Dạy trẻ những bài học cuộc sống

Đó chính là một phần trong nhiệm vụ Thiên Chúa trao bạn để nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái, và đặc biệt khi chúng còn nhỏ, chúng cần được che chở, bảo vệ trước một số thứ. Chúng ta phải đứng giữa chúng và những mối nguy hiểm. Chúng ta phải bảo vệ và che chở chúng khỏi những điều xấu. Đó chính là một phần công việc của chúng ta với tư cách làm cha mẹ. Ở một mức độ nào đó, sẽ rất khôn ngoan khi có thể tạo ra một cách ngăn cho trẻ khỏi những trải nghiệm tiêu cực.


Nhưng một phần trong việc giúp con cái trưởng thành, chính là trang bị cho chúng để chúng có thể tự đứng vững. Việc dạy cho chúng biết lựa chọn đúng đắn trong những trường hợp khác nhau và để chúng khám phá và trải nghiệm, sẽ giúp chúng học được những kinh nghiệm sống. Không thể hoàn toàn bảo vệ con cái suốt cuộc đời của chúng, nên càng sớm dạy cho trẻ biết nhận thức và tự đưa ra quyết định, chúng sẽ càng an toàn hơn và được trang bị tốt hơn cho những quyết định mà chỉ có chúng mới có thể đưa ra.


Một ví dụ điển hình về việc này, chính là nếu mảnh đất trong nhà của chúng ta có một cái hồ, chúng ta phải xây hàng rào xung quanh để tránh tai nạn, nhưng đồng thời, chúng ta cũng muốn dạy cho con bạn biết bơi và mỗi ngày giúp chúng trở thành một tay bơi giỏi. Hàng rào giúp bảo vệ chúng lúc ban đầu, và chúng ta cũng chuẩn bị cho chúng có thể xoay sở an toàn trong nước bằng cách dạy chúng biết bơi.


Và cũng không thực tế khi nghĩ rằng chúng ta có thể bảo vệ con cái khỏi mọi ảnh hưởng chúng ta muốn tránh. Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như việc toàn cầu hoá về văn hoá – tốt xấu lẫn lộn – đang lan tràn khắp nơi. Con cái bạn tiếp xúc với hàng loạt những ảnh hưởng trong suốt quá trình trưởng thành và điều khôn ngoan nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm, chính là tập trung vào việc chuẩn bị cho chúng “làm lành lánh dữ” (x. 1 Pr 3,11), thể hiện bản lĩnh và biết rõ, cũng như phân biệt điều tốt và điều xấu.

Ngoài ra, chúng ta muốn dạy cho con cái tính cách và bản chất hiếu hoà, yêu thương, thông hiểu, bao dung, tôn trọng và biết chấp nhận. Chúng ta muốn con trẻ theo gương Chúa Giêsu, khiêm tốn, chấp nhận người khác, và tránh tự cho mình là tốt lành và xem thường người khác. Chúng ta muốn trẻ có được tình yêu thương vô điều kiện của Ngài, có được niềm tin dành cho người khác nơi Ngài và mong muốn muốn giúp đỡ người khác như Ngài.


Việc truyền đạt những bài học cuộc sống này không thể chỉ thể hiện nơi lớp học. Việc truyền đạt này cần đến sự trải nghiệm như gặp gỡ người khác, trò chuyện với họ, nhìn những điểm tương đồng và khác biệt nơi họ, cũng như cách ứng xử và thể hiện tình yêu thương đối với họ tuỳ theo nhu cầu và hoàn cảnh sống cụ thể…


Những bài học cuộc sống này” được học theo thời gian và cần trò chuyện, thảo luận và trải nghiệm rất nhiều để con trẻ hiểu và trưởng thành về những mặt ấy. Những bài học trải nghiệm sẽ giúp chúng khôn ngoan, mạnh mẽ, trưởng thành, sâu sắc và thông hiểu hơn, và sẽ giúp chúng chuẩn bị tốt hành trang trên đường đời.


Chuẩn bị tốt cho con trẻ trên đường đời, có nghĩa là suy nghĩ làm cách nào để giúp trẻ tiến bộ qua những giai đoạn trưởng thành, quan tâm và sát cánh với chúng trong những lúc chúng phải đối mặt với các vấn đề. Điều ấy có nghĩa là dạy cho con trẻ can đảm đối mặt với những tình huống khó khăn, cũng như biết cách đối mặt với những hoàn cảnh mới với tinh thần trách nhiệm và sự tự tin. Điều ấy có nghĩa là thay vì bảo vệ con trẻ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong thế giới hiện đại, bạn hãy dạy trẻ biết phân định điều tốt xấu và biết hành động bằng sự chính trực, nghiêm khắc, kiên quyết, mạnh mẽ, nhưng cũng đầy tình yêu thương và lòng bao dung.


Những bài học cuộc sống mà chúng ta truyền đạt cho con trẻ, không chỉ đơn giản là để bảo vệ trẻ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực mà chúng có thể gặp phải trong suốt thời thơ ấu (có thể nơi trường học, từ phương tiện truyền thông hoặc từ bạn bè đồng trang lứa), mà còn vì những bài học ấy, tạo nên những đức tính tốt giúp định hình tiêu chuẩn đạo đức cho con trẻ trong cuộc sống. Những bài học xây dựng nhân cách thời thơ ấu sẽ phát huy tác dụng trong suốt cuộc đời, và những bậc cha mẹ như chúng ta, chính là những người hướng dẫn chính yếu trong việc giáo dục con trẻ, bởi vì thông qua việc truyền đạt bản lĩnh và những giá trị sống của chính bản thân, chính chúng ta giúp con trẻ tìm thấy định hướng đúng đắn cho cuộc sống. Hoàn toàn xứng đáng khi nỗ lực hết mình để dạy con trẻ biết kiên vững trước những khía cạnh phức tạp và tiêu cực trong xã hội, và phân định chính xác giữa đúng và sai, và đưa ra hành động và quyết định dựa trên những nguyên tắc đạo đức.


Việc dạy cho con trẻ các giá trị đạo đức, chính là một thách thức đối với tất cả các bậc cha mẹ. Mỗi một bậc cha mẹ phải quan tâm dạy dỗ con cái biết giữ vững những giá trị, những lẽ thật và niềm tin khi chúng bị tác động bởi những tình huống không hề gặp phải khi ở nhà, nhưng lại là một phần trong cuộc sống một khi trẻ đến tuổi đến trường, có những người bạn xuất thân từ những gia đình không có cùng niềm tin và giá trị đạo đức… Việc chuẩn bị cho con cái, chính là dạy chúng biết cách hành động và cư xử với xã hội bên ngoài bằng những đức tính được dạy trong gia đình, dạy cho chúng biết phản ứng lại những hoàn cảnh bằng những nguyên tắc đạo đức, và dạy chúng biết phải làm thế nào khi xa cha mẹ, khi đối mặt với thực tế của thế giới.


Nếu chúng ta có những suy nghĩ không thực tế khi muốn bảo vệ con trẻ thật kỹ trước những điều tiêu cực trong cuộc sống, việc này sẽ làm bạn không thành thật khi đối mặt với những vấn đề, những nhu cầu và những thắc mắc của trẻ.


Con cái của chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn chúng ta nghĩ. Thực tế là nếu bạn tránh cho chúng phải đối mặt với những vấn đề tiêu cực, nhưng chúng có thể tự tìm tòi và tìm hiểu bởi vì bản tính tò mò và bởi vì tất cả mọi thứ đều có thể tìm thấy dễ dàng qua các phương tiện truyền thông, Internet, tin tức, từ bạn bè, từ người thân… Bạn không thể lường hết được tất cả những gì con trẻ sẽ tiếp xúc, trong khi bạn lại cảm thấy mình đang cố gắng hết sức để bảo vệ chúng. Như thế, chúng không thể có được sự hướng dẫn tận tình của bạn để hiểu đúng những điều tiêu cực và những gì chúng trải nghiệm.


Nếu chúng ta chú ý đến việc chuẩn bị cho con trẻ, thì chúng ta nên quan tâm hơn đến những thắc mắc của trẻ. Chúng ta sẽ chuẩn bị đầy đủ hơn để đưa ra những câu trả lời cân nhắc và thận trọng. Chúng ta sẽ thực tế hơn trong việc nhận ra những ảnh hưởng đa dạng mà trẻ có thể tiếp xúc và tác động mà những ảnh hưởng ấy để lại nơi trẻ, và từ đó, chúng ta sẽ hiểu được và đáp ứng tốt hơn những gì trẻ cần, hoặc biết rõ những nguồn và những sự hướng dẫn nào trẻ có thể cần.


Những ảnh hưởng mà trẻ phải đối mặt, có thể tích cực, có thể tiêu cực, và có thể trung hoà giữa tốt và xấu. Việc có được ý thức trang bị cho con trẻ trước cuộc sống sẽ giúp chúng ta chấp nhận rằng chúng ta không thể luôn bảo vệ chúng khỏi những điều tiêu cực, nhưng chúng ta có thể đưa ra những hướng dẫn đúng đắn.


Nếu chúng ta vẫn chưa chú ý đến việc chuẩn bị cho con trẻ trong việc nuôi dạy, chúng ta có thể dành thời gian để tìm hiểu những gì trẻ đang đối mặt mà chúng ta có thể không biết. Chúng ta có thể nói chuyện với những người trẻ thường gặp gỡ và hỏi ý kiến của họ. Chuẩn bị trước, tốt hơn nhiều so với việc bị bất ngờ, và thông qua việc dành thời gian suy nghĩ, bàn luận những khả năng có thể xảy ra, chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn cho vô số những tình cảnh mà con trẻ có thể đối mặt trong tương lai, hoặc có thể chúng đã đối mặt.

Chắc chắn có những ảnh hưởng tiêu cực mà con trẻ sẽ tiếp xúc, và bạn cần chuẩn bị cho chúng và trò chuyện nhiều về những vấn đề như ma tuý, trầm cảm, chứng rối loại ăn uống, những thái độ tiêu cực và thiếu trưởng thành về sex, những thái độ bướng bỉnh, những cách nhìn không lành mạnh về cuộc sống… Luôn có những ảnh hưởng xấu và không lành mạnh trong cuộc sống mà con trẻ phải đối mặt lúc này hoặc lúc khác, vì thế việc chúng được chuẩn bị là rất quan trọng; và việc tiếp xúc hoặc biết những người có liên quan đến những vấn đề này không phải là trải nghiệm tiêu cực. Nhưng nó phải được thực hiện cách nào để trẻ có kinh nghiệm học hỏi, không nghi ngờ, chứ không được làm trẻ trở nên yếu đuối hoặc làm nguy hại đến niềm tin của trẻ.


Việc nghĩ rằng chúng ta có thể giữ cho con cái tránh được những điều khó khăn và tiêu cực trong cuộc sống là hoàn toàn không thực tế, và sẽ không có ích gì cho cả chúng ta và trẻ. Sẽ tốt hơn và thực tế hơn rất nhiều khi chuẩn bị cho trẻ có những quyết định tốt, và hướng dẫn cho chúng biết phải làm thế nào khi đối mặt với những vấn đề.


Hoàn toàn là điều tự nhiên khi con trẻ đôi khi có những quyết định sai, không tốt, bởi vì chúng vẫn đang trải nghiệm và vẫn đang học cách áp dụng những gì bạn đã dạy dỗ chúng. Đó là lý do tại sao việc gần gũi của chúng ta trong cuộc sống của trẻ khi chúng đối mặt với những vấn đề, việc chúng ta làm tròn trách nhiệm giải đáp những thắc mắc và giúp chúng đưa ra những quyết định tốt, sẽ giúp chúng ta tiếp tục trang bị cho trẻ – là một phần trong trọng trách nuôi dạy con cái. Việc trang bị ấy, chính là dạy cho trẻ biết sống lý thuyết về giáo dục nhân cách trong cuộc sống thường nhật.


Thay vì cố bảo vệ trẻ bằng cách loại trừ hoặc không để cho bất cứ việc gì bạn nghĩ có thể làm hư hỏng hoặc gây hại về mặt tinh thần của chúng, sẽ có ích hơn khi bạn nhận thức những mặt chúng cần giúp đỡ, những thách thức chúng có thể đối mặt, và chuẩn bị cho chúng. Hãy chú ý giúp trẻ phát triển những nhận thức cá nhân, dạy chúng biết đưa ra những quyết định đúng đắn ngay khi đối mặt trước những áp lực xung quanh hoặc những tình huống khó khăn khác, và tạo bầu khí trao đổi cởi mở để bạn có thể hướng dẫn chúng trong những lúc chúng phải đối mặt với khó khăn.


Con cái các ngươi, Đức Chúa đều dạy dỗ, chúng sẽ được vui hưởng thái bình” (Is 54,13).


Thiên Ân
dịch

Exit mobile version