Đâu rồi VĂN HÓA ĐỌC: Ý kiến xây dựng của một Nghĩa Sinh

vanhoadoc - Đâu rồi VĂN HÓA ĐỌC: Ý kiến xây dựng của một Nghĩa Sinh

Văn hoá đọc là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Muốn phát triển nền văn hoá đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh | viết lành mạnh của mỗi thành viên trong xã hội.

VĂN HÓA ĐỌC NGÀY NAY

Dạo gần đây trên các trang báo mạng hoặc trên FB xuất hiện nhiều bài viết tương phản nhau. Một bên bàn về cải cách tiếng Việt, công nghệ giáo dục của hai vị GS-TS; một bên bắt được đường dây sex tour của cô Á hậu, MC nổi tiếng làm ở đài truyền hình HTV, và nhiều bài viết khác có nội dung tương tự. Nhưng điều đáng buồn sau các bài viết chia sẻ trên FB là những bình luận đầy ác ý với lời lẽ nặng nề công kích xúc phạm người khác.

Người có nhân văn hành xử văn minh, lịch sự, tử tế với mọi người. Họ không làm “anh hùng bàn phím” phán xét người khác theo chủ quan của mình. Hình như trên mạng xã hội ngày nay hay có tâm lý “bầy đàn” – cứ một người “ném đá” là hùa theo “xây tường” một cách tiêu cực có tính cách bôi nhọ nhiều hơn là để bổ sung và xây dựng.

Chúng ta có quyền nghe, đọc và để lại bình luận góp ý trên tinh thần xây dựng nhưng chúng ta không có quyền nhân danh “thượng đế” để phán xét, thóa mạ, xúc phạm người khác bằng những ngôn từ khiếm nhã có tính mạt sát, miệt thị đối người khác.

Hiến chương Liên Hiệp Quốc và hiến pháp của các quốc gia văn minh tiền tiến trên thế giới đều đề cao giá trị của con người và quyền hạn của mỗi người như quyền sống khỏe mạnh và hạnh phúc; quyền chọn nghề nghiệp hợp khả năng và sở thích; quyền có đời sống riêng tư (right to private life | freedom of privacy); quyền bình đẳng trước pháp luật – một người được coi là không có tội khi chưa có bản án xác định phạm tội.

QUYỀN HẠN VÀ GIỚI HẠN

Quyền hạn (rights) nào cũng có giới hạn (limits). Thí dụ như quyền tự do diễn tả tư tưởng của mình (freedom of expression):

1. Với tư cách cá nhân, bạn có quyền tự do diễn tả tư tưởng của mình (như trên FaceBook của Nguyễn Văn Anh hay trên FaceBook của Lê Thị Em) miễn là sự phát biểu của mình lành mạnh, xây dựng và trung thực.

2. Với tư cách đoàn thể, bạn có quyền tự do diễn tả tư tưởng nếu bạn được đoàn thể đó ủy quyền cho bạn phát biểu về một vấn đề nào đó (như trên trang FaceBook của Hội Chữ Thập Đỏ hay trên trang FaceBook của Nhóm CNS chẳng hạn). Nếu bạn không được ủy quyền, bạn chỉ viết với ý kiến cá nhân về một vấn đề gì đó mà bạn lại dùng trang FaceBook của Hội Chữ Thập Đỏ hay trên trang FaceBook của Nhóm CNS chẳng hạn thì việc làm của bạn không đúng – vì bạn đã vượt quá giới hạn của mình.

VĂN HÓA ĐỌC NGÀY MAI

Hướng về tương lai, chúng ta cần cổ võ và phát triển thói quen đọc | viết suốt cuộc đời cho mỗi người. Tập quán tốt đẹp nầy cần được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, trước khi trẻ bé cắp sách đến trường. Trong suốt quá trình học tập tại trường – từ lớp mầm đến hết đại học, mỗi cá nhân cần phát triển kỹ năng đọc | viết và yêu thích việc đọc | viết của mình để phát huy sở trường, hạn chế sở đoản và lũy thừa những giá trị và niềm hạnh phúc trong cuộc đời.

Khi mỗi cá nhân trong xã hội có thói quen đọc, sở thích đọc, và kỹ năng đọc sẽ mang lại thành quả tốt đẹp cho một xã hội ĐỌC để học hỏi suốt đời và cho một xã hội VIẾTđể chia sẻ lành mạnh trong tương quan lâu dài với gia đình, bạn bè và mọi thành phần trong cộng đồng nhân loại.

NS Trần Thị Thu Vân

Exit mobile version