Trong các giờ đọc kinh tối của tháng Đức Mẹ Mân Côi, tôi thấy phần lớn là các ông bà già, thanh niên thiếu nữ rất ít và thiếu nhi lại càng hiếm hơn nữa! Trong những giờ như thế, tôi có dịp đến sớm để hỏi thăm, để chia sẻ với chủ nhà, với các ông trùm, với những người hiện diện…thì lại được biết số người tham dự giờ đọc kinh này chỉ đếm trên đầu ngón tay, cũng như số người đón Đức Mẹ về nhà mình cũng chẳng có bao nhiêu!!! Trước tình hình này, tôi hỏi thăm tại sao lại như vậy, thì một lý do rất đơn giản mà người ta nghe được từ những người đó, gia đình đó đưa ra là họ quá bận công việc, đến nỗi đầu tắt mặt tối, không có rảnh để đi đọc kinh hay đi đón Đức Mẹ đến nhà mình như những người khác!
Khi bắt đầu bước vào tháng Đức Mẹ Mân Côi, quý cha, quý tu sĩ, quý ban mục vụ cũng như các giáo khu, đặc biệt là trong ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima qua thánh lễ ban sáng, ban chiều, hay thánh lễ đặc biệt được cử hành vào lúc 12g trưa cùng các giờ cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh thể đã nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại về việc sống lời mời gọi của Đức Mẹ để bản thân, gia đình, giáo xứ và xã hội được sống trong an bình….giữa một cuộc sống có rất nhiều thách đố hôm nay đối với con người nói chung, đối với các tín hữu nói riêng.
Chính bởi lý do này cùng những lý do khác tương tự đã dẫn đến những giờ đạo đức tại nhà thờ cũng như tại gia đình, nhiều khi làm một cách chẳng đặng đừng, để làm chỉ có xác mà chẳng có “Hồn!”. Làm một cách miễn cưỡng, làm cho qua lần chiếu lệ, vì luật lệ không làm không được. Với tâm tình ấy làm sao nhận ra được ý nghĩa và giá trị của việc đạo đức cũng như cuộc sống mà mình đang được mời gọi sống đẹp, sống tốt. Sống mà luôn luôn có cảm tưởng mình bị áp bức, bị cưỡng ép…có lẽ chết còn vui hơn!
Suy nghĩ đi suy nghĩ lại hiện tượng này mà cảm thấy buồn và tội nghiệp cho giáo dân của tôi trước cuộc sống đang bắt họ phải vắt giò lên cổ mà chạy! Vất vả, cơ cực như thế đó mà vẫn chưa bao giờ họ có được một nụ cười mãn nguyện trên môi cũng như tâm hồn được thảnh thơi nhẹ nhàng…!!! Và cứ như thế này, tôi tự hỏi cho đến bao giờ họ mới an lòng dừng lại mà lo lắng những chuyện khác cần thiết, quan trọng hơn của cuộc đời làm người, làm con Chúa của họ?
Đúng thế, cứ nhìn vào anh chị em di dân hằng tuần đọc kinh tại đài Đức Mẹ hay tại các phòng trọ…các anh chị em chăm chú, sốt sắng, và nhiều lúc tôi có cảm tưởng là anh chị em cứ muốn kéo dài mãi, chẳng muốn ngưng chút nào. Trong một tháng anh chị em cũng dành một giờ buổi tối quỳ cầu nguyện bên Chúa Giêsu Thánh Thể, mặc dù là vào giờ đêm rồi, 21g00 sau giờ tăng ca mới đi làm về, có khi chưa kịp dùng cơm tối, mà vẫn cầu nguyện có bài bản đàng hoàng…Tôi nhìn vào hình ảnh đó mà nghĩ rằng nếu anh chị em không có mặt trong những giờ cầu nguyện thì ngày hôm đó, trong tuần đó đối với họ như là thiếu hay đánh mất một cái gì quý báu lắm vậy! Có lẽ vì họ xa gia đình, xa giáo xứ, vào đây phải bôn ba, vất vả đủ chuyện, thiếu thốn mọi mặt…nhờ những giờ cầu nguyện này mà giúp họ có được niềm vui, niềm tin…mà cố gắng sống tốt đẹp trong ngày sẽ tới để không phụ lòng bố mẹ những người thân ở ngoài quê, hay niềm tin của giáo xứ, mà mỗi lần tổ chức ngày họp mặt đồng hương một cách nào đó họ luôn hãnh diện.
Nếu nhìn vào cuộc đời của ta và so sánh thì ta cũng đâu có khác gì anh chị em di dân, có điều ta may mắn hơn ở chỗ ta không phải di chuyển vất vả. Vậy thì đúng ra ta phải sống tốt hơn anh chị em di dân chứ?
Hơn nữa, ta cứ nghĩ cho kỹ đi, vòng tay của ta rộng được bao nhiêu? Một ngày ta có được bao nhiêu giờ? Những gì ta đang có đó bởi đâu và rồi chúng sẽ đi về đâu? Và cuộc đời của ta được tới đâu?…
Bởi vậy, một cách không hơn và cũng chẳng kém, đó là ta cần phải sống tốt ngay trong giây phút này, rồi chuyện khác nó tất yếu sẽ tới, nếu cần và có ích lợi cho ta. Sống tốt không chỉ là cho riêng mình, mà phải là trong mối tương quan với Thiên Chúa, sau đó là với anh em đồng loại của mình cũng như với vũ trụ thiên nhiên này, mà Thiên Chúa đặt trong sự chăm sóc của ta. Như vậy, các giờ đạo đức không bao giờ được coi thường hay cho qua!!!
Ngoài ra, trước tình trạng này, với tư cách là người mục tử, tôi phải làm sao để đàn chiên nhận biết tầm quan trọng của việc sống liên kết với nhau trong đàn chiên, nhất là đàn chiên trong Nước Trời, và nơi giáo xứ này mới chỉ là khởi đầu cho cuộc đi vào đó. Chính vì vậy, mà Đức giáo hoàng Phanxicô đã mời gọi người mục tử phải nhuốm mùi chiên. Nhuốm mùi chiên không chỉ là thông cảm, chia sẻ…rồi châm chước, bỏ qua, mà còn là gánh lấy, ôm vào lòng… những gì mà người tín hữu đang phải đối diện, để từ đó toát lên mầu nhiệm “ Lòng thương xót của Chúa ”, cũng như giúp người tín hữu nhận ra việc Chúa đang có mặt và sẵn sàng vác họ trên vai vượt qua vũng lầy của cuộc đời…ngay bây giờ, hôm nay, chứ không là ở mãi tận đâu xa, với điều kiện duy nhất là họ hãy đặt trọn vẹn con người của họ trong bàn tay của Chúa?
Thiên Quang sss