Cụm từ ”Đây là mầu nhiệm Đức tin” có ý nghĩa gì?

Hỏi: Thưa cha, đâu là ý nghĩa của cụm từ ““Đây là mầu nhiệm Đức tin” sau Truyền phép? Liệu cụm từ này nhắc đến toàn bộ nghi thức Thánh Thể hoặc, như một số người gợi ý rằng qua việc làm một cử chỉ hướng tới Mình và Máu Thánh, cụm từ nhắc đến sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể? – F. M., Turin, Ý.

Đáp: Để giải thích điều này, chúng ta phải đặt bản văn này trong bối cảnh.

Trong phụng vụ tiền Công đồng, và do đó cũng trong hình thức ngoại thường, các từ ngữ này được tìm thấy trong nghi thức làm phép Chén thánh. Xin đọc:

“Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu: là mầu nhiệm Đức tin: sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Mọi người đều thừa nhận rằng cụm từ “Đây là mầu nhiệm Đức tin” là không có trong Kinh Thánh, và được bổ sung vào công thức Truyền phép trước thế kỷ VI. Một số tác giả nói một cách đáng tin cậy rằng cụm từ này đã Đức Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả (440-461) dùng để chống lại bè rối Manikê, vì bè này phủ nhận sự tốt lành của các vật chất. Bằng cách này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hồng ân cứu độ đến nhờ việc đổ máu thân thể của Chúa Kitô, cũng như nhờ sự tham dự trong bánh và rượu được dùng để Truyền phép, vốn làm cho hy lễ của Chúa Kitô hiện diện ở đây và ngay bây giờ.

Cụm từ trên đã được rút khỏi nghi thức Truyền phép, sau một loạt cuộc tranh luận lâu dài, bởi các chuyên viên soạn thảo nghi thức Thánh lễ mới. Lúc đầu người ta đã không có ý định giới thiệu Kinh nguyện Thánh Thể mới, nhưng chỉ đơn giản thực hiện một số sửa đổi nhỏ cho Lễ Quy Rôma. Tuy nhiên, các chuyên viên, khi họ không làm như thế, đã vội bị kẹt vào các đề xuất ngược lại. Sau đó, Đức Thánh Cha Phaolô VI quyết định sẽ thôi sử dụng Lễ Quy cũ, khi sự đề nghị soạn thảo các Kinh nguyện Thánh Thể được chấp thuận.

Không Kinh nguyện Thánh Thể mới nào đề xuất cụm từ không có nguồn gốc Kinh thánh “Đây là mầu nhiệm Đức tin” cả, và các hình thức Truyền phép đều là hơi khác nhau trong các Kinh nguyện Thánh Thể. Đức Thánh Cha Phaolô VI một lần nữa can thiệp và bắt buộc rằng hình thức Truyền phép phải là như nhau trong mọi Kinh nguyện Thánh Thể, và rằng cụm từ “Đây là mầu nhiệm Đức tin”, mà sự hiện diện của cụm từ trong Lễ Quy đã là linh thiêng trong nhiều thế kỷ, cần được duy trì, không phải trong công thức Truyền phép, nhưng như sự mở đầu cho lời tung hô của cộng đoàn.

Sự tung hô sau Truyền phép là một điều mới mẻ cho nghi lễ Rôma, mặc dầu nó là khá phổ biến trong một số nghi lễ xưa khác, chẳng hạn như nghi lễ Alexandria.

Về ý nghĩa của cụm từ, chúng tôi có thể nói như sau. Bối cảnh lịch sử có thể có của bè rối Manikê, như được nêu ra ở trên, là có ít liên quan cho ngày nay. Tôi tin rằng chìa khóa tốt nhất để giải thích ý nghĩa phụng vụ hiện tại của cụm từ đến từ các bản văn của việc các tín hữu tung hô:

“Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.

hoặc:

“Lạy Chúa , mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến”.

hoặc:

“Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng thánh giá và sự phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con” (bản dịch Việt ngữ của Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Cả ba lời tung hô cho thấy rằng cụm từ “Đây là mầu nhiệm Đức tin” là không giới hạn vào sự Hiện diện Thực sự, nhưng đúng hơn là vào toàn thể mầu nhiệm của sự cứu độ nhờ cái chết, sự phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Kitô, vì mầu nhiệm này đang hiện diện trong việc cử hành Hy tế Tạ ơn.

Ở Ireland, các Giám mục nhận được sự phê duyệt cho một lựa chọn thứ tư của lời tung hô, đó là “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Thật là một sự tò mò rằng trong một bản ghi chép của mình, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gợi ý rằng lời rao truyền đặc biệt này là không thích hợp cho việc tung hô, bởi vì trong khi nó thể hiện một chân lý Đức tin, nó dường như tập trung sự chú ý chủ yếu vào sự Hiện diện Thực sự, hơn là vào toàn bộ Hy tế Tạ ơn.

Có lẽ nếu người ta quan tâm đến bối cảnh Kinh thánh của lời tung hô của thánh Tôma Tông đồ về thần tính của Chúa Kitô, một khi đã chết và phục sinh, thì lời này cũng bao trùm toàn bộ mầu nhiệm.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 7-10-2014)

Exit mobile version