Dị giáo – chuyện của người đạo đức hôm nay

Xin minh định ngay, bài này không nhằm tới bất cứ tôn giáo chính danh nào. Những điều bàn ở đây là về Dị Giáo, tức các tổ chức, cá nhân “có vẻ như Công Giáo”, hay “rất Công Giáo”, cùng niềm tin vào Thiên Chúa cũng như vào Chúa Giêsu, lấy Thánh Kinh làm nền tảng, và đang được hướng dẫn bởi một người không phải đại diện cho Giáo Hội, không thuộc phẩm trật Hội Thánh Công Giáo. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này rất được sùng bái bởi cái được gọi là nắm giữ bí kíp vận mệnh tương lai, khả năng chữa bệnh vv


Để nói đến dị giáo cho đủ thì phải dùng đến thật nhiều từ điển, trích dẫn bao la các sách thần học, triết học, xã hội học. Trên thực tế, người ta đã tốn kém rất nhiều giấy mực cho chuyện đó rồi. Ở đây, chúng ta chỉ ghi nhận một số hiện tượng đang xảy ra trong các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, để ý thức hơn mà thôi.

Theo Công Giáo, dị giáo là bất cứ tổ chức hay lý thuyết nào có niềm tin và lễ nghi đi ngược với truyền thống Giáo Hội. Chỉ những ai được rửa tội rồi mới có thể là dị giáo, bởi hoặc đã tin tưởng vào một tín lý khác với điều Giáo Hội tuyên xưng, hoặc không chấp nhận hiệp thông với Đức Thánh Cha nữa.

Nhìn vào thực trạng sống đạo hôm nay, chúng ta không thể không lo lắng khi có một số đoàn thể, cá nhân rất nhiệt thành, thậm chí “được xem là đạo đức”, đang có những biểu hiệu khả nghi về đời sống đức tin, trong tư cách là người Công Giáo. Ngay trong các xứ đạo truyền thống, đã có các nhóm âm thầm tham gia vào các hội đạo đức không được Giáo Hội nhìn nhận. Các hội này thường hoạt động mạnh mẽ nhưng không công khai, họ lượm lặt một số tin tức “bí mật” như là các tín điệp từ trời, như là các thị kiến tư nói là Chúa Giêsu hay Đức Mẹ gửi riêng, rồi phát tán khắp nơi. Với họ, những ai tin theo các điều ấy là được cứu độ, còn những người khác thì sống trong u mê lầm lạc. Những chuyện như rước lễ trên tay, chuyện “tôi là ai để phán xét người đồng tính” của Đức Thánh Cha Phanxicô, hoặc quan điểm của ngài khi “xét cho người ly dị tái hôn được rước lễ” vv… đều được họ lý giải theo cách riêng để rồi kết án Đức Thánh Cha là satan phá hoại Hội Thánh(!). Họ cố tình không hiểu việc không phán xét, kết án người có khuynh hướng đồng tính, rất khác với chuyện chấp nhận hôn nhân đồng tính, hành vi đồng tính luyến ái; họ cũng không hề nghiên cứu kỹ lưỡng tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) để biết được đâu là các đáp ứng mục vụ thiết thực cho người đã ly dị và tái hôn, và để hiểu rằng hôn nhân theo Công Giáo vẫn luôn là bất khả phân ly.

Một vài gợi ý để nhận diện và cảnh báo nguy cơ dị giáo:

1. Các tin tức sai lạc đều có mẫu số chung: đó là bản tin luôn có vài điểm có thật, hầu như không ai phủ nhận, rồi khéo léo lồng trong đó một ý đồ đen tối. Dị giáo cũng vậy, họ có thể trích dẫn Thánh Kinh hay lời nói của một giáo sĩ nào đó trong một tình huống cụ thể, để rồi đưa ra các nguyên tắc chung rất sai trái cho vấn đề.

a. Gần đây có vị linh mục trưng dẫn sách Sáng Thế 1,29: “Thiên Chúa phán: Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi”, để rồi tuyên bố bất cứ ai ăn thịt cá đều là phạm tội. Không biết vị linh mục này nghĩ sao khi Chúa làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, khi Người truyền bí tích Thánh Thể: “Đây là Mình Ta, các con hãy nhận lấy mà ăn”, hay khi Người hỏi “Ở đây anh em có gì ăn không? Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc 24, 42-43).

b. Cũng vậy, nếu không tìm hiểu, các tín hữu rất dễ bị lung lạc khi bị chất vấn: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20,4). Như thế, cả Giáo Hội Công Giáo lầm lạc sao? Sở dĩ Giáo Hội cho phép tạc tượng ảnh Chúa và các thánh vì quan niệm rằng: Chúng ta đã bước sang thời Tân Ước, đã được nhìn thấy Chúa Giêsu hữu hình, mà ai thấy Chúa Giêsu thì thấy Chúa Cha (x.Gioan 14,9), đồng thời chúng ta chỉ xem ảnh tượng Chúa và các thánh như một dấu chỉ vật chất để giúp lòng trí ta dễ dàng hướng về siêu nhiên. Tuy nhiên không thể phủ nhận là có những hình thức tôn sùng ảnh tượng thái quá nơi các tín hữu. Và Giáo Hội luôn dạy: tôn thờ ảnh tượng là nghịch với đức tin.

2. Các nhà sáng lập dị giáo cũng nhiều điểm giống nhau:

a. Tự tôn mình lên thành siêu phàm: ảnh tượng đấng sáng lập cũng phải được bái chào, còn nếu trực tiếp đụng chạm đến ngài là một ân huệ khôn sánh. Người ta chạy theo ngài để cầu mong ơn huệ, vì chỉ có ngài mới có khả năng “kéo ơn trời” xuống cho;

b. Tận dụng mọi phương tiện có được như mạng lưới nhân sự, internet, để quảng bá hình ảnh giáo chủ, giáo phái

i.   Ngài có khả năng tiên đoán vận mệnh tương lai

ii. Ngài biết trước ngày tận thế

c.  Khôn khéo gây quỹ qua việc từ thiện, tích điểm lập công cho đời sau, vẽ ra một thiên đàng hạ giới cụ thể nhằm huy động tài chính cho hạ tầng cơ sở và dễ dàng chiếm dung.

3. Điểm kỳ cục chung của dị giáo là: không hiểu sao những người chạy theo các nhóm này, sau bao nhiêu năm đi đạo, bao nhiêu bài học giáo lý, bao nhiêu lần nghe giảng dạy Thánh Kinh đều dễ dàng để gió cuốn bay, không để lại một chút dư âm gì. Trái lại, trước những mê dụ của dị giáo, họ như con nai tơ ngơ ngác lạc lối vội đi thẳng vào con đường đã được vạch ra. Họ giống như loại bệnh nhân không theo các hướng dẫn y khoa, nhưng vội vàng mù quáng tuân theo loại tin “share ngay kẻo trễ chữa hết ung thư chỉ với lá đu đủ”, hay “giảm ngay 10 kg chỉ trong một tuần” vv…

4. Các cá nhân dễ bị ảnh hưởng dị giáo là: những người bất mãn với cha sở, với giáo xứ; những người nhiệt thành tới mù quáng, hay nghiêm trọng hóa vấn đề, cực đoan trong đạo đức; đặc biệt những ai quá kiêu căng, ương bướng, thường được các nhóm dị giáo mơn trớn để họ quay lại thù hận tôn giáo gốc của mình.

Do vậy, quan điểm của tôi trong tư cách là một linh mục, không vội mừng vui khi thấy nhiều người đi hành hương, cầu kinh, xin lễ; khi thấy có ai quá nhiệt tình tham gia vào hầu hết các hội đoàn trong giáo xứ. Bởi họ rất có thể là người tốt nhưng cũng có thể họ thực hành các điều đó với tâm trạng sợ hãi hoặc với cao ngạo cho rằng mình thuộc thành phần ưu tú. Bên cạnh đó, các linh mục nên quan tâm hơn tới việc đào tạo Thánh Kinh trong giáo xứ, chịu khó đồng hành thiêng liêng với giáo dân của mình. Mọi tín hữu có quyền được biết: Ở đâu có tình thương, ở đó có Đức Chúa Trời; Ở đâu có Chúa Trời, ở đấy là thiên đàng. Họ không cần phải chạy theo các hội kín với các kiểu hành đạo lạ kỳ để có thể đạt được Nước Chúa. Họ có thể an vui hạnh phúc khi sống mến Chúa yêu người, khi cầu nguyện, làm phúc trong môi trường mình sống.

Dị giáo hôm nay đang tiềm ẩn rất lớn nơi các đoàn thể đạo đức. Đó là thách đố và cũng là cơ may để các linh mục thi hành chức năng người lãnh đạo phục vụ. Hãy nhớ rằng, đối với người Việt Nam giàu tình cảm, sự ấm áp thân thiện giữa cha xứ với giáo dân thì quan trọng hơn các chương trình mục vụ đao to búa lớn. Tuy nhiên, không thể biện minh việc dị giáo qua việc đổ tội hết cho hàng ngũ lãnh đạo. Mỗi người phải trưởng thành và chịu trách nhiệm về quyết định bản thân, về cuộc đời, về định mệnh của mình.

Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Exit mobile version