Di dân, cơ hội lớn, thách thức không nhỏ!

Nói cách khác, di dân là một thuật ngữ mô tả quá trình di chuyển dân số hoặc quá trình con người rời bỏ hoặc hội nhập, hoặc thiết lập nơi cư trú mới vào một đơn vị hành chính – địa lý trong một thời gian nhất định. Di dân có thể liên quan đến sự di chuyển của một cá nhân, một gia đình, hay thậm chí cả một cộng đồng.”

Định nghĩa di dân:

Từ điển Tiếng Việt Phổ Thông của Viện Ngôn Ngữ Học do nhà xuất bản Phương Đông có định nghĩa ngắn gọn: “Di dân là đưa dân dời đến nơi khác để sinh song”

Căn cứ vào định nghĩa và khái niệm về di dân đã trích dẫn ở trên, và
trước khi tìm hiểu những cơ hội lớn lao, cùng những thách thức do di dân mang lại, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét xem các nhà khoa học nói gì về tuổi của trái đất và loài người.

Cho đến nay, chưa có nhà khoa học nào khẳng định chính xác trái đất và con người đã có từ bao giờ. Các nhà khảo cổ học chỉ nói phỏng định rằng: Trái đất đã có khoảng từ 4, 5 đến 4, 6 tỉ năm về trước (Báo Khoa học 27-7-2017 tác giả Lê Hùng); và con người xuất hiện sớm nhất ở châu Phi khoảng 200.000 năm trước đây…Rồi lại phỏng định rằng khoảng từ 70.000 năm, đến 120.000 năm trước, từ Phi châu con người di dân đến châu Á, Âu, Mỹ, Úc.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng tổ tiên loài người ở châu Á cách nay khoảng 37 đến 38 triệu năm, sau đó di dân sang châu Phi và các châu lục khác (Phỏng theo Báo Khoa Học ngày 7- 6-2012).

Di dân, cơ hội lớn cho sự phát triển, thịnh vượng và văn minh của nhân loại!

Dù con người có nguồn gốc từ châu Phi hay châu Á, nhưng một điều thật rõ ràng là loài người đã trải qua nhiều cuộc di dân quan trọng, mang lại sự phát triển không ngừng trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại , điểm tô cho hành tinh nay phong phú thịnh vượng, đáng sống, và đáng yêu hơn! Ngay từ thời nguyên thủy, còn được gọi là thời “Cộng sản nguyên thủy”, con người đã có những cuộc di dân, nay đây mai đó. Vùng đất này hết hoa trái, con người lại tiến đến một vùng đất khác mầu mỡ nhiều thức ăn hơn. Đó là thời sống du mục của các bộ tộc.

Và gần đây hơn, cuộc di dân của các nước: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan tới Mỹ châu vào thế kỷ XVI, sau khi Christopher Columbus (1451-1506) đã tìm ra châu Mỹ ngày 12 tháng 10 năm 1492, khi đoàn thám hiểm của ông đi bằng ba chiếc tàu vượt biển để tìm kiếm Ấn Độ. Và năm 1776 hình thành một nước Mỹ: Tự do, Độc lập, Dân chủ, thịnh vượng hiện đang là cường quốc số một trên thế giới về nhiều mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học…

Một trường hợp khác, một “Nước Úc đáng sống nhất thế giới” với diện tích gần 8 triệu Km2, mà chỉ có 23 triệu dân đã tô điểm cho hành tinh chúng ta một địa điểm du lịch lý tưởng. Có được như thế, là do công sức của những người khai phá, di dân từ Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh quốc, Ireland… đến đây, ở lại lập nghiệp từ thế kỷ XVI, thế kỷ XVII, và thế kỷ XVIII…

Trở về với nguồn gốc dân tộc Việt: “Căn cứ vào bản đồ gen, các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng khoảng 35.000 năm trước, khu vực Bắc bộ nước ta đã có tộc người sinh sống. Sau một thời gian dài hình thành nên nền văn hóa Hòa Bình khoảng 15.000 năm trước. Tiếp theo là nền văn hóa Phùng Nguyên (Phú Thọ) 4000 năm trước, rồi nền văn hóa Đông Sơn (Thanh Hóa) 2.700 năm trước.” (Phỏng theo Đặng Thanh Bình, Về nguồn gốc người Việt 2-6-2016).

Và với hơn 10 thế kỷ cho các cuộc di dân (1009-2017) từ phương Bắc xuống phương Nam, và từ Việt Nam ra các nước khác trên thế giới, Việt Nam không những có trên 90 triệu dân sống trên bờ cõi hình chữ S, diện tích 332.210 km2, mà còn cả mấy triệu người Việt đang có đời sống tinh thần, và vật chất thật vững vàng, ổn định trên khắp mọi nơi trên thế giới.

Ánh sáng Văn minh Kitô Giáo chiếu giải đến muôn nơi!

Lịch sử Kitô Giáo luôn gắn liền với các cuộc di dân. Điều đó, chúng ta tìm thấy trong Cựu Ước, cũng như Tân Ước. Điển hình trong Cựu Ước là ông Moses lãnh đạo dân Israel thoát khỏi ách thống trị của người Ai Cập. Trong Tân Ước thì chính Chúa đã phán: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16). Lời Chúa phán, cùng với ơn Chúa Thánh Thần, 12 Tông đồ đã vâng lời, và nhiệt tình đi khắp nơi loan báo Tin Mừng. Tiếp theo 12 Tông đồ là hàng vạn nhà truyền giáo đã băng rừng, vượt biển đến khắp nơi trên thế giới để thực hiện lời Chúa dạy…Chính vì thế, mà Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ đang hiện diện đã có được 2117 giáo phận; 3864 Giám mục, 415.348 linh mục, 1.253.926.000 Tín hữu Công Giáo chiếm 17, 68% dân số trên thế giới (Theo niên giám 2016 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Di dân những thách thức không nhỏ!

Lịch sử nhân loại đã cho chúng ta thấy rằng, hàng triệu người đã bỏ mình nơi rừng sâu nước độc, nơi sa mạc nóng bỏng hay lạnh cóng, hoặc nơi biển cả bao la, làm mồi cho chim trời cá biển, khi họ đi tìm vùng đất mới để lập nghiệp, trong đó có biết bao nhà truyền giáo…

Điều đó có thể do thiên tai, hoặc do xung đột giữa người đi và người ở lại, hay giữa người đến (di dân) và người bản xứ.

Hình ảnh xác cậu bé Aylan Kurdi người Syria 3 tuổi nằm bên bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 03 tháng 09 năm 2015 đã gây chấn động toàn thế giới. Gia đình cậu bế Aylan là một trong hàng trăm gia đình đang muốn bỏ quê hương Syria, họ muốn tới đảo Kos, Hi Lạp. Thuyền của họ đã bị chìm và gây ra chết chóc tang thương…
Đó chỉ là một trong muôn vàn thảm cảnh tang thương trong những cuộc di dân đã diễn ra trên thế giới từ trước tới nay…

Để ngăn dòng người xuất và nhập cư, một số nước đã ban hành những đạo luật ngăn cấm, hoặc xây dựng những bức tường ngăn cách để chặn hay giảm bớt dòng người xuất và nhập cư. Điển hình bức tường Berlin ngăn đôi nước Đức bao năm! Rồi khi ông Donald Trump lên làm Tổng Thống, ông đã lập tức tìm cách soạn thảo luật cấm nhập cư vào nước Mỹ; và xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico dài 1600 km, sâu 3 mét, cao 15 mét dự trù hết hơn 10 tỉ USD hầu ngăn chặn những người nhập cư trái phép… Đôi khi còn xẩy ra các cuộc chiến tranh như chiến tranh giữa người bản xứ da đỏ, với người nhập cư da trắng đã xẩy ra ở châu Mỹ trước đây…

Giáo Hội Công Giáo với vấn đề di dân

Giáo Hội Công Giáo luôn ưu tư với mọi vấn đề của nhân loại, trong đó có vấn đề di dân.

Trong Hiến Chế mục vụ về Hội Thánh (Gaudium et spes) Công Đồng Vaticano II đã thể hiện điều đó: “Vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của cộng đồng môn đệ Đức Kitô, là cộng đồng thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại”. Từ đó, các Đức Giáo Hoàng, các vị chủ chăn sở tại luôn quan tâm đến di dân.Tổ chức Caritas Quốc tế; Caritas các nước, Caritas các giáo phận đã giúp đỡ tích cực lớp người di dân, vốn bị thiệt thòi nhiều về đời sống vật chất, tinh thần và thiêng liêng…Rồi mục vụ di dân ra đời…

Những cố gắng giảm bớt thách thức do di dân mang đến tại Việt Nam.

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã có những chương trình cụ thể: Mục vụ cho di dân tại đô thị nơi các giáo xứ, theo sự hướng dẫn của Ủy Ban Mục Vụ trực thuộc Hội Đồng giám mục Việt Nam. Những buổi sinh hoạt, nói chuyện, giảng dạy hay Thánh lễ dành cho di dân được tổ chức hàng tuần, hàng tháng. Điều đó giúp duy trì đức tin cho anh chị em di dân, và họ trách được lối sống hầu như hoàn toàn thực dụng, duy vật chất đang điên ra chung quanh họ…

Về phía nông thôn, đặc biệt những xứ đạo Công Giáo đang rộ lên những buổi họp lớp, họp bạn từ 5 năm, 10 năm, 15 năm, đến 20 năm sau ngày ra trường…Rồi con cháu từ khắp nơi về với ông bà, cha mẹ vào các dịp hiếu hỉ của gia đình, dòng họ và nhất là dịp Tết Ngyuên Đán… Không khí làng xóm lại trở nên vui tươi như mùa xuân bất tân…

Một số cha xứ ở vùng Cái Sắn hay về Sài Gòn qui tụ các nhóm đồng hương để gặp gỡ, thăm hỏi, trao đổi, sinh hoạt, hầu giúp anh chị em di dân giữ vững niềm tin, sống tốt đạo, đẹp đời…

Lời kết

Di dân là một trong những tương quan giữa người với người, cùng với môi trường đang diễn ra khắp nơi. Trong mối tương quan này, đòi buộc chúng ta không những phải sống công bằng, mà còn đòi chúng ta sống bác ái. Đó là tiếng nói của con tim chân chính. Sống theo tiếng nói của con tim chân chính luôn là một sự thách thức, khó khăn, không đơn gian, nhất là khi ta sống trong xã hội sự công bằng được đo bằng sự thật thà đã trở nên khan hiếm; sự dối trá và sự vô cảm thì quá dư thừa. Biết thế, song chúng ta vẫn phải cố gắng, vì ông bà ta đã từng nói: “không một bông hồng nào mà không có gai”.,.

Cursillista Inhaxio Đặng Phúc Minh

Exit mobile version