Đêm thiêng

thanhtay - Đêm thiêng

Loạt bài này khởi đi từ mối bận tâm giúp các cháu nhỏ hiểu rõ giáo lý mạc khải về việc Chúa đến lần thứ hai, và cũng nhằm giúp các phụ huynh ôn lại tầm mức quan trọng của sự thật này để sống và hướng dẫn con em. Trong Kinh thánh Tân ước, phần nói về điều này được tìm thấy nơi bài giảng của Chúa về thời cánh chung, ở cuối ba sách Tin mừng Nhất lãm, và nơi Sách Khải Huyền, quyển cuối cùng của bộ Kinh thánh, cuối phần Tân ước. Khải Huyền có nghĩa là tỏ lộ những điều huyền diệu. Điều huyền diệu được trực tiếp trình bày nơi sách này không phải là chính cuộc quang lâm của Chúa nhưng là những thử thách các tín hữu gặp phải trong thời cuối cùng. Nơi thử thách này, họ được chính Thiên Chúa bênh vực và cứu giúp.

Như thế, mục tiêu quyển sách nhắm đến là để an ủi, nâng đỡ các tín hữu, giữa những thời buổi khủng hoảng, biết hướng đến thành tựu cuối cùng trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa mà vững tâm tiến bước. Tình cảnh Giáo hội đang trải qua lúc này là một trong những thời điểm khủng hoảng trầm trọng, cần đến ánh sáng của quyển sách này. Mời quý độc giả xem bài dẫn nhập ngắn của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, đính kèm cuối bài.

Soi mình qua những cộng đoàn

Sách Khải Huyền[1] gồm 22 chương: Ba chương đầu là lời mời gọi hoán cải gửi đến toàn thể Dân Chúa, được đại diện bởi bảy giáo đoàn tiêu biểu cùng với các vấn đề họ cần hoán cải. Những khó khăn thử thách chung của Dân Chúa nơi các cộng đoàn soi sáng cho những thử thách riêng của mỗi người.

Cả bảy tin nhắn gửi bảy cộng đoàn đều nhắc đến phần thưởng dành cho người tín hữu chiến thắng. Thêm nữa, năm lần Chúa nhắc lại lời hứa sắp đến (Kh 2,5; 2,16; 2,25; 3,3; 3,11). Khi cộng đoàn gặp sóng gió bão táp trên biển đời, Chúa bước trên sóng đến với họ (x. Mt 14,22-33). Với tâm hồn tín hữu, Chúa đến dùng bữa tối với họ: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Đây là việc Chúa thân mật viếng thăm từng tín hữu, thiết thân như bạn tình với bạn tình, như từng được viết trong sách Diễm Ca của Cựu ước:

“Tôi đã ngủ nhưng lòng tôi vẫn thức

Kìa tiếng người yêu gõ cửa đêm thanh:

“Bạn lòng, em ơi, hãy mở cho anh,

Bồ câu anh ơi, hỡi người diễm hạnh!

Vì đầu anh sương đẫm,

Và tóc anh đầy những giọt ban đêm.”

(Dc 5,2)

Với những tin tức đang làm rúng động cả Hội thánh từng ngày, Chúa đang về trong đêm của riêng mỗi chúng ta và cả trong đêm của Hội thánh.

Thế nhưng, theo trải nghiệm của truyền thống tâm linh trong Hội thánh Công giáo, đêm là cơ hội của ơn thanh tẩy và cũng là cơ hội của đức tin. Bài này chia làm hai: phần đầu nói về việc đón nhận ơn thanh tẩy và phần sau nói về sức mạnh của đức tin.

Trong đại cuộc của Thiên Chúa

Đêm là một thực tế ngoài tầm kiểm soát của ta. Nó ập xuống khi đến giờ của nó, dù ta có muốn đuổi nó đi cũng không được. Hiểu như thế, ta sẽ đón nhận nó cách bình thản, không hoảng hốt ngạc nhiên.

Kinh nghiệm cũng dạy ta rằng, một đàng, đêm có thể đẩy ta vào hoang mang sợ hãi, nhưng ngược lại, nó cũng có thể tạo dịp cho ta có một bữa tối ấm cúng với Chúa khi ta biết “nghe tiếng Chúa và mở cửa cho Ngài” (x. Kh 3,20).

Theo Thánh Gioan Thánh Giá, để nghe đúng tiếng Chúa, ta cần nhớ đêm trên lộ trình tâm linh của người tín hữu “cũng gồm ba phần như đêm thường vậy. Phần thứ nhất, đêm giác quan, sánh được với phần trước nửa đêm, khi ta không còn bận tâm tới sự vật chung quanh. Phần thứ hai, đêm đức tin, sánh được với lúc nửa đêm, hoàn toàn tăm tối. Và phần thứ ba giống như rạng đông, mà sau đó tiếp liền là ánh sáng ban ngày, tức là Thiên Chúa” (1 Đường lên núi Cát Minh 2,5)[2].

Từ ghi nhận ấy, và đem đối chiếu song song với sách Khải Huyền, ta có thể đọc được ba nội dung nơi đêm đen hiện nay của Dân Chúa. Ta nói là ba nội dung chứ không phải ba phần, vì chúng không tuần tự theo thời gian nhưng có sự khác biệt tùy thái độ đón nhận và hưởng ứng của mỗi người:

– Nội dung thứ nhất là những thử thách có tác dụng thanh tẩy. Nội dung này gồm 15 chương 4-18 trong sách Khải Huyền: Các thị kiến về cuộc đấu tranh sàng lọc Dân Chúa (chương 4-16), rồi Babylon bị trừng phạt (chương 17-18).

– Nội dung thứ hai là cuộc vượt qua trong đức tin, vượt từ ngày cũ sang ngày mới. Nội dung này gồm gần bốn chương 19,1-22,15: Các dân ngoại bị tiêu diệt (chương 19-20) và viễn ảnh thế giới vĩnh cửu (chương 21-22).

– Nội dung thứ ba chỉ được thông báo rất ngắn ngủi trong mấy câu cuối: 22,16-20.

Ghi nhận của Thánh Gioan cũng phảng phất chút gì đó của đêm cuối năm trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đêm chuyển từ năm cũ sang năm mới, cũng có ba phần: trừ tịch, giao thừa và minh niên.

“Đêm trừ tịch, còn được gọi tên là đêm ba mươi, là khoảng thời gian trước nửa đêm, thời khắc giao thừa giữa năm mới và năm cũ”.

“Trong đêm trừ tịch vào trước nửa đêm, người ta lo quét dọn sạch sẽ những gì là nhơ bẩn, dọn sạch những phiền muộn, bất hoà của đời sống để chuẩn bị cho một ngày mới bắt đầu của năm mới” (https://vi.wikipedia.org/wiki/Đêm_trừ_tịch).

Đầu hôm đến khuya: Đêm thanh tẩy

Trước đây tôi không hiểu làm sao có thể xảy ra sự bỏ đạo thật nhanh và đồng loạt trên toàn thế giới[3] (x. Lc 18,8), mà cũng không hiểu được làm sao chỉ trong chốc lát Chúa Kitô lại sẽ biểu dương chiến thắng toàn diện của Ngài trên vũ trụ và lịch sử (x. Mt 24,14). Nay thì diễn biến rất nhanh trong vụ Hồng y George Pell cho tôi thấy điều này có thể xảy ra hết sức dễ.

Chỉ cần người ta thao túng được truyền thông là có thể đảo ngược các phán quyết của lương tâm, bôi tro trát trấu lên khuôn mặt Hội thánh, biến Hội thánh Chúa thành một điều gì đó hết sức đáng ghê tởm, phải khử trừ lập tức. Phút chốc, cả những người không muốn bỏ đạo cũng phải ẩn lánh, không dám để cho người ta biết họ là tín hữu Công giáo.

Giáo hội rơi vào đêm đen.

Đêm đen có thể quật ngã đức tin của nhiều người. Thế nhưng Chúa lại bảo: “Ai bền chí đến cùng, sẽ được cứu thoát” (Mt 24,13), và hơn nữa: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28).

Ta vững tin vào điều Ngài đã hứa: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia!”, nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 13,20).

Trước đây, đọc sách thánh Gioan Thánh Giá, tôi rất thích thú khi ngài giải thích về đêm đen và thanh tẩy nhưng vẫn chỉ hiểu mù mờ. Nay đối diện với thời cuộc của Giáo hội, tôi tìm được những những diễn tả cụ thể giúp mọi người có thể hiểu dễ hơn, bằng cách cách đối chiếu tiến trình của sách Khải Huyền với kinh nghiệm của Thánh Gioan nói riêng và của học thuyết dòng Cát Minh Têrêxa nói chung.

Tôi hy vọng rằng bài viết này sẽ gợi hứng cho các trí thức Việt Nam, cách riêng là cho các anh chị em đã có bề dày kinh nghiệm Thiền học nhập cuộc tìm hiểu Kinh Thánh và học thuyết dòng Cát Minh. Tôi không dám thuyết phục, tôi chỉ xin mời mọi người xây dựng tất cả trên kinh nghiệm của chính mình. Tôi cũng thiết tha mời gọi tất cả anh chị em đồng đạo của tôi quan tâm khám phá lại những kho tàng đã bị chúng ta chất vào kho đồ cũ. Tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm thấy và giúp nhau tìm thấy những ánh sáng rất mới đem lại hi vọng cho nhân loại.

Một yếu tố bất ngờ khác giúp tôi hiểu được hành trình đêm đen của Gioan Thánh Giá. Đó là cuộc đấu tranh chống lại lão hóa nơi chính bản thân. Năm nay tôi 72 tuổi. Cả ba tài năng bên trong là trí năng, ký ức và ý chí nơi tôi đều gặp khó khăn, cứ bị suy thoái dần, bị đe dọa tắt ngúm bất cứ lúc nào không hay. Đó là cảm nghiệm bản thân rất cụ thể về đêm giác quan và đêm tâm linh.

Đêm thanh tẩy bắt đầu từ đầu hôm đến khuya. Kinh nghiệm thanh tẩy của Thánh Gioan Thánh Giá là kinh nghiệm thuận theo thực tế, kinh nghiệm đầu hàng và buông bỏ. Chỉ cần là khi buông bỏ, bạn chuyển cái nhìn hướng lên Chúa, nhận ra rằng chính điều mình không kiểm soát được, lại là một ơn Chúa đang ban.

Kinh nghiệm cụ thể của tôi như sau: những ngày mỏi mệt không thể nào làm việc khuya, tôi đi ngủ lúc 7 hoặc 8 giờ. Tôi để cho đêm đen giải quyết giúp tôi. Sau một giấc ngủ sâu 3 hoặc 4 giờ, tâm trí lại minh mẫn để làm việc. Cả ba tài năng: trí hiểu, trí nhớ và lòng muốn được thanh tẩy cách thụ động, không do nỗ lực của tôi.

Đón nhận ơn thanh tẩy

Có những nhóm người đang điên cuồng chống phá Hội thánh. Tuy nhiên, bên trên chúng ta và những người khác, có Thiên Chúa, Đấng đã thương đếm cả từng sợi tóc của ta.

Thánh Gioan Thánh Giá nói về cuộc thanh tẩy thụ động nơi từng cá nhân tín hữu, tuy nhiên trong Nhiệm thể Chúa, kinh nghiệm của từng người cũng là kinh nghiệm của toàn thể.

Thanh tẩy bằng thử thách

Thiên Chúa Chí Thánh. Chuẩn mực hoàn thiện không do loài người định đoạt nhưng do chính Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa giành quyền thanh tẩy những kẻ Ngài muốn ban cho ơn hiệp nhất với Ngài.

Thiên Chúa đã chạm đến các ngôn sứ, có thể bằng lửa hồng, để thanh tẩy họ trước khi trao sứ mạng (x. Is 6,5-7; Gr 1,9; Đn 10,15-16). Ngài yêu cầu con người phải tự lột bỏ trước khi đi vào đối thoại với Ngài (x. Xh 3,5).

Cuộc thanh tẩy thụ động (nghĩa là do Chúa chứ không do sức người) có thể diễn ra hoặc trên tâm linh, với những thử thách đức tin, hoặc trên đời sống hoạt động, với những thất bại, bị bỏ rơi, bị hạ nhục đến tận cùng…

15 năm trước tôi ở Philippines. Trong buổi gặp với mấy thành viên của một hiệp hội tông đồ giáo dân, chúng tôi trao đổi về chuyện ấu dâm bắt đầu rộ lên bên Tây bên Mỹ. Một người bảo tôi:

– Bạn có biết với bao nhiêu tiền tôi có thể thuê một người vu khống bạn không? Thế mà hiện nay, nếu bạn giữ một vai trò quan trọng trong Giáo hội Công giáo thì có những nhóm người dám bỏ ra gấp ngàn lần và thậm chí gấp triệu lần con số ấy để vu khống bạn nhằm đánh sập uy tín của Giáo hội và quét sạch luân lý Kitô giáo khỏi mặt đất. Họ thừa sức để làm được và hơn nữa, tôi bảo cho bạn biết, không lâu nữa họ sẽ làm. Cầu chúc bạn sẽ không là một nạn nhân.

Thế là ta sẽ bị kết án mà không được thanh minh bào chữa; mà có phân phô cũng chẳng ai chịu lắng nghe. Cái giá để chia sẻ phần vinh quang với Chúa là cùng bị nhục nhã với Ngài. Ta rơi vào một dạng đêm tối tâm linh mà Thánh Gioan Thánh Giá đã mô tả.


Trên đường tiến tâm linh, chúng ta thường rơi vào chỗ đi tìm sự vui thỏa, niềm vui, sự an ủi, niềm tự hào… cả nơi những điều khả giác lẫn tâm linh chứ ít khi biết đi tìm Chúa vì chính Chúa. Đêm tối Thánh nhân nói đến là một sự tước đoạt hoàn toàn mọi sự, cả khả giác lẫn tâm linh, tước đoạt mọi sự vui thỏa cùng với mọi dính bén, quyến luyến chúng ta đặt nơi đó để rồi cuối cùng chúng ta thật sự gặp được Chúa như chính Ngài là. Chúa biết khi nào linh hồn tín hữu đã sẵn sàng để chính Ngài sẽ tước đoạt và thanh luyện. Chính Chúa chủ ý thực hiện sự tước đoạt và mong chờ chúng ta thuận tình hưởng ứng.

Như thế, cuộc thanh tẩy tâm linh (cũng gọi là đêm tâm linh) là môi trường đào luyện một tình yêu hết sức thuần khiết. Những linh hồn nồng nàn yêu Chúa sẽ rất khao khát được qua đêm ấy. Do đó, dù đây là một cuộc thanh tẩy hoàn toàn thụ động, là một ơn ban không và là một công cuộc của chính Thiên Chúa chứ không thuộc về nỗ lực của con người, ta cần tích cực đưa tay ra để cho Thiên Chúa dẫn dắt chứ không ngồi khoanh tay chờ.

Ta cần xin Chúa Thánh Thần dạy cho biết quảng đại đón nhận tác động sáng tạo của Thiên Chúa (thanh tẩy thụ động). Có những người không biết Thiên Chúa, không đặt vấn đề đi tìm ý Chúa, và không nghĩ rằng mục tiêu đời người là để thực hiện dự phóng của Thiên Chúa và để được hiệp nhất sâu xa với Ngài, do đó họ chỉ coi việc xây dựng đời sống tâm linh như một nỗ lực nhân loại và một sự nghiệp cá nhân chứ không như một công cuộc của Thiên Chúa. Những người ấy sẽ không thấy cần phải có một cuộc thanh tẩy do Thiên Chúa. Còn đối với những ai mưu tìm công cuộc của Thiên Chúa nơi bản thân và khao khát sống hiệp nhất với Thiên Chúa, sẽ thấy ngay rằng chính cuộc thanh tẩy thụ động mới đóng vai trò quyết định, bởi lẽ, ngoài Thiên Chúa, không ai khác có thể đưa ta tới chỗ hiệp nhất với Ngài.

Vui đón nhận ơn thanh tẩy chính là một thái độ đức tin, và rồi đức tin sẽ đem lại những kết quả hết sức bất ngờ. Mời xem tiếp phần sau: Khoảnh khắc của đức tin.

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Bảng chữ tắt:

Dc: Sách Diễm Ca trong Cựu ước.

Đn: Sách Đa-ni-en trong Cựu ước.

Ga: Sách Gioan trong Tân ước.

Gr: Sách Giê-rê-mi-a trong Cựu ước.

Is: Sách I-sa-i-a trong Cựu ước.

Kh: Sách Khải Huyền trong Tân ước.

Lc: Sách Lu-ca trong Tân ước.

Mt: Sách Má-thê-ô trong Tân ước.

Xh: Sách Xuất Hành trong Cựu ước.



Muốn tìm xem các bản văn Kinh thánh, mời bạn vào https://lavanglasvegas.com/kinhthanh/ – Tại cửa sổ mục lục, bạn dò tên sách cần tìm ở phần Cựu ước hoặc Tân ước, bấm vào đó rồi bấm số chương trong ngoặc vuông ở lề bên phải.

—————-

[1]Lưu ý: Muốn tìm xem các bản văn Kinh thánh, mời bạn vào https://lavanglasvegas.com/kinhthanh/ – Tại cửa sổ mục lục, bạn dò tên sách cần tìm ở phần Cựu ước hoặc Tân ước, bấm vào đó rồi bấm số chương trong ngoặc vuông ở lề bên phải.

[2] Toàn văn tác phẩm xin xem tại: tapsanmucdong.net

[3] Ngay từ năm 2010, nữ tác giả Elizabeth Lev đã báo trước sẽ ra cuộc bách hại tựa như thời Cách mạng Pháp. Mời xem: catholicnewsagency.com

Exit mobile version