Tâm tình của nhạc phẩm “Theo Chúa” như thế này :
Này Chúa hỡi, con nguyện xin yêu Chúa chẳng khi ngơi
Dù gian truân, con nguyện xin theo Chúa suốt đường đời!
Dù có lúc, tâm hồn con xao xuyến cay đắng nhiều,
thì trung kiên,Con nguyện xin theo Chúa không rời!
Con xin theo Chúa đến giây phút cuối cuộc đời,
Để đáp ân tình Ngài thương ban cho từ lâu!
Con xin tha thiết thốt lên một lần nữa
Là: con quyết luôn theo Ngài
Khi nói đến việc tin và bước theo Chúa Giêsu, với tâm tình nhạc phẩm này xem ra có vẻ là dễ dàng, thế nhưng thật sự để chấp nhận tin vào Chúa Giêsu và sống theo giáo huấn của Ngài, trở thành môn đệ của Ngài vẫn mãi là một sư day dứt, là một quyết định cam go và phải đánh đổi bằng bao nhiêu từ bỏ. Thật khó chứ không đơn giản như ta nghĩ và ta hát.
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại hành trình Chúa Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem để bước vào cuộc khổ nạn và phục sinh, Ngài rao giảng một giáo lý mới, một tin thần mới và Ngài còn làm nhiều phép lạ khiến cho nhiều người tin. Tuy nhiên các tông đồ và đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu đã chờ đợi một điều gì khác ở nơi Ngài, họ muốn chờ đợi một Đấng Mesia khởi nghĩa và chiến thắng, chứ không muốn một Đấng Mesia theo con đường của Đức Giêsu.
Muốn làm môn đệ Chúa, người môn đệ phải cương quyết tiến về Giêrusalem, tức phải hoàn thành sứ mạng được trao ban. Phải khước từ những quyền lợi và cả những tình cảm chính đáng trong thân quyến gia đình. Phải “không có chỗ tựa đầu”, không bám vào một thế lực trần đời nào, nhưng chỉ nhắm thẳng vào vinh quang Thiên Chúa và vào phần rỗi các linh hồn. Tất cả nhằm nói lên quyết tâm theo Chúa và chấp nhận mọi hy sinh gian khổ.
Chính vì vậy ta thấy có nhiều phản ứng khác nhau và nhiều thái độ khác nhau trong dân chúng, trước hết là thái độ của dân thành Samari, họ tỏ ra dửng dưng trước việc xuất hiện của Đức Giêsu, mặc dù theo lời kể của Luca, thì đây là lần lên Giêrusalem một cách long trọng của Chúa Giêsu vì có hai môn đệ đi trước để dọn đường. Có lẽ các môn đệ nghĩ rằng khi được báo tin, thì cả thành phải ra hai bên đường để đón Chúa, thế nhưng sự thật lại không như họ nghĩ, dân Samari hoàn toàn dửng dưng trước việc xuất hiện của Đức Giêsu, khiến các môn đệ tự ái và muốn nổi nóng với họ: Thưa Thày, Thày có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống để thiêu hủy chúng nó không? Trước phản ứng của hai tông đồ, Chúa Giêsu đã trách mắng các ông về thái độ quá khích ấy và cho thấy rằng, việc đón nhận Ngài phải là một sư chấp nhật hoàn toàn tự do của cả lý trí và của cà trái tim, chứ không thể là một sư ép buộc hay sự nông nổi nhất thời.
Trang Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu mời một chàng thanh niên khác theo Người, nhưng anh này xin Chúa gia hạn: “Thầy biết rõ, cha tôi vừa mới qua đời… còn một số giấy tờ cần phải điều chỉnh lại… và cả gia tài, của hồi môn cần có thời gian để phân chia. Tốt hơn là tôi có mặt ở nhà khoảng 15 ngày hoặc một tháng thì càng tốt.”
Thật vậy, Chúa Kitô không phải là một người vô cảm không biết bổn phận của những người trong gia đình, nhưng trong bài phúc âm hôm nay, Người gửi cho anh một sứ điệp quan trọng: “Đúng, anh nghĩ đến cha anh là một việc đáng khen, nhưng anh thấy đó, cha anh đã chết, anh không thể làm được gì hơn nữa cho cha anh. Điều thúc bách anh bây giờ đó là tất cả những người còn sống đang chờ đợi Tin Mừng”.
Đúng vậy ! Kitô giáo không phải là định cư trong những tiện nghi và tình cảm gia đình. Kitô giáo không phải là một thứ tôn giáo của một Thiên Chúa nhu nhược và cho phép tất cả. Kitô giáo là một tôn giáo nâng đỡ, trợ lực và thức tỉnh người tín hữu và nói với họ rằng: Rao giảng tin mừng là công cuộc khẩn cấp. Khẩn cấp về giáo lý trong một thế giới bị vật chất hoá, khẩn cấp về quyền bình đẳng, khẩn cấp về tình yêu.
Và như vậy, theo Chúa Kitô là cần phải trao ban mạng sống mình như Chúa. Đối với một gia đình, theo Chúa Kitô là vượt qua đau khổ và sống đức tin nếu có một đứa con phải chết, là chấp nhận cho con gái vào dòng tu hoặc vui mừng cho con trai vào chủng viện làm linh mục để phục vụ Giáo Hội. Theo Chúa Kitô là sẵn sàng tứ chối mọi tương quan tình cảm đi ngược với chương trình của Thiên Chúa.
Trở lại với trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy một nhân vật khác nữa. Anh say mê Chúa Kitô và nói với Chúa : “Con sẵn sàng theo Thầy ngay, nhưng thầy để cho con về nhà một thời gan để nhìn lại ngôi nhà tuổi thơ ấu của con, kỷ niệm của con và được ôm hôn mẹ một lần nữa. Elia, khi gọi Elise thay thế mình, đã chẳng cho phép Elise thăm lại người thân thuộc đó sao?” Chúa Kitô trả lời: “kéo dài tạm biệt chính là kéo dài chia ly. Nếu anh ra đi thì đừng hối tiếc gì và đừng muốn trở về với quá khứ của anh nữa”.
Muốn đi theo Chúa Giêsu, người ta phải bỏ mọi an toàn. Cạnh đó người ta phải mau mắn đặt mọi sự tùy thuộc bốn phận loan báo Tin Mừng và quay lưng lại với quá khứ và nhìn tới trước. Người ta có thể từ khước làm môn đệ Chúa Giêsu vì những định kiến tôn giáo (như dân Samari), nhưng người ta cũng có thể từ khước tiếng gọi của Chúa Giêsu vì quá bám víu vào sự an toàn, những tình cảm con người hoặc quá khứ.
Theo Chúa Kitô, không được phàn nàn vì những chọn lưạ lớn lao của cuộc đời mình, đừng quay lại đằng sau nữa.
Chúa Giêsu yêu cầu những người theo Ngài phải từ bỏ mình bằng cách sống cuộc đời siêu thoát, không gắn bó với những nhu cầu thể chất của bản thân, nghĩa là sống đơn sơ trong nơi ăn chốn ở, trong cách ăn mặc, trong những nhu cầu cá nhân. Khi đã chấp nhận sống đơn sơ như vậy, người theo Chúa sẽ dễ dàng từ bỏ những nhu cầu khác như danh vọng, quyền bính, tiền bạc, và những thú vui trần tục. Có như vậy họ mới dành đủ thì giờ và đầu óc để ưu tiên lo cho Ngài và những nhu cầu của Ngài hay của Nước Trời.
Với tất cả những tâm tình đó, ta xin giúp ta thoát khỏi những bận tâm về mình, nhưng biết chọn Chúa là phần gia nghiệp và là phần phúc của ta. Vàm ta cũng xin Chúa tha thứ cho ta vì nhiều lần nhiều lúc ta đã chạy theo của cải, lạc thú, danh vọng ở đời. Xin Chúa ban cho ta ý chí cương quyết để ta con luôn trung thành theo Chúa cho đến giây phút cuối cuộc đời.
Huệ Minh