Ai cũng từng nghe người ta tranh luận với nhau, cãi nhau hay bất đồng ý kiến. Đôi khi điều này có vẻ vui thích, đôi khi nó làm cho người ta bực bội. Tuy nhiên, chúng ta có thể học được đôi điều rất quan trọng khi nghe những cuộc nói chuyện.
Người ta nói: “Bằng cách nào tôi có thể thích điều ấy?” – “ Đó là vị trí của tôi. Tôi là số một” – “Hãy để cho anh ta yên, anh ấy không làm hại gì bạn cả” – “Tiếp tục thôi, bạn đã hứa mà”… Người ta nói những điều như thế hàng ngày, cả những người học thức cũng như ít học, cả trẻ em cũng như người lớn.
Khi ấy, người ta nại tới tiêu chuẩn nào đó về hành vi, điều mà họ muốn cho người khác biết. Nếu không có những quy tắc để chơi đẹp, để hành động tử tế, hoặc để sống có đạo đức… thì người ta có thể đánh nhau như những con thú, và người ta không thể tranh luận với nhau trong ngôn ngữ của loài người. Khi tranh luận, người ta cố gắng cho thấy rằng, người khác có điều gì đó sai lầm. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn và tôi cố gắng làm điều gì đó, mà trước hết chúng ta không có sự đồng thuận nào đó về điều gì là Đúng điều gì là Sai.
Luật về Đúng và Sai, tôi gọi là Luật Tự Nhiên. Ngày nay, khi nói về “luật tự nhiên”, chúng ta thường có ý nói về luật vạn vật hấp dẫn trong vật lý, hay luật di truyền trong sinh học, hay các định luật hóa học. Khi nói về “luật tự nhiên”, các nhà tư tưởng có ý nói về Luật của Bản tính Con người. Trong khi cơ thể bị điều khiển bởi luật hấp hẫn, các cơ phận bị điều khiển bởi luật sinh học, và con người không có chọn lựa nào khác ngoài việc tuân phục các định luật này, thì con người có một luật với sự khác biệt vĩ đại. Con người có thể chọn lựa để tuân phục hay từ chối Luật của Bản tính Con người.
Mỗi người trong từng giây phút đều bị chi phối bởi một loạt những định luật khác nhau, nhưng chỉ có một luật mà con người có tự do để chối từ. Vì có thân thể, nên con người bị rơi từ trên cao xuống giống như sự rơi của viên đá, do tác dụng của luật hấp dẫn. Vì có các cơ phận, nên con người bị chi phối bởi luật sinh học tương tự như các con vật. Thế nhưng, con người không thể chia sẻ với các vật vô cơ, cây cối và động vật, định luật của bản tính con người.
Luật này được gọi là Luật Tự Nhiên vì người ta nghĩ rằng, mọi người nhận biết luật ấy cách tự nhiên và không cần phải được dạy. Điều ấy không có nghĩa là bạn không thể tìm thấy ở đây đó có người không nhận biết luật ấy, có người mù màu, có người không có tai để nghe. Thế nhưng, loài người là một toàn thể, người ta nghĩ rằng, ý tưởng về “hành vi tử tế” là hiển nhiên với mọi người. Tôi tin rằng, điều này là đúng. Nếu họ không đúng, thì tất cả những gì chúng ta nói về chiến tranh đều vô nghĩa. Có nghĩa lý gì khi nói: kẻ thù là sai, nếu không có điều Đúng thực sự? Nếu không có điều gì là Đúng, làm sao có thể kết luận chủ nghĩa phát xít Đức là sai lầm?
Tôi biết rằng, một số người nói, “ý tưởng về Luật Tự Nhiên về hành vi tử tế, được mọi người nhận biết” là một lý lẽ yếu ớt, bởi vì các nền văn minh khác nhau và các thế hệ khác nhau sẽ có các quy luật đạo đức khá khác nhau.
Điều nghi ngại này là không đúng. Có những khác biệt, nhưng không bao giờ là hoàn toàn khác biệt. Nếu ai đó nghi ngờ khi so sánh các nền đạo đức khác nhau, thì hãy nói với anh ta rằng, những người Ai-cập cổ đại, Ba-bi-lon, Trung Quốc, Hi-lạp và Rô-ma sẽ cho anh thấy, họ rất giống chúng ta. Thử nghĩ về một đất nước, nơi mà người ta sẽ được ca tụng khi họ chạy trốn khỏi cuộc chiến; hoặc nơi mà một người cảm thấy tự hào về một sự lừa dối rằng, toàn dân đều tốt nhất với anh ta. Nếu thế, bạn chỉ có thể tưởng tượng về một đất nước mà ở đó 2 cộng 2 bằng 5. Người ta khác nhau trong những gì người ta ích kỷ, chỉ lo cho bản thân mình, gia đình mình, quê hương mình. Nhưng người ta đồng ý rằng, bạn không bao giờ được đặt bản thân bạn là số một. Sự ích kỷ không bao giờ được ca tụng. Người ta khác nhau khi xét xem bạn nên có một hay bốn người vợ, nhưng người ta luôn luôn đồng ý rằng, bạn không được phép có bất cứ người phụ nữ nào bạn muốn.
Sự khác biệt nổi bật là thế này. Bất cứ khi nào bạn thấy một người nói với bạn rằng, anh ta không tin vào luật Đúng và Sai, bạn sẽ thấy anh ấy làm điều ngược lại trong ít giây sau. Anh ta có thể không giữ lời hứa với bạn, nhưng nếu bạn thử không giữ lời hứa với anh ta, anh ta sẽ phàn nàn “Thật không tốt chút nào” trước khi bạn có thể nói lời xin lỗi. Một quốc gia có thể nói, các hiệp ước không có vấn đề gì, nhưng ít phút sau, họ phá vỡ tình thế bằng cách nói rằng, hiệp ước mà họ muốn phá bỏ là một hiệp ước bất công. Nếu không có Luật Tự Nhiên, làm thế nào có thể phân biệt được hiệp ước công bằng với hiệp ước bất công? Dường như chúng ta bị đẩy tới niềm tin rằng, thực sự có điều Đúng điều Sai.
Tôi hy vọng rằng, bạn sẽ không hiểu lầm điều tôi sắp nói. Tôi không giảng giải và Trời biết rằng tôi không giả bộ tốt hơn người khác. Tôi chỉ cố gằng mời gọi một sự chú tâm tới thực tế; thực tế của năm nay, của tháng này, hoặc gần hơn, của ngày hôm nay, đó là chúng ta quên rèn luyện chính mình trong cách hành xử mà chúng ta mong đợi nơi người khác. Có thể có nhiều loại lý do để chúng ta bào chữa. Khi tôi không giữ luật tự nhiên, và có người nhắc tôi về điều ấy, thế là trong tâm trí tôi xuất hiện hàng loạt những lời bào chữa đủ loại. Câu hỏi trong lúc ấy không phải là, chúng là những lời bào chữa tốt hay xấu. Điều quan trọng là, chúng là bằng chứng cho thấy một cách sâu sắc hơn, rằng chúng ta có thích luật tự nhiên hay không, rằng chúng ta có tin vào luật tự nhiên hay không. Nếu chúng ta không tin vào hành vi tử tế, tại sao chúng ta lại quá lo âu để tạo nên những lời bào chữa vì mình không có những hành vi tử tế? Sự thật là, chúng ta tin vào sự tử tế đến nỗi chúng ta cảm thấy Luật ấy in vào trong chúng ta, đến nỗi chúng ta không thể chịu đựng nổi khi đối diện với thực tế là chúng ta phá bỏ luật ấy, và như một hệ quả, chúng ta cố gắng đổ trách nhiệm cho người khác. Chúng ta nhận thấy tất cả những lý giải này khi chúng ta có hành vi xấu.
Như thế, có hai điều tôi muốn nhấn mạnh. Thứ nhất, tất cả con người trên mặt đất đều có cùng ý tưởng lạ lùng rằng, con người phải hành xử một cách đúng đắn, và thực sự không thể chối bỏ cách hành xử ấy. Thứ hai, trong thực tế, con người không hành xử theo cách đúng đắn. Con người biết Luật Tự Nhiên, nhưng con người phá bỏ luật ấy. Hai thực tế này là nền tảng cho tất cả những suy tư mạch lạc về chính chúng ta và về thế giới của chúng ta.
Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
(Lược dịch từ “1. The Law of Human Nature” in Book I: Right and Wrong as a Clude to the Meaning of the Universe, từ tác phẩm Mere Christianity, của tác giả C.S. Lewis)