Lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ bắt nguồn từ bên Giáo Hội Đông phương, tưởng niệm ngày thánh hiến thánh đường Đức Maria ngày 21 tháng 11 năm 543 tại Giêrusalem. Đông phương coi biến cố thánh hiến này như cuộc đi vô “Đền thờ của Đức Rất Thánh Mẹ Thiên Chúa”. Họ mừng lễ trong vòng sáu ngày từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 11, và dựa vào Ngụy thư Tiền Tin Mừng theo thánh Giacôbê được soạn vào giữa thế kỷ thứ II. Trong đó, tác giả kể lại câu chuyện Đức Trinh nữ lúc còn nhỏ đã được dâng hiến vào Đền thờ và ở lại đó cho đến 12 tuổi : “Thầy tư tế đón tiếp con trẻ và chúc phúc như sau : Thiên Chúa đã chúc tụng danh của con trong mọi thế hệ… Thiên Chúa ban cho con trẻ ân sủng của Người, và nó nhảy mừng, và mọi người trong nhà Ítraen yêu mến con trẻ…”.
Lễ này được cử hành bên Tây phương từ thế kỷ thứ IX tại các đan viện bên Ý, rồi sau đó lan tràn tới bên Anh. Vào năm 1373, Đức Giáo Hoàng Grégoire XI sống tại thành Avignon (Pháp) bắt đầu cho cử hành lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ. Đây cũng là do công lao của một hiệp sĩ, Philippe de Mézièrès, sau thời gian sống bên Đông phương đã về phổ biến lễ này bên Tây phương với hy vọng tìm nối kết lại với anh em Hy lạp và Đức Giáo Hoàng Sixte IV ghi vào lịch phụng vụ vào năm 1472.
Thánh Gioan Kim và thánh nữ Anna từ Nagiarét đưa Mẹ lên Đền Thờ Giêrusalem với mấy người thân thuộc đơn sơ. Đoàn người khiêm hạ lẻ loi, đi không một ồn ào tráng lệ nào hộ tống. Nhưng có một đoàn thiên thần lộng lẫy theo hầu. Những thiên thần này từ trời xuống, cộng thêm vào với những thiên thần hầu cận. Các Ngài vừa đi vừa hát những khúc ca vinh quang và tán tụng mới ca tụng Thiên Chúa. Chỉ có mình Mẹ nhìn thấy đoàn thiên thần đông đảo ấy và nghe nhạc trời của họ. Trên quãng đường dài từ Nagiarét đến Giêrusalem, hai thánh Gioan Kim và Anna được hưởng một nguồn an ủi thiêng liêng tràn ngập.
Do tác động của Chúa Thánh Thần trên song thân và trên Đức Maria, Mẹ mau mắn hiến dâng đời mình và nung nấu một khát vọng mến yêu Thiên Chúa thiết tha từ ngày tự biến mình làm lễ vật trịnh trọng và hiệu nghiệm cho Thiên Chúa. Như nhiều người mộ mến khác, Mẹ ước ao được sống vào thời kỳ Chúa Cứu Thế sinh xuống trần gian, để ước ao được làm nữ tì cho người được diễm phúc làm mẹ Chúa.Vì lòng khiêm hạ mà Mẹ đã được ưu tuyển làm Mẹ sinh con Thiên Chúa
Cuộc đời Đức Mẹ là một cuộc hành trình trong yêu thương. Hành trình đó được khởi đi từ sự ý thức về một Thiên Chúa yêu thương, để rồi qua đó, Mẹ cũng ý thức sống trọn vẹn cho tình yêu Thiên Chúa qua việc dâng mình thuộc trọn về Chúa. Và chính khi sống trong tình yêu thương đó, Mẹ đã sẵn sàng đáp lời “Xin vâng”, cũng như sẵn sàng chịu bao đau khổ, bao khó khăn trong trọn cuộc sống Mẹ.
Nhìn vào cuộc đời Mẹ, mấy ai có thể nghĩ rằng một thiếu nữ mỏng dòn yếu đuối lại có thể vượt qua tất cả những điều đau khổ trong cuộc đời. Thế nhưng, chính khi Mẹ sống trong tình yêu của Thiên Chúa thì tất cả những đau khổ, những khó khăn trong cuộc đời chẳng có thể làm cho Mẹ suy sụp, chẳng thể làm cho Mẹ nản chí hay từ bỏ.
Khi sống trong ân sủng và tình yêu thương của Thiên Chúa, Mẹ đã biết sống theo những điều Thiên Chúa muốn, bởi vì điều đó không chỉ làm đẹp lòng Thiên Chúa nhưng còn mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho Mẹ nữa.
Chính vì thế mà trang Tin Mừng tưởng chừng như một lời nói vô tình của Chúa Giêsu đối với Mẹ, nhưng thật ra đó lại là một lời khen ngợi, một dấu chỉ của sự yêu thương mà Chúa Giê su đã dành cho Mẹ mình. Bởi Ngài biết rằng, Mẹ Maria không chỉ là một người mẹ của tình mẫu tử thông thường, nhưng vượt trên tất cả, Mẹ còn là một người mẹ sống trọn vẹn theo thánh ý Thiên Chúa, đó mới thực sự là điều quan trọng và là điều thiết yêu hơn cả. Cuộc đời Mẹ cho dù phải trải qua những bước thăng trầm sóng gió, nhưng Mẹ vẫn không hề chùn bước, vì Mẹ đã luôn “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” nhằm vâng theo thánh ý Chúa và sống trọn vẹn thánh ý Chúa.
Đức Maria đã tôn thờ Thiên Chúa trong Đền Thờ bằng tinh thần và chân lý. Nhờ lời cầu nguyện và những ước ao nồng nhiệt của Mẹ, Mẹ đã làm cho Đấng Messia mau đến. Nhưng chúng ta tôn thờ Ngài thực sự hiện diện trên các bàn thờ của chúng ta; chúng ta không gọi Ngài từ xa như Đức Maria đã làm. Ngài ở ngay giữa chúng ta; Ngài luôn luôn ở với chúng ta. Chúng ta hãy noi gương đời sống ẩn khuất cô tịch lặng thinh của Mẹ Thánh chúng ta.
Chính trong đền thờ, Mẹ chuẩn bị sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa. Mười hai năm trời Mẹ suy niệm, cầu nguyện, sống gần gũi thân mật với Chúa. Theo thánh Giêrônimô, chương trình sống một ngày của Mẹ ở trong đền thờ gồm có kinh nguyện, suy gẫm, học hỏi Lời Chúa, hát thánh vịnh. Mẹ làm các việc thiêng liêng đạo đức đó với cả lòng sốt sắng nhiệt thành, nêu gương cho mọi người khác.
Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, đó chính là điểm đặc sắc nhất của đời sống Mẹ. Theo thánh Augustinô: “Thánh Mẫu Maria đã thực hiện hoàn toàn ý định Chúa Cha, và vì thế, việc ngài được làm môn đệ Đức Kitô thì có giá trị hơn là việc được làm Mẹ Đức Kitô. Do đó, Đức Maria thật diễm phúc vì đã mang Chúa trong lòng trước khi sinh ra Người”.
Mẹ Maria được dâng hiến trong đền thánh là bước đầu khai mở cuộc đời tận hiến, dẫn tới đức khiết tịnh Kitô giáo. Mẹ Maria đã biến cuộc đời mình, đã biến cái tinh hoa cao quí nhất của cuộc đời mình làm cái phúc. Chính cái phúc là con đường hướng mẹ Maria tới việc vâng phục ý Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận tất cả với tâm hồn rộng mở, tâm hồn quảng đại, quả cảm. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời để nhiều người noi theo. Tình yêu của mẹ đã biến đổi cái nhìn của con người. Nhờ tình yêu thanh luyện của mẹ đã có nhiều trinh nữ hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên chúa trong cuộc đời tận hiến. Chính tình yêu mẫu tử của mẹ đã xóa nhòa mọi nỗi cay đắng khổ đau, để muôn đời mẹ vẫn là mẫu gương sáng chói, là Ðấng bảo trợ nhiệt thành và là Ðấng hướng dẫn con người, Ðấng soi chiếu mọi người trên con đường tận hiến.
Như thế, Đức chính Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa. Việc Mẹ dâng mình vào đền thánh là thể hiện ngôi Đền thờ sống động trong tâm hồn.
Chúng ta cũng thế, chúng ta là đền thờ sống động của Chúa, nên chúng ta biết noi gương Mẹ, dâng mình cho Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa hằng ngày trong đời song.
Huệ Minh