Đạo hiếu trong cái nhìn của người Công giáo

hieu - Đạo hiếu trong cái nhìn của người Công giáo

Nhân dịp tết đến xuân về, người viết xin góp nhặt đôi điều về Đạo Hiếu của người Công giáo, cùng các bạn trẻ gạn đục khơi trong để có thể Phúc Âm hóa đời sống xã hội hôm nay.

Thảo kính cha mẹ

1. Khởi đi từ nền tảng Kinh Thánh: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi…” (Xh 20,12); Theo Sách Huấn Ca, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đem lại nhiều lợi ích: được đền bù tội lỗi, được con cháu báo hiếu, và khi cầu xin sẽ được Chúa nhận lời. Thánh Phaolô còn khuyên bảo: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”(Ep 6,1-3). Đặc biệt, trong Tin Mừng, Chúa Giê-su còn nhấn mạnh: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).

2. Phụng vụ Ki-tô giáo luôn nhớ đến những người đã qua đời trong mỗi Thánh lễ, từng lời kinh, nguyện ngắm. Thánh lễ nào cũng có ý chỉ cầu nguyện cho các linh hồn (ý chung và ý riêng) với lời nguyện: “Lạy Chúa, xin nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa. Xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa” (KNTT).

3. Trong ba ngày Tết, Phụng vụ dành riêng ngày mồng 2 để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Ngày này, các giáo xứ thường tổ chức Thánh lễ rất long trọng tại Thánh địa, trong đó nghi thức Kính Nhớ Tổ Tiên được cử hành trước như đưa dẫn cộng đoàn vào tâm tình Thánh lễ, với lời nguyện nhập lễ được trích từ sách Châm ngôn: “Con ơi giữ lấy lời cha, Chớ quên lời mẹ, nhớ mà nghi tâm. Đèn soi trong chốn tối tăm, Ấy là chính những lời răn lệnh truyền. Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, Khắc ghi công đức một niềm tri ân (Cn 6,20-23).

4. Đạo Công giáo dành riêng tuần Bát Nhật đầu tháng 11 để viếng nghĩa địa lãnh ơn toàn xá và nhường lại cho các linh hồn, dành cả tháng 11 gọi là tháng Các Đẳng, hay còn gọi Mùa Báo Hiếu Kitô giáo, để cầu nguyện cho những người đã qua đời, bằng việc đọc kinh, xin lễ và tham dự Thánh lễ.

5. Hội thánh cũng dạy các tín hữu phải chu toàn Đạo hiếu như: tôn kính, biết ơn và vâng lời ông bà cha mẹ trong những điều chính đáng như: chăm lo cho cha mẹ được đầy đủ phần xác cũng như phần hồn; khi cha mẹ qua đời phải lo việc tang ma, làm các việc thiện, cầu nguyện và xin lễ cho các ngài, đặc biệt trong những ngày các ngài qua đời cũng như trong tháng cầu hồn.

6. Người Công giáo có truyền thống xin lễ cầu hồn và tổ chức đọc kinh tại gia và dùng bữa (ăn giỗ) hiệp thông với gia đình, đi thăm mộ, sửa mộ trong các dịp: 49 ngày, 100 ngày, 1 năm, 3 năm… Ngoài ra, nhiều gia đình còn có thói quen xin lễ cho tiền nhân và thân nhân vào các dịp kỷ niệm của gia đình để nhớ về nguồn cội.

7. Trong ngày tổ chức Lễ Thành Hôn, người Công giáo đều hướng về bàn thờ để cử hành nghi lễ Gia tiên, để cảm tạ Thiên Chúa và tỏ lòng hiếu lễ với tiên tổ; đồng thời, nguyện xin các Ngài chúc phúc cho tình yêu lứa đôi được trăm năm hạnh phúc.

8. Người Công giáo luôn có thói quen nguyện tắt: Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi…; Giêsu, Maria, Giuse, Con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn; cùng với những Kinh Bổn mang đậm màu sắc cầu hồn như: Kinh Vực Sâu, Kinh cầu các thánh, Kinh Tin Kính…

Thờ cúng tổ tiên

9. Đã từ lâu, thành kiến “theo đạo thì bất hiếu” đã ăn sâu trong lòng người Việt, lương cũng như giáo, khiến cho một tôn giáo chân thật và tốt lành bị xuyên tạc và hiểu lầm hết sức tai hại. “Theo Đạo (Công giáo) là bỏ Ông Bà”, đó là một trong những lý do khiến khá nhiều người minh chứng để từ chối hoặc do dự gia nhập đạo Công giáo.

10. Thành kiến ấy chính là hậu quả lâu dài lịch sử truyền giáo tại Việt Nam trong cách hiểu về việc thờ cúng tổ tiên, với biết bao những khó khăn và những hiểu lầm…. Cho đến nay, Giáo hội Việt Nam đã có những hướng dẫn theo tinh thần của Tòa Thánh, đặc biệt từ Công đồng Vaticano II về việc hội nhập văn hóa bản địa…. Tuy nhiên, các ngài cũng nhắc nhở các tín hữu cần áp dụng có chọn lọc, nhất là bài trừ các hình thức thờ cúng mang tính dị đoan, bói toán,… ngược với Giáo lý Đức tin tinh tuyền Công giáo.

11. Chữ “thờ” hiểu theo nghĩa của người Việt Nam là “thờ kính” cha mẹ đã có công sinh thành dưỡng dục… Tuy nhiên, người Công Giáo không thờ cúng tổ tiên như một đấng thần linh phải thờ lạy và cúng bái, hay hiểu cùng một cấp độ như “thờ phượng” Thiên Chúa. Vì thế, người Công giáo thường lập bàn thờ gia tiên dưới bàn thờ Chúa, với mục đích nhắc nhở cho con cháu về sự tồn tại của các ngài trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của tổ tiên loài người và mỗi chúng ta.

12. Việc tang chế của người Công giáo có nhiều yếu tố hội nhập với văn hóa bản địa như: vái hương, trưng hoa, bày mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên vào các dịp giỗ, dịp tết,… Nhưng, người Công giáo không tin người chết sẽ hưởng dùng những hoa trái ấy, mà chỉ biểu lộ lòng thành kính, hiếu thảo của cháu con và gợi lại những sinh hoạt của người thân khi còn sống mà thôi.

Như vậy, việc ứng xử của người Công giáo Việt Nam với tục thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện sống động nhất của quá trình hội nhập giữa Công giáo và Văn hóa Việt Nam cũng như quá trình Công giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc.

Với một chút suy tư về Đạo Hiếu: cung cách Thảo Kính Cha Mẹ và quan điểm về việc Thờ Cúng Tổ Tiên như thế, mong sao các gia đình Công giáo, đặc biệt các bạn trẻ hãy gắng học hiểu, thực hành và diễn giải cho những người ngoài Công giáo mỗi khi có dịp đối thoại, để Phúc Âm không ngừng tinh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc, ngõ hầu mang lại những giá trị đúng đắn của Đạo Hiếu mà xưa nay nhiều người còn lầm tưởng!

(WGP.Bùi Chu 13.02.2017)


Exit mobile version