Ở vào thời điểm khoa học tân tiến như hôm nay với nhiều điều kiện thuận lợi, với những mức sống vượt trội, bỏ xa những thời khắc khó khăn trong quá khứ; con người sống trong xã hội hôm nay dường như đang thụ hưởng những điều tốt đẹp hơn cả! Một thế giới của toàn cầu hóa. Một xã hội với cái click chuột nhanh nhạy, không dây…tạo những bước nhảy hiện đại phục vụ cho con người. Thế nhưng, cũng trong bức tranh tổng thể ấy, trong cái vượt bậc của thời đại công nghệ, của hiện đại, của hưởng thụ… chúng ta không khỏi đau lòng khi nhận ra có quá nhiều những thảm cảnh đau xót từ những gia đình, với con người thời hiện đại ưa chuộng chủ nghĩa tự do cá nhân, bị lẫn lộn trong nhận thức về những giá trị đạo đức thực. Nhiều người đã cố gắng trau dồi để đạt tới đỉnh cao của trí tuệ, sở hữu khối óc nhanh nhạy, đầy chất xám, cùng với những kỹ năng điêu luyện của đôi bàn tay… nhưng lại rất phi lý khi xem ra con người thời đại lại sở hữu một trái tim khô cứng, một trái tim có “vấn đề” trong tình yêu, trong những cuộc hôn nhân, từ trong các gia đình… Vì vậy, nên mới có rất nhiều cuộc hôn nhân, nhiều gia đình đang rạn nứt hoặc đã tan vỡ. Những câu chuyện rạn nứt tình yêu gia đình, ly dị, tái hôn liên tục… không bị hề bị che khuất, nhưng xem ra đang trở thành “mốt”, một trào lưu, và có lẽ, cũng là môt chiêu PR ( public reations) bản thân để được “nổi tiếng”. Người ta không ngại để phô bày sự tan vỡ hôn nhân, không xấu hổ khi ” quảng cáo” cuộc đời mình đã qua năm bảy cuộc hôn nhân,… Kết hôn- chia tay- tái hôn-chia tay, rồi tái hôn…và cứ thế, những sự kiện, lối sống ấy xem ra đang được bình thường hóa trên các phương tiện truyền thông, trong đời sống thường nhật, nơi những câu chuyện “bà tám”, nơi bàn nhậu.. Và điều thật ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi những “sự kiện gia đình” ấy lại nhận được sự ủng hộ của đại đa số của con người hiện đại, thậm chí ngay cả đối với những người Công Giáo. Điều này thật khác xa với những thập niên trước, khi mà, con người thời ấy sợ phải đối diện với sự tan rã trong hôn nhân, sợ nếm cảm sự đắng lòng khi tiếng yêu thương trong gia đình đi đến hồi kết thúc… nên bằng mọi giá, họ phải cố gắng nuôi dưỡng, vun xới, gìn giữ hôn nhân, ngay cả việc phải chấp nhận hy sinh bản thân để có một gia đình đầm ấm, yêu thương, thủy chung, và đặc biệt, đối với những người Công Giáo, họ cần phải bảo toàn sự huyền nhiệm của Bí tích Hôn Nhân, để trở nên lời chứng của Tin Mừng cho những người xung quanh.
Với ” thảm họa” trong bức tranh hôn nhân- gia đình hiện nay, không biết những người trong cuộc hay những người sắp đặt chân vào hôn nhân, và những người đang sống hôn nhân – gia đình có đặt câu hỏi “why- tại sao” cho những cuộc hôn nhân tan vỡ, cho một ” chuyến đò” có nguy cơ bị lật úp, đắm chìm…? Nếu chẳng còn quan tâm hoặc biết đi truy tìm cái nguyên nhân cho những điều bất hạnh…và tìm ra những giải pháp cho chính mình, thử hỏi, những điều gì khốn khó hơn nữa sao lại không thể tự khắc mà đến trong đời của mỗi người.
Trong cái nhìn mang tính cá nhân, xin được đưa ra một vài nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ, hoặc đang phá hoại tình yêu gia đình hiện nay, tuy nhiên, đặc biệt đối với những gia đình Công Giáo, khi mà gia đình họ không còn tồn tại hai tiếng yêu thương, đang đánh mất ân sủng của Bí tích Hôn Nhân, và dĩ nhiên, họ không thể thực thi nhiệm vụ của mình trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN RẠN NỨT, TAN VỠ MÁI ẤM GIA ĐÌNH.
Ảnh hưởng của xã hội.
Tâm lý, cách suy nghĩ và lối sống của con người bị ảnh hưởng khá nhiều bởi xã hội họ đang sống. Do đó, sẽ không lạ gì xã hội định hình nên con người đặc trưng của chính xã hội đó, với những khung, mục đích mà xã hội tạo ra. Đặc biệt, trong thời đại hôm nay, xã hội – chủ thể – còn ảnh hưởng nhanh và nặng nề đến chóng mặt đến con người – đối tượng– qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Cái click chuột có sức mạnh ghê gớm đẩy nhanh sự kết nối giữa xã hội- con người- sự kiện một cách rất hiệu quả, cho cả cái tốt lẫn cái xấu.
Xã hội hôm nay, với những ưu điểm về tiến bộ kỹ thuật- khoa học, với những giải pháp, phương tiện, luôn mong muốn tạo cho con người có một cuộc sống thoải mái, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, như một qui luật tự nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, xã hội cũng tạo nên nhiều cái xấu ảnh hưởng sâu rộng đến con người thời đại. Với một cái click chuột, mở ra một trang báo …bao giờ cũng có những câu chuyện hấp dẫn về tình yêu, hôn nhân, ly dị, tái hôn của các sao, các nhân vật nổi tiếng, và trong đó có cả luôn những câu chuyện đời thường nhưng thật “nóng” của gia đình tan vỡ, để rồi,rồi nơi đó có cả những lời khuyên ” cut off” tức thì, không tiếc thương cho một hôn nhân. Các lời khuyên xem ra” đáng giá”, phù hợp với lối sống con người đại – được đăng tải rộng rãi- phản ảnh cái tức thời của một nhóm người trong cộng đồng, từ người bán hàng, công nhân, trí thức, …cho đến chuyên gia tư vấn hôn nhân- gia đình.
Đó là những hố sâu có thể lấp chìm con người nếu ai đó dễ buông mái chèo để xuôi dòng theo xã hội, theo những khuynh hướng mang tính đại trào, một khi họ đã không đủ sức để đứng vững với những cái dị lạ nhưng đang được bình thường hóa trong xã hội. Vì thế, khi mà xã hội chất chứa quá nhiều những thảm cảnh hôn nhân tan vỡ, bị rạn nứt, những gia đình chỉ toàn màu đen tối… chính là kết quả tất nhiên của xã hội mà chính nó đã định hình.
Chủ nghĩa cá nhân-ích kỷ:
Xã hội hiện đại dù là một thế giới của toàn cầu hóa, làm cho con người dễ xích lại gần nhau, nhưng nó lại tạo nên hàng loạt thế giới cá nhân, và không ít những ro-bot người đang tồn tại trong đó.
Nếu tình yêu cần đến sự hướng về đối tượng khác ngoài chủ thể, thì hôm nay, tình yêu mà con người hôm nay đang sống lại có khuynh hướng qui về bản thân, hơn là cho người khác. Nếu tình yêu đòi buộc một sự quên đi bản thân, thì con người thời đại hôm nay hình như đã quên đi mất điều quan trọng ấy. Xem chừng như hạnh phúc của tình yêu được đánh giá qua hàng loạt suy tưởng:tôi được cái gì, tôi được yêu ra sao, ai yêu tôi, người yêu tôi có quan tâm tôi không, họ làm gì cho tôi…Biết bao người tự hào mình đã yêu, đang yêu…nhưng thực ra, họ lại chưa hề biết yêu đúng nghĩa, khi mà suốt đời, họ chỉ mong được nhận lãnh, nhưng lại không biết cho đi. Một tình yêu kiểu như thế sẽ dần dần khiến con người ngày càng trở nên ích kỷ và bóp chết tình yêu.
Không chỉ đối với hai vợ chồng, nhưng để có một gia đình yêu thương thực sự, ngay cả con cái cũng phải trở nên những đứa con của ” yêu thương” khi mà chúng thực sự luôn quan tâm đến cha mẹ, đến những người anh, người chị, đứa em của mình. Thời đại của trào lưu gia đình ít con đang làm cho những đứa con trên nên ích kỷ hơn bao giờ hết. Chúng trở thành ông chúa, bà hoàng trong gia đình, và luôn bắt cha mẹ, người khác phải phục vụ, cung ứng cho chúng đủ điều. Sự sai lầm trong giáo dục, trong lối ứng xử, trong lời nói của ông, bà, cha mẹ…đã tạo nên cho chúng một tình yêu quy kỷ và độc đoán. Đó là những thảm cảnh của gia đình, khi mà, tình yêu trao ban, hướng về người khác không thể nảy nở và sinh hoa trái. Và như thế, những gia đình ấy không thể định nghĩa nổi một tình yêu tự hiến cho nhau là thế nào. Chính vì không định hình nổi một tình yêu hy sinh cho nhau, họ sẽ dần đi đến những chủ nghĩa của ích kỷ, phá vỡ dần mái ấm của chính mình và bóp chết tình yêu của nhau, cho nhau bởi không hề biết hoặc chưa từng quan tâm đến hạnh phúc, suy nghĩ, ước muốn của người khác cho dù sống cùng nhau trong một gia đình.
Chủ nghĩa tự do theo trào lưu thời đại.
Quan niệm về cuộc sống được thể hiện qua lối sống. Nhìn vào cách sống của ai đó, chúng ta có thể “đọc” và giải mã được quan điểm sống của người đó thế nào.
Ngày nay, với hàng loạt những sản phẩm của sự tôn thờ cá nhân, cũng như với một xã hội tạo nên những con người ích kỷ, hay theo trường phái tự do theo kiểu muốn gì được nấy, những lối sống dễ dãi…thì hôn nhân- gia đình ngày càng gặp nhiều thách đố, khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều người trẻ, và những người dù đã đang độ tuổi trung niên, hay cả những người cũng đã trải qua một cuộc hôn nhân hơn 30 năm, cũng đã và đang rời ra những quy tắc, chuẩn mực giá trị đạo đức trong hôn nhân theo truyền thống xưa. Họ bỏ xa những mực thước đó để đổi lấy một lối sống tự do, dễ dãi, phóng khoáng hơn trong tình yêu, trong hôn nhân -gia đình. Vì thế, không lạ gì khi biết họ luôn có những thời khắc” say nắng” một cách có tính toán, coi thường sự thủy chung trong gia đình. Hôn nhân- gia đình đôi khi mang tính thực dụng, không phát sinh hoặc được dưỡng nuôi từ tình yêu. Vì thế, sự bền vững của một cuộc hôn nhân trở nên như một thách đố thật khó khăn đối với người trẻ thời đại hôm nay. Họ sẽ sẵn sàng từ giã hôn nhân của mình, “giải phóng” chính mình ra khỏi những ràng buộc, mà đối với họ, không cần phải chịu đựng lâu hơn nữa. Hôn nhân nhanh chóng đến, và cũng vội vã ra đi xem như thể chưa từng có.
Sự nghèo nàn tri thức, kỹ năng
Cũng đã có rất nhiều những người tìm đến hôn nhân và lập gia đình mà không hề chuẩn bị cho mình những tri thức, kỹ năng cần thiết để sống, nuôi dưỡng và xây đắp tình yêu hôn nhân-gia đình. Sự thiếu hụt này dễ dẫn đến những “cơn ác mộng” thật trái ngược với cuộc hôn nhân mà họ đã từng thêu dệt, đưa họ đến những sai lầm đáng tiếc trong đời sống, khiến hôn nhân-gia đình dễ dẫn đến tan vỡ. Tình yêu trong hôn nhân ngày càng nhạt, không sắc thái, không hương vị, và dĩ nhiên, nó phải đến hồi kết xấu. Sự nghèo nàn trong suy nghĩ, trong ứng xử, trong cách thể hiện tình yêu cho nhau, hay không biết thông cảm với những giới hạn của bạn đời, của con cái, của cha mẹ, không biết nâng đỡ, giúp nhau vượt qua lầm lỗi…sẽ là những “quả bom nổ chậm” phá hủy hạnh phúc gia đình. Nếu không đủ tri thức, kỹ năng, đặc biệt với một tâm hồn cao thượng, thì hôn nhân mau chóng chứa đầy những than trách, càm ràm, to tiếng, chửi rủa, mệt mỏi, chán chường…và rơi vào bế tắc.
Một trái tim quá nhỏ!
Trái tim đủ lớn không đo bằng thực tại người khác có thể nhìn thấy được, nhưng bằng chính chiều sâu, chiều rộng và bề mặt không giới hạn khi thể hiện tình yêu.
Ngày hôm nay, xem ra, người ta yêu nhau bằng trái tim quá nhỏ! Sự nhỏ nhoi của nó không đủ để chất chứa người mình yêu, ôm chặt lấy những người khác, cho dẫu trong cùng một gia đình. Trái tim không chỉ nhỏ nhưng còn thiếu chất dinh dưỡng để nuôi nó, với những điều dị thường, đen xám. Nhỏ quá nên nó không thể bảo vệ tình yêu, không thể nuôi được tình yêu, nên chấp nhận một hôn nhân- một gia đình tan vỡ.
Không biết, đã quên, hoặc cố tình phớt lờ đặc tính, mục đích của Hôn nhân Công Giáo, coi thường giá trị của ân sủng trong Bí tích Hôn Nhân.
Điều này rất dễ nhận ra nơi nhiều bạn trẻ Công Giáo sắp bước vào hôn nhân, hay cả đối với nhiều người Công Giáo đang sống đời hôn nhân- gia đình. Tất cả đều được tạo điều kiện để học giáo lý Hôn Nhân, để biết đến đặc tính, mục đích hôn nhân Công Giáo cũng như giá trị ân sủng nơi Bí tích Hôn nhân mà họ được Thiên Chúa ban tặng. Tuy nhiên, đã có nhiều người học cho có, cốt cho xong để hoàn tất các thủ tục cho cuộc hôn nhân. Sự coi thường này đã thực sự là mối nguy hại cho chính cuộc hôn nhân của họ, khi họ đã quên hoặc cố tình quên mục đích, đặc tính và không đặt niềm tin, không biết đến ân sủng hoặc cố tình quên đi ân sủng từ Bí tích họ lãnh nhận. Vì vậy, cho dù là người Công Giáo, nếu hôn nhân xem ra chẳng như “mơ”, hoặc trải nhiều hoa thơm, họ sẽ dễ dàng “gỡ bỏ” hôn nhân, đường ai nấy đi, bất chấp tính vĩnh viễn của Bí tích Hôn Nhân đã được Đức Kitô thiết lập.
Thiếu vắng đời sống cầu nguyện
Biết bao người Công Giáo sống hôn nhân -gia đình cũng đã liều lĩnh để chọn lấy thảm cảnh đường ai nấy đi, cho dù Bí tích Hôn Nhân không cho phép. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đau lòng ấy, phải nhìn nhận rằng, hầu hết các gia đình ấy đã thiếu vắng đời sống cầu nguyện chung và riêng. Những thời khắc trong một ngày chiếm chỗ cho quá nhiều dự tính, công việc, giải trí…nhưng họ lại không dành ra một chút thời gian nhỏ nhoi để mỗi người cầu nguyện riêng hoặc cầu nguyện chung với nhau. Họ đã quá quan trọng nhiều những điều tạm bợ, và thật sai lầm khi bỏ qua điều cốt lõi của đời sống Kitô hữu và của đời hôn nhân- gia đình. Nhiều đứa trẻ lớn lên trong gia đình không được cha mẹ hướng dẫn cầu nguyện, khi mà chính cha mẹ chúng cũng đã chẳng cầu nguyện thường xuyên hoặc chẳng biết đến cầu nguyện là gì. Nếu ngay cả khi bố mẹ coi thường việc cầu nguyện, thì đương nhiên, con cái họ cũng sẽ không biết cầu nguyện, và sẽ trở thành những con người không có đời sống thân mật với Thiên Chúa trong chính cuộc sống của chúng. Và rồi, cái gì đến rồi cũng sẽ đến!
Những lý do vừa nêu trên ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân – gia đình đã và đang tiếp tục trở nên những mối nguy hại cho bất cứ ai đang sống trong đời hôn nhân, hay cho bất cứ một gia đình nào. Đó chỉ là những nguy hại được định hình rõ nét, còn biết bao nhiêu thách đố khác nữa đang tiềm ẩm để gây nên những hôn nhân rạn nứt, gia đình ly tán, không còn nơi để yêu thương.
ĐỂ CÓ MỘT GIA ĐÌNH YÊU THƯƠNG
Yêu bằng tình yêu của Tin Mừng.
Để có một gia đình yêu thương, đặc biệt đối với gia đình Công Giáo, cả người chồng lẫn người vợ, và cả đối với con cái trong gia đình, mọi người phải “biết đổi mới” chính mình để trở nên những người biết yêu thương thật sự đối với nhau. Họ phải biết thế nào là một tình yêu thật sự ( a true love), khi trao hiến cho nhau, vì tình yêu thật và đúng nghĩa khi tình yêu đó luôn quy hướng về người mình yêu và làm cho người mình yêu được hạnh phúc. Đó là tình yêu của trao ban, chứ không phải sự chực chờ để nhận lãnh. Trao ban, hành vi đầu tiên của tình yêu, để rồi, sau đó tình yêu được lãnh nhận. Một tình yêu không quy kỷ, nhưng là trao hiến, là hướng về chủ thể khác, người mình yêu, chứ không quy về bản thân, theo mẫu gương của Chúa Giê-su đã sống và thể hiện tình yêu của Ngài với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và cho con người. Nếu từng người biết cúi xuống để rửa bàn chân cho nhau như Đức Giêsu đã làm, chắc chắn tình yêu sẽ lớn dần, đơm hoa kết trái ngọt ngào trong ngôi nhà của họ.
Chúa Giêsu, khuôn mẫu của tình yêu, Ngài đã đến và ở giữa trần gian, để sống và trao hiến tình yêu cho tất cả, ngay cả với những kẻ quay lưng, chống đối và đẩy Ngài đến cái chết đầy đau thương.
Nếu mỗi người trong gia đình biết yêu bằng một tình yêu Chúa Giêsu đã sống và nêu gương, chắc chắn, hạnh phúc sẽ luôn đầy ắp dưới mái gia đình, ngay cả khi con thuyền họ lâm vào nguy nan. Không biết bao nhiêu người đã phải đối diện, phải sống với với những vết đau thương của bội phản, dối gian của chính người mình yêu thương, những hư hỏng của con cái…nhưng với ân sủng, sức mạnh của Thiên Chúa và với tình yêu của Tin Mừng, họ đã vượt qua được giông tố bão bùng, giúp người mình yêu trở lại con đường của tình yêu thực.
Tình yêu của Tin Mừng chính là tình yêu của sự quảng đại, chấp nhận hy sinh bản thân, một tình yêu của sự nhẫn nhục, hiền hậu, vị tha, tin tưởng, chịu đựng, không nóng giận, không nuôi hận thù…(x. 1Cr 13, 4-7) không chua cay, gắt gỏng, thóa mạ lẫn nhau (x. Rm 4, 31), phục vụ lẫn nhau (x. Rm 5,21), yêu thương nhau như Đức Kitô yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh (x. Rm 5, 25), mỗi người yêu vợ ( hay chồng) của mình như yêu chính mình (x. Rm 5,28).
Với con cái, “hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo” (Rm 6, 1). Phần cha mẹ, thánh Phaolô cũng nhắc nhở ” đừng làm cho con cái tưc giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Rm 6, 4).
Tình yêu nên một trong những cái khác biệt.
Tình yêu hiệp nhất, nên một trong nhau của cả hai người nam- nữ trong hôn nhân đã được Chúa Giêsu nhắc đến trong bài giảng của Ngài (x. Mt 19,4-6). Sự trở nên một, hiệp nhất với nhau không đánh mất những khác biệt trong cá tính, trong sở thích, trong quan điểm cá nhân nhưng là làm cho những khác biệt ấy có một lối mở để đi tới hiệp nhất, cho cả hai, nhưng vẫn có một bức tranh đẹp của những nét riêng biệt. Hiệp nhất đúng nghĩa sẽ đem lại hương thơm cho đời hôn nhân, đem lại cho mỗi người hạnh phúc trong cảm nhận, trong cách sống, trong ứng xử, trong lối nhìn về người khác nơi chính gia đình mình.
Nếu biết tạo nên những con đường chung để cùng thể hiện tình yêu, gia đình sẽ thực sự trở thành một gia đình đầy ắp hạnh phúc, nụ cười và rất độc đáo trong bức tranh tình yêu này. Mỗi người sẽ bổ túc và hoàn thiện lẫn nhau trong những điểm ưu và hạn chế của mỗi cá nhân. Để có được bức tranh đẹp ấy, chắc chắn, mỗi thành viên trong gia đình phải biết ưu tiên chọn lựa những cách thế để sống chung, để cùng chung tay xây dựng tình yêu trong gia đình. Và hơn nữa, sự hiệp nhất ấy còn đòi buộc mỗi người phải hy sinh chính mình để người khác được lớn lên, để có được tiếng nói chung trong gia đình.
Hãy để trái tim được gần Chúa hơn nữa.
Đây phải là điều quan trọng cho tất cả mọi Kitô hữu, cho tất cả mọi ơn gọi trong chúng ta. Với những người sống hôn nhân – gia đình, là những người chồng, người vợ hay con cái, đây phải là điều quan trọng trên tất cả. Chính nhờ vào việc gần gũi, tương quan mật thiết với Thiên Chúa, những người sống hôn nhân – gia đình, những đứa con mới có thể có được sức mạnh thiêng liêng để làm cho hôn nhân được hạnh phúc. Tương quan mật thiết với Thiên Chúa qua cầu nguyện chung và riêng trong gia đình, khi tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích để lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa phải là điều căn bản, được chọn lựa ưu tiên cho mọi gia đình Công Giáo. Sự gần gũi với Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta tìm ra thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, tìm ra được bức thông điệp của Chúa muốn nói với mỗi người trong gia đình qua từng biến cố buồn vui, thất bại hay thành công của gia đình. Và chính khi gia đình vượt qua được những sóng gió hãi hùng của đời sống, chính là nhờ vào đời sống cầu nguyện, nhờ vào những giờ khắc mỗi thành viên ở gần bên Chúa, nhờ khi chúng ta biết kêu lên ” Chúa ơi, cứu con!” và đưa tay ra cho Ngài nắm lấy (x. Mt 14, 30-31a). Có như thế, hạnh phúc trong gia đình, sự bền vững trong hôn nhân mới có thể đến được cho từng gia đình, cho những ai biết chọn lựa một đời sống đạo đức, cầu nguyện, gần gũi với Thiên Chúa.
Xây dựng, vun đắp tình yêu gia đình bằng nhân cách trưởng thành, với những kiến thức và kỹ năng cần thiết của mỗi người.
Tình yêu trong hôn nhân – gia đình được gạt lọc, chắt chiu từ những con người trưởng thành thực sự. Sự trưởng thành này không hàm ý tuổi tác, nhưng chính là sự trưởng thành trong nhân cách, trong suy nghĩ, trong lối ứng xử…Tình yêu hôn nhân – gia đình không thể được nuôi dưỡng bởi những kiểu” trẻ con, non dạ”, nhưng nó phải là kết quả của sự trưởng thành của hai người trong hôn nhân. Điều này không có nghĩa mỗi người sẽ không còn nữa những hạn chế, những giới hạn hay khiếm khuyết của bản thân, nhưng là từng người phải biết đứng dậy sau những vấp ngã, biết chọn lựa bài học cá nhân qua những trải nghiệm đời sống hôn nhân- gia đình và biến chuyển chúng trở nên tốt hơn. Mỗi ngày, trong mỗi sự kiện, biến cố, họ luôn phải có một bài học mới trong đời sống hôn nhân – gia đình và đúc kết chúng thành những điểm ưu để xây dựng hạnh phúc cho chính gia đình của mình.
Không chỉ đối với các vị làm cha, làm mẹ, ngay cả với những đứa con, chúng cần phải được giáo dục để biết hiểu đúng, làm đúng, ứng xử tốt trong chính gia đình của chúng. Giáo dục con cái là cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài và đó cũng là nhiệm vụ chính của các bậc làm cha mẹ. Giáo dục con cái từ thưở còn trong thai, qua từng giai đoạn, trong suốt đời của chúng. Để khi chúng lớn lên, một gia đình mới được hình thành, cũng là lúc một tổ ấm mới chan chứa những hạnh phúc, nụ cười và đẹp mãi. Và nơi con cái, để sống thành người con ngoan, chúng cần phải tự đào luyện, lớn lên, trưởng thành trong mỗi ngày. Chúng phải hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của chính mình trong việc xây dựng, nuôi dưỡng và bảo vệ hạnh phúc gia đình hợp với đạo hiếu làm con Chúa và con của cha mẹ mình.
Nếu mỗi gia đình Công Giáo biết xây dựng, nuôi dưỡng và bảo vệ hạnh phúc – tình yêu nơi gia đình của mình, biết yêu nhau bằng tình yêu của Tin Mừng … thì những bức tranh gia đình Công Giáo ấy sẽ trở nên những hình ảnh thật đẹp, thật hiếm có, và thật đáng quí giá biết chừng nào trong xã hội hôm nay. Đặc biệt, một mái ấm gia đình Công Giáo đầy ắp tiếng yêu thương chính làlời loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay giữa một xã hội đang dần xa Thiên Chúa, đang coi thường những giá trị đạo đức, đang tôn thờ những tự do cá nhân, nơi đang có biết bao gia đình tan vỡ, những mái nhà dột nát tình yêu … Lời loan báo Tin Mừng ấy phải được nói trên mái nhà, trong mọi ngõ ngách của đường phố, là tiếng vang, là niềm vui Tin Mừng cần phải được chia sẻ để mời gọi con người hôm nay tìm đến và trở về với Thiên Chúa. Đó chính là sứ vụ mà mỗi người Kitô hữu, dù trong bất cứ ơn gọi nào cũng phải thi hành trong chính cách sống của ơn gọi mình đã lãnh nhận.
Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP