Con Người Là Hình Ảnh Thiên Chúa

– thử thách của Cộng Sản Chủ Nghĩa hay Xã Hội Chủ Nghĩa bần tiện hoá và đê tiện hoá phẩm giá con người

– cũng như của Cá Nhân Chủ Nghĩa quá khích cô lập hoá con người.

Nhưng với chủ đề của bài viết, chúng tôi không có ý lập lại những tư tưởng sai trái tiêu cực vừa kể, mà là nhờ vào những suy tư của Ủy Ban Quốc Tế Thần Học, giới thiệu với người công giáo chúng ta nhãn quang tích cực về sự hiện diện con người trong vũ trụ, mà trong thời gian gần đây Công Đồng Vatican II và nền thần học hiện đại đã đem đến cho chúng ta.

I – Con người, hình ảnh Thiên Chúa trong Thánh Kinh.

Như Thánh Kinh, Truyền Thống và các Lời Huấn Dạy của Giáo Hội, chân lý con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa luôn luôn là trung tâm điểm của mạc khải Ki Tô giáo.

Các Giáo Phụ và các nhà thần học thời danh đã luôn luôn nhận biết chân lý đó và đã trình bày cho chúng ta như là những lời chỉ dạy tối quan trọng. Mặc cho chân lý vừa kể, trong quá khứ, một vài tư tưởng thần học đã đặt thành vấn đề và cũng đã có những cuộc tranh luận sôi nổi.

Nhưng qua chủ đề của bài viết, chúng tôi không có ý đi vào những tư tưởng tranh luận liên hệ trong quá khứ, nhứt là những suy nghĩ của các Phong Trào Cải Cách, xin dành lại cho những ai chú tâm đến Lịch Sử Giáo Hội Học.

Điều chúng tôi muốn trình bày đến anh chị em là trong thời gian gần đây, trước Công Đồng Vatican II, trong thời gian Công Đồng đang nhóm họp và từ thời gian sau đó, đến chúng ta, nhiểu nhà Thánh kinh Học đã cùng đồng thuận với các Huấn Dụ của Giáo Hội trong việc khám phá ra trở lại và xác nhận tầm quan trong của tín lý về con người, hình ảnh Thiên Chúa.

Trừ một vài trường hợp hiếm có, các nhà chú giải Thánh Kinh hiện nay đều đổng thuận nhận biết tầm quan trọng con người là hình ảnh Thiên Chúa ( imago Dei ) được Thánh Kinh mạc khải cho:

– ” Thiên Chúa phán: ” Chúng ta hãy tạo con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi vật bò dưới đất “.

” Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,

Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ ” ( Gen 1, 26-27).

– ” Đây là gia phả ông Adong: Ngày Thiên Chúa sáng tạo con người, Chúa làm ra con người giống như Thiên Chúa. Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ, Chúa chúc lành cho họ và đặt tên cho họ là ” người “, ngày họ được sáng tạo ” ( Gen 5, 1-2).

– ” Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa ” ( Gen 9, 6).

Chủ đề vừa kể, con người, hình ảnh Thiên Chúa là một chủ để cốt yếu để có thể hiểu được ý nghĩa Thánh kinh về

– bản thể của con người

– và về các xác quyết nhân loại luận ( antropologico ) Thánh Kinh trong Tân Ước và Cựu Ước.

Đối với Khánh Kinh ” hình ảnh Thiên Chúa ” ( imago Dei ) được xem như là một định nghĩa về con người: bí nhiệm về con người không thể hiểu được, nếu tách rời con người ra khỏi mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Quan niệm con người, hình ảnh Thiên Chúa, trong Cựu Ước phản chiếu lại quan niệm các Quốc Gia Cận Đông thời cổ, theo đó thì nhà vua là hình ảnh Thiên Chúa dưới trần thế.

Tuy vậy, Thánh Kinh có lối giải thích khác hơn, bởi lẽ Thánh Kinh trải rộng quan niệm ” hình ảnh Thiên Chúa ” ra cho tất cả mọi người, chớ không phải chỉ có nhà vua là ” con Trời “.

Kế đến Thánh Kinh còn khác biệt với quan niệm Cận Đông được định hướng không phải hướng con người về việc thờ phượng các vị thần, mà được định hướng con người liên quan đến việc trồng trọt và canh giữ đất đai:

– “ Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden, để cày cấy và canh giữ đất đai ” ( Gen 2, 15).

Như vậy, Thánh Kinh liên kết, có thể nói như vậy, động tác thờ phượng liên hệ trực tiếp với động tác trồng trọt và trông coi.

Thánh Kinh hiểu rằng động tác làm việc của con người sáu ngày trong tuần là nhằm cho ngày thứ bảy, ngày được Thiên Chúa chúc phúc và thánh hoá.

Hai ý niệm vừa kể cùng đồng quy để đưa đến nhãn quang Thánh Kinh.

a) trước hết con người trong bản thể hoàn hảo của mình là con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Điều vừa kể, loại trừ các lối giải thích “ hình ảnh Thiên Chúa ” của con người được bao gồm trong viễn ảnh nầy hay viễn ảnh khác của bản thể con người ( hệ tại ở việc con người có trí khôn ngoan, hiểu biết đúng đắn chẳng hạn), hoặc trong đặc tính nầy hay phận vụ ( động tác ) khác của con người ( bản tính ước muốn dục vọng hay ước vọng thống trị thế giới chẳng hạn ).

Tránh khỏi lối giải thích nhất nguyên luận ( monisme) hay nhị nguyên luận, đối nguyên luận ( dualisme ), Thánh Kinh cung cấp cho chúng ta một nhãn quang về bản tính của con người, trong đó tầm kích thiêng liêng được hiểu như là một tổng hợp của các phương diện thể lý, xã hội và lịch sử con người.

b) Kế đến, việc tường thuật lại công trình sáng tạo của sách Sáng Thế Ký còn cho chúng ta thấy rõ con người được tạo dựng nên không phải như là một cá nhân đơn độc:

– ” Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,

Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ ” ( Gen 1, 27).

Thiên Chúa đặt những con người tiên khởi của giòng giống nhân loại có lìên hệ với nhau, người nầy với người kia, mỗi người với partner khác phái với mình.

Như vậy Thánh Kinh xác nhận

– con người hiện hữu trong mối tương quan với Chúa,

– trong mối tương quan với những người khác,

– trong mối tương quan với thế giới và với chính mình.

Theo quan niệm vừa kể, con người không phải là một cá nhân đơn độc, mà là một nhân vị: một thực thể trong các mối tương quan.

Khác hẳn với chủ thuyết thuần năng động tính, chối bỏ đi bản thể cố định của con người, có đặc tính nền tảng liên hệ của ” hình ảnh Thiên Chúa “, là bản thể siêu hình và nền tảng, để con người có khả năng hành xử tự do và trách nhiệm của mình.

Theo Tân Ước, hình ảnh con người được dựng nên trong Cựu Ước phải được bổ túc hóa bằng ” hình ành Chúa Ki Tô ” ( imago Christi).

Trong khi khai triển chủ đề vừa kể của Tân Ước, chúng ta có được hai yếu tố cá biệt, so với Cựu Ước: đó là

– đặc tính Ki Tô Luận và đặc tính Chúa Ba Ngôi liên quan đến ” hình ảnh Thiên Chúa ” ( imago Dei ),

– vai trò trung gian của Bí Tích trong việc kiến tạo ” hình ảnh Thiên Chúa ” nơi người tín hữu Chúa Ki Tô,

a) Trước tiên bởi vì hình ảnh hoàn hảo của Thiên Chúa là chính Chúa Ki Tô:

– ” Họ không tin, vì tên ác thần của đời nầy làm cho tâm trí ho ra mù quáng khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Chúa Ki Tô, là hình ảnh Thiên Chúa ” ( 2 Cor 4, ).

– ” Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo ” ( Col 1,15).

– ” Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa ” ( Heb 1, 3).

bởi đó con người phải đồng dạng hoá với Chúa Giêsu:

– ” Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưỏng tử của một đàn em đông đúc ” ( Rom 8, 29).

Thật vậy,

– “ để trở thành hình ảnh Thiên Chúa, con người phải tham dự tích cực vào việc cải hoá mình theo khuôn mẫu hình ảnh Chúa Con ” Col 3, 10),

Đấng đã tỏ cho chúng ta căn tính Người qua các động tác lịch sử từ cuộc Nhập Thể cho đến cuộc Phục Sinh vinh quang của Người.

Theo khuôn mẫu được Chúa Con thể hiện ra, hình ảnh Thiên Chúa trong con người chúng ta được cấu tạo bằng quảng đường lịch sử,

– khởi đầu từ công cuộc sáng tạo,

– trải qua biến cố sám hối khước từ tội lỗi,

– cho đến công cuộc cứu rổi và được hoàn thành.

Chính như Chúa Ki Tô đã tỏ ra vương quyền của Người trên tội lỗi và sự chết qua cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người, cũng vậy mỗi con người chiếm hữu được vương quyền của mình qua Chúa Giêsu, trong Chúa Thánh Thần – không phải chỉ là vương quyền trên đất đai và thú vật ( như những gì Cựu Ước đã nói lên ) – mà chính yếu là trên tội lỗi và sự chết.

Như vậy theo Tân Ước, Sự biến đổi con người trở thành hình ảnh Chúa Ki Tô được thể hiện trong các Phép Bí Tích, trước tiên như là

– hậu quả của sứ điệp Chúa Ki Tô được chiếu sáng lên:

* ” Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa, như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cùng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như bởi tác động của Chúa là Thánh Thần” ( 2 Cor 3, 18),

* ” Quả thật, xưa Chúa đã phán ” Ánh sáng hãy bừng lên nơi tối tăm ! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng ta, để bày tỏ cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Chúa Ki Tô ” ( 2 Cor 4, 6).

– và của Phép Rửa:

* ” Thật vậy, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể. tất cả chúng ta đã được tràn đầy Thánh thần duy nhứt ” ( 1 Cor 12, 13).

Sự hiệp thông với Chúa Ki Tô thoát xuất từ đức tin vào Người và từ Phép Rửa, qua đó

– con người củ của chúng ta đã chết đi nhờ Chúa Ki Tô:

* ” Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Chúa Ki Tô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Chúa Ki Tô, đều mặc lấy Chúa Ki Tô. Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, người nam hay người nữ, nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Chúa Ki Tô ” (Gal 4, 26-28),

– và chúng ta được mặc lấy con người mới:

* ” Thật vậy, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Chúa Ki Tô, đều mặc lấy Chúa Ki Tô ” ( Gal 3,27),

* ” Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Ki Tô và đừng chìu theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng ” ( Rom 13, 14).

Kế đến Phép Giải Tội, Phép Thánh Thể và các Phép Bí Tích khác xác nhận và củng cố chúng ta trong công cuộc hoán cải tận gốc rễ nầy, được thực hiện theo khuôn mẫu của Chúa Ki Tô qua biến cố Khổ Nạn, Tử Nạn và Phục Sinh của Người.

Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được hoàn hảo hoá giống hình ảnh Chúa Ki Tô nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần trong các Bí Tích, chúng ta được ôm ấp chặt vào tình thương của Chúa Cha.

2 – Con người, hình ảnh Thiên Chúa trong Công Đồng Vatican II và trong thần học hiện đại.

Mặc cho có nhiều cuộc tranh luận về ý nghĩa ” hình ảnh Thiên Chúa ” trong dòng lịch cử Giáo Hội, nhứt là đối với các nhóm Cải Cách và ngay cả giữa những khuynh hướng Cải Cách với nhau, trong suốt thế kỷ XX nền thần học càng ngày càng tỏ ra đặc tâm chú ý đến chủ đề hình ảnh Thiên Chúa ( imago Dei).

Nhờ vào việc chú tâm học hỏi chính xác hơn đối với Thánh Kinh, các Giáo Phụ và các nhà thần học kinh viện quan trọng, mà tâm thức người công giáo hiện đại có được sự hiểu biết chi tiếc hơn và tầm quan trọng hơn đối với chủ đề hình ảnh Thiên Chúa.

Việc khám phá mới nầy đã được loan truyền rộng rãi trong giới thần học Ki Tô giáo ngay cả trước khi có Công Đồng Vatican II. Và trong Công Đồng chủ đề càng được kích thích hơn nữa trong Hiến Chế Giáo Hội giữa trần thế Gaudium et spes.

Đề cập đến chủ đề hình ảnh Thiên Chúa, trong Hiến Chế Gaudium et spes Công Đồng xác nhận phẩm giá con người như những gì sách Sáng Thế Ký đã dạy chúng ta:

– ” Thiên Chúa phán: ” Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…” ( Gen 1, 26).

” Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên ” ( Ps 8, 6).

Và từ những lời giảng dạy đó của Thánh Kinh, đây là văn bản của Hiến Chế Gaudium et spes:

– ” Thật vật, Thánh Kinh dạy rằng con người được dựng nên ” theo hình ảnh Thiên Chúa “, có khả năng hiểu biết và yêu thương Đấng Tạo Hoá dựng nên mình, là Đấng đã thiết định con người làm chủ nhân mọi tạo vật trần thế, để thống trị chúng và để dùng chúng làm vinh danh Chúa ” ( GS, 12).

Trong nhã n quang của Công Đồng, ” hình ảnh Thiên Chúa ” gồm tóm ở định hướng căn bản của con người hướng là về Thiên Chúa, nền tảng của phẩm giá con người và của các quyền bất khả nhượng của con người.

Bởi vì mỗi con người là hình ảnh Thiên Chúa, bởi đó không có bất cứ ai có thể bắt buộc con người

– cúi đầu tuân phục bất cứ một hệ thống quyền lực nào

– hay cùng đích nào nhằm vào những mục đích trần thế.

Địa vị con người là

-chủ nhân vũ trụ,

– có khả năng cuộc sống xã hội của mình,

– có khả năng hiểu biết Thiên Chúa và thương yêu Thiên Chúa,

đó là tất cả các yếu tố có căn tính trong sự kiện con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.

Nền tảng lời huấn dạy của Công Đồng đặt trên yếu tố quyết định Ki Tô Luận về hình ảnh, đó là Chúa Ki Tô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình:

” Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo ” ( Col 1, 15).

Và dựa trên nền tảng đó của Thư gởi các tín hữu Colosseo, đây là lời huấn dạy của Công Đồng Vatican II:

– ” Chính vì vậy, dưới ánh sáng Chúa Ki Tô, hình ảnh Thiên Chúa vô hình, trưởng tử của cả công trình sáng tạo, Công Đồng muốn nói với tất cả mọi người, để làm sáng tỏ bí nhiệm của con người và giúp đỡ nhân loại khám phá ra giải đáp về những vấn đề trọng đại của thời đại chúng ta ” ( GS, n.10, 2).

Chúa Con là con người hoàn hảo, đem lại cho con cái nam nữ của Adong đặc tính giống Thiên Chúa của họ, bị tổn thương vì tội lỗi của các tổ phụ:

– ” Hình ảnh của Thiên Chúa vô hình ( Col 1, 15) Chúa Ki Tô là Con Người hoàn hảo, đã thiết lập lại trong dòng dõi của Adong đặc tính giống Thiên Chúa, đã bị nguyên tội làm băng hoại. Bởi vì nơi Người, bản tính con người được hội nhập vào ( assumée ) chớ không bị hấp thụ ( absorbée) bởi chính Người, bản tính đó đã được nâng cao lên trong chúng ta đến một vị thế không gì có thể so sánh được ” ( GS, n.22 , 2).

Được Thiên Chúa mạc khải cho biết rằng chúng ta đã được dựng nên giống hình ảnh Người, con người được chính Con Thiên Chúa cho biết câu trả lời cho những câu hỏi về ý nghĩa đời sống và cái chết:

– ” Những câu hỏi nầy ( về những ao ước sâu thẩm trong thâm tâm con người ), chinh sự hiện diện của Giáo Hội cũng là những gì nhắc nhở cho con người. Nhưng chỉ có một mình Thiên Chúa, là Đấng đã tạo dựng con người giống hình ảnh mình và cứu con người khỏi tội lỗi, có thể trả lời một cách hoàn hảo cho những câu hỏi đó. Người trả lời bằng sự mạc khải nơi Con của Người, Đấng đã trở nên người phàm. Nhờ đó ai theo Chúa Ki Tô, con người hoàn hảo, chính mình sẽ trở thành con người hơn ” ( GS, n. 41, 1).

Ngoài ra Công Đồng cũng nhấn mạnh đến cấu trúc Ba Ngôi của hình ảnh Thiên Chúa: chúng ta được

– đồng dạng hoá mình với Chúa Ki Tô,

* ” Vì những ai người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ trở nên đồng hình, đồng dạng với Con của Người, để Con của Người là trưởng tử giữa một đàn em đông đúc ” ( Rom 8, 29),

nhờ các ân sủng của Chúa Thánh Thần:

* ” Chúng ta đã nhận lãnh Thánh Thần như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa ” ( Rom 8, 23),

– như vậy, chúng ta được sáng tạo thành con người mới, có khả năng chu toàn giới răn mới:

* ” Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Con, trưởng tử của một đàn em đông đảo, người tín hữu Chúa Ki Tô ” lãnh nhận được hoa trái đầu mùa của Chúa Thánh Thần ( Rom 8, 23) làm cho mình có khả năng chu toàn lề luật mới của tình yêu ” ( GS, 22, 4).

Người tín hữu Chúa Ki Tô là những vị thánh đã được hoàn toàn biến đổi thành hình ảnh của Chúa Ki Tô:

– ” Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy chúng ta được biến đổi nên giống cùng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, nhu bởi động tác của Chúa là Thánh Thần ” ( 2 Cor 3, 18).

Nơi họ, người tín hữu Chúa Ki Tô, Thiên Chúa hiện diện và ân sủng của Người như là dấu chứng của vương quyền Người.

Khởi đầu từ tín lý hình ảnh Thiên Chúa, Công Đồng dạy rằng động tác của con người phản ảnh công trình sáng tạo của Chúa, đó là mẫu gương mà con người khi hành động phải noi theo:

– ” Đối với ngưòi tín hữu, có một điều chắc chắn: chính động tác của con người, tự nó, động tác cá nhân hay tập thể cũng vậy, sự cố gắng phi thường mà nhờ đó con người, trải qua dòng các thế kỷ, đã gắng công mệt sức để cải hoá tốt đẹp hơn đời sống, xứng hợp với đồ án của Thiên Chúa. Thật vậy, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, đã lãnh nhận sứ mạng cai trị thế giới và tất cả những gì được chứa đựng trong đó, quản trị vũ trụ trong thánh thiện và công lý. Và, trong khi nhân biết Chúa là Đấng Sáng Tạo mọi sự, con người quy hướng đời sống của mình về Người, thay vì hướng về vũ trụ: trong khi làm cho tất cả đều tuân phục con người, chính danh Chúa được vinh danh trên cả mặt đất ” ( GS 34, 1).

Và cả thế giới vật chất phải được định hướng hướng về công lý và thông hiệp để phát huy một gia đình nhân loại, trong đó tất cả là anh em, chị em với nhau:

– ” Thiên Chúa chăm sóc với tình cha con trên tất cả mọi người, và người đã muốn rằng tất cả mọi người đều thiết lập thành một gia đình duy nhứt và đối đãi với nhau như anh em. Thật vậy, tất cả đều được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, ” là Đấng làm cho cả dòng giống nhân loại, bắt nguồn từ một nguyên lý duy nhứt ( Act 17, 26), cư ngự trên khắp mặt đất và tất cả đều được kêu gọi về cùng một mục đích và như nhau, đó là về với chính Chúa ” ( GS 24, 1).

Đặc tâm chú ý đến con người, hình ảnh Thiên Chúa của Công Đồng Vatican II cũng có ảnh hưởng lớn lao đến nền thần học hiện đại trong nhiều môn ngành khác nhau.

Các nhà thần học hiện đang chú tâm khai triển cho thấy nền thần học hình ảnh Thiên Chúa có liên quan thế nào giữa nhân chủng học và Ki Tô luận.

Không chối bỏ ân sủng duy nhứt được ban cho nhân loại là ân sủng được ban cho nhờ công cuộc Nhập Thể, các nhà thần học muốn nhận biết giá trị nội tại của công cuộc sáng tạo con người giống hình ảnh Thiên Chúa.

Những khả năng mà Chúa Ki Tô mở ra cho con người

– không có nghĩa là xoá bỏ đi thực tai con người như là tạo vật,

– nhưng là nói lên tình trạng hoán chuyển và hiện thực con người theo hình ảnh hoàn hảo của Con Thiên Chúa.

Ngoài ra, cùng với sự hiểu biết mới mẻ nầy về mối liên hệ giữa Ki Tô Luận và Nhân Chủng Học, chúng ta cũng có nhiều hiểu biết hơn đặc tính năng động của hình ảnh Thiên Chúa ( imago Dei ).Không chối bỏ đi ân huệ con người được ban cho khởi thủy lúc mình được dựng nên, giống hình ảnh Thiên Chúa, các nhà thần học muốn nhận biết chân lý, qua ánh sáng của lịch sử con người và tiến trình văn hoá nhân loại, hình ảnh Thiên Chúa, trong ý nghĩa thực tế, còn có ý nghĩa là những gì con nguời sẽ trở nên trong tương lai.

Qua các mối liên hệ giữa Nhân Chủng Học và Thần Hoc Luân Lý, các nhà thần học nhận thức rằng con người trong bản thể của mình, do thực thể được dựng nên giống hính ảnh Thiên Chúa, có khả năng tham dự vào lề luật của Thiên Chúa, là thánh ý Chúa . Lề luật tự nhiên đó định hướng con người hướng về phương hướng tìm kiếm sự thiện trong các hành động của mình.

Bởi đó, nói cho cùng, hình ảnh Thiên Chúa có tầm kích mục đích luận và thời cánh chung luận, cho thấy

– con người là một khách lữ hành ( homo viator ) giữa trần thế, lữ hành bước đi trong cuộc sống hướng về thời cánh chung

– và thực hiện đồ án của Thiên Chúa tiên định cho vũ trụ,

– cũng như những gì đã được thực hiện trong lịch sử ân sủng của đời sống mỗi con người và trong lịch sử của cả nhân loại.

Tác giả Nguyễn Học Tập

(Viết theo tài liệu của Ủy Ban Quốc Tế Thần Học, gồm Cha Joseph Augustine Di Noia ( dòng Đa Minh), Giám Mục Jean Luois de Bruguès, Đức Ông Anton Strukelj, Cha Tanios Bou Mansour thuộc Công Giáo Maronite ( Liban), Cha Adolphe Gesché, Giàm Mục Willem Jacobus Eijk, Cha Fadel Sidarous và Cha Shun Ichi Takayanagi. Ủy ban đã làm việc trong suốt hai năm 2000-2004, tài liệu đã được Ủy Ban cùng đồng thuận ký tên và được Đức Hồng Y Joseph Ratzinger lúc đó ( hiện nay là Đức Thánh Cha Benedictus XVI), Chủ Tịch Thánh Bộ Tín Lý về Đức Tin ấn ký) ).

Exit mobile version