“Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều”. (Mt 20,20)
Dẫn vào
Sống ở đời, người ta thường nói về những cám dỗ chết người như sau: “Ruồi chết vì mật ngọt, đàn bà chết vì đàn ông khéo, đàn ông chết vì đàn bà đẹp…”. Đến khi bị sa chước cám dỗ, người ta lại biện bạch: “Hãy để lửa thử vàng, vàng thử đàn bà, đàn bà thử đàn ông…”.[1] Nói khác đi, trong nhân gian luôn có một thứ chuẩn mực nào đó để lý luận, khuyên dạy phải trái, đo lường những giá trị.
Tuy nhiên, đâu mới là chuẩn mực tốt nhất để ta lấy đó làm lẽ sống trong đời; thế nào mới là khôn ngoan chính trực; ứng xử làm sao cho đúng với những thăng trầm tất yếu của cuộc đời. Bởi chưng, người tốt thường chẳng cần phải luôn khéo miệng, kẻ xấu mới có xu hướng che đậy, nên cố nói sao cho hay, có khi thành “đại ngôn ngoa ngữ”.
Thật ra, nhân đức hệ tại trung dung (virtus in medio stat) mà.[1] Chuẩn mực tuyệt đối chỉ có nơi Thiên Chúa. Vâng, “Bỏ hết mọi sự mà theo giai, theo gái chắc chắn là dại; theo các bậc thầy thế sự thì chưa chắc đã là khôn; nhưng theo Chúa Giê-su thì… vừa dại vừa khôn: dại vì sẽ trở nên nghèo khó, khôn vì “biết mua sắm Nước Trời”.[1]
Vậy, nếu được đến gặp Đức Ki-tô Giê-su, bạn sẽ xin Người điều gì; nếu được vào vai “bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê”, chúng ta sẽ xin Chúa điều gì cho công việc tông đồ của chúng ta trong giáo xứ, giáo phận của mình?
Đến gặp Đức Ki-tô Giê-su
Khi chặt chẽ tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức ở đời, người chính trực ở đời được coi là người có đức tính công chính, trung thực.[1] Tuy nhiên, chính trực trong đức tin Ki-tô giáo lại phải là sự hòa quyện của công chính và trung thực theo chuẩn mực đạo đức của Tin Mừng Đức Ki-tô Giê-su. Đó mới là đẳng cấp cao nhất của chính trực. Vì thế, nếu muốn biết thế nào là chính trực đích thực, thì việc cần làm là hãy đến gặp Thầy Giê-su, “rất mực hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
Và vì thế, đừng như “bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê”, đừng đến gặp Đức Ki-tô Giê-su chỉ vì chức tước, bổng lộc trần thế, đừng chỉ đến vì mong cho hai con mình, một đứa được ngồi bên hữu, một đứa được ngồi bên tả của Thầy Giê-su “trong vinh quang nước Người”. Thật vậy, đừng bắt Chúa phải làm việc gì đó không thực sự ích lợi cho phần linh hồn chúng ta. Muốn thay đổi, hãy cầu xin ơn Chúa cho chúng ta biết cộng tác với ân sủng Chúa ban để chính mình được thay đổi trước, cải quá tự tân, dốc lòng dốc sức thực hiện công cuộc canh tân.
Có một câu chuyện kia kể rằng: Khi thượng đế muốn thay đổi vận mệnh của một kẻ ăn xin nọ, ngài bèn hóa thân thành một lão già để đến gặp anh ta. Thượng đế hỏi: “Nếu có người cho anh một triệu đồng, anh sẽ dùng món tiền này như thế nào?” Kẻ ăn xin đáp: “Được vậy thì tốt quá, tôi sẽ mua một chiếc điện thoại rẻ tiền nào đó để xài tạm”. Thượng đế hỏi tại sao lại muốn mua điện thoại, kẻ ăn xin đáp: “Tôi dùng điện thoại để liên lạc với các khu vực trong thành phố, nơi nào đông người, tôi sẽ tới đó ăn xin”. Thượng đế lại hỏi: “Thế nếu ta cho anh một trăm triệu đồng thì sao?”. Tôi sẽ mua một chiếc xe, để bất cứ nơi đâu, dù xa mấy tôi cũng sẽ tìm đến cho bằng được để xin ăn”. “Nhưng nếu ta cho cả ngàn ngàn tỷ đồng thì sao?”, Thượng đế kiên nhẫn hỏi. Nghe được câu nói đó, kẻ ăn xin chợt mơ màng một hồi lâu, rồi đôi mắt rực sáng bất ngờ: “Tuyệt quá, ngài ạ, tôi sẽ mua cả khu phố này”. Thượng đế chưa kịp hài lòng… thì kẻ ăn xin bèn nói tiếp: “Ngài biết không, lúc đó, tôi sẽ đuổi hết những tên ăn mày khác ra khỏi lãnh địa của mình, không để bọn chúng cướp đi miếng cơm độ nhật của tôi nữa”. Nghe xong, thượng đế bèn bó tay, bịt miệng, lắc đầu… và lẳng lặng bỏ đi.
Thế đấy, đến gặp Đức Ki-tô Giê-su để làm gì nếu việc ấy không làm thay đổi cuộc đời mình, không làm thay đổi tận căn. Đến gặp Đức Ki-tô Giê-su để xin Người điều này điều nọ để làm gì, nếu việc ấy không làm cho mình nên người chính trực, có ích cho đạo, cho đời, cho những người xung quanh, và cho chính mình. Đến gặp Đức Ki-tô Giê-su, chúng ta hãy xin Người một điều. Điều ấy hãy là hạnh phúc vĩnh cửu.
Xin Người một điều…
Muốn sở đắc hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, chúng ta hãy bắt đầu từ đời này. Thật vậy, đừng để vụng múa rồi chê “đất lệch”.[1] Đời không thiếu những cơ hội, thay đổi cuộc đời bắt nguồn từ việc thay đổi tư duy. Thay đổi tư duy “đúng việc, đúng cách” là khi biết chạy đến với Chúa Giê-su và “xin Người một điều”: xin ơn được nếm thử ngay tại thế hồng ân Nước Trời. Tuy nhiên, “Không vào được Nước Trời / Nếu không nên nhỏ bé / Nếu không nên bé nhỏ / Dù Nước Trời rất to / Dù Nước Trời có đó / Không được vào ai ơi / Ai đã được lời mời / Đừng nên dại từ chối / Mà thành kẻ nói dối / Mà thành người nói điêu / Vì dối lòng khao khát… / Và sẽ bị chối từ”.[1] Kiểu từ chối như thế cũng là thiếu chính trực với chính bản thân, rơi vào cái bẫy mà sách Khôn Ngoan đã cảnh báo: “Ta hãy…
… gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.[1]
Nghĩa là, không như “bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su…” để xin công danh trần thế “bên hữu bên tả”:[1] “Không màng công danh người trực tính / Biết sứ vụ mình là tiền hô / Hoang mạc cằn khô người tu luyện / Dọn đường Chúa đến mình rút lui / Giữa những buồn vui đời giăng mắc / Chọn đúng thời khắc chọn đúng nơi / Chọn để nói lời thẳng “Hai Lúa” / Đây Chiên Thiên Chúa gánh tội đời”.[1]
Thế cũng có nghĩa là chính trực, được hiểu là thẳng thắn.[1] Trong cách hiểu này, lòng chính trực là một trạng thái nội tâm “hoàn hảo” bắt nguồn từ sự quy chiếu về Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất Hoàn Hảo.
Để kết
Chuẩn mực tốt nhất để sống trong đời là chuẩn mực nơi Thiên Chúa. Vì thế, nếu được đến gặp Đức Ki-tô Giê-su, và xin Người một điều… thì điều ấy hãy là khôn ngoan, công bằng, đại đảm, tiết độ; nghĩa là xin ơn hạnh phúc vĩnh cửu. Vâng, khôn ngoan để phân định các nhu cầu và thách đố; can đảm nhận vào mình công việc phục vụ “vất vả vẫn vui vẻ”; tiết độ trong mọi tình huống buồn vui cuộc đời; đó là công bằng công lý: “Bao nhiêu phần trăm là công lý / Bao nhiêu phần trăm là công bằng / Bao nhiêu phần trăm là bác ái / Bao nhiêu phần trăm là yêu thương / Để ta có kết quả là hòa bình / Để ta có hoa trái là bình an. / Để góp phần xây dựng hòa bình cho thế giới / Để góp phần kiến tạo bình an cho nhân gian / Ta hãy giữ công lý và bác ái / Ta hãy sống công bằng và yêu thương”.[1]
Đối với công việc tông đồ của giáo xứ, giáo phận chúng ta thì cũng vậy, nhất là những khi gặp khó khăn, thách đố: hãy đến gặp Đức Ki-tô Giê-su, và xin Người “một điều”. Đừng để “Vụng chèo khéo chống, nói hay hơn làm”; cũng “Đừng chê đất lệch làm gì, múa hát cho giỏi sánh bì diva”.
Câu hỏi giúp thảo luân
1. Khi gặp thách đố về hiệp nhất: hay ganh tị, nói hành nói xấu, mất đoàn kết…, quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ cần phải làm gì, cách riêng trong tinh thần Mùa Chay?
2. Bạn có hay “đến gặp Đức Ki-tô Giê-su” không? Siêng năng cầu nguyện chứ? Nếu có một điều ước tất sẽ được, bạn sẽ ước nguyện thế nào?
20-3-2019, GTHH