Day dứt mãi không thôi

Nhatho 1 - Day dứt mãi không thôi
( Ảnh chụp – phải: một ngôi Nhà Thờ hoành tráng vừa khánh thành ở Sàigòn)


Ngày ấy, Tuổi Hoa hấp dẫn chúng tôi lắm, những câu chuyện, những trang báo theo chúng tôi vào cả nhật ký, vào cả “lưu bút ngày xanh”. Những tựa đề của những câu chuyện Hoa Xanh, Hoa Đỏ và Hoa Tím quanh quẩn bên chúng tôi cả ngày. Nào là “Đường vào hang cọp”, “Chiếc xe thổ mộ”, “Tiếng chuông dưới đáy biển”, “Triều Tiên khói lửa”, “Tài xế Suzuki lý tưởng”, “Chiếc mai cua đốm”… Chúng tôi hãnh diện và biết ơn cha già đã được ơn Chúa thiết lập tủ sách Tuổi Hoa để góp phần giúp giáo dục tuổi trẻ chúng tôi…

Thế rồi đang giữa câu chuyện rôm rả lan man, một bạn nhắc đến một tác giả thời ấy, nay đã có tuổi, đã chuyển từ nghề viết văn cho bọn trẻ sang vẽ tranh và mở tiệm ăn toàn các món Huế, thế là cả bọn chúng tôi hưởng ứng kéo nhau đi “thực địa” một chầu cho vui !


Một khi có vài ly Huda và các món Huế đưa cay, câu chuyện càng trở nên hấp dẫn hơn, không có chủ đề chính nào cả, nên cứ tùy vào… “năng động tập thể” dẫn dắt. Một bạn kiến trúc sư đang giúp thi công hai Nhà Thờ cho người dân tộc ( một cho người K’hor và một cho người J’rai ) kéo anh em vào những cảm xúc riêng của mình.


Bạn tâm sự, ban đầu nhận các công trình tôn giáo như thế cũng chỉ vì muốn có việc làm cho công ty và cũng muốn đóng góp một chút vào việc xây dựng Nhà Thờ như tâm nguyện từ ngày tốt nghiệp, nhưng đến khi vào thực tế và được theo các cha đi sâu hơn nữa vào các bản làng anh em dân tộc thiểu số thì cảm thức bắt đầu đổi khác, bạn cảm thấy cần phải làm một cái gì đó chứ không thể cứ sống mãi như lâu nay.


Bạn kể… Trời chập choạng tối, chiếc xe hai bánh của cha loạng choạng vật vã trên một cung đường khá dài, lầy lội trơn trượt, đến nơi thì thấy đám con cái dân tộc ngổi hai bên đường chờ, họ ngồi bệt xuống đất trong một vùng tối đen chỉ một ánh đèn tròn mờ mờ vì điện yếu. Thánh Lễ được cử hành giữa bản làng nghèo nàn, không đàn nhạc, chỉ có mỗi âm thanh rọt rẹt của một ampli cũ rích, nghe tiếng được tiếng không, “Nhà Thờ” là một vùng đất trống che tấm bạt, không một chiếc ghế dù là ghế nhựa cho Giáo Dân ngồi…



Đêm đó bạn ở lại ngôi làng được cha đến dâng Lễ, sáng hôm sau bạn được Cọ Kun ( trưởng làng ) mời ăn sáng tại nhà Cọ Kun, bạn đã rơi nước mắt khi Cọ Kun “đãi” bạn món bánh mì chấm sữa Ông Thọ, bạn nhớ lại thuở niên thiếu, bạn thích thú thế nào khi rưới sữa Ông Thọ vào giữa ổ bánh mì ăn sáng, bây giờ nó là món ngon và hiếm mà Cọ Kun để dành chỉ đãi riêng khách quý… Bạn còn kể về nỗi sợ hãi kinh khiếp khi chứng kiến tập quán sống trên nhà sàn của người anh em dân tộc, mọi thứ thải ra cứ việc tuôn từ trên xuống dưới nhà sàn…


Bạn nói mình phải làm một cái gì đi chứ ! Bạn xót xa và tâm nguyện từ bây giờ cho đến Giáng Sinh, bạn kêu gọi mọi người và quyết tâm có được, ít là mỗi Giáo Điểm nghèo như thế phải có một cái ampli đàng hoàng để nghe được Lời Chúa. Một bạn khác buột miệng tếu vào một câu: “Đơn vị tính của xây dựng là 10 triệu, dư sức góp !” ( của đáng tội, bữa “nhậu” hôm nay cũng sơ sơ 3 triệu ).

Không khí trùng hẳn khi bạn nói về lối sống sa hoa phung phí của nhiều nơi… Bạn thở dài về thông tin một Nhà Thờ ở thành phố bỗng dưng cha con “nổi cơn” dỡ toàn bộ gạch nền đang còn rất tốt rất đẹp của cả Nhà Thờ lát lại cho nó… hợp thời trang, thế thôi, kinh phí cũng đã ngót nghét 1 tỷ, trong khi mỗi ngôi Nhà Thờ xây dựng hoàn chỉnh ở miền sâu miền xa chỉ dám nghĩ đến từ 3 – 4 tỷ là cùng !


Có một Nhà Thờ khác bỏ toàn bộ 14 chặng Đàng Thánh Giá cũ ( nhưng còn mới ) bằng composit để đúc lại bằng đồng, chắc hắn kinh phí không nhỏ, nhưng đau đớn ở chỗ dùng bộ cũ làm khuôn nên bộ mới bị biến dạng hoàn toàn, tác giả bộ cũ ngồi tiếc ngẩn ngơ công trình của mình.


Câu chuyện lan man sang đến lối sống của Linh Mục, một vấn đề nhạy cảm mà người viết đến đây không dám kể lại nữa. Anh em họ thấy được sự cách biệt trong cách sống, lối sống, nếp sống, mức sống của các Linh Mục miền sâu miền xa với các Linh Mục thành phố, anh em họ thở dài !

Trước khi chia tay, anh em họ “đồng ý, nhất trí cao”, sẽ phải tổ chức cho anh em cả nhóm cùng lên miền dân tộc, sống kinh nghiệm cái nghèo, cái khát khao Lời Chúa, phải cùng đưa gia đình lên nữa để giáo dục con cái và nhất là thắp lửa truyền giáo cho chính mình và gia đình mình. Không thể mãi sống vô cảm như vậy nữa !


Xin Chúa chúc lành cho anh em, cho ý hướng tốt lành của anh em…


Lm. VĨNH SANG, DCCT, Lễ Mẹ Vô Nhiễm 2012 (Ephata 539)

Exit mobile version