Để hiểu ‘nhân vật.. vụn vặt’

1. Bất ngờ tớ gặp Anh bạn thân, khá lâu không gặp. Anh ‘mời cha’ đi café.

Anh khen nhân vật trong vụn vặt ‘Ném lao không nhất thiết phải lao theo’…

(Vụn vặt kết ‘rất nể’ nhân vật chính ở hai điểm: Thứ nhất Nàng không phải loại người ‘lỡ phóng lao buộc phải lao theo’; thứ hai- ở sự can đảm trong việc Bảo vệ Sự sống chống phái thai. Quan trọng hơn điều tớ ‘đấm ngực’ suy tư thêm về bài học khiêm nhường[1]).

Rồi anh Bạn thú nhận:

– Câu chuyện ấy của đứa cháu mình, nó rất khổ. Không biết ai kể cho cha sao cha rành thế ?.

Tớ ngớ người, tớ chẳng biết gì về câu chuyện đầy đau khổ của đứa cháu Anh bạn.

Tớ nói Anh bạn, phần lớn vụn vặt tớ dạng truyện mini, tức những nhân vật có dáng dấp văn chương mang tính hình tượng, tuy phần lớn là những câu chuyện có thật nhưng được lắp ghép nhiều mảnh đời vào. Nói đến văn chương là có sự gia cố, kể cả tưởng tượng để nhân vật hình tượng thêm sinh động. Xin đừng đọc ‘vụn vặt’ trong lăng kính bài báo (tin tức- tường thuật- phóng sự…) hay như trang nhật ký…

Tớ cũng thú nhận, riêng nhân vật ‘Nàng’ trong vụn vặt ‘Phóng lao…’ được lắp ghép từ nhiều nhân vật trong cuộc sống khác. Nếu nguyên trạng nhân vật lịch sử, đúng là có những chi tiết: nàng có vào nhà xứ xin gặp tớ, tớ có giới thiệu và gọi điện trực tiếp đến Cha phụ trách mái ấm Mai Tiến dành cho Chị Em thai lỡ (nay Cha là Trưởng Ban Bảo vệ Sự sống của giáo phận), tớ có ghé thăm chia sẻ khi nàng báo tin mới sanh, nàng có bế con vào chào khi nghe tớ sắp chuyển xứ… nhưng nàng chỉ là cô gái nông thôn mới ngoài hai mươi, hiền lành, nhẹ dạ để có thai, sắc diện bình thường, gia đình bình thường… nhưng khi Nàng đi vào trong vụn vặt thì biến thành một người đẹp chân dài, có học vấn cao, gia đình danh giá nhất nhì xóm Đạo, không dễ dãi trong tình cảm, 30 tuổi mới cho một chàng lọt vào trái tim… Về tính cách ‘khẳng khái, dứt khoát, vững lập trường’…, đúng là rất đúng tính cách cô cháu Anh bạn (tớ đã tiếp chuyện mấy lần, và nể ‘cháu’ có tính cách đầy nam nhi ấy) song khi viết nhân vật ‘Nàng’ tớ lại ‘copy’ tính cách từ cô bạn thời đại học….

(Nhờ ơn Chúa, có lẽ nhân vật mang tính hình tượng, đa diện và mẫu chung ấy, nên nhiều người thấy ‘giật mình’ khi thấy có nét giống mình).

Tớ cũng thú thực, có những vụn vặt, vì sự tế nhị đôi khi phải ‘biến tướng’… khác hẳn nhân vật lịch sử. Nhân vật xưng ‘tớ hay tôi’ cũng có tính hình tượng văn chương, tức không hẳn của tác giả…

2. Anh là dân chuyên ngành tự nhiên không phải dân ‘xã hội’ nên tớ ‘đúc kết’: Khi đọc nhân vật ‘vụn vặt’ của mình (cũng như các nhân vật trong văn chương khác) anh đừng hiểu theo ‘cái đúng’ như con người lịch sử mang tính khoa học tức có thể kiểm chứng, cân đo đong đếm mà cần hiểu theo ‘cái thật’ đã được hình tượng hóa từ sự đa dạng của hiện thực cuộc sống.

Tớ minh họa tác phẩm tiểu thuyết ‘Mối Chúa’, tác giả Đãng Khấu (nhà văn Tạ Duy Anh) đang hót, phản ảnh rất thật của hiện sinh xã hội thời ‘rực rỡ nhất’. Mặc dù nhân vật chính, đọc vào nhiều người dễ liên tưởng ngay đến một ‘đầy tớ rất to’, thuộc hàng tứ trụ song điều đó không có nghĩa ‘đồng nhất’ với nhân vật lịch sử đang sống. Cái hay của nhà văn là xây dựng được hình tượng văn học bao quát, để khi tiếp cận ta thấy ngay cả thời tế bi hùng… Hình tượng văn học dễ đi vào lòng người, dễ bất tử nên cái đáng sợ của nhà văn nằm ở chỗ ấy. Nói như cụ Nguyễn Đình Chiểu ‘Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà’.

Trại súc vật’ của nhà văn Anh Oeorge Orwwell lại một minh chứng sống động hình tượng văn học. Tác phẩm phản ảnh ‘rất chuẩn’ về ‘bản chất’ của ‘thiên đàng XHCN’ thời Liên Xô – ‘mọi con vật đều bình đẳng nhưng một số con vật bình đẳng hơn’, dẫu xuất hiện hơn ½ thế kỷ song vẫn nguyên thời sự và được coi như ‘bản án chế độ’ mãi lú (macle). Câu truyện rất ‘lịch sử’ vì phản ảnh hiện thực cuộc sống song chẳng ai xem đó như những tư liệu lịch sử để chép sử.

3. Tự dưng tớ nhớ đến nhân vật ‘Lê Văn Tám’.

Việc cháy kho xăng Thị Nghè là một sự kiện lịch sử, có xảy ra thật thời Pháp. Cái đáng trách, từ sự kiện lịch sử ấy, nhà sử học lại dựng nên câu chuyện tưởng tượng có tên Lê Văn Tám như nhân vật Lịch sử, bắt bao thế hệ học sinh đọc chuyện hư cấu như chính sử. Câu chuyện này do nhà sử học Trần Huy Liệu, thời đó làm Bộ trưởng Tuyên truyền và Cổ Động của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, do nhu cầu tuyên truyền dựng nên anh hùng chiến sĩ còn độ tuổi ‘trẻ con’ (thiếu nhi)- Lê Văn Tám. Rất may, nhà Sử học này, có lẽ để đỡ áy láy lương tâm nơi chín suối nên có trăn trối nhờ ‘đồng nghiệp’ minh sử sau này[2].

Tớ ‘thở dài’ với Anh bạn: Giá mà Lê Văn Tám là nhân vật văn chương thì dễ hiểu, dễ thông cảm được, chả ai ‘dỗi hơi’ chê trách song cái đáng trách từ nhân vật tưởng tưởng gán ghép vào một sự kiện lịch sử được coi như nhân vật lịch sử. Nhà sử học Phan Huy Lê đáng kính (mới qua đời) đã công khai minh sử, nhưng không hiểu sao nhân vật ‘anh hùng trẻ con’ vẫn được coi như nhân vật lịch sử, bằng chứng vẫn có nhiều trường học, địa danh mang tên ‘Lê Văn Tám’ như nhân vật có thật !.

Tớ lái sang vấn đề ‘suy tư’ khác: Một hình tượng văn học dẫu không hẳn là nhân vật lịch sử, thậm chí hoàn toàn hư cấu nhưng vẫn được trân trọng vì phản ánh từ những thân phận lịch sử có thật của cả thời đại, có giá trị và đi vào lòng người; còn hình tượng lịch sử tuyên truyền gắn liền với dối trá, biến chuyện hư cấu như những câu chuyện lịch sử thì thật đáng trách, nếu không muốn nói có tội ác với dân tộc.

Một người ‘tử tế’ tối thiểu- tức còn biết tôn trọng sự thật, việc làm tốt nếu có mà hay bị ‘nhắc’ lại đã thấy ngại, không muốn thì việc ‘gán ghép’ công phúc mà mình không có, hsy biến tội thành công- xấu thành tốt… thì thật là nỗi ‘đau khổ- sỉ nhục’. Một con người như bao bao người đều ưu khuyết bỗng biến thành hình tượng tuyên truyền tinh ròng như thần thánh thì chẳng khác gì ‘bôi tro trát trấu’ chính nhân vật lịch sử, muốn yên nghỉ mà không được yên nghỉ !

Xin lưu ý: Ngay cả ‘vụn vặt’ trên cũng mang tính văn chương, dẫu cảm hứng từ những ‘vụn vặt’ có thật. Xin đừng hiểu như câu chuyện lịch sử !

Lm.Đaminh Hương Quất


[1]
x. conggiao.info
[2]x. vi.wikipedia.org

Exit mobile version