Cử hành phụng vụ trong Hội Thánh

phungvu - Cử hành phụng vụ trong Hội Thánh

“Ai tin trong lòng thì được nên công chính,
Tuyên xưng ra ngoài miệng thì được cứu độ”


Giáo hội là Dân Thiên Chúa. Dân thì có bổn phận thờ phượng và ca ngợi Chúa mình. Giáo hội chu toàn bổn phận này nhờ Phụng vụ.

Phụng vụ là những nghi thức trong quy định gồm lời nói, việc làm để thể hiện lòng tôn kính Thiên Chúa. Như trong quan hệ xã hội người ta phải bày tỏ bằng lời nói, việc làm, cử chỉ, xã giao, thì trong nghi thức Phụng vụ cũng có những cử chỉ như quỳ lạy, bái gối, chắp tay cung kính, thể hiện lòng thần phục suy tôn Thiên Chúa. Như thế, phải có nghi thức Phụng vụ vì đó là cách thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với Thiên Chúa. Phải có nghi thức phụng vụ để Thiên Chúa Ba Ngôi tiếp tục thực hiện công trình cứu chuộc là thi ân giáng phúc cho con người. Giờ đây, chúng ta sẽ bàn đến việc cử hành các bí tích theo truyền thống phụng vụ. Giáo lý căn bản về việc cử hành bí tích sẽ trả lời các vấn nạn đầu tiên về đề tài này:

– Ai cử hành phụng vụ?
– Cử hành phụng vụ như thế nào?
– Cử hành phụng vụ khi nào?
– Cử hành phụng vụ ở đâu?

1. Ai cử hành phụng vụ?

Theo như chúng ta được biết, phụng vụ là hoat động của Đức Giêsu toàn diện nghĩa là của Chúa Kitô và Hội thánh Người, mà mỗi tín hữu là chi thể. Vì thế, những ai hôm nay đang cử hành phụng vụ qua các dấu chỉ hữu hình, là đã tham dự vào mầu nhiệm thiên quốc, là làm nên một cộng đoàn phụng vụ. Chính cộng đoàn này cử hành phụng vụ, trong đó không ai là diễn viên, cũng không ai là khán giả. Tất cả đều cử hành và tham dự phụng vụ theo cách thế riêng của từng người: linh mục cử hành và tham dự theo cách thế của thừa tác viên chức thánh; tu sỹ giáo dân cử hành và tham dự theo cách thế và phận vụ của cộng đoàn.

Chúng ta hãy nhớ “khi các nghi lễ, theo bản chất đặc biệt của chúng được cử hành cộng đồng với sự tham dự đông đảo và linh hoạt của giáo dân thì nên nhớ rằng phải quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn là cử hành đơn độc riêng rẽ”.

Toàn thể cộng đoàn, nghĩa là Thân Thể Chúa Kitô kết hợp với thủ lãnh của mình, cùng cử hành phụng vụ vì, nhờ Bí tích rửa tội, mỗi tín hữu được tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô để cùng với Chúa Kitô cử hành Phụng vụ, đó là chức tư tế chung. Trong tư cách là tư tế chung, người kitô hữu được cùng Hội thánh cử hành và tham dự việc thờ phượng chính thức của Hội thánh trong phụng vụ dâng lên Thiên Chúa.

Để giúp các tín hữu thực thi chức tư tế cộng đồng của mình, còn có những tác vụ đặc biệt khác. Những người đảm nhận các tác vụ này không có chức thánh. Phận vụ của họ được các giám mục xác định tùy theo truyền thống phụng vụ và nhu cầu mục vụ. Ngay cả những người giúp lễ, đọc sách, dẫn giải và những người thuộc ca đoàn cũng chu toàn tác vụ phụng vụ đích thực. Vì vậy, trong cử hành các bí tích, toàn thể cộng đoàn đều tế tự, mỗi người tùy theo phận vụ của mình. Trong các cử hành phụng vụ, thừa tác viên hay mỗi tín hữu chu toàn phận vụ của mình, chỉ là và làm trọn vẹn những gì bản chất sự việc và những quy tắc phụng vụ quy định cho mình.

2. Cử hành phụng vụ như thế nào?

Trong các cử hành phụng vụ, chúng ta luôn thấy 2 yếu tố nổi bật: Dấu chỉ và biểu tượng; Lời và hành động. Theo đường lối sư phạm của Thiên Chúa, ý nghĩa của dấu chỉ và biểu tượng bắt nguồn từ trong công trình sáng tạo và trong nền văn hóa nhân loại, được xác định trong các biến cố của Cựu ước và được mạc khải trọn vẹn trong con người và hoạt động của Đức Kitô.

Trong đời sống nhân loại, dấu chỉ và biểu tượng chiếm một chỗ quan trọng. Con người một thụ tạo vừa có thân xác, vừa thiêng liêng. Vì có tính xã hội nên con người cần dấu chỉ và biểu tượng để giao tiếp với tha nhân qua ngôn ngữ, qua cử chỉ và hành động. Trong tương quan với Thiên Chúa cũng thế.

Thiên Chúa nói với loài người qua các thụ tạo hữu hình. Vũ trụ, ánh sáng và đêm tối, gió và lửa, nước và đất, cây và trái đều nói về Thiên Chúa, là biểu tượng cho sự cao cả đầy khôn ngoan Thượng trí và gần gũi của Thiên Chúa. Cũng vậy, những dấu chỉ, những biểu tượng trong đời sống xã hội, như việc thanh tẩy và xức dầu, bẻ bánh và chia sẻ chén rượu có thể diễn tả việc Thiên Chúa hiện diện và thánh hóa cũng như việc con người bày tỏ lòng tri ân Đấng Sáng Tạo.

Khi đến trần gian, Chúa Giêsu Kitô đã dùng những hình ảnh trong sinh hoạt đời thường của con người để giúp họ hiểu về Nước Trời; chính Người đã thực hiện các phép lạ qua những cử chỉ biểu tượng và dấu chỉ thể lý (Ga 9,6)

Ngày nay, Chúa Thánh Thần tiếp tục thực hiện công cuộc thánh hóa ngang qua các dấu chỉ bí tích. Các dấu chỉ này được lấy ra từ những sinh hoạt hàng ngày trong đời sống.

Cử hành phụng vụ là thực hiện cuộc gặp gỡ đối thoại giữa Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con cái. Cuộc gặp gỡ được thể hiện qua lời nói và hành động. Vì thế trong cử hành phụng vụ, Lời Chúa và những cử chỉ gắn liền với nhau. lời diễn tả ý nghĩa của hành động, và hành động thực hiện nội dung của Lời. Các hành động biểu trưng tự nó đã là một ngôn ngữ, nhưng cần có Lời Chúa và việc đáp trả trong đức tin đi kèm và làm cho những hành vi này nên sống động. Những hoạt động phụng vụ biểu thị những gì Lời Chúa muốn diễn đạt: vừa là sáng kiến ân sủng của Thiên Chúa, vừa là lời đáp trả trong đức tin của Dân Chúa.

Lời nói và hành động trong Phụng vụ vừa là dấu chỉ gắn liền với giáo huấn, vừa liên kết với nhau để thực hiện điều chúng biểu thị. Chúa Thánh Thần không chỉ khơi dậy đức tin để các tín hữu hiểu được Lời Chúa; nhưng qua các Bí tích, Người còn thực hiện “những kỳ công” của Thiên Chúa được Lời Chúa loan báo. Công trình của Chúa Cha được Chúa Con yêu dấu hoàn tất nay Chúa Thánh Thần làm cho hiện diện và thông ban cho các tín hữu.

Kế đến, Thánh ca và thánh nhạc góp phần với Lời nói và hành động của phụng vụ để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu (x.SC 112). Sự hòa hợp của các dấu chỉ (thánh ca, thánh nhạc, lời nói và hành động) càng diễn cảm và phong phú hơn nếu được diễn tả bằng nét đẹp văn hóa riêng của cộng đoàn dân Chúa đang cử hành phụng vụ (x.SC 119). Ảnh tượng thánh, đặc biệt các ảnh tượng dùng trong phụng vụ, chủ yếu trình bày Chúa Kitô. Ảnh tượng không thể minh họa Thiên Chúa vô hình và khôn tả; nhưng việc Con Thiên Chúa nhập thể đem lại cho ảnh tượng một vai trò tôn giáo mới.

Tất cả các dấu chỉ dùng trong Phụng vụ đều quy về Đức Kitô. Các ảnh tượng về Đức Mẹ và các thánh cũng vậy. Qua các ảnh tượng, chúng ta thấy con người “được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa”, đã được biến đổi “nên giống Thiên Chúa”, và cùng với các thiên thần được quy tụ trong Đức Kitô.

3. Cử hành phụng vụ khi nào?

Trong đời sống thường ngày, khi hoàn cảnh cho phép, chúng ta thường hay mừng các ngày đáng ghi nhớ trong năm chẳng hạn như sinh nhật, lễ giỗ hoặc kỷ niệm ngân khánh, kim khánh v.v. Có một số ngày rất quan trọng chúng ta không nên quên chẳng hạn sinh nhật của người thân, hoặc là ngày giỗ của cha mẹ. Nhớ đến ngày sinh của một người, chứng tỏ rằng mình vẫn còn quan tâm đến người đó. Tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ và cầu nguyện cho ông bà hay cha mẹ nói lên lòng hiếu thảo và cũng là bổn phận của con cháu. Tương tự như trên, Hội Thánh ý thức bổn phận ca tụng công trình cứu chuộc của Đức Kitô bằng việc tưởng niệm các biến cố cứu độ vào những ngày ấn định trong năm.

Lịch Phụng vụ (GL 1163-1165)

Từ khi có luật Môse, Dân Thiên Chúa căn cứ vào lễ Vượt qua để ấn định các đại lễ nhằm tưởng niệm những kỳ công của Thiên Chúa Cứu độ, tạ ơn Người, giữ mãi kỷ niệm và truyền lại cho các thế hệ sau. Trong thời đại của Hội Thánh, Phụng Vụ mang dấu ấn mới mẻ của mầu nhiệm Đức Kitô. Mỗi tuần vào ngày Chúa Nhật, Hội Thánh tưởng nhớ việc Chúa Phục Sinh. Mỗi năm một lần, Hội Thánh cử hành hết sức trọng thể cuộc Thương Khó hồng phúc và Phục Sinh vinh hiển của Chúa Giêsu. Hội Thánh quảng diễn trọn mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô qua chu kỳ một năm.Trong khi cử hành những mầu nhiệm cứu chuộc như thế, Giáo Hội rộng mở cho các tín hữu nguồn phong phú về nhân đức và công nghiệp của Chúa Giêsu, khiến cho những mầu nhiệm này hiện diện qua mọi thời đại, ngõ hầu các tín hữu tiếp xúc với các mầu nhiệm sẽ được đầy tràn ơn cứu chuộc .

Năm Phụng vụ (GL 1168-1171)

hời gian của cả năm trước và sau Tam Nhật Vượt Qua được Phụng Vụ thánh hóa thành “năm hồng ân của Chúa”(Lc 4:19). Năm Phụng Vụ khai triển mầu nhiệm Vượt Qua dưới nhiều khía cạnh, đặc biệt là chu kỳ các lễ xoay quanh mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh. Năm Phụng Vụ gồm có các mùa sau đây:

1. Mùa Vọng: Là mùa chuẩn bị mừng mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Kitô. Mùa Vọng có bốn tuần lễ, chia làm hai phần: từ Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng đến ngày 17 tháng 12, Phụng Vụ đặt trọng tâm vào việc trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang, tức là ngày tận thế; từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 12, Phụng Vụ hướng về biến cố Con Chúa xuống thế làm người.

2. Mùa Giáng Sinh: Là mùa kính nhớ việc Chúa Giêsu sinh ra và tỏ mình ra lần thứ nhất. Trong mùa này chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh, lễ Thánh Gia Thất, lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, lễ Hiển Linh, và lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

3. Mùa Chay: Hai đặc tính của mùa này là sám hối và nhớ lại, hoặc dọn mình chịu phép Rửa Tội. Trong mùa này, Hội Thánh chuẩn bị các người dự tòng để họ chịu phép rửa trong đêm vọng Phục Sinh, và nhắc nhở các tín hữu canh tân bí tích rửa tội họ đã lãnh nhận. Mùa Chay kéo dài sáu tuần lễ, bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro cho tới chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Những hình thức hãm mình được khuyến khích. Đặc biệt, giáo luật buộc ăn chay kiêng thịt vào hai ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, cùng việc kiêng thịt tất cả các ngày Thứ Sáu.

4. Tam Nhật Vượt Qua: Ba ngày này được coi là tột đỉnh của năm Phụng Vụ, bắt đầu thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh cho đến Kinh Chiều Chúa Nhật Lễ Phục Sinh. Biến cố Vượt Qua của Chúa Giêsu, tức là cuộc tử nạn và phục sinh của Người được cử hành hành một cách long trọng. Trong đêm canh thức Phục Sinh, các dự tòng được chịu phép Rửa và các tín hữu được canh tân ơn phép Rửa của mình.

5. Mùa Phục Sinh: Là mùa hân hoan, vì nhờ tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô mà chúng ta được sự sống mới. Mùa này kéo dài bảy tuần lễ trong đó có lễ Phục Sinh, lễ Chúa Lên Trời và lễ Hiện Xuống.

6. Mùa thường niên: Gồm 33 hoặc 34 tuần lễ trong năm. Trong mùa này, Hội Thánh không cử hành mầu nhiệm đặc biệt nào của Chúa Kitô, nhưng tôn kính chính mầu nhiệm Chúa Kitô trong sự sung mãn của Người. Mùa này bắt đầu từ thứ hai sau lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa cho đến thứ ba trước Mùa Chay. Phần còn lại bắt đầu từ Thứ Hai sau lễ Hiện xuống cho đến trước Chúa Nhật I Mùa Vọng.

Ngày Chúa Nhật (GL 1166-1167)


Tính theo tuần lễ của Do thái thì ngày Chúa Phục Sinh là ngày thứ nhất trong tuần. “Ngày thứ nhất” gợi lại ngày khởi đầu của công trình sáng tạo, giờ đây mang một ý nghĩa mới, tức là khởi đầu của công trình cứu độ. Do đó, theo truyền thống tông đồ bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Phục Sinh vào ngày này, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa, hay ngày Chúa Nhật. Chúa Nhật là ngày tuyệt hảo để cộng đoàn tín hữu tập họp nhau cử hành Phụng Vụ, “để nghe Lời Chúa và tham dự vào bí tích Thánh Thể, để kính nhớ sự thương khó, phục sinh và vinh quang của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Người đã dùng sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô mà tái sinh chúng ta từ trong kẻ chết.”

Lễ kính các thánh (GL 1172-1173)

Trong khi cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo chu kỳ hằng năm, Hội Thánh cũng tôn kính Đức Maria vinh hiển, Mẹ Thiên Chúa, với lòng kính mến đặc biệt, Mẹ là thành quả tuyệt diệu của công trình cứu độ, và là hình ảnh trọn hảo của Hội Thánh tương lai. Hội Thánh còn thêm vào niên lịch những lễ kính nhớ các Thánh tử đạo và các thánh khác. Hội Thánh công bố mầu nhiệm Phục Sinh nơi các ngài, vì các ngài đã cùng chịu thương khó và cùng được vinh hiển với Đức Kitô. Hội Thánh cũng đề cao gương lành của các Ngài để lôi kéo mọi người đến cùng Chúa, và nhờ công nghiệp của các ngài, Hội Thánh lãnh nhận được những hồng ân của Thiên Chúa.

Các giờ Kinh Phụng vụ (GL 1174-1178)

Thánh lễ được nối dài bằng các Giờ Kinh Phụng Vụ, hay còn được gọi là kinh Nhật Tụng, là kinh nguyện công khai của Hội Thánh, qua đó toàn thể Dân Chúa cùng ngợi khen Thiên Chúa và cầu bầu cho phần rỗi của cả thế giới. Kinh Nhật Tụng nhằm mục đích thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Vì thế, kinh Nhật Tụng chiếm vị trí quan trọng trong sinh hoạt Phụng Vụ của Hội Thánh. Các linh mục, tu sỹ nam nữ có bổn phận phải đọc kinh Nhật Tụng hằng ngày, để thay mặt Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện liên lỷ. Kinh này cũng là phần không thể thiếu trong các tu viện. Tất cả gồm có:

– Kinh sáng và kinh chiều: đây là 2 giờ then chốt của kinh nguyện hàng ngày. Kinh sáng nhằm thánh hóa khắc ban mai, kinh chiều được cử hành vào ban chiều khi ngày vừa xế bóng để tạ ơn về những gì Chúa đã ban. Giờ kinh chiều được hiểu như chính lễ tế ban chiều Chúa Cứu Thế truyền lại cho các tông đồ trong bữa tiệc ly hoặc như lễ tế chính Người dâng lên Chúa Cha vào buổi chiều hôm sau để cứu chuộc toàn nhân loại.

– Kinh sách đề ra cho dân Chúa phương tiện phong phú nghiền ngẫm Kinh thánh và những trang sách hay đẹp nhất của các nhà tu đức.

– Kinh nửa ngày (giờ ba, sáu, chín): các ki tô hữu đạo đức còn có thói quen cầu nguyện nhiều lúc trong ngày để bắt chước Hội thánh thời các tông đồ.

– Kinh tối: là giờ kinh cuối ngày để kiểm điểm, tạ ơn và phó dâng giấc ngủ trong đêm.

Để việc cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh mang lại kết quả phong phú, không những người đọc cần hòa hợ p tâm trí với lời mình đọc, mà còn phải trau dồi kiến thức về Phụng Vụ và Kinh Thánh, nhất là về các Thánh Vịnh.

4. Cử hành Phụng vụ ở đâu?

Việc thờ phượng “trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4,24) của Giao ước Mới không bị lệ thuộc vào bất cứ nơi nào đặc biệt, vì Ðức Kitô là Ðền Thờ đích thực của Thiên Chúa; nhờ Người, các người Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, cũng trở thành đền thờ của Thiên Chúa hằng sống. Tuy nhiên, Dân Thiên Chúa, trong hoàn cảnh trần thế, cần đến những nơi chốn để cộng đoàn có thể qui tụ cử hành Phụng vụ.

Khi tự do tôn giáo không bị hạn chế, các kitô hữu có thể xây dựng những nơi dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa. Ðó là những ngôi nhà của Thiên Chúa, biểu tượng của Hội Thánh đang sống tại đó cũng như biểu trưng nơi cư ngụ thiên quốc. Ðó là những nơi cầu nguyện trong đó Hội Thánh cử hành đặc biệt là Thánh lễ và tôn thờ Ðức Kitô thực sự hiện diện trong nhà tạm.

Thánh đường là nhà nguyện, nơi cử hành và cất giữ Thánh Thể, cũng như để tín hữu tụ họp, nơi có sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đấng Cứu chuộc chúng ta, Đấng đã được hiến dâng vì chúng ta trên bàn thờ tế lễ. Nhà này cần phải được bảo quản sạch sẽ, xứng hợp với việc cầu nguyện và những buổi cử hành thánh lễ. Trong nhà Chúa các biểu tượng phải chân thật, hài hòa để giúp mọi người nhận ra Đức Kitô đang hiện diện và hoạt động nơi đây (x.SC7)

Những nơi ưu tiên là: bàn thờ, nhà tạm, nơi cất giữ Dầu thánh, ngai Giám mục hay linh mục, giảng đài, giếng rửa tội, tòa giải tội.

Thánh Đường còn mang ý nghĩa cánh chung. Để vào Nhà Chúa, người tín hữu phải bước qua ngưỡng cửa, như thể từ thế giới tội lỗi bước vào thế giới của đời sống Mới mà Thiên Chúa muốn dành cho mọi người. Thánh Đường hữu hình tượng trưng cho Nhà Cha; ở đó, Chúa Cha “sẽ lau sạch nước mắt họ”. Vì vậy, Thánh Đường là nhà của tất cả con cái Thiên Chúa, luôn mở rộng đón mời mọi người.


Sr. M.Mừng
(MTGHN)

Exit mobile version