Hỏi: Thưa cha, liệu Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) hoặc Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích có cấm các linh mục đồng tế, các phó tế phụ lễ, các tu sĩ hoặc giáo dân hiện diện trong Thánh lễ, cúi đầu khi nghe Thánh Danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria (và thêm nữa, tên của vị thánh được mừng trong ngày ấy…) không? – N. D., Antwerp, Bỉ.
Đáp: Bản văn của Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói về cử chỉ cúi đầu trong số 275:
“275. Cúi biểu lộ lòng tôn kính đối với những đấng, những người hoặc các dấu hiệu của họ. Có hai loại cúi: cúi đầu và cúi mình:
“a. Cúi đầu khi đọc danh Ba Ngôi, và tên thánh Giê-su, Ðức Trinh Nữ Maria và vị thánh trong Thánh Lễ kính vị này.
“b. Cúi mình hay cúi sâu khi chào kính bàn thờ, khi đọc các kinh Munda cor meum “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy” và In Spiritu humilitatis “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận”, khi đọc câu trong kinh Tin Kính: Et incarnatus est “Bởi phép Chúa Thánh Thần”, khi đọc câu trong Lễ Quy Rôma: Supplices te rogamus “Chúng con nài xin Cha”. Thầy phó tế cũng cúi mình khi xin phép lành trước lúc công bố Tin Mừng. Ngoài ra vị tư tế cũng nghiêng mình một chút khi đọc các lời của Chúa lúc truyền phép”. (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).
Độc giả trên đây chúng tôi đang chủ yếu đề cập đến cử chỉ cúi đầu của vị chủ lễ. Qui định trên không nói bất cứ điều gì về ai phải làm cử chỉ cúi đẩu. Ngày nay, qui định này thường được giải nghĩa theo ý rằng người nào hoặc những người nào công bố bản văn sẽ là người làm cử chỉ cúi đầu.
Hầu hết việc cúi đầu đã được, và vẫn được, thực hiện trong hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma, và trong một số trường hợp, chỉ có linh mục sẽ biết thời điểm chính xác để làm cử chỉ này, như một phần của các lời nguyện được đọc thầm mà cộng đoàn không được nghe. Còn khi nghe được, các tín hữu nên làm cử chỉ, trong khi các thừa tác viên khác sẽ hướng về bàn thờ và cúi đầu, lấy mũ ra khi làm như thế.
Việc cúi đầu cũng sẽ được thực hiện khi vị giảng thuyết nhắc tới Thánh Danh Chúa Giêsu. Một số chuyên viên phụng vụ, như Fortescue, sử dụng một “quy tắc ba hoặc năm”, mà theo đó, sau lần thứ ba hoặc thứ năm, vị giảng thuyết nhắc đến Thánh Danh, các giáo sĩ có thể thực hiện cử chỉ cúi đầu nhẹ, và ngưng lấy mũ ra hoặc hướng đầu về nhà tạm nữa.
Trong hình thức thông thường, trong Kinh Vinh Danh và Kinh Tin Kính, toàn thể cộng đoàn và mọi thừa tác viên cúi đầu khi nghe Thanh Danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, cũng như khi đọc chung với nhau.
Vào các dịp khác, thường chỉ có vị chủ tế làm cho cử chỉ này, khi cử chỉ cúi đầu được dành cho vị chủ tê trong các lời nguyện của chủ tế. Tuy nhiên, một vị đồng tế sẽ cúi đầu, nếu ngài nhắc đến Thánh Danh khi đọc một phần của Kinh Nguyện Thánh Thể.
Ở một số nước, mà trong đó Công Giáo có gốc rễ mạnh, tục lệ vẫn còn cho người Công Giáo là cúi đầu bất cứ khi nào nghe hoặc đọc Thánh Danh Chúa Giêsu.
Truyền thống này được dựa vào thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê 2, 9-10: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Các Giờ Kinh phụng Vụ).
Cử chỉ cúi đầu cũng bắt nguồn từ Hiến chế 25 của Công đồng chung Lyons II, được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X triệu tập năm 1274:
“Những người tụ tập trong nhà thờ cần ca tụng với một sự tôn kính đặc biệt Thánh Danh trên mọi tên gọi, hơn bất cứ tên nào khác khác dưới thế này được ban cho ai, để nhờ tên này mọi tín hữu được cứu độ, đó là Thánh Danh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu mọi người khỏi tội lỗi. Mỗi người cần thực hiện cho mình điều đã được ghi cho mọi người rằng, khi nghe hoặc đọc Thánh Danh Chúa Giêsu, hãy cúi đầu; bất cứ khi nào Thánh Danh được nhắc đến, đặc biệt là trong các mầu nhiệm thánh của Thánh Lễ, mọi người cần cúi đầu gối của trái tim mình, mà mọi người có thể thực hiện bằng việc cúi đầu”.
Chính Đức Giáo Hoàng này sau đó khuyến khích Dòng Đa Minh rao giảng và cổ vũ việc sùng kính Thánh Danh. Năm 1721, Đức Giáo Hoàng Innocent XIII thiết lập lễ kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Lễ này được gỡ bỏ vào năm 1969, và đã được phục hồi bởi thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, và nay được mừng vào ngày 3-1 mỗi năm.
Tục lệ này, một khi được lan rộng, thực sự gần như phổ quát, đã không may trở thành ít phổ biến ngày nay.
Về tục lệ cúi đầu, các qui định của Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM) không nói gì hoặc ủng hộ hoặc chống lại cả. Vì vậy, bất cứ nơi nào các tục lệ địa phương qui định rằng phải cúi đầu bất cứ khi nào Thánh Danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria được nhắc đến, không có gì trong bản văn của GIRM cấm đoán nó.
Ở nơi nào không có tục lệ này, bất kỳ thành viên nào của các tín hữu có thể tiếp tục làm như vậy, như lòng sùng kính riêng tư và cử chỉ của sự tôn kính, và ở nhiều nơi, một số đông người Công Giáo duy trì việc thực hành ấy.
Nếu ai đang phục vụ trong năng lực thừa tác viên, như phó tế hay linh mục đồng tế, một lần nữa tôi không tin rằng bản văn của GIRM cấu thành một lệnh cấm. Tuy nhiên, nếu bạn là người duy nhất, ngoài vị chủ tế, làm cử chỉ cúi đầu, tốt nhất bạn không nên cúi đầu, vì như thế xem ra người ta hướng sự chú ý đến bạn nhiều hơn. Như GIRM nói trong số 42:
“42. Cử chỉ và điệu bộ thân thể của vị tư tế, phó tế, các thừa tác viên, cũng như của giáo dân nhằm làm cho toàn bộ cuộc cử hành toát ra vẻ đẹp, sự thanh cao và đơn sơ, làm cho ý nghĩa thật sự và đầy đủ của các phần khác nhau được nhận thức và làm cho sự tham dự của mọi người được khuyến khích. Do đó, phải chú ý đến những gì được qui định bởi luật phụng vụ và thực hành truyền thống của Nghi Lễ Rôma, và những gì mang lại lợi ích thiêng liêng chung cho Dân Chúa hơn là ý thích riêng hay tùy tiện.
“Ðiệu bộ chung của thân thể mà mọi người tham dự phải giữ là dấu chỉ tính tập thể và hiệp nhất của các phần tử cộng đoàn Kitô giáo tập họp cử hành Phụng Vụ thánh: nó biểu lộ và khích lệ tâm hồn cũng như tình cảm của các người tham dự” (Bản dịch Qui chế Tổng quát, như trên).
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 1-12-2015)