Việc khai hỏa là đương nhiên, vì như vậy mới có thể tiêu diệt được những kẻ khủng bố. Nhưng trong khu vực chịu ảnh hưởng, có một cô bé trạc 10 tuổi đang bán bánh mì. Bắn hay không bắn? Không bắn, bỏ lỡ cơ hội để tiêu diệt những kẻ khủng bố và như vậy, sinh mạng của hàng ngàn người khác đang bị đe dọa. Bắn, ảnh hưởng đến sinh mạng của một con người, đặc biệt là một em nhỏ, tương lai của một quốc gia.
Sự giằng co diễn ra khi chọn lựa sự sống của một cô bé và cơ hội để tiêu diệt những kẻ khủng bố. Khi sự sống của con người là trung tâm, người ta phải suy nghĩ để chọn một biện pháp tốt hơn nhằm có thể giải quyết vấn đề một cách triệt để trong mức có thể.
Trong trận lũ lụt xảy ra ở miền Trung vừa qua, đâu đó đã có phát biểu “chỉ nghĩ đến an toàn của đập, còn hậu quả thì chưa nghĩ đến.”
Phải chăng an toàn của đập thì lớn hơn mạng sống của con người? Hay tầm nhìn yếu kém nên không thể nhận ra được hậu quả không thể lường trước được? Liệu, đằng sau việc xả đập còn có một động cơ nào khác?
Dường như, cái nhìn “vật chất có giá trị” đã chi phối cách hành động, và làm giảm sút đi chất lượng cuộc sống của nhiều con người từ quyết định của một vài người.
Khi chỉ nhìn chỉ “vật chất có giá trị” thì lý tưởng cuộc đời trong việc tìm kiếm và hưởng thụ của cải vật chất khiến cho “tình yêu”, “lòng thương xót” trở nên “rẻ mạt”.
Jean Paul Sartre, triết gia người Pháp, đã từng viết “tha nhân là địa ngục của tôi”. Người ta trở thành địa ngục của nhau khi đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích của người khác. Sự tranh giành lợi ích của người khác để vun vén, thỏa mãn cho lợi ích của bản thân đánh mất đi “tình người”.
Thế nên, phải chăng cần có một lối tư duy và hành động khác, hơn là thứ “văn hóa khẩu hiệu, hô hoán” để có được “tha nhân là thiên đàng của tôi”.
(BĐT SJ, dongten.net 18.10.2016)