|
Một người có thâm niên làm công tác tham vấn tâm lý cho biết có ngày chị phải tiếp nhận toàn những trường hợp có liên quan đến vấn đề này. Một bác sĩ chuyên chăm sóc những người nhiễm HIV cũng nhận định rằng số người đến xin chữa trị những bệnh lây qua đường tình dục do quan hệ đồng tính tăng lên đến chóng mặt. Bên cạnh đó, những vụ án giết người, mại dâm, nghiện hút có yếu tố liên quan đến ĐTLA cũng cho thấy phần nào mức độ phức tạp của vấn đề.
Điều gì khiến nhiều người tin và ủng hộ các phong trào ĐTLA?
Năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) đã rút ĐTLA ra khỏi danh sách các chứng rối loạn tâm lý cần chữa trị trong DSM II (Cẩm nang chẩn đoán & thống kê các rối loạn tâm lý – tâm thần).
Từ đó đến nay, các nhóm ĐTLA xem đây là “chứng cứ khoa học” để truyền thông và nói với thế giới rằng ĐTLA không phải một dạng bệnh lý mà là một khuynh hướng tình dục bình thường. Thành công này của các nhóm ĐTLA, cộng với chủ nghĩa hưởng thụ và tự do tình dục, đã khiến rất nhiều người tin vào điều này, thậm chí cả một số chuyên gia trong lĩnh vực.
Các phong trào ĐTLA đang dùng lý thuyết “bẩm sinh – di truyền”, một giả thiết không có chứng cứ khoa học xác đáng để nói rằng ĐTLA là bản chất, là do gen di truyền và người có khuynh hướng này đừng mong thay đổi nó.
Nhiều nhóm ĐTLA đang dùng tâm thế “nạn nhân” để đối thoại, thay vì lắng nghe một cách cởi mở. Họ lên tiếng đòi sự công nhận và bình đẳng của xã hội… và nếu có ý kiến nào không đồng tình quan điểm của họ, hay nếu giáo huấn của một tôn giáo nào đó không ủng hộ chuyện đồng tính thì liền bị họ quy kết ngay là “cổ hủ”, “kì thị”, “đối xử không công bằng”, “đàn áp” người đồng tính…
Đằng sau bức màn truyền thông, đâu là sự thật?
1. Ngày nay khi nói về quyết định năm 1973 này của APA, nhiều bác sĩ, chuyên gia tâm thần học cho rằng quyết định này đã chịu một áp lực mang tính chính trị rất lớn từ những nhóm ủng hộ ĐTLA.
Thậm chí Ts. Ronald Bayer, một bác sĩ tâm thần ủng hộ ĐTLA đã nhận định thế này về quyết định của hiệp hội: “APA đã trở thành nạn nhân của một giai đoạn không thể kiểm soát, khi mà các phần tử gây rối đã đe dọa sẽ chính trị hóa mọi khía cạnh đời sống xã hội Mỹ. Một phong trào đòi bình đẳng dữ dội…đã buộc các chuyên gia tâm thần phải dàn xếp tình trạng bệnh lý của ĐTLA với chính những người đồng tính.” [1]
Kết quả, “ĐTLA đã được rút ra khỏi danh sách chẩn đoán bệnh là do những giận dữ mang tính ý thức hệ hơn là do kết quả của một tiến trình khoa học.” Ts. Bayer thuật lại.
2. Tám nghiên cứu quan trọng về các cặp song sinh cùng trứng đã được tiến hành tại Úc (1991), tiếp đó là tại Mỹ (1997). Sau đó Úc và Mỹ đã thực hiện thêm các nghiên cứu này năm 2000, tiếp theo là vùng Scandinavi – Bắc Âu trong suốt 2 thập kỉ đều đưa đến cùng một kết luận: đồng tính không xảy ra từ khi mới sinh. “Cùng lắm, di truyền chỉ là một yếu tố phụ,” Ts. Neil Whitehead, trưởng nhóm nghiên cứu đã phát biểu.
Các cặp song sinh cùng trứng có cùng gen hoặc ADN. Họ được nuôi dưỡng trong cùng một điều kiện trước khi sinh. Nếu ĐTLA được phát sinh do di truyền hoặc do những điều kiện trước khi sinh và một trong hai người của cặp song sinh là đồng tính thì ắt hẳn người còn lại cũng là đồng tính. “Do họ có cùng ADN nên tỉ lệ phải là 100%,” Ts. Whitehead lưu ý. Nhưng các nghiên cứu cho thấy có gì đó khác hơn. “Nếu một trong hai người sinh đôi cùng trứng có cảm xúc giới tính với người đồng giới thì cơ hội để người còn lại có cảm xúc ấy không thể chỉ dừng lại ở tỉ lệ 11% đối với nam giới và 14% với nữ giới.”
Bởi lẽ những cặp song sinh cùng trứng luôn giống hệt nhau về mặt di truyền, nên từ kết quả trên cho thấy ĐTLA không thể đem quy kết là do di truyền”, ông nhấn mạnh. “Những yếu tố chủ đạo gây ra tình trạng đồng tính ở một trong hai người sinh đôi cùng trứng mà không gây ra ở người kia chỉ có thể là do những nguyên nhân xảy ra sau khi sinh.” [2]
3. Quả thật, một số người vì thiếu hiểu biết đã cư xử thậm tệ, nghiệt ngã khi biết con cái, người thân, bạn bè có khuynh hướng này. Cách cư xử thiếu yêu thương và xa lánh chỉ làm họ cảm thấy tổn thương, cô lập và có khi dồn họ vào đường cùng. Cảm thông và chia sẻ những nỗi khó khăn sẽ là nguồn động viên để họ sống có ích và vượt lên nghịch cảnh. Hơn hết, họ vẫn là một nhân vị, vẫn có một nhân phẩm để được tôn trọng.
Sách Giáo Lý Hội Thánh CG hay TL Học Thuyết Xã Hội CG (số 228) có nói về điều này như sau:
Số 2358: Ðừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Ðối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống.
Số 2359, (2347): Những người đồng tính luyến ái cũng được mời gọi sống khiết tịnh. Họ có thể và phải cương quyết tiến dần đến sự toàn thiện Ki-tô giáo nhờ kinh nguyện và ân sủng bí tích, nhờ biết tự chủ để củng cố tự do nội tâm và nhờ sự nâng đỡ của một tình bạn vô vị lợi.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng ĐTLA?
• Mười lầm lẫn trong các luận điểm bênh vực hôn nhân đồng tính |
Trong khuôn khổ của bài viết, người viết chỉ xin tập trung tóm tắt về một dạng rối loạn mà các nhà tâm lý, tâm thần học gọi là rối loạn nhận dạng giới tính hay rối loạn bản sắc giới (gender identity disorder-viết tắt GID)[3], một nguyên nhân dẫn đến tình trạng ĐTLA với tỉ lệ 75% mà nhiều kết quả nghiên cứu đã thu được.[4]
Với quá trình hơn 30 năm giúp đỡ và chữa trị cho nhiều người có cảm xúc đồng tính không mong muốn (unwanted same-sex attractions), Ts. Joseph Nicholosi – chủ tịch Hiệp hội Nghiên Cứu và Chữa trị Đồng tính luyến ái Hoa Kỳ, gọi tắt NARTH[5]– nhận định: “điểm mấu chốt của tình trạng đồng tính là trục trặc về giới. Nơi bé trai, chúng tôi thường xuyên chứng kiến sự tổn thương, trục trặc về giới tính bắt nguồn từ thời thơ ấu. Đứa bé ấy cảm thấy khác biệt, không giống các bé trai khác.”
Những trục trặc và tổn thương này thường ngấm ngầm, đôi khi cha mẹ và người thân của đứa bé cũng có chút hoài nghi nhưng mơ hồ. Cảm giác khác biệt trong đứa bé sẽ tạo sự tách biệt, mặc cảm tự ti và khó hòa đồng với những bạn nam khác.
Biểu hiện ở mức độ cao nhất của tình trạng rối loạn này mà chúng ta có thể dễ nhận thấy nhất ở một số bé trai và một số người lớn đó là ý thích mặc quần áo, thích hóa trang thành người khác phái; không hài lòng, cảm thấy mình khác với giới tính sinh học do cha mẹ sinh ra.
Rất nhiều thân chủ nam là những người đồng tính đã trưởng thành đến với Ts. Nicholosi để được chữa trị, nói rằng lúc bé họ chẳng hề chơi búp bê hay thích mặc váy đầm nhưng khi hồi tưởng lại, họ nhớ mình thường cảm thấy yếu ớt, nhút nhát, rất cô đơn, hay sợ hãi, không tự tin và không mạnh dạn, thường chỉ biết đứng nhìn những con trai khác chơi đùa vì cảm thấy không hòa nhập được với chúng. Họ thích đắm mình vào thể giới tưởng tượng, những câu chuyện thần tiên,…một số người biểu hiện tài năng hội họa và hát múa đồng thời có sự nhạy cảm hơn bình thường.
Qua rất nhiều những trường hợp ông ghi nhận, mối tương quan giữa đứa bé này và bố mẹ trong gia đình đều có vấn đề – có thể nói là mẫu số chung – dẫn đến những trục trặc giới tính.
Có một số giai đoạn đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách mà đứa bé cần sự lưu tâm chăm sóc của người lớn như giai đoạn sơ sinh, giai đoạn từ 2 đến 5 tuổi, giai đoạn dậy thì.
Đối với các bé trai, người bố, người anh, người thầy,…chính là mẫu nhân cách mà đứa bé sẽ học tập, bắt chước cách ứng xử, lối suy nghĩ, và hành động của những hình mẫu này để từ đó hình thành cho riêng mình những tính cách cần có của một người đàn ông sau này. Nhờ được tiếp xúc và tương tác trong quá trình chăm sóc, dạy bảo và chơi đùa cùng, trẻ sẽ dần hình thành cảm thức về giới, nét đặc thù về giới tính nơi mỗi con người.
Cách đây không lâu, một đề tài của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford đăng trên Journal of Child Psychology and Psychiatry ngày 19/7/2012 còn cho thấy sự thiếu hụt tương tác cha-con từ 3 tháng tuổi có thể dẫn đến rối loạn hành vi ở trẻ.[6]
Có những gia đình tuy còn bố mẹ đầy đủ, nhưng vì lý do nào đó, những ông bố của những gia đình này không có khả năng hoặc không muốn giúp con mình lớn lên với những phẩm chất của một nam nhi. Ts. Nicholosi quan sát thấy họ rơi vào 3 nhóm như sau:
Chưa trưởng thành: về căn bản, họ là những ông bố bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên ở những giai đoạn quan trọng khi đứa con cần có sự hiện diện và chăm sóc của mình, họ thường vắng mặt do bị nhấn chìm trong công việc, gánh nặng kinh tế hay những thú vui bên ngoài, thường là những ông bố trẻ, lập gia đình và có con rất sớm.
Quá hà khắc và quá gia trưởng: nhìn chung, họ là những người đàn ông bình thường. Ngoài xã hội, có thể họ cư xử lịch thiệp với người khác nhưng khi về nhà họ là “vua” và mọi người trong nhà đều phải phục tùng họ. Nếu đứa con nào thể hiện những tính cách và thái độ hợp với ý họ thì sẽ được cưng chiều hết mức, ngược lại sẽ bị xem như số không. Chẳng may nếu đứa con nào không được ông thích thì hẳn nhiên sự gần gũi, thương yêu chăm sóc và dạy dỗ cần có nơi một người bố dành cho đứa con trai này sẽ khó lòng xảy ra.
Nhu nhược: là những ông bố nhưng họ không có tiếng nói trong gia đình. Họ quá khiêm nhường, không tự tin và giao toàn quyền quyết định cho người vợ trong mọi việc. Họ cũng có thể là những người đàn ông hiền lành tốt bụng, nhưng lại gặp khó khăn trong việc biểu lộ tình cảm. Không như những người cha hà khắc, họ sẵn sàng nhận hết phần lỗi về mình. Tuy hiện diện về mặt thể lý, nhưng sự thể hiện vai trò cần có của một người cha – người chia sẻ tình cảm, hướng dẫn và giáo dục con cái thì hầu như vắng bóng.
Mối liên hệ nào giữa GID và đồng tính luyến ái?
Sự thiếu hụt trong việc rèn giũa nam tính và sự thiếu hụt về tình cảm của người cha, nếu không được bù đắp, khi đến tuổi dậy thì, cùng với sự thay đổi tâm-sinh lý của đứa bé, những thiếu hụt đó sẽ trở thành những nhu cầu tình cảm bức bách, sẽ biến thành những thôi thúc, những cuốn hút về mặt giới tính hướng về người đàn ông cùng giới.
Không phải đứa bé nào sinh ra trong những gia đình với những ông bố như thế đều sẽ bị rối loạn bản sắc giới và cũng trở thành đồng tính. Nhưng qua thực tế cho thấy, chúng chính là những nguy cơ tiềm tàng, đặc biệt trong bối cảnh gia đình – xã hội hôm nay, khi người ta càng có nhiều phương tiện và nhiều thú vui hấp dẫn thì mối dây liên kết những thành viên trong gia đình lại càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Vậy nhiều đứa bé mồ côi, cha mẹ ly thân nhưng vẫn lớn lên bình thường thì sao? Người xưa đã để lại kinh nghiệm: “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì.” Ý muốn nói về những hình mẫu có thể thay thế trong trường hợp bất khả kháng.
Còn những trường hợp đồng tính nữ ?
Tuy có những khác biệt về nguyên nhân như sự sùng bái cái tôi và phong trào nữ quyền quá khích; nỗi đau khi bị lạm dụng thân xác bởi người nam; phong cách ‘tomboy’ quá đà,…nhưng sự thiếu gắn bó giữa bé gái và mẹ cũng như sự thiếu vắng hình mẫu phụ nữ tích cực là những nguyên nhân sâu xa khiến các bé gái trở thành đồng tính.[7]
Liệu có thể thay đổi khuynh hướng đồng tính được không?
Câu trả lời là CÓ, nếu người đó thật sự mong muốn và kiên trì.
Tháng 5/2001 tại New Orleans, nơi diễn ra hội nghị hàng năm của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, một sự kiện “bùng nổ” (chữ mà các phóng viên dùng) đã thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới:
Ts. Robert Spitzer, người từng đứng đầu nhóm bác sĩ đã rút ĐTLA ra khỏi danh sách bệnh lý năm 1973, đã đưa ra một kết luận: không chỉ hành vi tình dục đồng tính mà khuynh hướng ĐTLA đã thay đổi nơi một số người. Ông nói: “Giống như các nhà nghiên cứu tâm thần khác, tôi đã từng nghĩ rằng người ta có thể kháng cự với hành vi tình dục đồng tính – và không ai có thể thực sự thay đổi khuynh hướng tình dục. Nhưng giờ đây, tôi tin rằng điều đó không đúng –một số người có thể và đã thay đổi.”
Trước khi đi đến kết luận trên, Spitzer đã nghiên cứu và phỏng vấn 200 đối tượng cả nam lẫn nữ, nhiều đối tượng tuyến bố đã thay đổi được khuynh hướng từ đồng tính sang dị tính luyến ái và thay đổi này đã kéo dài ít nhất 5 năm. Ông đã tìm hiểu những đối tượng đến từ Hiệp hội Nghiên cứu và Chữa trị ĐTLA (NARTH), những tổ chức tôn giáo chuyên giúp đỡ tinh thần người đồng tính và nhiều chuyên gia trị liệu khác nhau. Hầu hết số người được hỏi cho biết niềm tin tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của họ và ba phần tư số đàn ông, một nửa số phụ nữ này giờ đây đã lập gia đình. Phần lớn họ tìm kiếm sự thay đổi là vì lối sống đồng tính không làm họ thỏa lòng. Nhiều người trong số này cảm thấy bất an vì sự hỗn tạp trong những mối quan hệ đồng tính, đi ngược lại các giá trị tôn giáo và ước mơ của họ về một đời sống hôn nhân-gia đình.
Lời kết
Góc nhìn về về ĐTLA ở bài này không thể bao quát hết bức tranh toàn cảnh của vấn đề, vốn đa dạng và phức tạp. Hy vọng những thông tin chia sẻ ở đây sẽ cung cấp thêm một cái nhìn, một lựa chọn – tuy có thể sẽ không dễ dàng thực hiện nhưng là sự thật, là những lợi ích đích thực mà các bậc cha mẹ và các bạn trẻ đang tìm kiếm.
Riêng với những cha mẹ và các bạn trẻ Công giáo, người viết xin giới thiệu một địa chỉ đáng tin cậy đã được Ủy ban về Gia Đình của Hội Thánh xác nhận: trang www.couragerc.net(t.Việt: www.couragetiengviet.com, một tổ chức nâng đỡ những người có khuynh hướng đồng tính sống theo giáo huấn của Hội Thánh.)
DIÊN THỤY tổng hợp
Trích từ: Tập san Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, số 14
[1].Simon LeVay, Queer Science, (Cambrige, Mass.: MIT Press,1966), p.24
Xem thêm: http://couragetiengviet.com/tu-lieu/
[2]. Neil Whitehead, ”What is the Genetic Contribution to Homosexuality?” NARTH Bulletin, December 1999,p.22.
Xem thêm: “Những nghiên cứu về song sinh cùng trứng…http://couragetiengviet.com/tu-lieu/
[3]. Trong DSM V, Gender Identity Disorder nay được đổi thành Gender Dysphoria
[4]. Nghiên cứu của Zucker & Green (1992) và các nghiên cứu khác cho thấy 66-75% trẻ bị rối loạn nhận dạng giới tính (GID) sẽ trở thành ĐTLA khi lớn lên.
Xem thêm: Joseph Nicholosi, Shame and Attachment Loss: The Practical Work of Reparative Therapy, (InterVarsity Press,2009)
[5]
[6]. Ramchandani P et al. “Do early father-infant interactions predict the onset of externalising behaviours in young children? Findings from a longitudinal cohort study”, Journal of Child Psychology and Psychiatry, 2012
[7]. Xem thêm: Joseph Nicholosi, “From tomboys to lesbians”, A Parent’s Guide toPreventing Homosexuality, InterVasity Press, 2002