Cha Gabriele Amorth xuất thân từ trường của Cha Candido Amantini (1914-1992), một Linh Mục thánh thiện thuộc dòng Thương Khó. Án phong chân phước cho Cha Candido đã khởi sự và hiện nay Cha được gọi là Đấng đáng kính. Lúc sinh thời Cha Candido Amantini là Linh Mục trừ quỷ nổi tiếng tại nhà nguyện Scala Santa ở thủ đô Roma.
Xin trích vài đoạn ngắn trong cuốn ”Người trừ quỷ sau cùng” của Cha Gabriele Amorth.
Cứ mỗi lần cử hành nghi thức trừ quỷ là tôi đi vào cuộc chiến. Trước khi bắt đầu, tôi khoác lên người chiếc áo giáp. Đó là dây stola màu tím. Dây stola này có phần cuối dài hơn dây stola mà các Linh Mục mang khi dâng Thánh Lễ. Dây stola này cũng thường được dùng để choàng lên đôi vai của người bị quỷ ám. Và thật có công hiệu. Nó làm cho người bị quỷ ám được ngồi yên, nếu trong lúc diễn ra nghi thức trừ quỷ họ múa máy tứ tung, bước đi ngoằn nghèo, trào nước bọt, la hét ầm ĩ với một sức mạnh phi thường và đập phá dữ dội. Lúc đó tôi cầm trong tay cuốn sách bằng tiếng la tinh với công thức trừ quỷ. Một bình đựng nước thánh mà thỉnh thoảng tôi lấy nước thánh rảy lên người bị quỷ ám và một Cây Thánh Giá.
Cuộc chiến đấu với ma quỷ trong nghi thức trừ quỷ diễn ra hàng giờ, hàng giờ. Và không bao giờ kết thúc với việc làm cho ma quỷ ra ngay khỏi người nó ám hại. Để giải thoát một nạn nhân khỏi sự ám hại của ma quỷ cần đến hàng năm. Satan rất khó bị quật ngã. Chính vị Linh Mục trừ quỷ phải đánh bật Satan ra khỏi người nó ám hại. Nhân danh Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Linh Mục trừ quỷ bắt buộc Satan phải ra khỏi người bị nó ám hại. Trong khi đó thì Satan cố gắng cầm cự và đối phó bằng đủ mọi phương thế ..
Vị Linh Mục trừ quỷ không bao giờ đối thoại với Satan. Ngài chỉ ra lệnh cho nó. Nếu ngài đối thoại với nó, Satan sẽ tìm cách làm cho vị Linh Mục bị rối trí rồi đi đến chỗ đánh bại được vị Linh Mục trừ quỷ.
Xin thuật lại một trong những lần trừ quỷ đầu tiên của tôi. Đó là lần làm nghi thức trừ quỷ cho một nông dân 25 tuổi. Khi nghi thức trừ quỷ bắt đầu, người bị quỷ ám trở thành một tượng muối. Không nói. Không phản ứng. Anh ngồi bất động trên chiếc ghế bằng gỗ mà tôi đặt anh ngồi vào đó. Tôi đọc thánh vịnh 53. Khi kết thúc, bỗng chốc anh ngẩng đầu lên và đăm đăm nhìn tôi. Cùng lúc anh đùng đùng nổi giận la hét ầm ĩ làm cho thất kinh. Anh trở nên đỏ gay đỏ gấc. Rồi anh nói lộng ngôn, nói lời xúc phạm và đe dọa. Tôi vội vàng làm ngay nghi thức trừ quỷ. Tôi làm nghi thức cho đến phần “Praecipio tibi – Ta ra lệnh cho ngươi” thường là lời cầu chung kết. Người bị quỷ ám vẫn tiếp tục gào thét. Vị Linh Mục trừ quỷ ra lệnh cho Satan phải xưng tên. Nó liền trả lời bằng tiếng Anh:
– I am Lucifer – Tôi là Luxiphe.
Ngay khi ấy tôi cảm thấy rúng động vì biết chắc chắn mình đang đối diện với Satan.
Rồi người bị quỷ ám trở thành một khúc gỗ. Đôi chân cứng đơ giơ ra phía trước. Cái đầu thì kéo dài ra đàng sau. Anh bỗng đứng thẳng lên không, cách chiếc ghế ngồi khoảng nửa thước. Anh đứng lơ lửng trên không như thế trong vòng vài phút. Rồi tôi nghe một cái rầm và người bị quỷ ám rơi ngồi xuống trên chiếc ghế. Sau cùng, người nông dân bị quỷ ám nói lắp bắp bằng tiếng Anh:
– Tôi sẽ xuất ra khỏi đây ngày 21 tháng 6 lúc 15 giờ.
Và đã xảy ra đúng như vậy.
… Khi ấy, một người tới quỳ xuống trước mặt Đức Chúa GIÊSU và nói: ”Thưa Thầy, xin thương xót con trai con, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm .. Con đã đem cháu đến cho các môn đệ của Thầy chữa, nhưng các ông không chữa được”. Đức Chúa GIÊSU đáp: ”Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! .. Hãy đem cháu lại đây cho Thầy”. Đức Chúa GIÊSU quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó .. Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Chúa GIÊSU rằng: ”Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” Người nói với các ông: ”Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có đức tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ”rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được. Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Matthêu 17,14-21).
(”Rogate ergo”, Rivista di Animazione Vocazionale, Maggio 2012, Anno LXXV, trang 57).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt