Công bình xã hội và đời sống chiêm nghiệm

cong binh xa hoi va doi song chiem nghiem - Công bình xã hội và đời sống chiêm nghiệm

Vài năm trước đây, học giả Thánh Kinh Ernst Kasemann đã bình phẩm vấn đề kinh niên của Giáo Hội là, người phóng khoáng thì không mộ đạo, người mộ đạo thì không phóng khoáng. Ông suy đoán, ước gì người ki-tô hữu có thể có cả hai khía cạnh này.

Ngày nay, tôi cho là, sự phân đôi này trong Giáo Hội vẫn còn tồn tại, giữa công bình xã hội và đời sống chiêm nghiệm. Bất di bất dịch, những người tích cực hoạt động cho công bình xã hội là những người không đi sâu vào đời sống chiêm nghiệm. Ngược lại những người ở tuyến đầu của đời sống chiêm nghiệm thì rõ ràng thiếu hoạt động cho công bình xã hội.

Tình huống này không được lý tưởng, nó sẽ được chấp nhận hơn, vì có nhiều đặc sủng và lời mời gọi khác nhau, sự phân chia công việc, thực tế là không ai có thể ở tuyến đầu của tất cả mọi sự, ngoại trừ sự kiện là, thường thường có sự ngờ vực và thiếu lòng tin giữa những người thiết tha với chuyện này hoặc chuyện kia trong hai điều này.

Xem nhau như anh em cùng chiến đấu trong một cuộc chiến chung, những người có đặc sủng khác nhau, được mời gọi để khai thông các động mạch khác nhau trong nhiệm thể Đức Ki-tô, để cùng nhau dành thì giờ không phải để chống nhau mà để cùng nhau thách đố một thế giới có khuynh hướng phớt lờ cả hai phía.

Đương nhiên có những ngoại lệ nổi bật, như sẽ đề cập ở sau, nhưng quá phổ biến là trường hợp các nhà hoạt động công bình xã hội dèm biểu các anh em ít hoạt động xã hội, cho họ chỉ lo tập trung vào việc chiêm nghiệm Phúc Âm; lẫn lộn thương yêu với cảm tính với dễ thương, phớt lờ đòi hỏi không nhân nhượng của Đức Ki-tô là phải ở bên cạnh người nghèo; chỉ đơn thuần giữ đạo riêng, đi nhà thờ riêng, cầu nguyện riêng, đạo đức riêng, đặc biệt đạo đức về tính dục.

Nhóm này thắc mắc, tại sao những người không hoạt động cho công bình xã hội cứ mãi nói về đạo đức tính dục và Thông điệp Sự sống Con Người, Humanae Vitae, mà không bao giờ nói về các thông điệp xã hội? Tại sao dân chúng quá cực đoan về việc phá thai mà không quan tâm nhiều hơn về nạn nghèo đói, nữ quyền, di dân và án tử hình?

Những người ít hoạt động cho công bình xã hội có câu trả lời của họ. Thường thường là nỗi giận và cáo buộc những người tích cực hoạt động công bình xã hội không còn cầu nguyện; họ lẫn lộn Phúc Âm với phong trào Hòa Bình Xanh Greenpeace; đã phớt lờ những đòi hỏi không nhân nhượng của Đức Ki-tô là phải thấm nhập tận căn vào cuộc sống riêng, các đòi hỏi cũng ngang nhau, cả trong thứ trật đạo đức tính dục, khiết tịnh cá nhân, cũng như trong lãnh vực công bình xã hội; và rằng công bình bình đẳng cho tất cả là thỏa hiệp một cách vô vọng khi xuất phát từ những quả tim chai cứng để tái sinh.

Tôi nghĩ những lời của Kasemann đúng ở đây. Những người phóng khoáng thì không mộ đạo và những người mộ đạo thì không phóng khoáng.

Đây là một tình huống không tốt. Nếu chúng ta giúp bất cứ cách nào để giúp cả những người không quan tâm đến công bình xã hội cũng như những người có đời sống chiêm nghiệm, những người thật sự đã loại bỏ chúng ta, thì khi đó chúng ta trở nên người phóng khoáng và mộ đạo hơn, vừa duy trì đời sống chiêm nghiệm và vừa hoạt động xã hội.

Theo ý kiến của tôi, khẩn thiết là phải thảo luận vấn đề này, sự kết hợp giữa công bình xã hội và đời sống chiêm nghiệm. Trên đề tài này cả hai đều có ý nghĩa đúng đắn, rằng sự sống còn là điều đang bị đe dọa.

Nếu các đề tài chung quanh công bình, nghèo đói, chiến tranh, sinh thái học, quyền của các dân tộc và quyền của phụ nữ không được nói đến, thì chúng ta không có nơi chốn để giữ đạo. Ngược lại nếu đời sống cầu nguyện riêng, đạo đức cá nhân, và đời sống chiêm nghiệm chết non, thì cách này hay cách khác chúng ta đánh mất nơi chốn để giữ đạo và, chắc chắn, chúng ta sẽ đánh mất bất kỳ nơi chốn lành mạnh nào để sống.

Các dấu hiệu của thời gian phải được đọc ra: Công đồng Vatican II, sự hồi phục của Tin Mừng xã hội, ảnh hưởng các Ki-tô Hữu Đầu Tiên lớn dần, đổ vỡ của hôn nhân và đời sống gia đình, khủng hoảng của sinh thái học, sự nổi lên của phong trào nữ quyền, hiểm họa chiến tranh hạt nhân, bất công nặng nề trong Thế Giới Thứ Ba và diện tích thu hẹp của hành tinh, góp phần quan trọng cho vấn đề sống chết, là chúng ta phải kết hợp giữa công bình xã hội và đời sống chiêm nghiệm. Nếu không, chúng ta sẽ không có tương lai.

Như đã đề cập ở trên, một số người đã vạch được con đường này như: Catherine Doherty và Hội tông đồ Madona, Richard Rohr và Trung tâm hành động và chiêm nghiệm, Jim Wallis và Sojourners, Jean Vanier và Hội L’Arche, Sheila Cassidy và Hospice movement, Gustavo Gutierrez với Cơ sở Thần học giải phóng luôn luôn đặt công bình, tình yêu và ân sủng chung với nhau trong cùng nhịp thở, và, tất nhiên, Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II với nhiều hội nghị của các giám mục, các thông điệp về xã hội và các thư mục vụ về công chính.

Những người khác như Mẹ Têrêsa, Henri Nouwen, Dorothy Day, Thomas Merton, và Dan Berrigan đã bắt đầu công việc này cách đây cả hàng chục năm.

Trong những công việc này chúng ta thấy được sự bắt đầu của một lối đi, một phác thảo bản đồ về một vùng đất chưa được thám hiểm. Hành động và chiêm nghiệm, đạo đức cá nhân và nhận thức xã hội, sự tức bực và hiểu biết có tính cách tiên tri, tự do và mộ đạo, đang kết hợp với nhau. Dưới sự dẫn dắt đúng đắn đó,  chúng ta đi theo con đường đã vạch.

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Marta An Nguyễn dịch

Exit mobile version