Đấm ngực mấy lần khi đọc kinh Cáo mình?

Hỏi: Trong bản dịch mới của Thánh Lễ theo Sách Lễ Rôma bằng tiếng Anh, tôi ngạc nhiên về thiếu qui định số lần đấm ngực trong Kinh Cáo mình. Sách lễ cho thấy rằng những ai đọc kinh Cáo mình đều đấm ngực, khi đọc tới câu “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Tôi là người trung niên nên còn nhớ rằng phải đấm ngục ba lần thời tiền Công đồng chung Vatican II khi đọc kinh Cáo mình, nhưng tôi tự hỏi liệu sự thực hành này còn được duy trì ở các nơi khác trong Giáo hội, bởi các nhóm sử dụng ngôn ngữ khác cho Sách Lễ Roma không. Có sự áp dụng chung cho mọi nơi không? Hoặc sự thiếu qui định trong Sách Lễ mới là một dấu hiệu cho thấy một lần đấm ngực cũng đủ rồi chăng? – A.L., Gallitzin, Pennsylvania (Mỹ)

Đáp: Việc thiếu qui định là trong Chữ đỏ tiếng Latinh, khi chỉ viết “[P] ercutientes sibi pectus” (đấm ngực mình), trong khi các hình thức ngoại thường qui định rằng phải đấm ngực ba lần khi đọc kinh Cáo mình.

Tuy nhiên, có một thay đổi nhỏ nhưng đáng chú ý khi dịch thuật Chữ đỏ này. Bản dịch trước đây, với một lần thú tội mà thôi, nói rằng các tín hữu cần “đấm ngực”, như thế qui định đấm ngực một lần. Còn bản dịch hiện nay cho thấy “và đấm ngực, khi đọc ba lần thú tội”.

Câu này cho thấy đó là một hành động tiếp diễn, và tôi có thể nói rằng mặc dầu số lần đấm ngực không được qui định trong Chữ đỏ, việc sử dụng lối diễn tả năng động trên hàm ý rằng số lần đấm ngực tương ứng với số lần thú tội cá nhân trong Kinh Cáo mình. Tôi nghĩ rằng điều này cũng là điều đa số người nghĩ một cách tự nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào.

Điều này cũng được xác nhận bởi sự áp dụng trong các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý, vốn luôn duy trì ba lần đấm ngực khi đọc kinh Cáo mình. Sách Lễ tiếng Tây Ban Nha dịch Chữ đỏ ấy là “golpeándose el pecho, dicen:”, có nghĩa là đấm ngực một lần hoặc nhiều lần. Ở những nước này, các linh mục và tín hữu có thói quen đấm ngực ba lần khi đọc kinh Cáo mình.

Mặc dầu Công Đồng chung Vatican II đã yêu cầu loại bỏ các “việc lặp đi lặp lại vô dụng”, cần phải nói rằng không phải mọi lần lặp đi lặp lại là vô ích cả đâu. Một số hình thức truyền thông nhất thiết phải sử dụng những gì kỹ thuật gọi là dư thừa, nghĩa là tăng cường tín hiệu mang một sứ điệp nhiều hơn cần thiết thực sự, để vượt ra ngoài sự giao thoa và nhấn mạnh tầm quan trọng của nó.

Việc lặp đi lặp lại ba lần các lời và cử chỉ trong kinh Cáo mình có thể được xem như trường hợp trên đây. Với bản dịch trước đây, người ta khá dễ dàng bỏ qua cử chỉ đấm ngực hoặc rất ít quan tâm đến ý nghĩa của nó. Việc đấm ngực ba lần nhấn mạnh sự quan trọng của nó, và giúp chúng ta tập trung vào ý nghĩa bên trong của những gì chúng ta nói và làm.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng lập luận trên đây là không chặt chẽ, và một lần đấm ngực cũng có thể là một sự giải thích hợp lệ cho Chữ đỏ.

Nguyễn Trọng Đa
nguồn: VietCatholic/ Zenit

Exit mobile version