Công nghị Giáo phận trong truyền thống Giáo luật

Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả.

“Công nghị” là thuật ngữ từ nguyên ngữ Latinh “Synodus” hay Hy Lạp “Synodos”; thuật ngữ này là từ ghép gồm có: “syn” nghĩa là “cùng nhau” và “odos” nghĩa là “con đường”; như vậy công nghị nguyên nghĩa là “con đường chung”, tức là một cuộc họp để tìm một cách làm việc chung. Nhiều giáo phận Italia đang dùng thuật ngữ “cộng đoàn đồng hành” (communità in cammino) thay vì công nghị.

Trong tự điển, cũng như trong lịch sử Hội Thánh, công nghị (synodus) và công đồng (concilium) thường được hiểu là đồng nghĩa. Hiện nay, trong Hội Thánh Công Giáo, Công Nghị Giáo Phận(synodus diocesanus)là cuộc họp do một giám mục chính tòa triệu tập các đại biểu trong cộng đồng giáo phận của chính ngài. Công Nghị Giám Mục(Synodus Episcoporum) là cuộc họp định kỳ 4 năm của các đại biểu cho Giám Mục Đoàn toàn thế giới. Công Đồng(concilium) là cuộc họp do nhiều giám mục của một miền, quốc gia hay khu vực, triệu tập các đại biểu của nhiều cộng đồng giáo phận. Công Đồng Chung(Concilum Oecumenicum) là cuộc họp cho toàn Hội Thánh phổ quát. Tuy nhiên, Công Nghị (synodos) của một Giáo Hội Công Giáo Đông Phương lại là một Hội Đồng gồm các vị giám mục cố định, nhằm thường xuyên tư vấn và quản trị cùng với vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội này, vị Thượng Phụ Giáo Chủ (Patriarca)hay vị Thượng Giám Mục (Archiepiscopus Major; Metropolitanus).

I. Công Nghị Giáo Phận trong lịch sử Hội Thánh

Hình thức họp chung để giải quyết cùng một vấn đề, xuất hiện từ rất sớm trong Hội Thánh theo dạng công nghị hay công đồng. Các bản chú giải Công Vụ Tông Đồ đều dùng thuật ngữ Công Đồng (concilium) để chỉ cuộc họp tại Giêrusalem năm 49, vì có nhiều vị Tông Đồ tham dự. Tuy nhiên, có thể xem đây là Công Nghị (synodus), vì lúc đó các vị Tông Đồ – Giám Mục đều thuộc về cùng một giáo đoàn.

Công Nghị lâu đời nhất còn lưu trữ được văn bản là Công Đồng Carthage năm 253, với chủ đề chính là Phép Rửa của các người lạc giáo. Công nghị Toledo năm 693 là công nghị đầu tiên có văn bản cho biết có giáo dân tham gia; điều 07 quy định là mọi thành phần dân chúng (plebs)đều có thể tham gia công nghị. Theo mặt chữ, công nghị giáo phận (synodus) đầu tiên của Giáo Hội Roma là Công Nghị năm 387, do Đức Siriciô triệu tập.

Công nghị “khủng khiếp” nhất là Công Nghị Rôma năm 897. Đức giáo hoàng Formôsô bị đầu độc chết (891-896). Đức giáo hoàng Bonifaciô VI nhậm chức chỉ được 15 ngày thì qua đời. Tháng hai năm 897, Đức Stephanô VI (hoặc VII; 22/05/896 – 08/897) bị ép phải tổ chức Công Nghị giáo phận để xét xử Đức Formôsô. Phiên toà diễn ra trong lòng nhà thờ Latêranô vừa bị sập một phần vì động đất. Thi hài Đức Formôsô bị moi lên, đặt lên ghế; kế bên có một phó tế làm luật sư bào chữa. Ngài bị xử là có tội “chỉ là giám mục Porto mà dám tiếm vị giáo hoàng”. Tất cả các mệnh lệnh của ngài trước đây bị tuyên bố là vô hiệu; như vậy hoàng đế Arnolfo do ngài phong chức chỉ là hoàng đế giả mạo. Thi hài của ngài bị lột phẩm phục giáo hoàng, chặt bỏ ba ngón bàn tay phải (dùng để phong vương và ban phép lành), lôi ngoài đường và ném xuống sông Tevere. Ít lâu sau, Đức Stephanô VI bị nhóm thân Đức bắt giam và siết cổ chết; vị kế tiếp là Đức Romanô (08/897 – 11/897) bị đầu độc chết. Tháng 11 năm 897, Đức Theodoro II tổ chức lại Công Nghị giáo phận, an táng trọng thể cho thi hài Đức Formosô và tuyên bố ngài vô tội.

Trong thời Trung Cổ, công nghị là một sinh hoạt thường xuyên của các giáo phận. Công Đồng Chung Lateranô IV (1215) và Tridentinô (Sessio XXIV, tháng 11/1563) đều quy định các giáo phận phải tổ chức công nghị giáo phận hằng năm. Danh sách các thành viên tham gia công nghị phải được niêm yết trước vào dịp lễ Hiển Linh hàng năm. Đức Bênêđictô XIV (1740–1758)[1]ban hành một văn kiện riêng, De synodo diocesano, để hướng dẫn các giám mục tổ chức công nghị.

Từ thời Cận Đại, việc giáo phận tổ chức công nghị dần dần bị quên lãng. Công Đồng Vaticanô I (1869–1870) dự định thay thời hạn tổ chức công nghị là ba năm một lần.[2]Bộ Giáo Luật 1917 quy định “trong mỗi giáo phận, phải cử hành công nghị giáo phận, ít nhất mười năm một lần…”.[3]

Ngay khi vừa lên ngôi giáo hoàng, Đức Gioan XXIII dự định tổ chức công nghị giáo phận Rôma “để nghiên cứu các vấn đề về đời sống thiêng liêng của các tín hữu, ban hành và phục hồi các quy định giáo luật, loại bỏ các lạm dụng, thăng tiến đời sống Kitô hữu, hâm nóng Phụng Vụ và việc hành đạo”. Công Đồng Vaticanô II kể như đã “tái lập” việc tổ chức công nghị giáo phận qua lời nhắn nhủ “Thánh Công Đồng Chung này rất ước mong cách tổ chức đáng kính của Công Nghị và Công Đồng được thêm hiệu lực mới để lo cho việc phát triển đức tin và duy trì kỷ luật trong các Giáo Hội cách thích hợp và hữu hiệu hơn tùy theo những hoàn cảnh khác nhau”.[4]

II. Công Nghị Giáo Phận theo Giáo Luật hiện hành

Hiện nay, công nghị giáo phận là một cơ chế của giáo phận, theo quy định của Bộ Giáo Luật 1983 điều 460–468; và Huấn thị Về Công Nghị Giáo Phận của Bộ Giám Mục và Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc năm 1997. Công nghị được thiết lập trên giáo thuyết về tính cộng đoàn của Dân Thiên Chúa, mọi thành phầnđều chia sẻ ba chức vụ của Đức Kitô: vương đế, tiên tri và tư tế.

1- Tổ chức Công Nghị
[5]

“Công nghị giáo phận là cuộc họp các đại biểu linh mục và các Kitô hữu khác của Giáo Hội địa phương nhằm mục đích giúp đỡ vị Giám Mục giáo phận trong việc mưu ích cho toàn thể cộng đồng giáo phận”. “Công nghị được tổ chức mỗi khi hoàn cảnh đòi hỏi, theo sự thẩm định của vị Giám Mục, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Đồng Linh Mục”.

Các đại biểu do Giáo Luật quy định phải tham dự Công Nghị gồm có:

– Các vị Giám Mục Phó và phụ tá;

– Các vị Tổng Đại Diện, Đại Diện Giám Mục và Đại Diện TưPháp;

– Các thành viên của Hội Đồng Linh mục;

– Giám đốc Đại Chủng Viện;

– Các linh mục quản hạt;


Công Nghị còn có các đại biểu được bầu:


a) Các tu sĩ và giáo dân, theo các tiêu chuẩn do vị Giám Mục ấn định;

b) Ít nhất một linh mục cho mỗi giáo hạt do các linh mục trong hạt bầu cử. Ngoài ra, vị Giám Mục có thể trực tiếp chỉ định một số đại biểu khác tham dự Công Nghị; ngài cũng có thể cho phép một số người khác tham dự Công Nghị với tư cách quan sát viên.


2- Thẩm quyền và hoạt động của Công Nghị

Công nghị được hình thành để “giúp đỡ vị Giám Mục giáo phận”, trong việc điều hành giáo phận. Chỉ có vị Giám Mục có quyền triệu tập và giải tán, định ra các tiêu chuẩn bầu đại biểu, chỉ định cách thức và các vấn đề thảo luận, chủ tọa các phiên họp, công bố và áp dụng các biểu quyết của Công Nghị. Các ý kiến và biểu quyết trong Công Nghị chỉ có giá trị “tư vấn” cho ngài.

Do đó, mục đích trực tiếp của Công Nghị thường quy về các định hướng chính: – áp dụng các quy định giáo luật phổ quát vào hoàn cảnh địa phương; – chỉ định các phương thế hoạt động tông đồ; – giải quyết các khó khăn liên quan đến việc tông đồ và quản trị; – chọn lựa các định hướng và công tác mục vụ chính cho giáo phận; – sửa chữa các sai lạc liên quan đến đức tin và phong hóa.

Với tư cách là “vị lập pháp” duy nhất trong giáo phận, chỉ mình vị Giám Mục ký tên trong các văn bản tuyên bố chung hay quyết định của Công Nghị, và ra lệnh áp dụng trong giáo phận. Ngài có nhiệm vụ thông báo các văn bản này cho vị Trưởng Giáo Tỉnh.

III. Công Nghị Giáo Phận trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam

Lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam thời ban đầu có nhiều công nghị; có lẽ vì các vị Đại Diện Tông Tòa ngoại quốc thực hành giáo huấn của Công Đồng Tridentinô và các ngài cần tham khảo ý kiến về các vấn đề địa phương Việt Nam.

Hai công nghị đầu tiên là Công Đồng Dinh Hiến 1670 tại Đàng Ngoài và Công Đồng Faifo 1672 tại Đàng Trong. Sở dĩ các công nghị này gọi là“công đồng”, vì Đức Cha Lambert De La Motte muốn ký tên là “Giám Mục Bérythe, Đại Diện Tông Tòa tại Đàng Ngoài (Đàng Trong), tại Trung Hoa và các nơi khác”.[6] CôngĐồng Dinh Hiến quy tụ: 3 thừa sai Pháp, 9 tân linh mục bản xứ, 29 thầy giảng và đại diện các “ông trùm” bầu theo 5 tỉnh (xứ theo tổ chức triều Lê) của Đàng Ngoài. Công Đồng quyết định chia Đàng Ngoài làm 9 “giáo xứ”, quy định khá chi tiết công việc và quyền hạn của hội đồng các ông trùm.[7]

Công Đồng Faifo 1672 quy tụ: 6 linh mục thừa sai dòng, 4 linh mục bản xứ (3 vừa được Đức Cha Lambert tấn phong, 1 không rõ xuất xứ) và một số thầy giảng. Công đồng tranh luận gay gắt về thẩm quyền của vị tân Giám Mục Pháp trên các thừa sai Dòng Tên tại Miền Trung và dòng Phanxicô tại Miền Nam. Một chủ đề khác là quyền hạn của các “ông trùm”; các thừa sai Dòng Tên muốn dùng chữ dịch “capi” (thủ lãnh), nhưng các vị khác muốn dùng chữ “notabili” (chức sắc). Công đồng chia Đàng Trong làm 3 “giáo xứ”; các quy định lặp lại nguyên văn của Dinh Hiến 1670.[8]

Sau đó, chúng ta có các công nghị: Huế 1747, Tonchin 1753, Tonchin Occidentale (Hà Nội) 1795, Concincina – Cambodgia-Siam 1841, Tonchin Centrale (Bùi Chu) 1854. Các công nghị này đều thảo luận quanh các chủ đề chính: quyền của vị Đại Diện Tông Tòa trên các thừa sai dòng, tranh luận về “thờ kính tổ tiên”, quyền hạn quá lớn của các ông trùm.[9]

Công nghị cuối cùng của giáo phận là Công Nghị Nam Kỳ 1880 (Synode de Cochinchine), tổ chức tại Sàigòn từ ngày 07 đến 14 tháng 08 năm 1880.[10] Công nghị họp trong bối cảnh quân đội Pháp chiếm đóng Miền Nam. Các họ đạo tan nát vì trải qua liên tiếp các cuộc bắt đạo do triều đình, do phong trào Văn Thân và các biến động do các cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Số thầy giảng và các ông trùm chính thức hầu như biến mất trong các họ đạo.[11] Hai quyết định quan trọng của Công Nghị liên quan đến thầy giảng và hội đồng các ông trùm.

Từ giữa thế kỷ XIX, do các cuộc bắt đạo và xáo trộn xã hội,địa phận Tây Đàng Trong (1844) còn rất ít “thầy giảng” chính thức. Một vấn đềnan giải từ thời sơ khởi của cơ chế thầy giảng là vấn đề “bậc sống” (statut); Thầy giảng là giáo dân, không có khấn nhưng lại phải giữ ba lời khuyên Phúc Âm như tu sĩ. Cơ chế này đem lại một sức sống mãnh liệt cho các họ đạo Việt Nam ban đầu, nhưng cũng có rất nhiều bất tiện và không rõ ràng về tổ chức Giáo Hội. Năm 1870, địa phận thành lập Tu Hội Thầy Giảng của Địa Phận Tông tòa Tây Đàng Trong (Saigon); sau đó tu hội đổi tên thành Tu Hội Kitô Vua (Vĩnh Long) và được Tòa Thánh phê chuẩn năm 1897; các quyết định trên coi như chính thức xóa bỏ cơ chế Thầy Giảng.

Các yếu tố chính dẫn đến quyết định này là: – số thầy giảng còn quá ít và không còn ảnh hưởng trong địa phận;[12] – số linh mục thừa sai tăng mạnh theo sự chiếm đóng của Pháp; – Chủng viện Sài Gòn thiết lập năm 1863;- quan trọng nhất là bản dịch tiếng Việt của Catechismus Romanus dưới dạng Sách Phần (tiền thân của Kinh Bản Hỏi). Công Nghị Sài Gòn 1880 ca ngợi các thầy giảng “đã mang lại ích lợi lớn lao cho các linh mục và các tín hữu” và nhắc đến việc đào tạo thầy giảng (art. 60); nhưng lại ra lệnh “các thầy giáo (maîtres) và cô giáo dạy các trẻ em đọc Sách Phần, nhưng chỉ cha sở có nhiệm vụ giải thích” (art.53).[13] Nhưvậy, trong thực tế Công Nghị đã chính thức xóa bỏ cơ chế “thầy giảng” truyền thống.

Một quyết định tạo ảnh hưởng quan trọng khác của Công Nghị1880 là quyết định về “hội đồng quý chức” (art. 39-40). Sau thời loạn lạc, các họ đạo truyền thống bị tan rã rất nhiều; hệ thống các “ông trùm” theo dạng “đàn anh” trong làng xã không còn nữa. Công nghị đã đưa ra giải pháp tình thế: dành quyền chỉ định “quý chức” (notables) cho cha sở. Chúng ta có thể thấy ảnh hưởng của các vị tân thừa sai Pháp qua quy định “Tất cả những gì ở Pháp về ngày Rước Lễ Lần Đầu sẽ áp dụng ở An Nam” (art. 55). Từ nay, các người làm việc cho họ đạo không còn là những thủ lãnh, “ông trùm” trong “họ” do dân bầu, nhưng là các “quý chức”, những nhân viên làm việc theo dạng “conseil de fabrique” của giáo xứ Pháp theo quy định Bộ Dân Luật Pháp 1802 hiện hành [14]; do không có xã trưởng (maire) bổ nhiệm nên họ do cha sở bổ nhiệm. Các “ông trùm” đầy uy tín trong “họ đạo” trước đây, nay được thay thế bằng những người tay chân của cha sở và hãnh diện vì đeo “dây tam tài” như “hội đồng xã”. Tình trạng càng nghiêm trọng hơn khi họ đạo có tài sản và có những “biện” hay “biện việc”, những người làm công giúp cha sở trông coi tài sản: nhà thờ và đất đai của nhà chung. Trong Chức sở mục lệ 1884 [15], Đức cha Colombert vẫn ấn định là nhóm “biện việc” phải theo lệnh các “ông trùm” để lo dọn dẹp nhà thờ (art.15; 22), báo cáo công việc của mình cho “ông trùm”(art.27-28). Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ XX, ngay cả thuật ngữ “ông trùm” cũng biến mất khỏi họ đạo Miền Nam.

Trong thời điểm “tái thiết” địa phận, Công Nghị Nam Kỳ 1880đã có một tầm ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đối với đời sống và tương lai của giáo đoàn. Có những quyết định có vấn đề, nhưng cũng có những thành quả lớn lao; chẳng hạn, quyết định các họ đạo phải lo tổ chức trường học (art. 17). Đến đầu thế kỷ XX, 226 họ đạo của địa phận đã lập ra 153 trường họ đạo [16].

Kết luận: Công Nghị giáo phận là một phương thế truyền thống của Hội Thánh để cùng nhau tìm kiếm những giải pháp thực tiễn cho giáo đoàn địa phương. Giáo phận TPHCM thực sự có nhu cầu cấp thiết để tổ chức một công nghị để định hướng mục vụ cho thế kỷ XXI.

––––––––––––––––––––––––––––––––––
Chú thích:

[1] RENDINA Claudio, I Papi storia e segreti, Roma 2003, p.730. Đức Benedictô XIV nổi tiếng với hai câu nói trước khi chết: “Sic transit gloria mundi” (vinh quang trần thế qua đi như thế đó) và “bây giờ tôi rơi vào thinh lặng và quên lãng, nơi duy nhất đang chờ tôi”. Dân Roma còn cho rằng ngài thường xuyên “chửi tục” và ngài tuyên bố ban ân xá toàn phần cho những ai chỉ “chửi tục” mười lần trong một ngày (tôi không tin giả thuyết này, vì câu “chửi tục” này thịnh hành ở Italia cuối thế kỷ XX).
[2] Schema Const. De Episcopis….caput VI, in Mansi 50, col. 345.
[3] C.I.C., cann. 356-362: các quyđịnh này được lặp lại hầu như nguyên vẹn trong Bộ Giáo Luật 1983.
[4] Sắc lệnh Christus Dominus, n. 36, 2.
[5] Trong phần này, chúng tôi trích dẫn trực tiếp từ nội dung của GL 460-468 và Huấn thị nói trên.
[6] DE MARTINIS, Iuris Pontificii de Propaganda Fide I, Romae 1909, 429.
[7] Nt. Bản tiếng Latinh dùng “ong trum” và dịch là “praepositi””. Sau này, các thừa sai Pháp đều dùng chữ“conseil des notables”.
[8] LAUNAY A., Histoire de la Mission de Cochinchine I, Paris 1927, 107-108.
[9] LAUNAY A., Histoire générale de la Société des Missions Étrangères, Paris 1894, 408.
[10] TEYSSEYRE E., Monseigneur Gallibert, évêque d’Éno vicaire apostolique de la Cochinchine Orientale, Paris 1887, appendices 1: Synode de Cochinchine, pp. 350-378.
[11] Sđd trang 305: Đức Cha Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) tổng kết sau năm 1885: địa phận của ngài chết 10 thừa sai, 12 linh mục bản xứ, 60 thầy giảng và khoãng 30.000 giáo dân (báo cáo năm 1867 có 26.440 giáo dân).
[12] LOUVET L.E., La Cochichine religieuse II, Paris 1885, 418-419: thống kê năm 1867 của 02 địa phận Đàng Trong không còn kể số các thầy giảng, dù cho biết Tây Đàng Trong có 350 soeurs.
[13] TEYSSEYRE E., Monseigneur Gallibert, évêque d’Éno vicaire apostolique de la Cochinchine Orientale, Paris 1887, appendices 1: Synode de Cochinchine, pp. 353.
[14] Theo bộ luật này, xã trưởng dân luật là chủ tịch của hội đồng quản trị giáo xứ; cha xứ chỉ là một thành viên chiếu luật. Loi du 18 germinal an X, relative à l’organisation des cultes; Décret du 30 décembre 1809 concernant les fabriques, in MONNIER H., Les Codes francais collationnés sur les textes officiels, Paris 1911, pp.88-89; 137.
[15] Văn bản phổ biến 1883, ấn bản Saigon (nhà in Tân Định) 1884.
[16] SOCIETE DES MISSIONS ETRANGERES DE PARIS, Compte rendu 1919, Paris 1920, p.179.


Lm Gioan Bùi Thái Sơn

nguồn: HĐGMViệtNam
Exit mobile version