Con đường người môn đệ phải theo

Thầy Giêsu đã sống bên các môn đệ từ mấy năm qua. Họ đã được gọi, được chọn, được theo, đã được thấy, được nghe, được chạm đến. Bao nhiêu là kinh nghiệm gần gũi! Nhưng Thầy Giêsu chẳng nói rõ cho họ biết mình là ai. bây giờ Thầy lại đặt câu hỏi cho họ. Ông Phêrô đại diện cho anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” Đấng Kitô là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa xức dầu thánh hiến. Vì thế người ta thường coi Ngài là Đấng giải phóng hùng mạnh. Nhiều người Do Thái mong Đấng Kitô đến để đánh đuổi quân Rôma và đem lại thái bình cho đất nước.

Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ và rao giảng nhiều điều mới mẻ so với các Rabbi Do thái. Dân chúng đã bắt đầu bàn tán về con người và sứ mệnh của Ngài: người thì bảo là Gioan Tẩy giả đã sống lại, kẻ thì cho là Êlia hay một Tiên tri nào đó. Riêng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục giữ thinh lặng về con người và sứ mệnh của Ngài: cứ sau mỗi phép lạ, Ngài thường bảo kẻ được thi ân giữ kín tông tích của Ngài.

Nhưng đã đến lúc Chúa Giêsu muốn phá vỡ sự thinh lặng ấy, Ngài đặt câu hỏi một cách rõ ràng với các môn đệ. Câu trả lời của các ông vừa là phản ánh dư luận của đám đông, vừa là trắc nghiệm về chính lòng tin của họ. Lời đáp của Phêrô quả là một lời tuyên xưng: “Ngài là Ðức Kitô”, nghĩa là Ðấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc.

Dĩ nhiên, trong cái nhìn của Phêrô và phù hợp với giấc mơ của ông, thì Ðức Kitô mà các ông mong đợi là Ðấng sẽ dùng quyền năng của mình để đánh đuổi ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh. Chính vì thế, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phêrô đã can gián Ngài.

Tuyên xưng một Ðức Kitô Cứu Thế, nhưng không chấp nhận con đường Thập giá của Ngài, Chúa Giêsu gọi đó là thái độ của Satan. Ba cám dỗ của Satan đối với Chúa Giêsu đều qui về một mối là hãy khước từ con đường Thập giá; vì thế, khi Phêrô vừa can gián Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô là Satan.

Mặc dù nhận ra Thầy mình là Ðấng Kitô, thánh Phêrô vẫn chưa hiểu đủ về bản tính của Ðấng Kitô cũng như vai trò và sứ mệnh của Người. Nói cách khác tầm hiểu biết của thánh Phêrô về Ðức Kitô lúc đó còn giới hạn và mơ hồ. Do đó các tông đồ không thể nào quan niệm được rằng Thầy mình có thể chịu đau khổ. Ðối với các tông đồ thì việc Thầy họ chịu đau khổ không thể nào chấp nhận được. Vì thế ông Phêrô lên tiếng can ngăn Thầy mình khỏi phải chịu đau khổ. Ông muốn Ðấng Kitô đi theo đường lối của loài người, nghĩa là tránh cảnh khổ nạn. Sở dĩ có sự can ngăn như thế là vì các tông đồ chưa hiểu lời Thánh kinh. Các ông chưa biết rằng người đầy tớ của Giavê chịu đau khổ mà ngôn sứ Isaia nói đến hôm nay ám chỉ về Ðấng Cứu thế, là Thầy của họ. Và trong Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu cũng áp dụng lời tiên tri về người đầy tớ của Giavê về cho Người.

Phêrô và các môn đệ chỉ hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu, khi Ngài từ trong cõi chết sống lại. Ðấng Kitô là một danh hiệu gắn liền với Thập giá. Mang danh hiệu Kitô, tuyên xưng Chúa Kitô, cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường của Ngài, Phêrô và các môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của mình; tất cả đều lặp lại cái chết khổ hình của Chúa Kitô.

Thầy Giêsu biết rõ đau khổ và cái chết đang đe dọa mình đến từ phía các nhà lãnh đạo Do thái giáo. Nhưng Thầy cũng tin rằng Cha ở với Thầy và sẽ không bao giờ bỏ Thầy. Lần đầu tiên Thầy chia sẻ cho môn đệ chuyện riêng tư, niềm đau và hy vọng, cái chết sắp đến và niềm tin vào sự sống lại, dù chắc Thầy đã không nói nguyên văn như ta thấy ở câu 31.

Phêrô không thể chấp nhận được định mệnh mà Thầy mới gợi lên (c. 32). Ông không hiểu được chuyện Đấng Kitô mà phải chịu khổ đau, nhục nhã. Ông không biết rằng chữ phải ấy đến từ Thiên Chúa, và thất bại cũng như cái chết có chỗ trong chương trình của Ngài. Phêrô thương Thầy, và tình thương lại trở thành một cám dỗ lớn. Ông muốn Thầy đổi ý, ông muốn đi trước dẫn đường cho Thầy. Thầy Giêsu đòi ông trở lại đằng sau, đi sau Thầy như môn đệ (c.33).

Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập gía mỗi ngày mà theo Ta”. Cuộc sống hàng ngày, nhất là trong những hoàn cảnh hiện tại, hơn bao giờ hết là một lời mời gọi tham dự vào cuộc khổ nạn của Ngài. Chúa Giêsu không bảo chúng ta đi tìm Thập giá, nếu không, đạo Kitô chỉ là một thứ tôn giáo bệnh hoạn, trong đó con người tự đày ảy mình; nhưng Ngài bảo chúng ta vác lấy thập giá mình. Mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá, Thiên Chúa không bao giờ đặt một thập giá nặng hơn đôi vai chúng ta.

Có rất nhiều cách để chúng ta khước từ thập giá: chúng ta từ khước thập giá bằng cách không tiếp nhận cuộc sống như một ân ban; chúng ta khước từ thập giá khi chúng ta chỉ nhìn một cách bi quan về các biến cố và con người; khi chúng ta bán đứng lương tâm vì một chút lợi lộc vật chất; khi chúng ta đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ, trong bốn bức tường nhà thờ, mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin Kitô trong từng giây phút của cuộc sống.

Chúa Cứu thế đến để đem lại ý nghĩa và mục đích cho đau khổ và sự chết. Người tín hữu không chuốc lấy đau khổ chỉ vì muốn khổ, như là một đường cùng không lối thoát. Nếu dừng lại ở đau khổ thánh giá là ta chọn đi con đường cụt và ta sẽ bị bế tắc. Nói như vậy có nghĩa là khi gặp những đau khổ về phần xác như bệnh tật hoặc phần tinh thần như những lo âu, sợ hãi, ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị. Bác sĩ và thuốc men là dụng cụ Chúa dùng để chữa trị bệnh tật loài người. Ðôi khi Chúa còn chữa trị bệnh tật loài người cách trực tiếp mà không cần đến bác sĩ hay thuốc men. Cách thế chữa trị như vậy, được gọi là phép lạ.

Vậy khi phải mang bệnh tật về phần xác hay tinh thần và sau khi đã tìm cách chữa trị, mà vẫn không thuyên giảm, ta cần học chịu đựng vì yêu mến Chúa, để được tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa, thì việc chịu đựng mới mang lại ý nghĩa và ơn ích thiêng liêng. Chịu đau khổ như vậy vì lòng mến Chúa, thì được kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa để cầu cho phần rỗi linh hồn. Ta cũng cần tiếp tục cầu nguyện, xin Chúa ban thêm đức tin và sức mạnh để ta có thể chịu đựng vì yêu mến Chúa.

Chúng ta hãy lặp lại lời thánh Phaolô: “Tôi chỉ biết có một Chúa Kitô và là Chúa Kitô chịu đóng đinh Thập giá”. Ước gì niềm tin của chúng ta luôn được soi sáng bằng mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô, và được thể hiện bằng một thái độ chấp nhận thập giá trong từng giây phút cuộc đời.

Huệ Minh

Exit mobile version