Cung điệu bài giảng lễ là như thế nào?

Hỏi:Thưa cha, liệu việc nghe bài giảng Chúa Nhật là cần thiết để chu toàn luật giữ ngày Chúa Nhật không? Đôi khi, vì lý do cá nhân, con không cảm thấy thích nghe bài giảng của một linh mục nào đó, vì con mạnh mẽ nhận thấy sự không chân thật của ngài, và bởi vì ngài không thực hành điều ngài giảng. – R. C., Mumbai, Ấn Độ.

Đáp: Giáo luật buộc chủ tế chuẩn bị bài giảng và giảng trong mỗi thánh lễ Chúa Nhật, hoặc ít nhất ủy thác cho thầy phó tế hoặc một linh mục khác giảng. Xin mời đọc:

“767 §1. Trong những hình thức giảng thuyết, nổi bật nhất là bài giảng giải thánh lễ vì là phần chính của phụng vụ và dành riêng cho Linh Mục hay Phó Tế. Trong bài giảng ấy, phải làm sao để suốt một năm phụng vụ có thể trình bày các mầu nhiệm đức Tin và khuôn khổ đời sống Kitô giáo dựa vào bản văn Thánh Kinh.

“§2. Trong mọi thánh lễ ngày Chúa Nhật và ngày lễ buộc, khi có dân chúng họp lại, thì buộc phải giảng lễ, trừ khi có lý do quan trọng mới được bỏ qua.

“§3. Trong các thánh lễ trong tuần, nhất là trong mùa Vọng và mùa chay, hoặc khi có lễ lớn hay tang chế, khuyến khích nên giảng lễ khi có số đông dân chúng tham dự.

“§4. Cha Sở hay Linh Mục quản đốc nhà thờ phải lo liệu để những quy luật trên được tuân giữ chu đáo.

“Ðiều 768 §1. Những người giảng Lời Chúa, trước hết hãy trình bày những điều cần phải tin và phải làm nhằm vinh danh Chúa và cứu rỗi nhân loại.

“§2. Cũng phải trình bày cho tín hữu giáo thuyết Hội Thánh dạy về nhân phẩm và tự do của con người, về sự duy nhất và sự vững bền cùng những trách vụ của gia đình, về những bổn phận của những người công dân sống trong xã hội, và cả về việc điều hành những việc trần thế theo trật tự Chúa đã ấn định.

“Ðiều 769. Giáo lý Kitô giáo phải được trình bày thích hợp với điều kiện của thính giả và nhu cầu của thời đại. (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Do đó, ngoại trừ một nguyên nhân nghiêm trọng, bài giảng không thể được bỏ qua vào lễ Chúa Nhật. Vì, như giáo luật nói, nó là một phần của phụng vụ, nên trách nhiệm của người giảng là phải chuẩn bị bài giảng và giảng trong mức độ tốt nhất có thể. Đối với các tín hữu, bổn phận tôn giáo của họ là cố gắng tốt nhất để hiểu và nắm lấy lời dạy, chừng nào nó phù hợp với chân lý Công Giáo, mà chúng tôi đoán là đúng trong trường hợp trên.

Vì các điều 768-769 nói rất rõ ràng, vấn đề đề tài của bài giảng là giảng giải giáo lý của Chúa Kitô và áp dụng nó trong giáo huấn. Đây không nói về các phẩm chất của người giảng, mặc dù rõ ràng là chúng có tác dụng nào đó đến hiệu quả của bài giảng.

Tôi không đứng ở vị trí làm người phán đoán liệu cha giảng thuyết ở Mumbai có thực hành những gì ngài giảng không, và thực sự chỉ Thiên Chúa mới có thể phán đoán tâm hồn người ta. Tôi biết chắc chắn rằng, với tư cách một linh mục, tôi không bao giờ thực hành hoàn toàn những gì tôi rao giảng. Thật vậy, mỗi khi tôi đứng trên bục giảng, hoặc đưa ra lời khuyên trong tòa giải tội, tôi nhận thức sâu sắc về các bất cập và thất bại của mình, để sống đúng với thách thức của Tin Mừng. Tôi tin vào sự thật của sứ điệp, và phấn đấu để truyền đạt nó trong khả năng tốt nhất của tôi. Tôi chỉ có thể đoán rằng hầu hết các linh mục đều chia sẻ kinh nghiệm này.

Nhà thơ Anh và mục sư Anh giáo George Herbert, trong bài thơ “Hiên nhà thờ” (The Church Porch) có một suy tư thú vị về bài giảng: “Xin đừng xét đoán người giảng thuyết; vì ngài là Thẩm phán của bạn: Nếu bạn không ưa thích ngài, bạn sẽ không hiểu ngài. Thiên Chúa kêu rao giảng điên rồ. Bạn đừng đay nghiến / Để lấy ra kho báu từ một bình đất. Người rao giảng tệ nhất cũng nói ra một điều gì tốt: nếu mọi người muốn cảm giác, Thiên Chúa cầm một bản văn, và giảng sự kiên nhẫn”.

Nói cách khác, chính nội dung của bài giảng, cho dù có khiếm khuyết, là quan trọng, chứ không phải người giảng. Một người thông dịch bài thơ trên đã giải thích nó như sau:

“Phương tiện truyền thông không phải là sứ điệp. Hãy tìm viên ngọc quý. Bình đất […] không là vấn đề. Hãy xem điều gì là quan trọng. Hãy chấp nhận nó. Chúa sử dụng tất cả cho mục đích của Ngài. Sự đáp trả của bạn với người giảng sẽ xét đoán bạn, chứ không phải sứ điệp của ngài. Người giảng là Thẩm phán của bạn, là trắc nghiệm mà qua đó bạn được xét đoán. Nếu bạn không thích ngài, bạn sẽ không nghe hoặc hiểu sứ điệp của Chúa. Ngay cả một kẻ khờ dại cũng có thể nói một tri thức cho người khôn ngoan. Bạn bác bỏ sự hiểu biết Chúa ra khỏi thành kiến. Đó cũng là một sự xét đoán. Ngay cả người giảng tồi tệ nhất, như một người bình thường, sinh viên và diễn giả, đều có một bài học để dạy. Dù bản văn cho ngày ấy, mà người giảng có thể làm hỏng, là ra sao chăng nữa, Chúa sẽ chọn bản văn riêng của Ngài, và giảng sự kiên nhẫn để cứu các kẻ tin, bất kể người giảng là như thế nào”.

Thánh Phaolô có một ý tưởng tương tự trong thư gửi tín hữu Philípphê 1, 15-18:

“Đã hẳn, có những kẻ rao giảng về Đức Kitô vì lòng ganh tị và tranh chấp, song những người khác lại làm công việc đó vì ý ngay lành. Những người này làm vì bác ái, bởi họ biết rằng tôi được chỉ định để lo bênh vực Tin Mừng. Còn những người kia thì loan báo Đức Kitô vì tính ưa tranh giành, họ không có lòng ngay, tưởng làm như thế là gây thêm khổ cho tôi, trong lúc tôi bị xiềng xích. Nhưng không sao đâu! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Kitô được rao giảng là tôi mừng. Và tôi sẽ còn mừng nữa” (Bản dịch Việt ngữ của nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

Tôi chỉ có thể khuyên người nêu câu hỏi trên đây rằng bạn nên vui mừng như Thánh Phaolô.

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 3-11-2015)

Exit mobile version