Chuyện hai môn đệ có dấu vết những hoài niệm về một vài môn đệ. Nhưng dưới ngòi bút của tác giả, truyện mang tính điển hình để chia sẻ với độc giả cái nhìn về đời môn đệ. Các biến cố xảy ra rất nhanh, trong cái khung giả tạo bảy ngày: các môn đệ đầu tiên đến gặp Đức Giêsu, rồi Đức Giêsu gọi Phêrô, Philípphê, Nathanaen. Cuối cùng toàn chương kết thúc với lời Đức Giêsu long trọng mạc khải về chính mình: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên sứ của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51).
Trước khi truyện đạt tới đỉnh cao này, tác giả ghi lại lời chứng của Gioan. “Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”” (Ga 1,36). Lời này nhắc lại lời nói trong hoạt cảnh ở c. 29, chỉ khác là thuộc về ngày hôm sau.
Ta thấy đây là “cấu trúc trôn ốc” quen thuộc của tác giả. Ngài thường xuyên trở lại với những đề tài cũ, cứu xét chúng từ những viễn tượng khác, thăm dò, và chia sẻ với các độc giả sự phong phú đặc biệt của những thực tại ngài đề cập đến (x. Ga 20,19-23).
Lời mời gọi và lời hứa của Đức Giêsu hết sức quan trọng: “Hãy đến và các anh sẽ thấy!”. Tất cả mọi chuyện đều nhắm đến cuộc gặp gỡ sống động và riêng tư. Đức Giêsu không giao cho những kẻ đi theo Người một quyển sách chứa đựng các giáo thuyết và điều luật phải học và phải tuân giữ, nhưng Người kêu gọi họ đi vào một tương quan riêng tư với Người, đi vào hiệp thông với Người. Phần họ, họ không được giữ một khoảng cách an toàn với Người để mà chỉ việc quan sát, nhưng phải dấn thân vào, phải đi với Người, phải đưa bước trên nẻo đường Người đi.
Việc Chúa kêu gọi không xảy ra tức khắc trong một lần, nhưng diễn tiến tuần tự, chậm rãi với mức độ tăng dần, tuỳ sự đón nhận của người nghe.
Thoạt tiên là một lời kêu gọi nhẹ nhàng qua một thiên hướng, một ước nguyện của người thân, một gương mẫu, một thần tượng. Ta thấy Anrê và Gioan, đó là thiên hướng đi tìm lý tưởng.
Sau đó, Chúa có thể dùng các trung gian dẫn ta đến với Chúa. Trong trường hợp Samuel, người trung gian là thày cả Hêli. Còn trong trường hợp Anrê và Gioan, thánh Gioan Baotixita đã làm trung gian đưa hai môn đệ đến với Đức Giêsu.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu là một biểu lộ của Tình Yêu. Ngài mời gọi chúng ta theo Ngài để sống thánh thiện, để chia sẻ hạnh phúc với Ngài. Ngài còn mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài trong công tác rao giảng Tin Mừng, cứu độ nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cách trực tiếp qua tiếng nói nội tâm của ta, với các sinh hoạt, các sự kiện, các biến cố trong đời sống của ta. Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta qua sự giới thiệu của người khác , bằng gương sáng lời dạy dỗ, khuyên răn, an ủi, khích lệ. Như Thánh Gioan Tẩy Giả đã dạy dỗ các môn đệ của ông, và khi có sự kiện cụ thể. Ông còn giúp các môn đệ nhận ra Chúa sâu xa bằng cảm nghiệm nữa, chứ không chỉ bằng tri thức mà thôi: Ông Goan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông, thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “ Đây Chiên Thiên Chúa”. Nghe vậy, hai môn đệ liền đi theo Đức Giêsu. Thấy các ông đi theo mình, Chúa Giêsu bắt chuyện trước: “ Cácanh tìm gì thế?” Họ đáp: “ Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Chúa Giêsu bảo họ: “ Đến mà xem”.
Họ đến xem chỗ Ngài ở và ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Như vậy, để trở nên môn đệ Chúa Giêsu, các ông đã thực hiện ba việc: Tìm kiếm Chúa tức là học hỏi, suy niệm về Chúa.
Sau khi gặp Đức Giêsu, Anrê vội vã đi tìm em là Phêrô để dẫn đến giới thiệu với Người. Từ đó, Anrê theo Đức Giêsu cho đến cuối đời. Ông đã đem chính mạng sống làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Ông đã đổ máu ra để chứng thực tình yêu ấy. Ông dám khước từ cuộc sống trần gian vì ông đã biết đến hạnh phúc đích thực trong tình yêu Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi đến sống thân mật với Người trong tình Cha-Con thắm thiết.
Bước theo Chúa tức là sống theo mẫu gương của Chúa. Ở lại với Chúa, tức là thuộc về Chúa trọn vẹn sống gắn bó với Chúa. Đó là những điều kiện rất cần thiết để ta hiểu Chúa, yêu mến Chúa, cảm nghiệm sâu xa về Chúa để nói về Chúa cho người khác cách đúng đắn, trung thực như Anrê nói với ông Simon “ Tôi đã gặp thấyĐấng Mêssia”cảm nghiệm ấy càng ngày càng thấm nhập vào lòng trí, tâm hồn các ông, nên khi gặp lại Chúa Giêsu bên bờ biển, khi các ông cùng với gia đình đánh cá, vá lưới, Chúamời gọi các ông: “ Hãy theo Ta”, các ông đã dứt khoát bỏ mọi sự đi theo Chúa Giêsu và trở nên cácmôn đệ đầu tiên của Ngài. Gặp gỡ, chiêm ngắm và ở lại với Chúa cũng là phương cách Chúa dùng để đào tạo các môn đệ nhiệt huyết của Ngài.
Nếu ta trung thành đáp trả mỗi khi nghe tiếng Chúa kêu gọi, Chúa sẽ tiếp tục gọi ta đi vào những đoạn đường mới, mỗi lúc một khó khăn hơn. Tiếng Chúa mời gọi mỗi lúc một mãnh liệt hơn, đòi hỏi ta phải trả lời mỗi lúc một dứt khoát hơn. Cho đến một thời điểm quyết định, Chúa sẽ đưa ra lời mời gọi cuối cùng đòi ta trọn vẹn dấn thân lên đường theo Chúa. Với Samuel, việc Chúa ba lần cất tiếng gọi chứng tỏ Chúa tha thiết muốn tuyển chọn ông. Với Anrê và Gioan, việc Đức Giêsu mời hai ông đến chỗ Ngài ở đã khiến hai ông phải dứt khoát với quá khứ để bắt đầu một giai đoạn mới.
Tuyệt đỉnh của ơn gọi không phải là làm việc cho Chúa, nhưng là sống thân mật với Chúa. Chúa không kêu gọi ta theo một chủ thuyết nhưng kêu gọi ta theo Chúa. Ta đến với Chúa không phải để học những bài học lý thuyết nhưng để tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống của Chúa là sự sống thần linh nâng ta lên hưởng nếm sự ngọt ngào của tình Cha – Con thắm thiết. Sự sống của Chúa là tình yêu đưa ta vào hạnh phúc của người biết mình được yêu thương.
Hạnh phúc sống trong tình yêu Thiên Chúa lớn lao đến độ biến đổi toàn bộ cuộc đời ta. Ai đã một lần nếm cảm sẽ không còn mơ ước điều gì khác nữa.
Sau khi được tiếp xúc thân mật với Chúa, trọn cuộc đời Samuel hoàn toàn dâng hiến cho Chúa. Sau một buổi chiều thân mật sống với Đức Giêsu, hai tông đồ Anrê và Gioan gắn bó với Người, cho đến chết vì Người.
Cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa rồi, ta sẽ không thể làm điều gì khác hơn là ra đi làm chứng về tình yêu đó. Giống như dòng suối sung mãn tràn xuống thành thác, tâm hồn tràn đầy tình yêu sẽ cất lên thành lời ca tụng, giới thiệu tình yêu Thiên Chúa cho mọi người.
Nói về Chúa Giêsu cho người khác biết. Ta thấy được gương tốt của Thánh Anrê tông đồ. Anrê đã đến và xem chỗ Chúa Giêsu ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy (Ga 1,39-40). Trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi này, Anrê đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia, nghĩa là Đấng Kitô. Anrê đã không thể không nói cho người thân của mình là Simon em ông biết (Ga 1,41). Chắc chắn hai anh em đã trao đổi với nhau về Chúa Giêsu, trước khi Anrê dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Gặp được Chúa Giêsu là đổi tên, là đổi đời: “Anh sẽ được gọi là Kê-pha (là Đá Tảng) (Ga 1,42).”.
Ta cầu xin Chúaban cho ta biết nghe tiếng Chúa mời gọi, và sẵn sàng từ bỏ mọi sự thế gian, sống theo Chúa, làm môn đệ của Chúa, giới thiệu Chúa cho người khác thật hăng say, cho nước Chúa lan rộng khắp nơi, và nhiều người được cứu độ. Đó là những đòi hỏi của Mầu Nhiệm Giáng Sinh đang thúc bách ta.
Huệ Minh