Đặc tính Tâm lý lứa tuổi Ngành Thiếu (11-13 tuổi)

hocvoiGiesu - Đặc tính Tâm lý lứa tuổi Ngành Thiếu (11-13 tuổi)

Đó chính là chìa khóa để nắm bắt được đặc tính tâm lý của ngành Thiếu.

Câu trả lời ở đây rất đơn giản:

-Các em ngành Ấu thường chỉ chơi hoặc có từ 1-2 người bạn thân

-Còn đi theo 1 nhóm bạn và hay ồn ào thì gần như chắn chắn đó là nhóm các em ngành Thiếu.

Ngành Thiếu là độ tuổi hướng ngoại, thích hoạt động, thích khám phá, phiêu lưu và không thích ngồi yên. Vì là độ tuổi hướng ngoại nên các em cũng bắt đầu “chướng” nhiều hơn trong cái nhìn của các bậc phụ huynh.

Nếu chỉ mới 1-2 năm trước đây, các em nghe lời cha mẹ răm rắp mà không cần đặt vấn đề, thì đến độ tuổi này, dường như điều đó là hiếm hoi. Nhiều em thậm chí còn đặt lại vấn đề với những gì mà cha mẹ yêu cầu. Trong giờ Giáo lý, các em cũng không dễ dàng chấp nhận ngay một điều gì đó mà không vặn vẹo lại các anh chị Huynh trưởng – Giáo lý viên (HT – GLV) một vài câu hỏi lắt léo tuy chỉ mới ở mức độ…căn bản.

Đó có phải là dấu hiệu bất thường ở các em ngành Thiếu?

Không hề bất thường mà hoàn toàn bình thường. Ở bước chuyển tiếp quan trọng này của cuộc đời, nhiều em sẽ trải qua một giai đoạn khủng hoảng. Đó là sự phát triển tự nhiên để các em có thể lớn lên cả về mặt thể chất và tinh thần. Vì thế, việc đồng hành để giúp đỡ các em vượt qua được giai đoạn này để “hạ cánh” an toàn và thành công thì không thể không biết và hiểu một vài đặc tính tâm lý của độ tuổi này

Đặc tính Tâm lý lứa tuổi Ngành Thiếu:

-Óc phán đoán bắt đầu phát triển: Các em sẽ có phán đoán khác với gia đình. Đồng thời thích ý kiến và chịu uy quyền, ảnh hưởng của người khác hơn là cha mẹ. Nhiều em sẽ đối chiếu lời nói, hành động của cha mẹ với thầy cô/ bạn bè. Nếu thấy cha mẹ mình không tốt hơn cha mẹ của bạn thì các em có thể xấu hổ, bất mãn hoặc không vâng lời. Đây là kết quả của óc phán đoán chỉ mới phát triển ở giai đoạn đầu.

-Óc lý luận và thực tiễn: Các em có nhiều ý tưởng mới, thích kiến thức mới lạ, luôn đặt câu hỏi và tò mò thắc mắc. Trong thực tế, các em thường nhắm đến kết quả nhiều hơn là quá trình. Tuy nhiên, những câu hỏi của các em từ “Why” (tại sao) sẽ dần chuyển sang “How” (như thế nào) khi thắc mắc về một vấn đề nào đó. Vì tính thực tiễn bắt đầu nảy nở, nên những câu chuyện thần tiên sẽ không còn thu hút các em bằng những câu chuyện phiêu lưu, mạo hiểm, anh hùng.

-Thói quen và trí nhớ: Các em thường hành động theo một thói quen hay tập quán nhất định được hình thành trong một nhóm bạn. Thích làm những điều gì đó một cách đều đặn và làm cùng một cách một kiểu. Các bạn để ý, nếu các em có đi học Giáo lý, sinh hoạt ca đoàn hay tập dâng hoa…thường đi rất đều đặn và đầy đủ với nhóm của mình. Trong ngôn ngữ nhiều khi cũng có những nét tương đồng. Giai đoạn này trí nhớ bắt đầu phát triển mạnh. Các em có thể thu nhận nhiều thông tin hơ, dễ nhớ nhưng lại thiếu xác tín nên thường hành động theo thói quen nhiều hơn.

-Tình cảm hay gắn liền với hành động: bộc trực và hồn nhiên. Các em thích ganh đua, cạnh tranh và nếu được khen thưởng thì càng thích hơn nữa. Các em trở nên nhạy cảm hơn, vui buồn thì ngắn ngủi. Có thể đang vui lại chuyển sang giận dữ hoặc chán nản mà nhiều khi bạn cũng không hiểu được lý do. Trong trường hợp này, xin hãy thật kiên nhẫn và nhẹ nhàng với các em.

-Xã hội tính: Các em thường sống theo quy ước chung của xã hội hơn là theo ý muốn của cha mẹ. Các em hay bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ, cách nhìn và hành động của người khác. Đặc điểm của độ tuổi này là các em dành thời gian cho bạn bè nhiều hơn, thích tụ tập với nhau để vui chơi và gần như ít nói chuyện với cha mẹ hơn trước.

-Những đổi thay về mặt tâm sinh lý:

Con gái thì ương ương ngạnh ngạnh

Con trai thì dở sống dở chin

Ngày xưa, ông bà hay nói “nữ thập tam, nam thập lục” nghĩa là nữ 13 tuổi, nam 16 tuổi thì mới bước qua ngưỡng cửa tập làm người lớn (hay còn gọi là dậy thì). Ngày nay, nhiều em dậy thì sớm hơn cả độ tuổi đó. Dù về mặt sinh lý, giới tính đã bắt đầu “chín chắn” nhưng về mặt tâm lý và xã hội thì mức độ chín chắn lại chưa hoàn thiện. Do vậy, nhiều em sẽ có biểu hiện nông nổi trong suy nghĩ, lời nói hay hành động.

Tuổi dậy thì là độ tuổi mà khi tới “thì” thì nó phải “dậy”. Bao đời nay vẫn thế, chẳng ai có thể cấm cản hay thay đổi được. Đến cả Thiên Chúa cũng chẳng hề thay đổi điều mà Người đã tác tạo ở tuổi hoa niên. Các anh chị và các bạn cũng cần hiểu điều đó để có thể tiếp cận và hỗ trợ các em tốt nhất trong giai đoạn này.

Đường hướng Giáo dục Đức Tin cho độ tuổi Ngành Thiếu

-Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể sử dụng khung cảnh những ngày ẩn dật của Chúa Giê-su ở Nazareth trong Thánh Kinh để giáo dục các em. Theo gương Chúa Giê-su, Phong trào hướng dẫn các em tinh thần hy sinh tích cực như khẩu hiệu của ngành trong những công việc bé nhỏ hằng ngày. Hy sinh để làm tròn bổn phận người con ngoan của Chúa, người con hiếu thảo trong gia đình và tạo tình thân ái với tha nhân. (Tài liệu huấn luyện TNTT)

-Giới thiệu về lịch sử Cứu độ: Lịch sử cứu độ chính là lịch sử của Dân Thiên Chúa. Qua những biến cố, nhân vật và sự kiện, các em được nhìn thấy Thiên Chúa luôn hành động theo một chương trình và một kế hoạch nhất định. Tìm hiểu về Lịch sử Cứu độ không chỉ là ghi nhận các sự kiện, nhân vật, mà còn giới thiệu với các em khuôn mặt của Thiên Chúa là tình yêu qua từng biến cố, giai đoạn trong lịch sử.

-Giáo dục luân lý: Ở độ tuổi này, việc giữ luật không chỉ đơn giản là ông bà, cha mẹ hay các anh chị HT – GLV bảo sao thì làm vậy. Nhờ nhận ra luật của Thiên Chúa là luật tình yêu, các em sẽ biết giữ luật vì lòng mến, quảng đại và trung thành đáp lại lời mời gọi của Chúa.

-Dẫn vào Phụng vụ và đời sống Cộng đoàn: Để giúp các em tham dự tích cực và chủ động vào các cử hành Phụng vụ, ngoài việc dạy Giáo lý, các bạn đừng quên giúp các em hiểu ý nghĩa của các cử chỉ, hành động trong Thánh Lễ. Hơn nữa, ý thức mình thuộc về Gia đình Giáo hội, các em sẽ tích cực và hòa mình nhiều hơn vào các sinh hoạt của Giáo xứ.

Dù biết rằng sẽ có không ít khó khăn trong việc Giáo dục Đức tin và đời sống nhân bản ở độ tuổi này, nhưng Kinh Thánh đã để lại cho chúng ta một câu chuyện đáng để suy nghĩ. Khi Thánh Giuse và Đức Mẹ được một phen hốt hoảng vì tưởng Chúa Giê-su bị lạc trong lần đầu tiên lên Đền Thánh, và sau đó lại tìm được con mình đang ngồi đối đáp giữa các thầy dạy trong Đền thờ, thì Kinh Thánh kết thúc bằng câu: “Trẻ Giê-su trở về, càng lớn càng thêm khôn ngoan và nhân đức, đẹp lòng Thiên Chúa và mọi người….” (Lc 2, 51-52)

Giuse N.Q.Đ

Exit mobile version