Cửa tử & cửa tình

Dĩ nhiên ở tuổi đời chưa già mà mang án tử như thế không ai chả sốc. Nhìn lại cuộc đời, thì ai ai cũng còn nặng gánh dây oan và bao nhiêu chuyện phải lo tính. Với chị, đứa con trẻ đang ở tuổi dậy thì là điều mà chị canh cánh và trăn trở nhất bây giờ …

Nhận được tin dữ ấy, chỉ biết thêm lời cầu nguyện cho Chị để Chị vượt qua cơn khủng hoảng nhất của cuộc đời khi cầm trong tay kết án tử. Nhớ lại, ngày xưa Mẹ mình cũng vậy thôi. Không khỏi bàng hoàng, không khỏi đớn đau của thể xác, kèm theo đó là những dòng lệ ngấn dài.

Rồi chợt nhớ lại những ngày xưa khi còn “dang díu” với cái bệnh viện kinh khủng không ai muốn đến nằm trên đường Nơ Trang Long Quận Bình Thạnh.

Con đường Nơ Trang Long vốn dĩ đã không lớn lại càng khốn khổ hơn khi cõng một lượng người về đây đến quá tải. Chiếc cầu vượt có khi chỉ là giải pháp tạm bợ bởi lẽ ai ai cũng đi nhanh về tắt và rồi chiếc cầu vượt chỉ dành những kẻ thẫn thờ chờ đợi cái chết.

Ở trong cửa tử đó lại thấp thoáng lóe lên cái cửa tình của tình người đồng loại.

Chả ai bảo ai, cứ vào cổng, rẽ tay phải, lên lầu 2 và đến cái phòng gọi là cái phòng soup từ thiện của quý nữ tử Bác Ái Vinh Sơn thì sẽ thấy được những tấm lòng. Không phân biệt trẻ trai cũng như chả phân biệt tôn giáo. Mọi người cứ như quen việc mà làm để rồi cứ tranh thủ miễn sao đến 9 giờ sáng nồi cháo lại đầy. Sau khi hoàn thành nồi cháo đó, công đoạn sẻ chia cứ được tuần tự gửi đến các phòng khoa nơi những người bệnh đang cần chút cháo chứa tình người.

Nhiều lần, vì công việc nên cứ phải đến vừa ngay giờ tan tầm của y tá bác sĩ. Ngạc nhiên khi thấy trước mắt mình ở hành lang mỗi dãy phòng bệnh lại có những cuốn cuộn tròn ngăn nắp. Hỏi ra mới biết đó là chiếc chiếu manh của người nghèo vừa mua tạm và để ở đó như là để ‘xí giường” cho buổi tối phiêu diêu.

Với những người may mắn hay có điều kiện thì họ thuê nhà trọ hay những khách sạn đâu đó để tiện việc chăm nuôi. Thế nhưng rồi, dù có giàu có cách mấy đi chăng nữa mà đồng tiền cứ chảy như lũ dữ thì mấy chốc cũng chẳng còn.

Và, khi cầm bản án tử trong tay, không chỉ kẻ chịu tử mà người nhà của người ấy lại rộng lòng khoan dung với những người đồng cảnh ngộ hơn.

Hình ảnh hết sức dễ thương là những người bệnh nằm co ro trong góc giường để thở và những người chăm nuôi lại xúm với nhau ngay ở lối đi giữa phòng. Chả bàn ghế, sopha, salon sang trọng như ở nhà, vào đây chỗ nào cũng là bàn và chỗ nào cũng là ghế, để có chỗ tựa đầu cho an giấc cũng là may.

Chiều đến, chả ai bảo ai, thân nhân của những người mang án tử lại cứ lấy trong xỏ xách của mình ra những món ăn vừa mua vội hay nấu lẹ ngoài góc sân. Thế là họ cứ chung chia với nhau như người thân một nhà. Có những người đi nuôi bệnh quen mặt nhau đến nhẵn mặt rồi. Đơn giản rằng để chống chọi với căn bệnh ung thư phải hàng năm hay hàng tháng chứ không phải 1 ngày đôi bữa.

Thế đó, nhìn hình ảnh của những gia đình như không hề quen biết mà lại thân nhau đến như thế ta lại thấy lóe lên một chữ tình.

Ở ngoài đời, người ta có thể hơn thua, cạnh tranh giành giật, nhưng khi bước vào cửa tử của cánh cổng bệnh viện ung thư thì khi đó mới “biết đá biết vàng”.

Những người hay ganh ghét, tỵ hiềm nên chăng rảo quanh một số bệnh viện hay như là vào cửa tử của Ung Thư để thấy được đời mình còn may mắn.

Trong cái rủi nó cũng có cái may. Có những người một đời oanh oanh thì nay liệt liệt bởi chứng bệnh khó lường. Có những người tưởng mình muôn đời mãi khỏe nhưng cứ phải châm hóa chất vô. Có những người hùng hồn dữ tợn nhưng khi cầm trong tay án tử lại như mảnh bún thiêu.

Khi và chỉ khi ở cái cũng tận của cuộc đời, có lẽ khi đó người ta mới phát hiện ra nhu cầu của tương thân tương trợ và tình người cao quý biết bao. Hãy sống như hôm nay là ngày cuối của cuộc đời để cho ta được nhẹ nhõm tâm can.

Ai chưa từng cảm nghiệm xin hãy cứ đến những khoa phòng chữa trị ung thư hay cái trung tâm ung bướu ở đường Nơ Trang Long sẽ cảm được tình người cao quý biết bao. Chính khi đối diện với cái cửa tử thì cửa tình trong lòng người mới rộng mở.

Người Giồng Trôm

Exit mobile version