Cuộc đời của Đức cha Lionello Berti, nhà truyền giáo và Giám mục đầu tiên ở Lào

LionelloBerti - Cuộc đời của Đức cha Lionello Berti, nhà truyền giáo và Giám mục đầu tiên ở Lào

Khu vực Luang Prabang khi được giao cho ĐC Berti có 80 người Công giáo; vào năm 1968, khi ĐC qua đời, đã có một ngàn; hôm nay, mặc dù trải qua những năm bắt đạo, có khoảng 40.000 tín hữu.

Lionello Berti sinh vào ngày 10 tháng 9 năm 1925 ở Sant’Agata di Reggello. Ý muốn dâng mình cho Chúa trở thành linh mục của Berti đã bị người mẹ phản đối. Nhưng rồi vào năm 1945, khi bà bị ốm nặng; có hai linh mục thuộc Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm đến viếng thăm bà. Sau buổi nói chuyện, bà mẹ đã không còn phản đối quyết định của Berti, thậm chí trước khi chết, bà biểu lộ niềm vui với quyết định của con mình.

Vào ngày 20 tháng 6 năm 1948, chàng thanh niên Berti được thụ phong linh mục với phương châm sống: “Ngài đã yêu con và hiến mạng sống cho con để con cũng yêu và cho đi”. Và rồi trong năm 1951, cha đã tuyên khấn lần đầu trong Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm với lời hứa với Đức Maria: “Mẹ yêu mến của con! Con yêu mến Mẹ biết bao, con muốn yêu Mẹ và làm cho mẹ được yêu. Cuộc sống của con thuộc về Mẹ: Mẹ sử dụng nó như những gì mẹ tin tưởng cho linh hồn, cho Chúa Giêsu. Xin giúp con không bao giờ rút lại lời dâng hiến của con và sống nó đặc biệt trong giây phút cuối cùng của cuộc đời con”. Với lòng yêu mến Đức mẹ cách đặc biệt và ý chí kiên vững cha đã thực sự hiến mình hoàn toàn cho sứ mạng của Giáo Hội.

Cha được gửi đi thi hành sứ vụ trong một thời gian ngắn ở Napoli. Tại đây cha phục vụ cho những công nhân làm việc trong các ngành công nghiệp lớn. Lòng nhiệt tình của cha để lại cho tất cả mọi người dấu ấn không thể xóa nhòa của một linh đạo sâu sắc. Cha hướng dẫn một cách kiên vững nhưng đầy tình yêu đối với công nhân; tạo một mạng lưới dày đặc các cuộc gặp gỡ và đối thoại cho những linh hồn mà cha có thể gặp. Cha thực sự trở thành một nhà linh hướng đầy khôn ngoan trong việc hướng các linh hồn đến ngôi trường đích thực đó là trường tình yêu và ý muốn của Thiên Chúa.

Năm1957, đón nhận ý muốn của Chúa qua Bề trên cha ra đi truyền giáo ở miền Bắc Làocùng với năm người bạn khác. Lào, thuộc địa cũ của Pháp, độc lập từ năm 1955, chỉ có hơn ba triệu người bao gồm các nhóm dân tộc rất khác nhau về ngôn ngữ, phong tục tập quán. Điều kiện sống của người dân rất thấp, thiếu những nhu cầu tối thiếu, thiếu phương tiện liên lạc, tình hình chính trị phức tạp, có nhiều phe nhóm.

Đối với cha Berti, môi trường sống mới này quả là khó khăn để thích nghi, ví dụ như thức ăn hàng ngày; cha xuất thân từ vùng nông thôn Tuscan, thức ăn chính của người dân là bánh mì, chính vì thế trong các bữa ăn hình ảnh và mùi vị bánh mì luôn làm cha nhớ đến. Cha đã cố gắng ba lần để gieo lúa mì, nhưng khí hậu quá nóng và ẩm ướt, nó không thực sự phù hợp. Cha nói đùa với một người bạn rằng cha đã bị buộc phải thay thế lời cầu xin trong kinh Lạy Cha: “cho chúng con bánh mì hàng ngày” với “cho chúng con gạo”

Mặc dù khó khăn nhưng cha đã không nản chí, chỉ trong 5 năm, bất chấp sự nghèo nàn của phương tiện đi lại và nhân sự, cha đã mở rộng cánh đồng truyền giáo ratới biên giới Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc. Trong khi thi hành sứ vụ, cha phó thác vào những chỉ dẫn của Chúa hơn là của con người. Cha không đến thăm bất kỳ ngôi nhà hoặc làng nào mà không để lại một cách bí mật một mề đay Đức Mẹ, bởi cha tin rằng chắc chắn Mẹ sẽ tiếp tục công việc của cha.

Năm 1962, khi chỉ mới 37 tuổi, cha Berti được tấn phong Giám mục và được bổ nhiệm làm đại diện Luang-Prabang. Gánh nặng rất lớn nhưng người mục tử trẻ luôn cậy dựa vào sự trợ giúp của Đức Maria. Ngài bắt đầu xây dựng nhà thờ, chủng viện và trường học; ủy thác cho các Nữ tu Bác ái chăm sóc người bệnh, đào tạo các giáo lý viên, quan tâm đến việc đào tạo nhân bản và Kitô cho phụ nữ.

Với mong muốn “loan truyền Phúc Âm và làm chứng cho đức ái” ĐC Berti đã có những sáng kiến mục vụ như thăm viếng các bệnh viện và nhà tù Luang Prabang. Các hoạt động này được chính quyền địa phương đánh giá cao, nhưng trên tất cả đều được đón nhận bởi người cùng khốn và người nghèo khổ.

Vào ngày 24 tháng 2 năm 1968, một nhóm nhỏ các gia đình Hmong của Phu Kassat chuẩn bị rời Sayaboury, chạy trốn khỏi chiến tranh. ĐC Berti với sự tế nhị, khéo léo như một người cha gia đình, cùng sắp xếp cho họ di tản. Nhưng rồi máy bay đã bị rớt và chìm vào sông Mê Công, chỉ có 13 trong số 35 người sống sót. ĐC Berti là một trong số những nạn nhân. Sau mười một ngày trước đôi mắt ngạc nhiên của những người bạn đồng hành và các nhà truyền giáo, thân thể kỳ diệu của vị giám mục trẻ xuất hiện từ dòng sông. Tất cả cộng đồng tập hợp lại để chia taylần cuối, sau đó cơ thể của Ngài được đặt trong nhà nguyện của chủng viện nơimà Ngài đã xây cất.

Trong cuộc cách mạng năm 1975, các linh mục bị trục xuất, tài sản bị tịch thu và sử dụng cho mục đích dân dụng, nhà nguyện bị biến thành một nhà kho. Mộ của ĐC Berti bị chìm vào quên lãng trong ba mươi năm. Sau đó, nhờ sự thỏa thuận với chính quyền địa phương Lào, ngôi mộ đã được tìm thấy và được trả lại cho nó đúng với vị trí của nó.

Đức cha Lionello Berti được phong chân phước vào ngày 11 tháng 12 năm 2016 tại Viêng Chăn. (Agenzia Fides 23/2/2018)

(Ngọc Yến, RadioVaticana 12.03.2018)

Exit mobile version