trong số 5 nữ tu và khi ấy sơ còn chưa khấn trọn đời. Các nữ tu tiếp tục sống trong căn hộ ở tầng 2, sát bên nhà thờ thánh Luigi. Chính quyền đã chiếm nhà thờ, xây dựng lại các bức tường nhà thờ, đập phá tháp chuông và biến nó thành một nhà hát.
Các công an chìm của chính quyền mở rộng mạng lưới những người đưa tin cho họ, nên các nữ tu phải nghĩ ra những cách thế thực hành đức tin. Vì các sơ không thể mặc áo dòng, nên các sơ đã chọn một thứ trang phục mà chính quyền không cấm: đó là quần áo màu đen mà các phụ nữ mặc như dấu hiệu tang chế. Các nữ tu chỉ có thể cầu nguyện chung với nhau và trong nhà đóng kín cửa, không ai nhìn thấy họ. Những tấm ảnh treo trên tường nhà của các sơ có 2 mặt: một mặt là những hình ảnh về cộng sản được trưng bày công khai, còn mặt kia là hình ảnh thánh mà các sơ thường cầu nguyện. Các sơ cũng giữ một tượng Đức Mẹ Maria trong nhà. Khi có người khách nào đó tò mò thắc mắc hỏi về tượng này thì các sơ giải thích đó là tượng một cô dâu trẻ. Bên dưới bức tượng là Mình Thánh Chúa được các sơ cất giữ.
Năm 1991, chế độ cộng sản tại Đông Âu sụp đổ và tại Albania cũng thế. Các thừa sai ngoại quốc từ các nước lại đến Albania để giúp tái thiết lại Giáo hội Công giáo Albania. Cuối cùng, sơ Gjoka đã được tuyên khấn trọn đời. Nhà thờ thánh Luigi cũng được xây dựng lại, cả tháp chuông của nó, dù giờ đây không còn những tiếng chuông đồng vang lên, nhưng thay vào đó là tiếng chuông điện tử. Nhà thờ được đổi tên thành nhà thờ Đức Mẹ Maria và thánh Luigi để tôn vinh Mẹ Maria, với pho tượng của Mẹ đã nhắc nhở các nữ tu giữ vững đức tin của mình trong những thời gian thử thách khó khăn.
Sơ Gjini chia sẻ: “Những người biết các nữ tu này nói rằng đặc sủng ơn gọi của họ đã được thể hiện qua sự im lặng của họ. Tình yêu Chúa của họ được bày tỏ qua sự im lặng của họ.” Sơ Gjini hiểu rằng thời cộng sản là thời gian cực kỳ khó khăn đối với các tu sĩ, nhưng “họ đã chọn Chúa Giêsu Kitô và họ biết rằng họ phải theo Người cho dù bất cứ điều gì xảy đến với họ.”
Ơn gọi của Gjini nảy mầm vào mùa xuân năm 1993, khi cô đến ở với dì của mình là sơ Gjoka một tháng và đã chia sẻ thời gian với các tình nguyện viên và các nhà truyền giáo. Kinh nghiệm của thời gian này đã có ảnh hưởng lớn trên ơn gọi của Gjini. Sơ Gjini chia sẻ. “Nhìn thấy các bạn trẻ đến nói chuyện với các nữ tu thật vui làm cho tôi cảm thấy hiếu kỳ về việc trở thành nữ tu.” 6 tháng sau đó, Gjini trở lại Vlore và nói với dì Gjoka của mình về ý định muốn trở thành nữ tu. Dì Gjoka của Gjini rất ngạc nhiên và nói: “Con chưa rửa tội thì làm sao có thể đi tu được?” Gjini lớn lên trong thời cộng sản khi đạo bị cấm nên cô chưa được lãnh nhận bất cứ bí tích nào. Nhưng đó không phải là điều ngăn trở Gjini trên đường ơn gọi. Năm 1998, Gjini đã tuyên khấn lần đầu trong dòng các Nữ tỳ đền tội của Đức Mẹ Maria.
Dòng các Nữ tỳ đền tội của Đức Mẹ Maria được thành lập tại Italia vào năm 1900. Ngay sau khi chế độ cộng sản ở Albania sụp đổ, các tu sĩ của dòng đã đến Albania và ngay lập tức họ nhận ra nhu cầu giáo dục Công giáo tại đây. Năm 1999 họ đã mở một nhà trẻ cho 120 trẻ em ở Vlore. Sơ Gjini chia sẻ rằng giáo dục Công giáo rất quan trọng bởi vì các trường học hình thành một thế hệvới các giá trị tinh thần và nhân bản lành mạnh. Dù các nữ tu muốn có một trường học các cấp nhưng vì số tu sĩ của dòng còn giới hạn nên chưa thể thực hiện được.
Sơ Gjoka qua đời năm 2011. Dù sống một cuộc đời thinh lặng nhưng sơ đã để lại một di sản lớn. Sơ Gjini chia sẻ về người dì nữ tu của mình: “Dì phải thinh lặng nhưng dì đã nói nhiều qua sự thinh lặng của dì – trong sự thinh lặng và hoạt động với người nghèo.” (CNS 01/02/2018)
Hồng Thủy
(RadioVaticana 22.06.2018)