Cơn gió lạnh đêm nay

Đêm nay, từng cơn…từng cơn gió… lướt qua nghe lành lạnh khác thường… vì trời lạnh thật, hay vì tôi bệnh không biết…

Tôi đi tới đi lui trong khu vực Nhà xứ, lòng miên man nghĩ về chuyến đi bất ngờ của Đức Giám Mục Giáo phận Bùi Chu…

“Ai đã từng mang thương tích, mới hiểu vết thương đau như thế nào”. (Shakespeare). Mất một người thân yêu mà không hề có một tín hiệu gì báo trước, thật đau khổ làm sao ! Đôi ngày, đôi tháng… vắng tin nhau, chợt nghe tin, lại là tin cuối, nghe nhói đau trong lòng khó mà tả nổi !

Đứng ngoài sân Nhà thờ, tôi gọi điện cho Tâm Lê:

– Có bằng hữu hải ngoại hỏi Giáo phận Bùi Chu nằm ở đâu, mình vừa mail cho anh bản đồ các giáo phận Việt Nam, anh đăng kèm theo bản tin cáo phó nhé !

– Ok. À…vừa nghe tin Đức Cha Tân Vĩnh Long bị đột quỵ hồi chiều, nghe nói cũng nặng lắm…

– Trời ! sao mà dồn dập thế… Anh có chắc không đó ?

– Hầu như chắc chắn, mình đang ở Vĩnh Long mà ! Những người đang ở gần bên Đức Cha Tân báo tin đấy !

– Đột quỵ ! Trời ơi, nghe hai tiếng đột quỵ sao đáng sợ quá! Từ ngày mất Thành Võ đến giờ bị ám ảnh quá… Có tin gì mới nhất về Đức Cha Tân cho mình hay liền nhé, anh Tâm !

– Ok..

– Thôi nhé… nhớ giữ sức khỏe đấy…

– Khoan…

– Gì thế ?

– Không ổn rồi…

(có nhiều tiếng xì xào trong điện thoại…)

– Gì thế, anh Tâm ? Gì thế…

– Đức Cha Tân mất rồi…

Chợt một cơn gió thoảng qua… tôi nghe lạnh buốt tâm hồn…

Ngày ấy, tôi mới vào Đại Chủng Viện Vĩnh Long, sau một năm trôi dạt ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn…

Đó là Niên Khóa cuối cùng của Đại Chủng Viện Vĩnh Long, 1974-1975. Lúc bấy giờ, Đức Cha Tô-ma Tân là Cha Giáo, ngài cũng là một trong những cha linh hướng cho quý thầy, trong đó có tôi.

Nhớ buổi gặp ngài đầu tiên… rất ấn tượng…Xót xa thay, bây giờ, nghe như mới hôm qua, nhưng đã mất thật rồi !

– Con ngồi đi…

– Dạ, cám ơn Cha.

– Con từ Đồng Tháp?

– Dạ.

Sau những câu hỏi có tính xã giao, Cha linh hướng vào đề đột ngột:

– Con đang đọc sách gì ?

– Dạ… Con đang đọc cuốn Đường Hay Pháo Đài của NNL

Nhìn thẳng vào đôi mắt tôi, ngài chậm rãi nói rõ từng tiếng, đại ý:

– Con phải thận trọng với những tư tưởng “cấp tiến”. Cấp tiến thường đòi hỏi tiến nhanh một cách vội vã. Hậu quả có thể là quá đà, dễ đánh mất hay làm lu mờ những giá trị truyền thống. Cụ thế dễ thấy nhất là đi dần đến những tư tưởng lệch lạc, rồi lệch hướng, và bước vào ngã rẽ sai lầm. Hậu quả tai hại cho nhiều người, trước tiên là cho chính mình, cuối cùng là sám hối, và ân hận muộn màng.

Lúc ấy, tôi không hiểu nhiều về điều ngài nói. Bây giờ, khi màu thời gian đã nhuộm trắng mái đầu. Khi đã đi qua nhiều khúc quanh đổi đổi thay thay của cuộc đời, tôi mới hiểu ra…

Lúc ấy nhiều bạn bè, đàn anh, thường nói ngài rất… “réglo”. Rất khuôn phép, nghiêm túc…

Mấy lần vào ngài linh hướng, tôi đều sờ sợ. Ngài ít cười, nét nghiêm trang luôn làm gương mặt ngài có vẻ khô khan, khe khắt, ưu tư, đôi khi là buồn bã…

Sau lần linh hướng đầu, tôi cứ bị một ý tưởng ám ảnh trong đầu: “Chúa ơi, ‘gặp’ rồi, chắc chịu không nổi quá!”.

Rồi…

Lần linh hướng sau, ngài vui hơn. Ngài hỏi tôi con nhà nghèo hay giàu. Tôi trà lời: “Dạ, đủ ăn”. Ngài cười bảo: “Vậy là đúng Kinh Thánh rồi: – Hằng ngày dùng đủ đó con !”. (Kinh lạy Cha cũ là : “xin cho chúng con được hằng ngày dùng đủ” “Panem nostrum quotidianum da nobis hodie” trong kinh Pater noster bằng La ngữ).

Bất ngờ ngài hỏi:

– Con có thường đọc Kinh Thánh không ?

– Tôi đang vui, chợt thấy lo lắng:

– Dạ… ít !

– Ít sao được ! Ngày nào mà con không đọc nhiều lần. Những bài đọc trong Thánh lễ, Kinh Nhật Tụng…Có khi con không để ý đó thôi. Nếu mình để ý, thì mình đọc Kinh Thánh nhiều đó chứ.

Tôi lí nhí đáp:

– Dạ…

– Sẽ có lúc, hoàn cảnh con không đọc được Lời Chúa, con không đem theo được sách nguyện, Kinh Thánh bên mình được, con phải làm sao ?

– Dạ…

– Con đọc Kinh Thánh ở trong chính cuộc sống. Buồn vui của mọi người chung quanh và của chính con… Việc gì xảy ra cũng sẽ làm cho con nhớ đến một câu Kinh Thánh có liên quan. Nhờ đó, Lời Chúa không lìa xa mình dù chỉ phút giây… Con có thường làm vậy không ?

Tôi lúng túng và không thể nói dối lòng mình:

– Dạ… Dạ… không ạ !

– Ừa, Cha cũng vậy. Nhiều khi khó lắm ! Vậy mới là cầu nguyện chứ. Dễ quá thì cầu nguyện làm gì ! Con có thường cầu nguyện không ?

Lần này, tôi trả lời chắc nịch:

– Dạ… có ạ !

Ngài nhìn tôi cười, nói:

– Ừa, tốt rồi.

Khi một người có gương mặt nghiêm khắc mà nở được nụ cười, thì nụ cười ấy rất… tươi !

(….)

Và cứ thế, một năm trôi qua…

Lúc đầu tôi rất…sợ những câu hỏi của ngài, nhưng đằng sau vẻ nghiêm nghị, đôi khi có vẻ lạnh lùng, lại rất gần gũi, nhiều khi lại rất thoáng, rất nhẹ nhàng và rất mực yêu thương.

Ngài giữ tôi, ngài giữ học trò của ngài, theo cách riêng của ngài…

Đúng thế, như người ta thường nói: “Trong tình yêu, có nhiều khi rất khó hiểu. Con tim có những lý lẽ của riêng nó…”

Tâm Lê nhắn tin với tôi vào lúc 12g22 phút, đêm 18.08.2013. Hay đúng hơn, là 0 giờ 22 phút ngày 19.08.2013: “Đã hoàn tất”. Nghĩa là những hình ảnh đầu tiên chuyển xác Đức Cha Tô-ma về Nhà thờ Chính tòa Vĩnh Long đã được Tâm Lê đưa trên web. canhdongtruyengiao.net xong.

Trước những tin đau thương bất ngờ, người ta vẫn nuôi hy vọng có một điều gì khác hơn… Nhưng, “Đã hoàn tất”. Đây là sự thật rồi !

Cơn gió lạnh đêm nay… xoáy vào tim nghe đau nhói và buồn bã… Sao năm nay nhiều mất mát quá !

Đôi dòng chữ chân thành xin kinh dâng hương hồn Đức Cha Tô-ma như một nén hương của một đứa học trò cũ biền biệt xa đã gần 40 năm qua…

Con cầu nguyện cho “Thầy” mau về chốn vĩnh hằng trong Tình Yêu Thiên Chúa.

Học trò cũ của Thầy

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

CSV. ĐCV. Vĩnh Long 74-75

An Long, 19.08.2013

Exit mobile version