Cùng mẹ, ta thưa với Chúa lời “Xin vâng”

LoiChua - Cùng mẹ, ta thưa với Chúa lời "Xin vâng"

Chúng ta đang ở rất gần ngày đại lễ Giáng Sinh, chắc chắn tâm hồn mỗi người đang rộn ràng niềm vui bởi bầu không khí lễ hội đã bao trùm khắp nơi. Tuy nhiên, mỗi Kitô hữu chúng ta nên biết rằng; Noel không chỉ vui vì lễ hội nhưng là giây phút cảm nghiệm ơn cứu độ đến trong tâm hồn và hiện diện nơi cuộc sống. Trên hết, giáng sinh là đón mừng Chúa đến và ở giữa chúng ta.

Trang Tin Mừng hôm nay giới thiệu với chúng ta một nhân vật quan trọng mà Thiên Chúa đã mời gọi cộng tác để thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, đó là Đức Trinh nữ Maria, quê ở Nagiarét. Từ trời cao, Chúa sai Thiên Sứ của Ngài xuống gặp gỡ và ngỏ lời với một thôn nữ khiêm hạ. “Đức Chúa ở cùng Bà”, đây vừa là lời chào, vừa là lời khẳng định một chân lý sâu xa: Thiên Chúa hiện diện giữa những ai công chính và Ngài ban cho họ được đầy ân sủng.

Thiên Chúa đã sai sứ thần Gáprien đến báo tin Trinh Nữ Maria. Vừa vào nhà, lời đầu tiên thiên sứ nói là lời chúc mừng và ngợi khen Trinh Nữ là Đấng đầy ơn sủng, được Đức Chúa ở cùng, đẹp lòng Thiên Chúa. Tin quan trọng mà thiên sứ báo tin cho Trinh Nữ là nàng sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.Người sẽ nên cao cả , và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao…”

Nghe thế, Trinh Nữ đã thưa lại với thiên sứ: “ Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Khác với thái độ của Giacaria là bán tín bán nghi vào quyền năng của Thiên Chúa, Trinh Nữ Maria đã tin lời thiên sứ, nhưng nàng chỉ muốn biết việc thụ thai và sinh con bằng cách nào.Sau khi nghe thiên sứ giải thích, Trinh Nữ đã mau mắn đáp lời : “ Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Trong sự đơn sơ, Maria không hoài nghi quyền năng của Thiên Chúa nhưng muốn hiểu ý định của Chúa hơn, hầu sống trọn ý Chúa. Băn khoăn của Maria được Sứ Thần giải thích, việc giữ mình khiết trinh với việc mang thai Đấng Cứu Thế không có gì là mâu thuẫn, lý do : “Không có việc gì mà Chúa không làm được”. Hiểu được ý Chúa, Maria đã mở lòng mình ra, sẵn sàng cộng tác vào công trình của Thiên Chúa và cất tiếng “xin vâng”. Lập tức “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Thiên Chúa trông chờ tiếng “xin vâng” từ nơi Đức Maria để thực hiện công trình của Chúa. Tiếng “xin vâng” bao hàm cả tình mẫu tử lẫn sự đồng trinh. Mẹ vừa muốn vinh quang Thiên Chúa hiện thực nơi mình vừa muốn Người Con sẽ sinh ra hoàn toàn là quà tặng ân sủng.

Sứ thần đã làm tròn sứ mạng Truyền Tin của mình. Khi thưa “xin vâng”, Đức Maria đã chấp nhận cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân loại. Biến cố này hết sức quan trọng vì làm thay đổi cuộc đời của Đức Maria và làm cho lịch sử cứu độ bước sang một trang sử mới. Đối với Đức Maria, từ một thiếu nữ bình thường đã trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế. Đi liền với thiên chức làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa còn ban cho Mẹ ơn Vô Nhiễm thai, ơn đồng trinh trọn đời và được đưa lên trời cả hồn lẫn xác. Đối với lịch sử cứu độ: tiếng thưa “Xin vâng” của Đức Maria làm cho lời hứa của Thiên Chúa ngày xưa được ứng nghiệm, Đấng Cứu Thế đã thực sự xuống thế làm người.

Lời “Xin vâng” thật tuyệt vời của Mẹ trong biến cố Truyền tin. Trước lời chào rất đỗi lạ lùng của sứ thần Gabriel, trinh nữ Maria đã bối rối và sợ hãi. “Thưa bà Maria xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. (Lc 1, 30-31). “Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa” lời ấy cứ vang vọng trong tâm hồn ta và chất vấn ta: Có bao giờ tôi được đẹp lòng Thiên Chúa chưa? Mẹ đã rất khiêm tốn nhận mình chỉ là nữ tì hèn mọn được Chúa thương nhìn tới. Đức Chúa ở cùng Mẹ. Giờ đây, Mẹ sẽ quyết định thế nào trước một chương trình mà Thiên Chúa dành cho Mẹ quá cao cả và vĩ đại đây? Mẹ có quyền từ chối vì Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng tự do của con người. Mẹ đã để cho tình yêu Chúa chiếm hữu.

Trinh Nữ Maria đã đi từ ngỡ ngàng, thắc mắc đến ưng thuận xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Nàng đã tự nhận mình là nữ tỳ của Chúa. Điều đó chứng minh Trinh nữ là một người khiêm tốn, tuân phục thánh ý của Chúa, dấn thân vì ý muốn của Ngài. Tin chị họ, tuy già, nhưng đã có thai được sáu tháng, đã làm cho lòng tin của Trinh Nữ mạnh mẽ hơn. Bài ca Magnificat đã nói lên lòng tin tưởng và phó thác trong tay Thiên Chúa, chúc tụng ngợi khen, khiêm tốn tuân phục thánh ý của Ngài.

Một khi Mẹ thưa tiếng “xin vâng” thì cũng có nghĩa là Mẹ đã dám từ bỏ chương trình riêng của bản thân để hiến thân cho Thiên Chúa trong công trình xiết bao kỳ diệu của Ngài. Quả thật, chính Mẹ đã từ bỏ bản thân cho Thiên Chúa. Mẹ sẵn sàng với tất cả những gì Thiên Chúa muốn nơi Mẹ. Từ nơi Mẹ, Ngôi Lời Thiên Chúa sẽ nhập thể làm người, sẽ cất tiếng nói giữa những con người của thời đại, dạy cho họ biết sống theo thánh ý Thiên Chúa để có được hạnh phúc Nước Trời.

Tương lai cả nhân loại đang nằm trên đôi môi của Mẹ. Thiên Chúa cũng đang chờ đợi câu trả lời của Mẹ. Chính tình yêu Thiên Chúa và kinh nghiệm về Thiên Chúa nơi Mẹ thật thẳm sâu đã thúc đẩy Mẹ ưng thuận. Mẹ đã chọn thực thi thánh ý Thiên Chúa bởi Mẹ vẫn hằng đặt trọn niềm tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa. Mẹ đáp: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Mầu nhiệm Nhập thể đã được hoàn tất. Bấy giờ, Mẹ được tràn đầy ân sủng Thiên Chúa và hân hoan thực hiện điều Thiên Chúa muốn mỗi ngày.

Qua lời xin vâng của Đức Maria, lời hứa ban Đấng Cứu Thế được thực hiện. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa được khởi sự trong lịch sử nhân loại: “Một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Lời xin vâng với thái độ khiêm tốn và tin tưởng. Đức Maria đã đáp lại ơn gọi của Thiên Chúa kêu mời để cộng tác vào việc cứu nhân độ thế của Thiên Chúa.

Đức Maria đã trả lời bằng hai tiếng thật vắn gọn “xin vâng”: Trả lời như thế có nghĩa là: Chúa bảo gì tôi cũng làm theo cả. Chúng ta tự hỏi việc trả lời như thế có liều lĩnh lắm không. Ai trong chúng ta cũng biết việc tuân hành thánh ý Thiên Chúa không phải là việc dễ dàng. Hãy nhìn vào hoàn cảnh của Đức Maria chúng ta sẽ thấy điều đó.

Maria là môn đệ tuyệt vời đã đưa chúng ta tới sự toàn thiện và nhân tính của Thiên Chúa. Maria đã chấp nhận và chào đón lời Chúa một cách trọn vẹn, đầy dủ ý nghĩa nhất, không cần biết kết quả câu chuyện sẽ thế nào. Maria đã chẳng hiểu gì về lời đáp “Xin Vâng” trong suốt cuộc đời của chúa Giesu, nhưng Maria tin tưởng, luôn luôn ghi nhớ câu trả lời của mình với sứ thần và “giữ chặt” từng chữ trong tâm khảm,“nghiền ngẫm”,“suy tư”trong lòng (Lc 2:19). Đến khi ở trên đồi Calvary, Maria mới cảm nghiệm được hoàn toàn trách nhiệm của mình về tiếng “Xin Vâng”. Qua kinh thánh, chúng ta biết mẹ là một người nữ có đức tin mạnh mẽ khủng khiếp lại đầy lòng trắc ẩn, luôn luôn để ý đến mọi nhu cầu của con người.

Đức Maria đã khiêm nhường chấp nhận thánh ý của Chúa. Mẹ sống niềm vui ơn cứu độ trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Maria đã trở nên nguồn ủi an và cậy trông cho những ai cần niềm hy vọng. Trong khi mong chờ Chúa đến, mỗi người hãy phó thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Có Chúa chúng ta sẽ tìm thấy nguồn an vui và sự bình an trong cuộc đời.

Để dọn lòng đón Chúa Cứu Thế, Giáo hội kêu gọi chúng ta noi gương Đức maria luôn thưa với Chúa tiếng xin vâng. Chính khi Đức Mẹ nói lời “xin vâng” thì một sức sống đã bùng lên, một ánh sáng đã bùng soi nhân loại. Thiên Chúa đã bắt đầu để cứu con người. Lời xin vâng của Mẹ chính là cửa ngõ dẫn vào ơn cứu độ: Mẹ xin vâng là Mẹ đón nhận công việc mở cửa cho ơn cứu độ tuôn tràn trên nhân loại.

Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta biết đáp lại với Chúa lời “xin vâng” như Mẹ.

Huệ Minh

Exit mobile version