Để được gì?

Mẹ nghèo, con của Mẹ cũng nghèo để rồi chỉ là mộ được xây bằng đá rửa phủ bám rêu phong vì Mẹ đã tạm trú nơi đây hơn 24 năm ròng. Quanh Mẹ, mộ sang có, mộ hèn có, mộ đại gia có, mộ tiểu gia có … và mộ đại đại gia cũng có.

Dòng ký ức và hồi tưởng về Mẹ cũng như gia đình nội ngoại ùa về.

3 tuổi rưỡi, ông bà ngoại theo Công Giáo Tiến Hành và một chiều nọ “được” Việt Minh dẫn đi biền biệt tự nơi mô.

Từ ngày ấy, 10 đứa con bơ vơ không nơi nương tựa lại dựa bám vào anh chị em của ông bà ngoại.

Từ từ, được các nữ tu dòng Vinh Sơn cho hội nhập … và rồi ơn gọi tu trì không đến để Mẹ bước sang đời sống hôn nhân.

Cũng có nhà có cửa, cũng lập nghiệp như ai kia nhưng sau biến cố 75, Mẹ lê bước cùng các con nhỏ về vùng kinh tế mới Bưng Riềng. Sau nhiều năm bám sống nhưng không qua khỏi cái nghèo cái khổ để rồi trở về nơi phồ hoa đô thị sinh sống. Nhà mất cửa tan, thế là dắt díu nhau về ở chung với gia đình người chị.

Và, vật vã với đời để nuôi con khôn lớn và đặc biệt tặng hiến cho Chúa một đứa con thơ trong đời tận hiến.

Cả cuộc đời bôn ba bươn chải, cuối cùng Mẹ nằm đây bất động như bao tiền nhân khác.

Dòng suy nghĩ lại đến đó là để được gì sau nhiều năm chống chõi với cõi nhân sinh :

Hãy nói về cuộc đời,

khi tôi không còn nữa,

sẽ lấy được những gì,

về bên kia thế giới,

ngoài trống vắng mà thôi …

Hay như là :

“Bao năm miệt mài, tay vẫn trắng tay,

con không có gì tiến dâng lên Ngài,

Lạy Chúa, con có tấm linh hồn này

vướng bụi đời nên đắng cay

Dâng Ngài phút ân tình này …”

Cuối cùng có mang theo được gì đâu để rồi nhiều lần nhiều lúc con người cứ :

Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật

Thế cho nên tất bật đến bây giờ !

Nói như thế, nghĩ như vậy để rằng ta chả mang theo được gì. Chính vì thế, mỗi khi ta làm gì, ta nói gì nên chăng ta nghĩ về ngày cùng tận để ta hành xử ít là có tính cách nhân văn hơn người khác chứ chưa nói hành xử trong tư cách là một người Kitô hữu hơn.

Hồi còn bé, cứ me me những câu chuyện trong Lẽ Sống của Đức Ông Tài. Một trong những câu chuyện còn nhớ mãi đến bây giờ đó chính là câu chuyện Chiếc Quan Tài con. Câu chuyện như thế này :

Tại chùa Tô Châu bên Tàu có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung, nổi tiếng là tu hành đắc đạo.

Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 3 tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy thường tò mò tra hỏi, nhà sư trả lời: “Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì… Mỗi khi có việc không được như ý, tôi nhìn ngắm quan tài, tức khắc tôi cảm thấy được yên ổn trong tâm hồn ngay”.

Con người sở dĩ chạy theo tiền tài danh vọng đến độ chà đạp lên nhau là bởi vì con người không nghĩ đến cái chết đang rình rập sau lưng. Khi tử thần xuất hiện, thì con người không kịp mang theo bất cứ một tài sản nào. Cái chết chỉ trở thành đáng sợ khi con người còn quá nhiều dính bén đối với trần thế này. Trái lại, được ômấp suy gẫm mỗi ngày, cái chết sẽ trở thành một người bạn đồng hành giúp con người vượt qua được mọi chán chường, bận tâm thái quá… Trong tất cả mọi sự, người khôn ngoan đích thực luôn nghĩ đến cùng đích là cái chết để sống thanh thoát hơn với cuộc sống hiện tại.

Tháng 11, ta lại được mời gọi nhìn về ông bà cha mẹ ta một cách đặc biệt hơn, không chỉ thương nhớ, cầu nguyện mà còn phải nghĩ đến cùng đích của đời mình.

Sau những trận cãi vã, sau những lần tran chấp, sau những lần thù hận ghen ghét, sau những lời nói hành nói xấu chà đạp người khác, vu khống, đổ vạ cáo gian cho người khác … ta được gì ?

Để được gì khi ta nằm xuống với hai bàn tay trắng.

Bước vào cõi mộng đôi tay trắng

Trở về cõi thật trắng đôi tay

Lăn tăn nhiều chuyện để làm gì ?

Chỉ cần trong cung lòng Thiên Chúa

Ấy vậy mà lắm kẻ chạy vay

Cứ ngỡ trần gian là cõi thật

Thiên Đường là chỗ ta nhớ mong.

Người Giồng Trôm

Exit mobile version