Thời Chúa Giêsu, dân chúng cứ mong đợi ông Elia đến, vì họ cho rằng ông là vị tiền hô cho Đấng Cứu thế. Thế nên, trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu quả quyết Êlia đã xuất hiện trong con người và trong sứ mạng của Gioan Tẩy Giả, ông đã đến để trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế, để từ đó, muốn nói với chúng ta rằng, sống trong thời đại nầy điều quan trọng là chúng ta hãy bắt chước Gioan Tẩy giả, biến lời nói, cuộc sống của chúng ta thành điều tiên báo Chúa cho những người xung quanh.
Người Do thái biết rằng, khi Elia đến lần thứ hai, sẽ có phá đổ, chỉnh đốn mọi sự… để chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai ngự đến giải thoát họ. Các môn đệ đi theo Chúa Giêsu đã được một thời gian, ít nhiều đã có lòng tin vào sứ mệnh Thiên Sai của Thầy mình. Thế nhưng bây giờ Elia hiện ra đàm đạo với Thầy khiến các ông chợt thắc mắc: Thầy rao giảng công khai đã lâu, tại sao bây giờ mới thấy Elia xuất hiện? Phải chăng có gì trong Kinh Thánh mà các ông chưa hiểu được? Con mắt đức tin của các ông còn bị che khuất.
Chỉ sau khi Chúa Giêsu giải thích, các ông mới hiểu rằng: Thầy chính là Đấng Thiên Sai mà Kinh Thánh đã nói, còn Gioan Tẩy Giả chính là Elia đã đến trước chuẩn bị cho Thầy. Các môn đệ đã thất bại khi dùng lối suy nghĩ thông thường để hiểu Kinh Thánh. Nhờ ánh sáng mạc khải của Chúa Giêsu, đức tin của các môn đệ được củng cố và hiểu được Kinh Thánh cùng sứ vụ của Thầy.
Theo truyền thuyết, Elia là một tiên tri đại diện cho các tiên tri trong Cựu Ước, không chết nhưng được đưa về trời và sau này ông sẽ trở lại và các luật sĩ cắt nghĩa: Cần phải đợi Elia trở lại đã. Chúa Giêsu cũng xác nhận với các môn đệ: “Thật, Elia phải đến để chấn hưng mọi sự”. Elia ấy chính là Gioan Tẩy Giả đã rao giảng sự ăn năn thống hối, hãy sửa lối đi cho ngay thẳng, lối đi quanh queo hãy san cho bằng. Những nơi gồ ghề, hố sâu hãy lấp cho bằng thì mọi người sẽ thấy ơn cứu độ.
Chúa Giêsu trao quyền rao giảng Lời Chúa cho Giáo Hội qua thánh Phêrô, vị đại diện tối cao của Giáo Hội tiên khởi và kế tiếp là trao cho các Tông Ðồ cho đến ngày nay. Cho nên chúng ta thấy trong Do Thái giáo, các luật sĩ là những người cắt nghĩa luật Chúa và họ đã nói với các môn đệ Chúa Giêsu: “Elia phải đến trước đã”.
Gioan tiền hô đã đi trước để dọn đường cho Chúa Kitô sẽ đến sau, Ngài đến để mang ơn cứu độ xuống cho trần gian và một số môn đệ Gioan đi theo Chúa Giêsu để xem Ngài, đồng thời Gioan cũng đã xác định vị thế của mình trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”.
Con người của Gioan Tẩy Giả thật là khiêm nhường trong vị thế của ông: “Còn tôi, tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người”. Gioan Tẩy Giả mang sứ mệnh như tiên tri Elia trong Cựu Ước nhưng cũng là một con người ăn chay hãm mình trong rừng vắng, khiêm nhường, đơn sơ trong công việc dọn đường cho Ðấng Cứu Thế sẽ đến.
Gioan Tẩy Giả dọn đường Chúa bằng chính đời sống khắc khổ để khơi dậy lòng sám hối cho dân chúng. Chúng ta, người tông đồ của Chúa trong tinh thần Mùa Vọng, cũng phải làm chứng bằng đời sống khó nghèo, bác ái, yêu người và khổ chế để nêu gương cho các người khác biết ăn năn sám hối, để chuẩn bị Chúa đến bằng ơn thánh trong cuộc sống hằng ngày.
Gioan làm chứng cho Chúa bằng chính cái chết của ông: Chúng ta muốn làm chứng cho Chúa cần phải chết đi cho tội lỗi, khuyết điểm, yếu đuối của mình, và chết đi vì những nỗ lực, cố gắng, kiên trì thực thi giáo huấn của Chúa để sống hoàn thiện hơn.
Thật là một tấm gương cao quí đáng cho chúng ta bắt chước noi theo. Gioan Tẩy Giả không cao trọng nhờ sự lạ lúc sinh ra nhưng cao trọng do sứ mệnh dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến mà ông đã làm trong sứ mệnh của mình. Trong ngục tối, ông dám nói thẳng sự thật, dám làm chứng nhân cho Thiên Chúa ở giữa trần gian.
Chúa Kitô đến mang sứ mệnh cứu rỗi của Thiên Chúa Cha. Người ta không nhận ra Người, và người ta cũng đối xử với Ngài như các tiên tri trong Cựu Ước, đó là bắt bớ, đánh đập, hành hạ và sau cùng bị lãnh bản án tử hình treo trên thập giá một cách nhục nhã đau thương.
Bao nhiêu năm tháng chờ đợi Ðấng Cứu Thế đến, trải dài trong Cựu Ước vậy mà khi Ngài đến con người đã không nhận ra Ngài. Mỗi người chúng ta đôi lúc cũng đã không nhận ra Ngài trong cuộc sống, chúng ta vẫn nhớ Lời Chúa nhắc với chúng ta: “Ai làm cho một kẻ bé mọn nhất trong anh em ấy là làm cho chính Ta”.
Những kẻ bé mọn đó là ai? Thưa, họ là những người mà Chúa Giêsu đã nói :Ta đói các con cho Ta ăn, Ta khát các con cho Ta uống. Ta rách rưới các con đã cho áo mặc. Khi Ta ở tù các con đã viếng thăm”. Lời nói của Chúa Giêsu làm mỗi người trong chúng ta suy nghĩ và tự nhận: Ai là anh em tôi? Không phải những ai xa lạ, không phải là những ai ở xa để rồi chúng ta không thấy được. Không phải là những bậc giàu có sang trọng trong xã hội, những người thiếu thốn, những người chạy gạo ăn bữa hôm lo bữa mai, những người không có thân nhân bà con, không mái nhà che mưa che nắng vào những trưa hè nóng oi bức, vào những cơn mưa tàn tã của thời tiết thu đông.
Mỗi người trong chúng ta tự hỏi như người luật sĩ và biệt phái trong Tin Mừng hỏi Chúa Giêsu: “Nhưng ai là anh em tôi?” Chúng ta cùng nhau xin Chúa cho chúng ta biết rõ, cảm nhận một cách sâu xa hơn câu trả lời của mình trong Mùa Vọng này để chúng ta đi đến niềm nở với người anh chị em, cùng nhau nắm chặt bàn tay thân ái đón mừng Chúa đến.
Huệ Minh