Để lãnh nhận Bí Tích Sám Hối, hối nhân phải ăn năn tội như thế nào?

02 BitichSamhoi - Để lãnh nhận Bí Tích Sám Hối, hối nhân phải ăn năn tội như thế nào?

1. Ăn năn tội là gì?

Ăn năn tội là “đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm tội nữa” (CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento Paenitentiae, c.4; DS 1676).

Điều 987 của Bộ Giáo luật quy định: “Để hưởng nhờ phương dược cứu độ của bí tích Sám Hối, người Kitô hữu phải được chuẩn bị thế nào để trở về với Thiên Chúa bằng cách từ bỏ các tội đã phạm và quyết tâm sửa mình”.

Từ bỏ các tội đã phạm là tâm tình hướng về quá khứ, còn quyết tâm sửa mình là tâm tình hướng về tương lai. “Vì vậy, sự hối cải bao trùm cả quá khứ lẫn tương lai, được nuôi dưỡng bằng sự trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa” (GLHTCG, số 1490).

Từ bỏ các tội đã phạm và quyết tâm sửa mình, cả hai liên kết với nhau một cách chặt chẽ: Việc quyết tâm sửa mình bổ túc cũng như cụ thể hóa việc từ bỏ tội lỗi và hướng về Thiên Chúa. Rồi việc quyết tâm sửa mình lại do lòng ăn năn và chịu ảnh hưởng của lòng ăn năn. Chỉ khi nào hối nhân thật sự chê ghét tội lỗi thì sự quyết tâm sửa mình mới có được nền tảng vững chắc.

2. Ăn năn tội là việc quan trọng nhất

Trong các hành vi của hối nhân, ăn năn tội là quan trọng nhất. Vì chưng, nếu hối nhân không thật lòng ăn năn hối cải và không tìm về hiệp thông với Thiên Chúa thì Thiên Chúa không thể giải thoát họ khỏi lầm lỗi và cho họ được giải hòa với Ngài. Nếu hối nhân không thật lòng ăn năn thì họ không thể xưng tội cách chân thành và không thực tâm muốn làm việc đền tội.

“Trong các hành vi của hối nhân, việc ăn năn tội phải chiếm chỗ nhất, vì ăn năn tội là “đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm tội nữa” (CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento Paenitentiae, c.4; DS 1676). Vì chưng, “Chúng ta phải tiến đến Đức Kitô bằng việc hoán cải (metanoia), nghĩa là bằng sự chân thành thay đổi toàn diện con người, nhờ sự thay đổi này, con người khi đã được sự thánh thiện và tình thương của Thiên Chúa thúc đẩy, sẽ bắt đầu suy nghĩ, phán đoán và sắp xếp lại cuộc đời. Chính sự thánh thiện và tình thương ấy đã được tỏ bày trong Chúa Con và được thông ban dư đầy cho chúng ta” (x. Dt 1,2; Cl 1,19; Ep 1,23). Bởi thế, việc sám hối chân thật tùy thuộc vào sự ăn năn này. Vì việc trở về phải thay đổi con người từ bên trong, để ngày càng soi sáng con người sâu rộng hơn và làm trở nên giống Chúa Kitô hơn” (Nghi thức Bí tích Sám Hối, số 6a).

3. Phải ăn năn tội như thế nào?

“Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo” đã phân biệt việc ăn năn tội cách trọn và ăn năn tội cách chẳng trọn như sau:

– “Khi sự ăn năn tội xuất phát từ lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự, thì được gọi là ăn năn tội “cách trọn” (ăn năn do đức mến). Cách ăn năn tội này xóa bỏ các tội nhẹ; và cũng đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nếu hối nhân quyết tâm đi xưng tội càng sớm càng tốt” (số 1452).

– “Ăn năn tội “cách chẳng trọn” (hoặc hối hận) cũng là một hồng ân của Thiên Chúa, một thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Nó phát sinh khi thấy sự xấu xa của tội lỗi hoặc vì sợ bị luận phạt đời đời và sợ các hình phạt khác mà kẻ tội lỗi phải chịu (ăn năn do sợ hãi). Sự khích động lương tâm như vậy có thể là khởi đầu của một tiến trình nội tâm, tiến trình này sẽ được hoàn tất dưới tác động của ân sủng nhờ ơn xá giải bí tích. Việc ăn năn tội cách chẳng trọn tự nó không đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nhưng chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn tha tội trong bí tích Thống Hối” (số 1453).

Như vậy, ăn năn tội cách chẳng trọn và lãnh nhận bí tích Sám Hối, thì đã đủ cho được khỏi tội. Còn nếu khi bị ngăn trở không lãnh nhận bí tích Sám Hối được, mà ta giục lòng ăn năn tội cách trọn và ước ao lãnh nhận bí tích Sám Hối, thì cũng được khỏi tội.

Lm LG Huỳnh Phước Lâm – GP.Long Xuyên

Exit mobile version