Cách đây mấy bữa, gã mới đọc được một mẩu chuyện như sau :
Dọc theo triền núi Trường Sơn, có một ngôi mộ cổ từ lâu đời, trên tấm bia có khắc dòng chữ :
– Tôi thương người, nhưng rất sợ lòng người.
Thời bấy giờ, Hy Thanh căm cụi chịu khó đi học nghề tìm mạch nước. Thấy vậy, bạn bè đều khinh chê :
– Dưới đất lúc nào mà chẳng có nước, cần chi phải học với hành.
– Học làm gì cái nghề vô tích sự ấy, đi đâu thì đi.
Vì tự ái, Hy Thanh đã bỏ nhà ra đi. Ban ngày chàng vất vả kiếm sống, ban đêm tìm đến nhà chùa xin ngủ nhờ, cắn răng chịu đựng và vẫn tiếp tục theo đuổi cái nghề”vô tích sự” ấy.
Hai mươi năm trôi qua, gặp thời đại hạn, mọi giếng nước đều khô cạn, nhiều người đã chết vì khát. Lúc bấy giờ, người ta chợt nhớ đến chàng và chạy tới để cầu cứu.
Hy Thanh tìm ra mạch nước ngầm, rồi đào bới và nước đã vọt lên, chảy lênh láng khắp nơi. Dân chúng từ khắp bốn phương hay tin bèn kéo nhau đến xin uống. Họ vui mừng và không tiếc lời ca ngợi chàng.
Tuy nhiên, có kẻ vì bị khát lâu ngày, đã uống quá độ, nên lăn đùng ra chết. Và thế là người ta quay phắt lại một trăm tám mươi độ, lên tiếng mạt sát chàng thậm tệ, nhưng vẫn chịu khó uống nước mà chàng đã khơi lên.
Đám người có thân nhân bị chết, bèn xúm lại, đánh đập chàng không thương tiếc. Và rồi trước khi chết, chàng đã nói :
– Tôi thương người, nhưng rất sợ lòng người.
Vế thứ nhất : Tôi thương người.
Nhìn vào con người, gã thấy con người chúng ta thật là dễ thương và cũng thật là đáng thương.
Trước hết, con người thật là dễ thương.
Đúng thế, ở vào bất cứ thời điểm nào, con người cũng đều mang lấy một vẻ đẹp cho riêng mình.
Giống như khi nhìn cảnh bình minh, gã thấy được vẻ đẹp của buổi sáng rạng đông, còn khi ngắm cảnh hoàng hôn, gã cũng thấy được vẻ đẹp của buổi chiều tà. Mỗi cảnh có nét đặc sắc riêng của nó.
Cũng vậy, mỗi chặng đường, mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi đều có một giá trị và một vẻ đẹp riêng của mình.
Cuối cùng là tuổi già. Vẻ đẹp của lứa tuổi này là vẻ đẹp của khôn ngoan và dày dạn, vẻ đẹp của kinh nghiệm và từng trải, như tục ngữ đã diễn tả :
– Gừng và quế, càng già càng cay.
– Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.
Sự phân chia về lứa tuổi là như thế, còn sự phân chia về giới tính lại càng tuyệt vời hơn nữa. Phái nam có vẻ đẹp của phái nam, đó là vẻ đẹp của bắp thịt và sức mạnh, vẻ đẹp của suy tư và quyết định, vẻ đẹp của một anh gà trống. Còn pháinữ có vẻ đẹp của phái nữ, đó là vẻ đẹp của dịu hiền và mềm mại, vẻ đẹp của tế nhị và yêu thương, vẻ đẹp của một chị gà mái.
Em xinh đôi má nắng hoe tròn.
Vì đẹp như thế, nên các nàng cũng rất dễ thương :
– Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thương qua tua dịu dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Chín thương cô ở một mình,
Mười thương con mắt có tình với ai.
Mới chỉ nhìn sơ qua cái hình dong, gã đã thấy con người thật là dễ thương, còn nếu xét tới cái bản tính, thì con người lại càng dễ thương hơn nữa.
Không những chỉ dễ thương, mà con người còn thật là đáng thương nữa.
Thực vậy, từng giây và từng phút trên mặt đất này chiến tranh cùng vơí biết bao nhiêu tai ương hoạn nạn đã xảy ra, khiến cho rất nhiều người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, và nỗi bất hạnh của họ dường như chẳng có cơ may được giải quyết, thì cũng đủ để thấy được rằng : Con người thật là đáng thương.
Nếu có dịp ghé thăm các bệnh viện, ở đó biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn với đủ mọi chứng bệnh. Họ đớn đau trong tuyệt vọng, khi các bác sĩ đành phải bó tay vìkhông còn phương cách trị liệu nào khác, thì cũng đủ để thấy được rằng : Con người thật là đáng thương.
Vế thứ hai : nhưng rất sợ lòng người.
Vấn đề ở đây đó là phải xác định xem “lòng” là cái gìkhiến chúng ta phải sợ hãi ?
Đối với người Việt Nam, trong cuộc sống“ăn” là một vấn đề thật quan trọng, bởi vì có thực mới vực được đạo. Chẳng thế mà người ta đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, vất vả ngược xuôi cũng chỉ để tìm chén cơm manh áo, bảo đảm những nhu cầu vật chất cho bản thân và gia đình. Nỗi băn khoăn lo lắng hầu như của mọi người, đó là nỗi lo lắng về cơm áo gạo tiền.
Khi kính cẩn người trên thì bảo :
– Mời, xơi.
Khi vui vẻ với bè bạn thì bảo :
– Nhậu, chén, lai rai.
Khi bực bội với kẻ dưới thì bảo :
– Đớp, hốc.
Mở cuốn Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức, gã thấy nhiều chữ được ghép với tiếng ăn, như ăn giỗ, ăn cưới, ăn chay. Và cũng còn rất nhiều tiếng ăn khác chẳng liên quan gì tới miệng lưỡi, như ăn đòn, ăn cướp, ăn quịt…Tổng cộng, gã đếm được cả thảy 173 tiếng.
– Dạ là cái bao tử.
– Bụng là phần dưới của thân mình, gồm bao tử, gan và lá lách.
– Còn lòng thì gồm các bộ phận trong ngực và bụng. Nơi gã đang ở, để tỏ lòng kính trọng ai, thì khi làm thịt heo, người ta thường biếu cho người ấy bộ lòng chay gồm quả tim, rồi một ít gan, một ít lá lách…Khi xơi món lòng lợn tiết canh, thì không phải chỉ có dồi, ruột non mà còn có cả tim gan phèo phổi.Hay như tục ngữ cũng bảo :
– Đẻ con chẳng dạy chẳng răn,
Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.
Tuy nhiên chữ lòng cũng như chữ bụng, chữ dạ còn được dùng để ám chỉ tính tình, tình cảm và nhất là ý muốn của mỗi người. Thực vậy, ý muốn và sự tự do chính là một qùa tặng tuyệt vời Thiên Chúa đã trao ban cho con người và làm cho con người trở nên cao cả.
Một ông vua đầy uy quyền cũng không thể bắt gã làm điều gã không muốn. Thậm chí ngay cả Thiên Chúa cũng đành phải chào thua trước sự tự do của con người, như lời ông thánh Âu Cu Tinh đã viết :
– Ngài sẽ không thể cứu chuộc tôi nếu như chính bản thân tôi lại không muốn.
– Trong mỗi con người đều có tiềm ẩn một con thú hoang.
– Con người là một con vật hai chân, thuộc loài hỗn thực, nghĩa là xơi được mọi thứ, nhưng lại biết…mặc quần đùi.
– Dưới làn da của con người đều có bóng dáng của nhiều loài dã thú.
Từ ý muốn, hay nói một cách cụ thể hơn, từ cái lòng của mình mà phát sinh ra những hành động. Bởi vì :
– Tư tưởng thì hướng dẫn cho hành động, và lòng đầy thì mới tràn ra ngoài.
Cái lòng mà đã tốt, thì thường phát sinh ra những hành động tốt. Còn cái lòng mà đã xấu, thì cũng thường phát sinh ra những hành động xấu.
Do ảnh hưởng của tội lỗi, cũng như do ảnh hưởng từ bên ngoài, mà cái “tính bản thiện” vốn có ngay từ đầu dần dần bị mai một và lòng người trở nên nham hiểm, cũng như luôn hướng chiều về đàng xấu, đàng trái :
– Sông sâu còn có người dò,
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.
– Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Ai có tai nghe thì nghe!
– Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài.
Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.
Quả là một lời giảng dạy tuyệt vời, xác định được nguồn gốc của mọi tội ác chính là cõi lòng con người. Gã còn nhớ ngày xưa còn bé, khi học giáo lý có một câu như sau :
Hỏi : Tội bởi đâu mà ra ?
Thưa : Tội thì bởi trong lòng mà ra.
Cõi lòng là nơi chất chứa, hay nói một cách mạnh mẽ hơn, cõi lòng chính là hang ổ của tội ác. Thảo nào mà bàn dân thiên hạ đều rất sợ lòng người.
Tuy nhiên, gã còn nhận thấy một sự nguy hiểm khác nữa, đó là thói giả hình, bên ngoài thi tốt đẹp, nhưng cái tốt đẹp bên ngoài ấy chỉ nhằm che lấp những ý đồ đen tối bên trong, như mồ mả bên ngoài quét vôi trắng bóc, nhưng bên trong lại đầy giòi bọ cùng mọi thứ xú khí.
– Ngoài thì thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không gươm.
– Na mô,
Một bồ dao găm,
Một trăm con chó,
Một lọ mắm tôm,
Một ôm rau húng,
Một thúng rau răm…
– Na mô,
Một bồ dao găm,
Một trăm giáo mác,
Một bác dao bầu,
Một xâu thịt chó…
Đây mới chính là điều làm cho gã phải khiếp sợ. Khiếp sợ đến phát run lên cầm cập, bởi vì mình chẳng còn phân biệt được lành và dữ, tốt và xấu, đồng thời còn có nguy cơ bị sập bẫy bất cứ lúc nào.
Thế nhưng, làm sao có thể tách biệt được cái hình dong bên ngoài và cái cõi lòng bên trong, bởi vì cả hai gắn bó mật thiết với nhau và làm thành một người.
– Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai.
Một khi đã cảm hóa được lòng người thì đâu còn phải sợ hãi nữa.
Mai Đình Hoàng
nguồn: simonhoadalat.com