|
Khi nói về gia đình, đạo cũng như đời, người ta thường nói:
“Gia đình là nền tảng của xã hội”.
Đúng thế, vì trong bất cứ xã hội nào, gia đình luôn giữ vai trò lớn lao, và quan trọng trong việc hình thành, và phát triển về mọi mặt của xã hội đó. Người ta cũng còn nói:
“Gia đình là tế bào của xã hội”.
Ở Việt Nam, ngay từ thuở các vua Hùng dựng nước, thì gia đình đã được hình thành…
Ta có thể nói gia đình lành mạnh, xã hội hưng thịnh; gia đình tan tác, xã hội suy vong…
Về phía đạo Công giáo, trong sách Cựu ước (St 1, 26-27; 2, 21-22-23) đã cho ta biết, người nam và người nữ đầu tiên được Chúa tạo dựng, đã được kết hợp thành vợ, thành chồng. Đó là ông Adam và bà Eva. Như thế, khi có loài người, thì đã có gia đình.
Trong Tông huấn về gia đình, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã nói:
“Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình”.
Còn Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong thư chung gởi Cộng đồng Dân Chúa ngày 07 tháng 10 năm 2016, đã đưa ra chủ đề Mục vụ gia đình ba năm, với những điểm nhấn cho từng năm:
Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;
Năm 2017-2018: Đồng hành cùng gia đình trẻ;
Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.
Trong lúc tập Tĩnh tâm tháng 3 năm 2019 của giáo phận Long Xuyên đã chọn chủ đề:
“Thánh Giuse – mầu gương những người Cha Công giáo”.
Những điều nêu trên, cho thấy gia đình có tầm quan trọng lớn lao trong xã hội loài người…
Trước khi tìm hiểu làm cách nào để xây dựng đức tin vững vàng nơi gia đình, ta cùng tìm hiểu:
Những mối đe dọa đến sự bền vững, và đức tin nơi gia đình trong xã hội ngày nay.
Nhìn vào xã hội hôm nay, chúng ta thấy có nhiều điều đang đe dọa đến sự bền vững của mái ấm gia đình, làm lung lạc đức tin nơi gia đình Công giáo, tạo ra những hệ lụy tác hại lớn lao khôn lường, đang từng bước đẩy con người đến vô cảm, mất nhân tính, và xã hội đến chỗ suy yếu…diệt vong.
Xin điểm qua một số vấn đề:
Tệ nạn ly hôn, nạo phá thai ngập tràn trong xã hội; quyền sống con người không được tôn trọng
Ly hôn đang diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới, Việt Nam cũng không tránh khỏi, hệ quả thì khôn lường. Biết bao gia đình tan hoang, con cái nheo nhọc, bơ vơ đầu đường xó chợ, bến xe, gầm cầu…
Xin nêu những thống kê báo động như sau:
Mười nước có số liệu ly hôn nhiều nhất trên thế giới: 1. Bỉ 71%; 2. Bồ Đào Nha 68%; 3. Hungary 67%; 4. Cộng Hòa Czech 66 %; 5. Tây Ban Nha 61%; 6. Luxembourg 60%; 7. Estonia 58%; 8. Cuba 56%; 9 Pháp 55%; 10. Mỹ 53%. (Vn. Economy 05/08/2016).
Còn Việt Nam, tệ nạn ly dị, đặc biệt các gia đình trẻ từ 21 tuổi đến 30 tuổi thì ngày một nhiều hơn. Xin trích dẫn một nghiên cứu xã hội của TS. Nguyễn Minh Hòa.
“Theo công trình nghiên cứu xã hội học của TS Nguyễn Minh Hòa, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Namlà 31, 4%, tức là cứ ba cặp kết hôn, lại có một cặp ly hôn. 60% các cặp ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ từ21 đến 30, trong đó 70% số vụ ly hôn khi kết hôn từ 1 đến 7 năm và hầu hết đã có con”.
(Theo tri thức trực tuyến 27/11/2015: chủ đề báo động vợ chồng trẻ ly hôn).
Một điểm vô cùng tàn ác, vô nhân đạo, và thật đau buồn, Việt đang là một trong năm nước dẫn đầu về nạn nạo phá thai trên thế giới, xin nêu cụ thể:
1.Trung Quốc 7, 93 triệu ca/năm; 2. Nga 2,28 triệu ca/năm; 3. Việt nam 1,52 triệu ca/năm 4. Mỹ 1,4 triệu ca/năm; 5. Ukraina 0,6 triệu ca/năm. Việt Nam, tuy đứng thứ ba, nhưng xét số ca nạo phá thai trên dân số, thì Việt Nam đã vượt Trung Quốc và Nga. Thật khủng khiếp! (Trung Quốc: 7.930.000ca: 1.300.000.000 dân = 0, 006; Việt Nam 1.520.000 ca: 90.000.000 dân = 0,0168).
(Tổ chức Y tế thế giới, Vn. Express27/9/2017).
Trước Tết khoảng một tháng, một số anh em chúng tôi đã đến tìm hiểu một nghĩa trang chôn cất thai nhi tại giáo xứ Tân Long, với hơn 2000 giáo dân thuộc ấp 2A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, Tỉnh Kiên Giang. Ban Hành giáo cho chúng tôi biết: trong khoảng 5 năm trở lại đây, giáo xứ có một số người tình nguyện đi gom thai nhi từ khắp nơi về chôn. Mỗi mộ phần, có thể chôn nhiều thai nhi, mộ phần nhiều nhất là 5016 thai nhi. Chúng tôi đếm hơn 20 mộ phần, với hơn 50.000 thai nhi được chôn cất. Nơi đây, hàng tuần vào sáng thứ bảy đều có lễ chôn cất thai nhi. Ôi đau xót và xúc động biết bao!
Tệ nạn dối trá, thiếu trung thực, chỉ vì tiền.
Tại Việt Nam ngày nay, sự trung thực, thật thà đã trở thành của hiếm; sự dối trá trở thành phổ thông trong xã hội. Về điểm này, các phương tiên thông tin đại chúng đã nêu khắp nơi, thậm chí người ta còn đùa cợt bằng những câu vè dân gian: “Thật thà thì thua thiệt, lươn lẹo lại lên lương”. Tất cả chỉ vì đồng tiền: “Tiền là tiên là phật; là sức bật của tuổi trẻ; là sức khỏe của tuổi già; là cái đà của danh vọng; là cái lọng để che thân; là cán cân công lý…” Nghe mà tê tái chua xót biết bao!
Sự gian dối trong xã hội, từ chuyện nhỏ như cân thiếu cần thừa; hàng thật hàng giả; thịt cá tôm bơm nước, gài đinh cho nặng ký, đến những vụ chạy trường, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng lên hàng chục ngàn tỉ. Giới thẩm quyền đã phải thột lên là : “Tham những là quốc nan”. Hay đã thú nhận là “Quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách” (Thời báo Tài chánh 02/04/2016).
Điều đau xót hơn cả là nạn dối trá, lừa bịp gian lận, tham nhũng đã xâm nhập đến hai lãnh vực, mà từ trước tới nay dân tộc ta, xã hội ta vẫn dành sự yêu mến và kính trọng. Đó là ngành Y, ngành cứu người và đào tạo những người “Lương y như từ mẫu”; và ngành Giáo dục, ngành dạy người biết sống nhân bản, và là bộ máy cái sản sinh ra các bộ phân khác trong xã hội. Sự gian lận trong các vụ thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn…năm 2018 là một thí dụ…
Một mối hiểm họa, lơn nhất theo tôi. Đó là:
Người ta chạy theo vật chất, lạc thú, quay lưng, chối bỏ lòng yêu thương của Thiên Chúa.
Một thực trạng, và cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự ly hôn, nạo phá thai, dối trá, tham những, chính là con người đã quay lưng lại với lòng yêu thương vô bờ của thiên Chúa. Họ đã chạy theo vật chất, tiền tài, danh vọng, lạc thú một cách bất chính, và lòng tham trở nên vô đáy, với lối sống thực dụng. Họ không còn yêu mến Thiên Chúa; không yêu thương anh em đồng loại mình như Chúa đã yêu thương chúng ta. Hai điều cốt lõi chúa đã truyền dạy loài người trong Mười Điều Răn.
Hiện tượng đó, không phải chỉ diễn ra nơi những người chưa biết Chúa, tôn thờ chủ nghĩa vật chất, mà còn xẩy ra ngay nơi một số những người đã biết Chúa. Thật đau lòng biết bao!
Vậy làm cách nào để cứu vãn ba mối nguy nan trong xã hội, mà ta vừa nêu trên: không tôn trọng sự sống của con người; thiếu trung thực, đầy dẫy gian dối, và chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa.
Những bài học đó, thiết nghĩ đã thật đầy đủ nơi gia đình thánh Giuse, mẹ Maria và Chúa Giêsu…
Thánh Giuse – mầu gương những người Cha Công giáo.
Thánh Giuse, người công chính, mẫu gương sáng về đức tin vững vàng. Cũng chính có đức tin vững mạnh, mà thánh Giuse đã vâng lời, tôn trọng sự sống, và sống trung thực, không chạy theo vật chất…
Học đức tin nơi thánh cả Giuse, qua việc Ngài vâng lời các thiên sứ:
Đức tin nơi thánh cả Giuse sáng ngời, còn hơn cả đức tin nơi tổ phụ Apbraham, đã vâng lời Chúa, sẵn sàng sát tế người con duy nhất của mình là Isaac, lúc ông tuổi đã già, khi Chúa thử lòng ông.
Nhờ có đức tin vững vàng, nên thánh Giuse đã bằng lòng cưới mẹ Maria, khi mẹ Maria đã mang thai… Thánh Giuse đã hoàn toàn tin tưởng và vâng lời khi sứ thần báo mộng: “Này ông Giuse, con cháu Davit đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên cho trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 20b-21).
Và cũng chính vì có đức tin vững vàng, nên thánh Giuse đã vâng lời truyền của Thiên thần, giữa đêm trỗi dậy đưa hài nhi Giêsu và mẹ người trốn sang Ai Cập với bao vất vả nơi “Đất khách quê người”…
Học đức tin nơi thánh Giuse, qua việc Ngài tôn trọng quyền sống của con người.
Ngày nay, nhiều người đã chối bỏ, và trút bỏ đứa con vô tội của chính mình, thì thánh Giuse, vị cha nuôi đã chăm sóc chu đáo cho Chúa giêsu, với đầy đủ trách nhiệm của vị cha nuôi khả kính; và làm trọng nghĩa vụ của người chồng trên danh nghĩa đến hết đời mình, với mẹ Maria.
Học đức tin nơi thánh giuse, qua việc Ngài sống trung thực, âm thầm khó nghèo.
Ngày nay, nhiều người cả đời chạy theo vật chất, tiền bạc, danh vọng, lạc thú, thì thánh Giuse đã về sống ẩn dật, khó nghèo nơi vùng quê Nazaret. Một đời sống đơn sơ chân thật, chất phác với nghề thợ mộc không có quyền thế trong xã hội. Thánh Giuse đã không chạy theo danh vọng, quyền thế của thời đế chế Rôma, khi Ngài là con cháu Davit.
Tạm kết: người cha trong gia đình cần củng cố và làm gương sáng về đức tin.
“Đức tin là ơn Thiên Chúa ban để tín hữu tự do gắn bó trọn vẹn vớiThiên Chúa, qua nhận những chân lý mặc khải trong Đức Giêsu Kitô.” ( theo tự điển Công giáo của HĐGMVN).
Người cha trong gia đình, cần có đức tin vững vàng, trở thành cột trụ về đức tin nơi gia đình, truyền lửa đức tin cho vợ và con cháu. Muốn được như thế, người cha luôn phải ra sức học hỏi, tìm hiểu không ngừng, những điều Giáo hội đã dạy trong giáo lý, trong Kinh thánh. Cần tìm hiểu với thái độ khiêm tốn, và luôn biết cầu nguyện để nhận được Thánh ý của Chúa, qua các dấu chỉ của thời đại…
Cảm tạ Chúa đã thương ban cho con có lòng say mê, yêu mến những kỳ công trong các tạo vật, mà Chúa đã dựng nên, và tìm được thú vị trong việc học đạo qua: hạt gạo, khí trời, con ong… cùng có một số bài viết: Đức tin không phải là chuyện đặt cược; con ong tài ba hơn các nhà khoa học; Giáng kiều của nhân loại; hạt gạo; tim nguồn cảm hứng thú vị trong việc học đạo đề tài I, II, III…
Cursillista Inhaxio Đặng Phúc Minh