(CN Lễ Hiển Linh – năm A – Mt 2,1-12)
“Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện ở phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 1,2)
Dấu chỉ là những biến cố lạ lùng, hiện tượng siêu nhiên hay những việc thường ngày có một ý nghĩa đặc biệt. Ðây là từ ngữ mà Tin Mừng theo thánh Gioan dùng để chỉ các phép lạ Chúa Giêsu Kitô thực hiện.
Thiên Chúa “thực hiện các dấu lạ giữa dân” (Xh 10,1). Và Dân Chúa nhớ mãi “Khi Người tung ra những điềm thiêng bên Ai Cập” (Tv 78,43). Chính “Chúa phái tôi tớ Người … đến loan báo những điềm thiêng dấu lạ” (Tv 105,27). Chúa Giêsu hứa “những dấu lạ đi theo những người tin” (Mc 16,17), sứ vụ của các tông đồ được củng cố “bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng” (Rm 15,19) và “những dấu chỉ của sứ vụ Tông đồ … là những dấu lạ điềm thiêng, là những phép lạ” (2Cr 12,12). “Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ” (Cv 2,43). Nhưng Chúa Giêsu cũng cảnh báo “có những Kitô giả và tiên tri giả xuất hiện đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể” (Mt 13,32).
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, các phép lạ được gọi là dấu chỉ nhằm đưa ra ý nghĩa của các sự kiện (Ga 2,11).
Chúa Giêsu nhắc tới dấu lạ tiên tri Giona như một dấu chỉ (Mt 12,39-41; Lc 11,29-32).
Có những dấu lạ tiên tri (Xh 3,12; x.1Sm 10,6-8; 1V 13,1-5; 2V 19,29 // Is 37,30; Is 7,14-17; 8,18; 19,19-20; Lc 2,12).
Có những dấu chỉ để bảo vệ như vết máu chiên bôi trên cửa nhà (Xh 12,13-23) như sợi chỉ điều buộc nơi cửa nhà cô Rakháp (Gs 2,12-13,17-21).
Có những dấu chỉ nhắc nhớ các phúc lành thời đã qua như đền đài (Gs 4,4-7), việc tuân giữ các lễ nghi như lễ Vượt Qua (Xh 13,9.16) giữ ngày Sabat (Xh 31,12-17; Ed 20,12.20).
Những dấu chỉ nối kết với cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu: việc sinh hạ bởi mẹ đồng trinh (Is 7,14; x.Mt 1,22-23; Lc 1,34-36), nơi sinh (Lc 2,12; x.Lc 2,7.16), ngôi sao (Mt 2,1-2; x. Mt 2,9-10).
Những dấu chỉ liên hệ tới cái chết của Chúa Giêsu: bóng đêm vào giữa trưa (Mt 27,45// Mc 15,33 // Lc 23,44-45; x. Am 8,9), màn trong đền thờ bị xé đôi (Mt 27,51 // Mc 15,38 // Lc 23,45), người chết trỗi dậy (Mt 27,51-53).
Những dấu chỉ liên quan với việc Chúa Thánh Thần đến: tiếng động như luồng gió mạnh (Cv 2,2), lưỡi lửa (Cv 2,3), nói các tiếng lạ (Cv 2,4.5-11).
Những dấu chỉ báo việc Chúa Giêsu đến lần thứ hai: các dấu chỉ chung (Mt 24,3-8 // Mc 13,4-8 // Lc 21, 7-11), các dấu chỉ xảy ra trước (Mt 24,9-24 // Mc 13,9-22 // Lc 21,12-24), các dấu chỉ xảy ra đồng thời lúc Ngài quang lâm (Mt 24,27-33 // Mc 13,24-27 // Lc 21,25-27 17,24; Cv 2,19-20; Gl 2,30-31; 2Pr 3,12-13). <
LM. PHAOLÔ PHẠM QUỐC TÚY – GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG