Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành

Basilica Papale di San Paolo fuori le Mura - Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành

Đền thờ được xây trên mộ của thánh Phaolô, tử đạo năm 67 dưới thời hoàng đế Neron, theo sử gia Eusebio thành Cesarea. Các chương từ 21 tới 28 sách Công vụ các Tông Đồ cho biết thánh Phaolô lên Giêrusalem, bị người Do thái bắt và tìm cách giết. Nhưng vì là công dân Roma nên thánh nhân được giao cho tổng trấn Felice ở Cesarea xét xử. Tổng trần Felice giam thánh nhân ở đây và chờ được hối lộ tiền nên không cho xét xử vội. Khi thấy người do thái tiếp tục gây áp lực để giết mình, thánh Phaolôkháng án lên hoàng đế Neron. Thánh nhân được tổng trấn Festo thay thế tổng trấn Felice xét xử, và cũng có dịp trình diện vua Agrippa và hoàng hậu Berenice là người Do thái. Ngài cũng rao giảng Chúa Kitô phục sinh cho vua và hoàng hậu nghe, và nói hay tới độ nhà vua bảo: “Chút nữa là ông thuyết phục tôi trở thành kitô hữu rồi đấy (Cv 23-26).

Biết là thời tiết xầu và nguy hiểm thánh Phaolô đề nghị quan thuyền trưởng Roma không nên mạo hiềm nhưng nên rán chờ lúc thuận tiện hơn. Nhưng ông này không nghe và cứ ra lệnh cho tầu ra khơi. Trên đường về Roma tầu gặp bão, rồi giạt vào đảo Malta. Nhờ quan thuyền trưởng có cảm tình với thánh Phaolômà không có tù nhân nào bị giết (Cv 27-28). Trong khi lưu lại đảo thánh nhân đã chữa cho ông thân sinh của quan Publicio và các người đau tại đây lành bệnh. Tới Roma trong khi chờ đợi được hoàng đế xét xử, thánh Phaolô bị quản thúc hai năm. Ngài thuê nhà trong khu phố của người Do thái, có lính canh, và được tự do rao giảng và gặp gỡ người do thái cũng như các tín hữu. Thánh nhân đã bị hoàng đế Neron ra lệnh chém đầu tại Tre Fontane, và được chôn cất trên đường Ostiense, tại nơi có đền thờ dâng kính ngài hiện nay. Tên gọi Tre Fontane, Ba Suối phát xuất từ sự tích khi đầu thánh nhân rơi xuống đã nhảy ba vòng, từ đó vọt lên 3 con cuối một cách lạ kỳ. Tín hữu đem chôn ngài tại nghĩa trang trên đường Ostiense, cách Tre Fontane vài cây số.

** Khu vực này đã là một nghĩa trang ngoài trời rất rộng, được sử dụng liên tục giữa các thế kỷ I-III, và sau đó thỉnh thoảng được sử dụng lại để xây các lăng tẩm trong các thế kỷ tiếp theo. Bên dưới đền thờ và các khu vực chung quanh còn có ít nhất 5.000 ngôi mộ. Trong tác phẩm Lịch sử Giáo Hội sử gia Eusebio có trích dẫn thư của linh mục Gaio dưới thời ĐGH Zefirino nói rằng thi hài của thánh Phêrô được chôn cất trên đồi Vaticang, trong khi thi hài thánh Phaolô được chôn cất dọc đường Ostiense; và cả hai nơi mau chóng trở thành địa điểm hành hương liên tục của các kitô hữu ngay từ thế kỷ thứ I.

Các Vương cung thánh đường được xây theo hình Basilica tức Công đường thời đế quốc Roma. Nó là chỗ gặp gỡ hội họp, là nơi sinh hoạt công cộng, có thể diễn thuyết, buôn bán, làm xiệc vv…Công đường thường gồm 5 gian dọc, gian chính giữa rộng, hai gian hai bên hẹp hơn. Cũng có loại gồm 3 gian.

Đền thờ đầu tiên rất nhỏ do hoàng đế Costantino xây năm 324 trên mộ của thánh Phaolô, và được ĐGH Silvestro thánh hiến ngày 18 tháng 11 năm 324. Cung thánh nhà thờ này ngược với nhà thờ hiện nay, như có thể trông thấy truớc quan tài đựng xương của thánh nhân dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin.

Năm 386 hoàng đế Teodosio I, Graziano và Valentiniano II cho xây một đền thờ rộng lớn hơn, được trang hoàng với các bức khảm đá mầu. Đền thờ được ĐGH Siricio thánh hiến năm 390, và được hoàng đế Onorio hoàn thành năm 395.

Sau đó vào thế kỷ thứ V ĐGH Leo Cả (440-461) cho nâng cao gian ngang lên, để cho thấy bàn thờ ở ngay trên mộ của thánh Phaolô, cũng như cho xây thêm khải hoàn môn, và cho làm các bức khảm đá mầu hình của tất cả các Giáo Hoàng dọc theo gian giữa của đền thờ.

ĐGH Leo III cho trang hoàng đền thờ lộng lẫy hơn. Vào thế kỷ thứ IX đền thờ bị cướp phá, ĐGH Gioan VIII cho xây chiến luỹ chung quanh gọi là Giovannipoli.

** Đêm 15 rạng ngày 16 tháng 7 năm 1823 đã xảy ra một trận hoả hoạn thiêu rụi gần hết đền thờ, do sự bất cẩn của một người thợ hàn quên tắt ngọn lửa ông dùng để làm việc. Vụ hoả hoạn kéo dài 5 giờ đồng hồ. Khi ông Giuseppe Perna một người chăn bò gần đó báo động, hai giờ sau đội lính cứu hỏa mới tới nơi. Gian giữa và gian trái đền thờ hoàn toàn bị thiêu hủy, nhưng gian ngang vẫn không bị cháy, cung thánh, khải hoàn môn, sân trong đền thờ và chân nến PhụcSinh cũng như tàn bàn thờ bằng đá do Arnolfo di Cambio tạc, và một số các bức khảm đá mầu không bị hư hại. Tin đền thờ bị cháy đã không được báo cho ĐGH Pio VII, bị ngã gẫy chân ngày mùng 6 trước đó, và qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1823.

Đền thờ như hiện nay đã do ĐGH Leo XIIgiao cho các kiến trúc sư Pasquale Belli, Bosio và Camposeri xây lại theo kích thước và hình dạng cũ. Hình dạng đền thánh hiện nay phần lớn là do kiến trúc sư Luigi Poletti thực hiện. Ngày 25 tháng giêng năm 1825 Đức Leo XII công bố thông điệp“Ad plurimas” kêu gọi kitô hữu toàn thế giới quảng đại trợ giúp ngân khoản tái thiết đền thờ.

Nga hàng Nicola I dâng cúng hai tảng đá Malakít Khổng tước xanh để trang hoàng hai bàn thờ cạnh ở gian ngang, Phó vương Ai Cập dâng cúng 4 cây cột bằng thạch cao trang hoàng bên trong hai bên cửa chính. Đầu cột trang hoàng theo kiểu Corintô.

Kiểu trang hoàng này do kiến trúc sư Callimaco người Hy Lạp sáng chế ra. Người ta kể rằng vào thế kỷ thứ V trước Công Nguyên tại Corintô có một thiếu nữ xinh đẹp qua đời. Bà vú nuôi rất thương nên khi an táng cô xong bà đặt trên mộ một giỏ bánh trái và lấy một tấm khăn trùm lên trên. Năm sau đó khi tình cờ đi ngang mộ của cô kiến trúc sư Callimacô trông thấy một cây Trường Sinh Phong tín tử Hyacinthe mọc lên từ mộ đẩy giỏ bánh lên cao. Hình thù ấy gợi hứng cho ông chế ra kiểu trang hoàng đầu cột gọi là kiểu Corinto mà chúng ta thấy ngày nay.

** Năm 1840 ĐGH Gregorio XVI thánh hiến gian ngang và bàn thờ tuyên xưng đức tin. Năm 1854 ĐGH Pio IX thánh hiến toàn đền thờ nhân dịp công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhưng việc xây cất tiếp tục cho tới năm 1874 với các bức khảm đá mầu mặt tiền; và tiền đường với 150 cây cột trang hoàng đã chỉ được thực hiện năm 1928.

Mặt tiền quay ra sông Tevere có khuôn viên vuông được trang hoàng với 150 cây cột bằng nham thạch, đồ sộ, oai nghiêm, theo kiểu các dinh thự xưa kia, do Guglielmo Calderini thực hiện giữa các năm 1890-1928 theo đồ án của Luigi Poletti. Tiền đường chỉ có một hàng gồm các cột lớn hơn bằng nham thạch hồng, trong khi ba mặt gồm hai hàng cột. Phía trước có các bức khảm đá mầu hình của Chúa Giêsu và 12 Tông Đồ.

Chính giữa sân là tượng thánh Phaolô cầm gươm lời Chúa bằng cẩm thạch Carrara, do Giuseppe Obici tạc. Bốn góc là tượng của bốn thánh sử. Chỉ còn thánh Luca và con bò.

Các bức khảm đá mầu làm năm 1885 theo mẫu vẽ của F. Agricola và N. Consoni. Chúa Giêsu ở chính giữa tay trái cầm Sách Phúc Âm, tay phải ban phép lành theo kiểu vẽ icône bisantin. Hai bên là hai Tông Đồ Phêrô cầm chìa khóa Nước Trời và Phaolô cầm guơm lời Chúa.

Bên dưới là Chiên Con biểu tượng cho Chúa Giêsu Kitô Chiên Con bị sát tế trên núi có nước hằng sống chảy ra giải khát cho đoàn chiên là các tín hữu.

Dưới nữa là bốn Thánh Sử Mátthêu, Marcoo, Luca và Gioan.

Hàng cột nâng mái tiền đường bằng nham thạch mầu hồng. Ai muốn biết mình lớn bao nhiêu thì ôm cột chụp hình sẽ biết.

Trần tiền đường được trang hoàng bằng các hình hộp. Các hộp này cũng đồng thời là loa phóng thanh tự nhiên.

Cửa chính giữa bằng đồng dát bạc cao 7 mét 48 rộng 3 mét 35, có các bức chạm trổ kể lại cuộc đời hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và cảnh hai vị tử đạo, do Antonio Maraini tạc năm 1931: thánh Phêrô bị đóng đanh ngược đầu xuống đất và cảnh thánh Phaolô bị chặt đầu. Thêm vào đó là vài cảnh khác trong cuộc đời của hai vị.

Hai bên có hai tượng thánh Phêrô và Phaolô với đôi mắt quắc thước và các gân tay rất sống động.

Cửa Thánh phiá bên trái có tạc vài cảnh trong cuộc đời của thánh Phaolô: phía trên bên trái thanh niên Saul giữ áo cho những người ném đá Phó tế Stefano, phiá trên bên phải Phaolô gặp Chúa Kitô phục sinh trên đường đến thành Damasco để bắt bớ các Kitô hữu, bị đánh té ngựa và bị mù mắt. Phiá dưới bên trái Phaolô về Giêrusalem gặp thánh Phêrô; phiá dưới bên phải Phaolô bị hoàng đế Neron ra lệnh chém đầu tại Tre Fontane năm 67.

Cửa bên phải thuộc thế kỷ XI là cửa cổ xưa nhất, gồm 54 ô có khắc các cảnh cuộc đời Chúa Giêsu và các Tông Đồ, gọi là Cửa Bisantina và là cửa chính cho tới năm 1967. Từ nhiều năm nay cửa này được cất giữ trong viện bảo tàng. Thay vào đó là Cửa Thánh mới có hình Đức Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI.

** Bên trong đền thờ rất đẹp hình thánh giá Ai Cập dài 131 mét 66, rộng 65 mét và cao 29 mét 70, gồm 5 gian dọc. Hai bên gian giữa là hai hàng 80 cây cột nham thạch lớn. Trần bằng hồ giả cẩm thạch mầu trắng và vàng, chính giữa có huy hiệu của ĐGH Pio IX. Trên tường có các cửa sổ và 36 bức tranh kể lại cuộc đời thánh Phaolô, do nhiều họa sĩ khác nhau vẽ theo lệnh của Đức Pio IX và hoàn thành năm 1860. Bên dưới là hàng các mề đai khảm đá mầu hình của 266 Giáo Hoàng, từ thánh Phêrô cho tới Đức Phanxicô. Chúng đã được bắt đầu làm năm 1847 trong thời Đức Pio IX theo mẫu đã có trong đền thờ cũ. Các cửa sổ kính mầu do ông Antonio Moroni làm năm 1830 đã bị vỡ hết, sau vụ kho đạn Forte Portuense nổ ngày 23 tháng 4 năm 1891, và chúng được thay thế bằng các mảnh thạch cao.

Khải hoàn môn khảm đá mầu có hai cây cột khổng lồ bằng nham thạch chống đỡ, do Galla Placidia xây, trên đó có viết “Teodosio bắt đầu, Onorio hoàn thành – phòng được thánh hiến bởi thi hài Phaolô tiến sĩ thế giới”. Ngoài ra còn có câu “Tâm trí đạo đức của Placidia vui mừng về việc trang hoàng công trình của thân phụ với tất cả sự huy hoàng bởi sự lo lắng của ĐGH Leo”. Trận hoả hoạn đã khiến cho bức khảm đá mầu thuộc thế kỷ thứ IV đẹp hơn. Chính giữa khải hoàn môn bên trong hào quang toả sáng là Chúa Kitô giơ tay ban phép lành theo kiểu vẽ icône hy lạp, hai bên có hai thiên thần thờ lậy, và 4 huy hiệu của các thánh sử: bên trái là con bò của thánh Luca, thiên thần của thánh Mátthêu, bên phải là chim đại bàng của thánh Gioan và con sư tử của thánh Marcô. Dưới nữa là 24 bô lão đứng thành 4 nhóm 6 người, mỗi bên 2 nhóm, mang khăn quàng và cầm triều thiên, như tả trong sách Khải Huyền. Cuối cùng bên dưới là thánh Phaolô bên trái, và Phêrô bên phải.

Phiá trước Khải hoàn môn là tượng hai thánh Phêrô do Iacometti tạc,và Phaolô do Revelli tạc. Mặt sau khải hoàn môn còn vết tích các bức khảm đá mầu của Pietro Cavallini. Chính giữa Chúa Giêsu ban phép lành có các thiên thần chầu hai bên. Hai thánh Phêrô và Phaolô.

Bên phải bàn thờ tuyên xưng đức tin có chân nến Phục Sinh tuyệt đẹp do Nicola di Angelo và Pietro Vassaletto tạc hồi thế kỷ XII.

Bên trên bàn thờ tuyên xưng đức tin là cái tán do Arnolfo di Cambio và Pietro Cavallini tạc năm 1285. Đây là thí dụ điển hình của nghệ thuật điêu khắc vùng Toscana, trung Italia, hồi thế kỷ XIII.

** Dưới bàn thờ là mộ thánh nhân bên trên có tấm bia mộ khắc “Phaolô Tông Đồ tử đạo”. Phía trên còn lưu giữ một khúc xích của thánh nhân trong suốt hai năm bị tù tại Roma. Truớc khi nhà thờ bị cháy có hai lối vào hai bên, tín hữu có thể đi vòng ra phiá sau sờ tay vào quan tài đựng hài cốt thánh nhân. Khi xây lại người ta đã bít hai lối vào. Hồi Năm Thánh 2000 tín hữu đã đề nghị mở lại hai lối vào. Năm 2006 người ta đã đào bới để lộ cung thánh đền thờ do hoàng đế Costantino xây hồi thế kỷ IV, ngược chiều với đền thờ hiện nay, cũng như cho thấy quan tài đá đựng xuơng thánh Phaolô.

Mặt sau khải hoàn môn là bức khảm đá mầu của Pietro Cavallini. Chính giữa Chúa Giêsu ban phép lành có các thiên thần chầu hai bên. Hai thành Phêrô và Phaolô.

Trong cung thánh có bức khảm đá mầu do các chuyên viên Venezia làm năm 1220 dưới thời ĐGH Onorio III (1216-1227). Chính giữa là Chúa Kitô tay trái cầm sách Phúc Âm tay phải ban phép lành theo kiểu vẽ hy lạp, dưới chân Ngài là ĐGH Onorio III đang thờ lậy. Bên phải là hai thánh Phêrô và Anrê, bên trái là hai thánh Phaolô và Luca. Phía dưới là hình thánh giá dát ngọc đặt trên bàn thờ, hai thiên thần và Mười Thánh Tông Đồ, đan sĩ Ardinolfo và 5 Thánh Vô Tội. Ngai giám mục với hình chạm nổi là của Pietro Tenerani. Bên trên là tranh vẽ của Vincenzo Camuccini.

Trong gian ngang trần và tường có dát đá cẩm thạch mầu đẹp và hiếm, cũng như các cột trụ kiểu Ionien đều thuộc đền thờ cũ xưa kia. Hai đầu gian ngang là hai bàn thờ bằng đá khổng tước và ngọc lưu ly Lapis lazuri, do nga hoàng Nicola I dâng tặng.

Trong gian ngang bên trái có nhà nguyện I dâng kính thánh Stephano có tượng thánh nhân do Rainaldi tạc. Nhà nguyện II dâng kính Thánh Giá do Maderna xây. Chính trong nhà nguyện này thánh Ignazio đã cùng 4 bạn đầu tiên khấn trọn đời ngày 22 tháng 4 năm 1541. Bên phải cung thánh có tượng thánh Phaolô bằng gỗ thuộc thế kỷ XIII. Trên bàn thờ có thánh giá thời Trung Cổ.

Gian ngang bên phải nhà nguyện I dâng kính thánh Lorenzo, do Gugliemo Calderini xây, có tranh ba cánh bằng cẩm thạch thuộc thế kỷ XV.

** Nhà nguyện II dâng kính thánh Biển Đức, ông tổ phong trào viện tu bên Tây Phương, có vẻ khắc khổ, do kiến trúc sư Poletti xây, mô phỏng theo căn phòng của một đền thờ ngoại giáo. Các cột lấy từ Veio về. Cạnh cửa nhà nguyện có tượng quỷ đang sợ hãi che mặt khi thấy một em bé giơ tay chấm nước thánh. Ma quỷ rất sợ ba thứ: nước thánh, Thánh Giá và Mình Thánh Chúa.

Trên bàn thờ gian ngang bên phải có bức vẽ cảnh Chúa Giêsu đội triều thiên cho Đức Mẹ của họa sĩ Giulio Romano. Tượng thánh Biển Đức và thánh Scolastica, em gái thánh nhân, do hai điêu khắc gia Gnaccarini và Baini tạc.

Bên trái bàn thờ là cửa vào nhà nguyện hồ rửa tội với các bức bích họa thuộc thế kỷ XV. Các bức khảm đá mầu trên nền nhà nguyện thuộc thế kỷ XIII. Phòng bên cạnh có tượng ĐGH Gregorio XVI do Rinaldi tạc. Cửa bên phải bàn thờ dẫn vào sân trong của tu viện các cha dòng Biển Đức. Nó nhỏ hơn nhưng được bảo trì kỹ hơn sân trong tu viện cạnh đền thờ thánh Gioan Laterano. Hành lang chung quanh sân trong trang hoàng các cột sóng đôi chạm trổ và dát đá mầu theo đủ hình dạng rất mỹ thuật và công phu. Nó được kiến trúc sư Pietro Vassaletto khởi công xây cất dưới thời Đức viện phụ Pietro da Capua và hoàn thành năm 1214. Trên tường trưng bầy các bia mộ, bản khắc và di tích cổ, trong số đó có tượng ĐGH Bonifacio IX, quan tài đá của Pierre de Léon bên trên có chạm trổ hình Apollon và Marsyas, vài quan tài bằng đá, hay bằng vữa, và các hộp đựng tro người chết. Bên trái là gian hàng bán tượng ảnh và viện bảo tàng nhỏ trưng bầy các bức tranh còn sót lại sau vụ hỏa hoạn, cũng như một số tài liệu, các sách hát lễ chép tay, và các bản khắc kể lại công trình xây cất đền thờ và cảnh hoả hoạn năm 1823. Bên cạnh có một phòng nhỏ trưng bầy hài cốt các thánh, trong đó có nhiều sĩ quan và bính lính Roma tử đạo. Trong tu viện còn giữ cánh cửa đồng của đền thờ cũ do Staurakios chạm trổ bên Costantinopoli năm 1070, nhưng bị hư hại nhiều trong vụ hoả hoạn năm 1823.

Trên lối ra bạn đi qua bức tường cũ dầy gần 3 mét thuộc đền thờ cũ do hoàng đế Costantino xây hồi thế kỷ thứ IV. Tiếp đến có các bức hình kể lại lịch sử tu sửa, nâng cao gian ngang đền thờ, vị thế của bàn thờ chính trên mộ của thánh Phaolô, tấm bia mộ, cũng như hình vụ hoả hoạn và cảnh đền thờ bị thiêu rụi. Dọc lối đi ra làdấu tích các đầu cột bị hư hại trong vụ hoả hoạn và một số cột gẫy đổ còn lại. Bên trái dưới lòng đất vùng đào khảo cổ là các dấu tích của đan viện Biển Đức có từ thế kỷ thứ VI tới thứ XVII.

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 04.08.2017)

Exit mobile version