Vài phút sau anh chàng lại dòm mình một cái, dòm ngay trân cái cổ côn trắng của mình,rồi hỏi nhỏ nhẹ:
– Bên Công giáo còn giữ luật độc thân không nhỉ?
– Còn chứ, vì Thánh Phaolô nói rằng: “Người có vợ, có chồng, thì lo cho vợ cho chồng;người không vợ không chồng thì lo cho Chúa”.
– Đúng thế thật – Mục sư bên Tin Lành chúng tôi có gia đình, nên bê trễ việc nhà Chúa nhiều lắm.
– Cậu ở bên Tin Lành hả?
– Dạ.
– Tin lành và Công giáo là chị em của nhau. Hiểu nhau thì thương nhau như chị em gái, không hiểu nhau thì cãi nhau như chị em dâu; đôi khi nổi cơn điên, thì đánh nhau vỡ đầu như anh em rể.
– Linh mục nói chuyện vui quá, ví von đúng quá. Cho con kêu linh mục là cha nha.
– Chúng mình là thế nào với nhau thì cũng được. Đừng là anh em rể thì êm thôi.
– Theo cha nghĩ thì Công giáo và Tin lành khác nhau thế nào?
– Công giáo và Tin lành là hai chị em. Nhưng dù là chị em nhưng cũng có một cái khác nhau. Đó là cái mụt ruồi. Chỉ tiếc một điều là cái mụt ruồi hơi lớn, mọc ngay ở chớp mũi. Thế là hai chị em cứ coi nhau như người dưng nước lã, cãi vã nhau y như không phải là ruột thịt. Thậm chí có lần đâm chém nhau y như Pôn Pốt diệt chủng. Lịch sử gọi cái đêm đẫm máu là: Đêm lễ Thánh Batôlômêô”.
– Thiệt sao? Con chưa biết chuyện ấy. Nhưng cãi nhau thì bọn trẻ tụi con mần hoài.
– Cãi nhau về chuyện gì?
– Tụi con cãi nhau về nhiều vấn đề lắm. Công giáo thì tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh. Tin lành thì tin Đức Mẹ chỉ đồng trinh khi sanh Đấng Cứu Thế. Sau đó thì Bà ăn ở với ông Giôsép và sanh thêm bốn trai và một số con gái nữa.
– Muốn tranh cãi thì phải dựa vào Kinh Thánh.
– Thì Máccô nói ở chương sáu câu ba rằng: “Ông ta không phải là bác thợ mộc sao? Không phải con của bà Maria và là anh của các ông Giacôbê, Giôsê, Giuđa và Simon đó sao?
– Bộ con là Tin lành mà cũng phát âm tên các thánh giống như công giáo hả?
– Con phát âm giống Công giáo để cha dể hiểu.
– Đồng ý với con rằng bốn ông Giacôbê, Giôsê, Giuđa, và Simon là anh em của Chúa, nhưng là anh em ruột hay là anh em bà con? Chính Máccô 15,40 cho biết rằng Giacôbê và Giôsê là con của bà Maria. Bà Maria này theo trình thuật của Gioan chương mười chín, câu hai mươi lăm thì là chị của Đức Mẹ. Gioan kể: “Đứng gần Thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu là bà Maria vợ của ông Clôpát và bà Maria Mácđala. Như vậy thì rõ ràng là dưới chân Thập giá của Chúa có ba bà Maria: Maria mẹ của Chúa, Maria Mácđala và bà Maria vợ của ông Clôpát, cũng là mẹ của Giacôbê và Giôsê. Như vậy thì ít nhất là hai ông Giacôbê và Giôsê trong Máccô chương sáu câu ba là anh em bạn dì của Chúa, chứ không phải là em ruột.
– Con đồng ý với cha rằng Máccô 6,3 chưa đủ bằng chứng để kết luận Đức Maria không trọn đời đồng trinh. Nhưng Máccô 15,40 cũng chưa đủ bằng chứng để khẳng định rằng Đức Maria trọn đời đồng trinh. Đây là vần đề còn có thể tranh luận.
– Thì cứ việc tranh luận. Nhưng phải yêu thương nhau, yêu thương mới là môn đệ của Thầy Giêsu. Nếu Công giáo và Tin lành cứ yêu thương nhau, cứ loan báo Đức Giêsu, thì Tin Mừng Cứu Độ chẳng mấy chốc sẽ làm cho cả thúng bột dậy men.
Bây giờ chúng ta trở lại vấn đề Đức Maria có trọn đời đồng trinh hay không. Chúng ta cùng tranh luận trong tình yêu thương. Đây là ý kiến của tôi:
Máccô 6,3 nói đến bốn người em trai của Chúa. Nhưng chẳng biết đó là em ruột hay em bàcon. Máccô 15,40 cho biết hai trong bốn người em là em bạn dì chứ không phải là em ruột. Nhưng vẫn chưa khẳng định là Đức Maria chỉ có một người con duy nhất là Đức Giêsu.
Do đó ta phải dựa trên hai tài liệu nữa.
Luca 2,41-50 kể chuyện Đức Giêsu 12 tuổi cùng đi dự lễ Vượt Qua với cha và mẹ. Chỉ đọc thoáng một cái, tôi thấy ngay gia đình này chỉ có một người con trai duy nhất là Giêsu. Nếu Maria có nhiều con nữa với Giuse thì ta cứ nhẩm:
Giêsu 12 tuổi
Giacôbê 10 tuổi
Giôsê 8 tuổi
Giuđa 6 tuổi
Simon 4 tuổi
Một em gái 2 tuổi
Một em gái nữa mới tượng hình.
Một người đàn bà có một bầy con như thế, thì không thể bỏ nhà đi lễ xa tới mức độ phải đi tới bốn ngày, dự lễ tám ngày rồi về bốn ngày nữa, vị chi là mười sáu ngày. Mà luật thì không buộc đàn bà đi lễ như thế.
Gioan 19,26-27 kể: “Khi thấy Mẹ và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với Mẹ: “Thưa Mẹ đây là con của Mẹ”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh!”. Kể từ ngày đó người môn đệ rước bà về nhà mình”.
Xét về mặt tâm lý xã hội và luật lệ gia đình, thì trình thuật này cho ta kết luận rằng Đức Giêsu không có người em nào hết, nên mới trối Mẹ cho đệ tử chăm sóc, phụng dưỡng. Nếu Chúa có em mà đem Mẹ trao cho đệ tử, thì các em nó chống đối tới số luôn. Nguyện vọng sống trọn đời đồng trinh còn được minh chứng bởi trình luật của Luca chương một câu hai mươi bốn. Khi sứ thần Gabriel báo tin Maria sẽ thụ thai Đấng CứuThế, thì Maria không vui mừng đón nhận theo lẽ thông thường. Người đàn bà Do Thái nào cũng muốn sanh con. Sanh nhiều con. Và người đàn bà Do Thái nào cũng mơ ước xa xôi làm Mẹ Đấng Cứu Thế, vì Mẹ Đấng Cứu Thế là người đàn bà vĩ đại nhất của lịch sử. Vậy Maria tỏ vẻ ngỡ ngàng thưa với sứ thần rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến chuyện vợ chồng”. Nguyện vọng sống đồng trinh của Maria thật rõ ràng và thật cương quyết như thế, không lẽ Maria lại đổi ý sanh thêm một bầy con cho Giuse gồm bốn trai và nhiều gái.
Đó là niềm tin của người Công giáo. Nếu anh em Tin lành chưa tin được, thì cứ tìm hiểu nhau trong tinh thần cởi mở và yêu thương. Nhưng điều quan trọng vẫn là cả hai bên đều có một niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người và cả hai bên cùng nhau tha thiết loan báo Tin Mừng Cứu Độ.
Hai chị em có quyền nghĩ khác nhau. Nghĩ khác nhau nhưng vẫn yêu nhau như chị em. Cứthế và cứ mãi mãi như thế. Chúa Thánh Thần sẽ đến sửa chữa những gì còn sai sót. Ngài là Đấng “sửa lại mọi sự, trong ngoài chúng tôi”.
Tới Bắc Mỹ Thuận “bên Tin lành” và “bên Công giáo” bắt tay giã từ nhau. Bốn mằt nhìn nhau trìu mến.
Lm.Piô Ngô Phúc Hậu