Con đường nên thánh gian nan: linh mục Flanagan của Boys Town

EdwardFlanagan 1 - Con đường nên thánh gian nan: linh mục Flanagan của Boys Town

Lịch trình phong Thánh.

Theo thể thức của Giáo Luật, tòa Tổng Giám Mục Omaha vừa mới niêm yết một thông cáo trên cửa chính của nhà thờ chánh tòa St. Cecilia về ý định sẽ theo đuổi tiến trình phong thánh cho một linh mục quá cố của giáo phận, cha Edward Flanagan, sinh ngày 13 tháng 7, 1886 tại Ái Nhĩ Lan, mất ngày 15 tháng 5, 1948 tại Berlin, Đức quốc.

Linh mục Flanagan được biết nhiều nhất vì công việc mục vụ chuyên lo cho các trẻ trai ‘bụi đời’. Ngài sáng lập ra ‘phố của trẻ trai’ (Boys Town) tại vùng ngọai ô Omaha, Nebraska. Tổ chức mục vụ của ngài vẫn tiếp tục và phát triển mạnh sau khi ngài qua đời, và hiện đang trực tiếp và gián tiếp chăm lo cho 1.4 triệu trẻ trai và gia đình của chúng trên khắp thế giới.

Những câu chuyện phấn khởi về Boys Town và về cha Flanagan đã từng được sọan thành phim do các tài tử Spencer Tracy và Mickey Rooney thủ vai. Spencer Tracy đọat giài Oscar nhờ đóng vai linh mục Flanagan một cách xuất sắc ( phim ‘Boys Town’, 1938).

Nếu không có gì trở ngại thì sau ba tuần lễ nữa, ngày 17 tháng 3 tới, tòa Tổng Giám Mục Omaha sẽ công bố linh mục Flanagan là một “Tôi Tớ Chúa” (Servant of God). Buổi lễ sẽ diễn ra lúc 9g sáng tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm của Boys Town (Immaculate Conception Church). Trong dịp này một ủy ban điều tra của Tòa Án Giáo Phận sẽ được tuyên thệ.

Chỉ sau khi Ủy ban đúc kết bản án một cách thuận lợi, một yêu cầu sẽ được gửi lên Bộ Phong Thánh. Sau khi hòan tất cứu xét mọi chi tiết, Bộ sẽ thỉnh nguyện lên Đức Giáo Hòang để xin công bố ngài là một bậc “Đáng Kính” (Venerable).

Sau đó người ta có thể phân phối các văn bản yêu cầu mọi người cầu nguyện nhờ danh ngài và báo cáo phép lạ.

Khi một phép lạ được công nhận, ban ‘Vận Động’ có thể thỉnh nguyện để ngài được nâng lên hàng ‘Chân Phước’. (Beatification)

Phép lạ thứ hai sẽ là cớ để thỉnh nguyện nâng ngài lên bậc ‘Hiển Thánh’. (Canonization)

Tuy chỉ cần có 2 phép lạ để phong Thánh, nhưng trên thực tế, đã có hàng ngàn phép lạ xảy ra tại Boys Town. Mỗi một đứa trẻ ‘bụi đời bất trị’ trở về lại với xã hội và trở thành một công dân có ích thì là một phép lạ vĩ đại rồi.

Những phép lạ đó có được là nhờ ở một người yếu đuối nghèo khổ và tha hương, đã nhận được cơ hội sống lần thứ hai, thứ ba, thứ bốn và hơn nữa, nhờ vào tình thương bao la của gia đình, cho nên người đó đã kiên trì giúp cho những đứa trẻ bất hạnh cũng có được một ‘tình thương gia đình’ như mình đã có để lập lại cuộc đời.

Một thời thơ ấu èo uột.


Edward dứng giữa hàng đầu

Edward J. Flanagan sinh ngày 13 tháng 7 năm 1886, là đứa con thứ 8 của một gia đình 11 con, cha là ông John Flanagan và mẹ là bà Nora. Gia đình ông bà John rất nghèo, sống lao động vất vả, cả nhà chui rúc trong một căn nhà nhỏ ở xóm Leaberg, thôn Roscommon, làng Ballymoe, nước Ái Nhĩ Lan.

Đứa bé Edward đã sinh ra thiếu tháng, mọi người tin rằng nó sẽ chết yểu ‘ngày một ngày hai’ mà thôi. Thời đó y học chưa tiến, mà ở một nơi thôn giã thì nào có phương tiện y khoa nào, cho nên ông nội của nó là cụ Patrick đã chữa bằng mẹo, ông ta ôm đứa bé tái xanh, khóc không thành tiếng, vào lòng, lấy khăn quấn cả hai ông cháu vào với nhau và ngồi bên bếp lửa đọc kinh, nhiều giờ nhiều lần. Như vậy, trong những giờ đầu tiên của cuộc đời, nhờ lời cầu nguyện, nhờ hơi ấm tình người, nó đã sống.

Những kỷ niệm gia đình đó đã khai sáng ra một lý tưởng giáo dục kéo dài trọn cả một cuộc đời, cha Flanagan nhắc lại thời thơ ấu như sau :
“Gia đình tôi là lọai rất ‘xưa’, chủ yếu xoay quanh sự quây quần bên lò sưởi, xoay quanh việc đọc kinh và sống tình ruột thịt gắn bó. Tôi tin rằng đó cũng là mẫu mực của một gia đình lý tưởng. Cha tôi thường kể lại những câu chuyện hấp dẫn cho những bộ óc non trẻ như tôi, đó là những câu chuyện phiêu lưu, hay là những chuyện tranh đấu giành độc lập của dân tộc Ái Nhĩ Lan. Nhờ ở bố mà tôi tìm ra cái khoa học làm người và thấm nhuần gương mẫu các thánh, các học giả và các anh hùng dân tộc. Cũng nhờ nhìn vào gương sống của bố tôi mà tôi học được cái qui tắc căn bản của cuộc đời mà thánh Benedict đã truyền dạy, đó là ‘Cầu Nguyện và Làm Việc.'”

Là người con yếu ớt nhất trong nhà, sống lê lất và thường xuyên đau bệnh cho nên Edward chỉ được lãnh có một nhiệm vụ là lo cho đàn cừu khỏi đi gần đến cái rãnh sâu cạnh khu đất. Cũng nhờ có công việc nhẹ nhàng như vậy mà Edward có nhiều giờ để suy nghĩ, học hỏi, đọc sách và cầu nguyện. Trong một bức thư ngày 26 tháng 4 năm 1942 cho một người bạn, cha Flanagan tâm sự: “…Anh có biết rằng tôi đã từng là một ‘mục tử’ biết lo cho đàn bò và đàn cừu không? Đó là một công việc dành cho những đứa bé yếu ớt không làm được việc gì khác hơn, vả lại tôi cũng không thông minh gì hơn ai. Sau này tôi được gửi đi học linh mục, vì cũng một lẽ mà tôi đã nói, là chẳng làm được việc gì khác hơn cả; do đó kinh nghiệm thời thơ ấu làm ‘mục tử’ của tôi thì bất ngờ lại thích hợp cho công việc của tôi sau này.”

Sống trong cảnh nghèo không chỉ làm cho Edward đồng hóa mình với những người bị bỏ rơi ngòai xã hội, cảnh ngộ đó cũng nung nấu cho em một ý chí là phải tìm mọi cách để giúp họ thóat khỏi cái cảnh khổ này, em đã nghiền ngẫm mọi lọai sách vở trong tầm tay: sách truyện, sách xã hội, sách giáo khoa, sách giáo lý và khoa học. Em đã đọc Charles Dickens từ lúc mới 12 tuổi và cũng nhờ ở các truyện của tác giả này mà em bắt đầu thấu hiểu cái ý nghĩa sâu xa thế nào là sống cảnh nghèo và vô gia cư.

Gia đình Flanagan là một gia đình ngoan đạo thích đọc kinh lần hạt Mân Côi. Những khi Edward đi lùa đàn cừu với cha, ông bố thuờng dậy lấy chuỗi ra lần hạt, dù là dưới những cơn mưa. Sau này, có những lần không thấy Edward về nhà, cả nhà đi tìm thì thấy em đang lần chuỗi quên về, lâu ngày thành ra một cái lệ, nghĩa là mỗi khi không thấy em đâu thì người ta lại tới ngay cùng một chỗ, và cũng sẽ thấy em đang say sưa lần chuỗi như thế.

Cuộc Di cư lầm than và con đường tận hiến gian nan

Edward sinh ra 40 năm sau Nạn Đói Lớn (Great Famine 1845), nhưng những ký ức về chết chóc vẫn còn rất sống động qua nhiều câu chuyện trong lúc em lớn lên. Tá điền Công Giáo bị đuổi khỏi nhà bởi giới qúi tộc Anh và cũng là chủ đất muốn cướp lấy đất mầu mỡ để chăn nuôi hoặc để giành ưu đãi cho thiểu số Tin Lành trung thành. Đa số dân cày chỉ còn những mảnh đất cằn cỗi và phải trồng khoai mới đủ ăn. Nạn dịch mất mùa khoai gây ra Nạn Đói Lớn. Kết quả là hàng triệu người chết , hàng triệu người đã bỏ quê hương di cư qua Mỹ. Dù thế các cơ chế bài Công Giáo vẫn tiếp diễn với chủ đích hòan tòan phá sản đám dân cứng đầu này, hàng triệu người đã mất nhà phải sống lang thang ở chốn rừng hoang bụi rậm. Với họ, niềm an ủi duy nhất là những buổi viếng thăm và dâng lễ trên bàn thờ bằng những viên đá xếp vội vã bởi các linh mục ‘chui’. Các linh mục Công Giáo bị cấm không được đi vào lãnh địa, nếu bị bắt có thể bị bắn bỏ. Edward luôn giữ trong lòng hình ảnh của những vị linh mục anh hùng Ái Nhĩ Lan thời đó. Ngay từ lúc mới 6 tuổi, em đã có sự ao ước được đi tu.

Năm 1904 khi lên 18 tuổi, cậu Edward cùng chị là Nellie di cư qua Mỷ. Lúc đó gia đình Flanagan đã có một người con trai tu học cho giáo phận Omaha, Nebraska. Tình trạng kinh tế ở Ái Nhĩ Lan vẫn còn u tối lắm, các luật lệ và cơ chế bài Công Giáo vẫn chưa được cởi trói, con đường sống và tiến thân của thanh niên, dù là để đi tu, vẫn là bỏ nước ra đi. Hai chị em Flanagan đáp tầu S.S. Celtic và nhập cảng Ellis Island ngày 27 tháng 8 cùng năm. Họ ở nhờ tại nhà của một người cậu cho tới khi Edward được gia nhập chủng viện Mount St. Mary’s ở Emmitsburg, Maryland.

Học đựơc 2 năm, Edward ra trường với hạng danh dự và hội đủ điều kiện để tiếp tục học tại đại chủng viện Dunwoodie ở Yonkers để trở thành linh mục cho tổng giáo phận New York.

Nhưng ý Chúa muốn Edward phục vụ ở một nơi khác, ngay năm đầu tiên tại đại chủng viện cậu bị nhiễm bệnh sưng phổi (pneumonia) tới hai lần và vì phổi của cậu yếu quá cho nên bác sĩ khuyên cậu phải nghỉ học ít là một năm.

Lúc đó bà chị Nellie đã đi về Nebraska sống bằng nghề làm bếp cho người anh trai mới chịu chức linh mục là Cha P.A. (Patrick) Flanagan. Edward do đó cũng đi về Nebraska để được bà chị săn sóc dưỡng bệnh.

Nebraska là một tiểu bang trống trải không cây tại vùng ‘Đại Đồng Bằng’ miền ‘Trung Tây’ Hoa Kỳ (Great Plains of the Midwestern United States), chỉ có một thành phố lớn là Omaha. Khí hậu khắc nghiệt, mùa đông lạnh, mùa hè nóng cháy, nhiều giông bão và hay có lốc xóay.

Lúc đó dân số của Nebraska còn thưa thớt (bây giờ vẫn là tiểu bang thưa dân vào hàng thứ 8 của Mỹ,) người lao công kéo nhau về đây tùy theo mùa, hoặc để làm thịt bò, hoặc để gặt lúa bắp. Trong những lúc không có việc, nhiều gia đình sống lang thang trên đường phố Omaha, tiêu xài hết số tiền để dành ít ỏi và chờ cho mùa làm việc tới.

Trong thời gian ở với chị, Edward quyết định theo đuổi ơn gọi làm linh mục cho giáo phận Omaha. Vào tháng 8 năm 1907, Edward được gửi qua Ý, lưu trú tại Capranica College và học tại Gregorian University ở Roma. Nhưng khi mùa Đông đến, thì Edward lại bị nhiễm bệnh một lần nữa và phải đáp tàu trở về Mỹ.

Về sống nhờ chị lần thứ hai, Edward quyết định đi làm thêm. Cậu tìm được một việc kế tóan cho một công ty đóng hộp và làm việc ở đó cho tới khi hòan tòan lành mạnh. Cậu Edward một lần nữa xin tiếp tục theo đuổi ơn gọi làm linh mục.

Lần này cậu được gửi qua thành phố Innsbruck của nước Áo và học tại Royal Imperial Leopold Francis University cho tới khi mãn khóa.

Thế là trải qua bao nhiêu gian nan trắc trở, vào ngày 26 tháng 7 năm 1912 ước mộng làm linh mục mà Edward đã có từ lúc 6 tuổi trở thành sự thực. Linh mục Flanagan làm lễ mở tay tại nhà thờ St. Ignatius ở Innsbruck, xa quê hương, xa người thân thuộc.

Sau khi được truyền chức, linh mục Flanagan vội trở về Omaha và lãnh Bài Sai đi phục vụ cho một cộng đòan của người đồng hương Ái Nhĩ lan tại giáo xứ St Patrick ở O’Neill, Nebraska. Đó cũng là nơi mà người anh trai của ngài, linh mục Pat đã từng phục vụ khi mới chịu chức.

Tại vùng đất miền quê này, cha Flanagan trẻ đã chứng kiến cảnh những người đồng hương sống bám víu vào thực tế của miền đồng bằng, phần đông nghèo sơ xác, và mỗi mùa Đông đến lại gieo thêm tang thương và đói khổ. Ngài bán hết sách vở của mình và phân chia hết số lương ít ỏi ra nhưng cũng không đủ. Ngài coi cái khổ của họ cũng là của ngài.

Nhưng 6 tháng sau thì một biến cố ghê gớm hơn đã thay đổi hẳn cuộc đời của vị tân linh mục trẻ.

Tai ương và lý tưởng.

Lúc đó là vào giữa Tuần Thánh năm 1913 mà vị chánh xứ của nhà thở St. Patrick ở thành phố Omaha lại ngã bệnh nặng, cho nên cha Flanagan được lệnh đổi gấp về đây.

Về Omaha chưa trọn một tuần, vào Chúa Nhật Phục Sinh, ngày 23 tháng 3, 1913 lúc 6 giờ chiều, một cơn lốc khổng lồ đã quét xuống, trong chốc lát phá hủy 1 phần 3 thành phố thành bình địa.

Sáng hôm sau, dưới cơn gió lạnh và tuyết rơi bất thường, người ta thấy cha Flanagan đi với viên cai của nhà hòm là Leo Hoffman để lục lọi tìm xác người trong cảnh đổ nát và cố gắng lo cho các xác chết có được một việc chôn cất tử tế.

Cơn lốc giết chết 153 người, 2000 gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, các bệnh viện đầy ứ người bị thương, trẻ em lạc lõng khắp nơi, công xưởng đổ nát và các người đàn ông chủ gia đình bỗng nhiên thấy việc làm kiếm cơm của mình bay đi mất, họ đổ xô tới tòa Thị Chính để kêu xin bất kỳ việc làm chân tay tạm bợ nào cũng được nhưng kết quả vẫn là trở về tay không.

Đây là lần đầu tiên vị tân linh mục chứng kiến tận mắt một cảnh tai ương tàn khốc như thế, một hiện thực của những gì ngài đã nghe về quê nhà Ái Nhỉ Lan, cả một xã hội bị đảo lộn và những láng giềng thân thuộc tự dưng biến mất.

Thế mà vẫn chưa hết, hai năm sau, 1915, vùng Trung Tây lại bị hạn hán nặng. Thợ lao công không có việc phải nằm chịu trận ở Omaha, không tiền, không thức ăn. Các góc đường, đứng đầy người thất nghiệp, các ngõ hẻm, nằm đầy người đói rách. Chuông nhà xứ reo lên bất kể ngày đêm vì nhiều người đói quá đi tìm cơm.

Người ta thường thấy cha Flanagan lê bước lang thang trên các con đường tang thương, đầu óc miên man suy nghĩ bên giòng sông Missouri đầy nước mắt, số tiền lương của một linh mục đã tiêu hết và hội từ thiện Vincent De Paul mới thành lập cũng cạn vốn, ngài thốt lên với chị gái Nellie và anh trai (Cha Pat) rằng sự đau buồn đã dâng lên đến tột đỉnh.

Nhưng là một người mang giòng máu Ái Nhĩ Lan, một giòng máu đã chịu đựng hàng ngàn năm đô hộ mà vẫn quật cường, sự đau buồn tột cùng đã không dẫn đến thất vọng buông xuôi, một hôm ngài cho biết đã nhìn thấy ‘Chúa Kitô trong một người’ (‘Christ in a man’.)

Không rõ câu nói đó có ý nghĩa là ngài đã có một hiển thị nhìn thấy Chúa hiện ra trong đám người cùng khổ, hay chỉ là một câu bóng bẩy diễn tả một sự đột phá trong tư tưởng, một ‘giác ngộ’ theo ngôn ngữ nhà Phật, nhưng từ cái mùa Hè đau buồn nhìn thấy ‘Chúa Kitô trong một người’ ấy, ngài thay đổi hẳn, ngài không chỉ còn là một linh mục hiền từ thương yêu mọi người nữa, mà hơn nữa ngài đã trở thành một chiến sĩ tranh đấu cho đám người nghèo khố bất lực, và tình thương vô biên của ngài dẫn tới nhiều mộng ước cao cả.

Ngài muốn thực hiện nhiều sáng kiến. Không chỉ là tiêu hết số tiền lương ít ỏi của mình, nhưng là vận động được bạn bè thân thuộc, làm bạn được với giới lãnh đạo, với người quyền quí, với thương gia, chủ hãng, bác sĩ, luật sư, các hội đòan…

Khi ngài đưa ra một ước ao, đó không chỉ là một mơ mộng hảo huyền, mà đó là một xác tín ngài đã ấp ủ từ lúc còn bé, từ lúc làm ‘mục tử’ cho một đàn cừu.

Trong những ước ao đó sẽ nẩy sinh ra “Boys Town.” Nhưng hãy tạm gác chuyện “Boys Town” lại vì còn ở trong tương lai, điều đáng ghi nhận ở đây là những hạt giống được gieo vãi bởi một con người đã nhìn thấy ‘Chúa Kitô trong một người’ đã làm đảo lộn Thế Giới đầy hận thù lúc đó, làm cho nó trở thành nhân đạo hơn.

Ngài viết về những ngày đầy biến cố đó như sau: “Bản tính của tôi là hay lưu tâm đến người ta, và về việc họ sống như thế nào. Tôi lưu ý nhất đến việc làm thế nào để giúp họ sống tốt hơn nếu cuộc sống của họ chưa đựơc tốt lắm. Vì thế mà khi một tai ương xảy ra như hồi năm 1913 tại thành phố của chúng ta, tôi lập tức nhảy xổ vào lãnh vực cứu tế xã hội để thiết lập một căn nhà làm chỗ nương thân cho những người bất hạnh”.

“Giúp họ sống tốt hơn,” đơn giản chỉ có thế, những việc của vĩ nhân thường phát xuất từ cái đơn giản.

Trong nhiều năm kế tiếp ngài chỉ chú tâm vào việc tìm một nơi trú ẩn cho những người lao công bị mắc kẹt tại thành phố. Ngài đã tìm thấy một căn nhà xửa xe bỏ hoang trong một phố vắng, và khi mùa Đông tới gần, ngài trải rơm xuống nền và gọi những người đang co ro trong những kho chứa than của trạm xe hỏa về ngủ tại đấy.

Rồi với sự chuẩn y của đức Giám Mục Scannell ngài được phép mở một trung tâm cho người vô gia cư, cho nên vào tháng 11 năm ấy ngài đã mua lại một hotel cũ có tên là Burlington để chứa 57 người đàn ông.

Khi mùa Xuân đến và những người đàn ông đã đi làm xa, Cha Flanagan lại tìm mua được một trường nội trú cũ lớn hơn, ngài đặt tên là Khách Sạn Người Lao Công (Workingmen’s Hotel) và mùa Đông kế tiếp đã thành nơi cư trú cho 1 ngàn người.

Vào tháng 4 năm 1917, nước Hoa Kỳ tuyên bố tham chiến (Thế Chiến I,) những người lao công đang tạm trú ở Workingmen’s Hotel dần dà bỏ đi để đăng lính tòng quân. Nhưng lúc đó thì một hạng người khác cũng bắt đầu rủ nhau tới xin ở, đó là những đứa trẻ ‘bụi đời’, là hạng du đãng vô lọai đang tung hòanh ở các đầu đường xó chợ.

Khi nghe những câu chuyện về cuộc đời của chúng, Cha Flanagan nhận thấy có một cái gì tương đồng, giống như tất cả chỉ là những phiên bản khác nhau của cùng một câu chuyện. Cái tương đồng, cái mẫu số chung đó là, không có một đứa trẻ bụi đời nào đã được may mắn sống trong một gia đình biết thương yêu và biết đùm bọc lẫn nhau. Mọi đứa đều là sản phẩm của một gia đình đổ vỡ, bị cha mẹ bỏ bê hoặc từ một gia đình mà cha hay mẹ đã chết hoặc đã li dị.

Cha Flanagan quyết định nghiên cứu một cách thấu đáo về hệ thống tư pháp cho trẻ Vị Thành Niên và cố gắng thấu triệt mọi học thuyết xã hội đương thời. Vào mùa hè năm ấy, ngài xin tòa án cho bảo trợ 7 đứa con trai để thực hành một thí nghiệm, ngài sinh họat với chúng 3 lần một tuần và đặt ra một chương trình họat động lành mạnh cho chúng.

Trong khi làm việc với những trẻ bụi đời đó, Cha Flanagan còn khám phá ra một điều nữa, đó là sự vô cảm của hệ thống tư pháp, của những người có trách nhiệm nhưng không có khả năng nhìn thấy được cái hậu quả tai hại của cái nghèo, cái vô gia cư và cái bị bỏ rơi. Họ chỉ là những người ‘thủ ghế’ văn phòng hay ‘giữ’ một chức vụ, giỏi về một nghệ thuật duy nhất là thỏa mãn sức ép của các thế lực để ‘giữ ghế cho vững.’

Cần phải đem thực tế và kiến thức để sửa chữa cơ chế hiện tại, từ một cơ chế trừng phạt thành một cơ chế cải huấn, từ một nguyên tắc ‘gieo sự sợ hãi để ngăn ngừa tội phạm’ thành nguyên tắc ‘dùng tình thương để khuyến khích nhân đức.’

Đó là một công việc khó khăn trong cái xã hội bảo thủ thời đó, nhưng vấn đề trẻ Vị Thành Niên là một con bài đắt đỏ, đánh cá bằng hàng ngàn cuộc đời và tương lai, và cha Flanagan thì có cương quyết và sáng kiến.

Ngài biết đánh giá cao vai trò quyết định của diễn đàn công cộng. Trong những dịp viết bài để cổ võ những ý tưởng trên, ngài bỗng thấy mình có thể viết văn dễ dàng, gợi ý cách sống động và lời văn cũng hấp dẫn nhiều người đọc. Sau này trong một cuộc phỏng vấn ở Hollywood ngài đã bông đùa về cái tài viết văn rằng: “Mình bỗng khám phá ra chính mình”.

Vào tháng 11 năm đó thì cha Flanagan đã biết chắc ý định của Chúa là như thế nào, ngài đến xin phép đức Giám Mục Jeremiah Harty cho được làm việc tòan thời gian với trẻ bụi đời, bắt đầu đức giám mục có ý nghi ngại, nhưng sau cùng đã chấp thuận, cho phép khởi sự một sứ mệnh mục vụ sẽ kéo dài 30 năm của ngài.

Boys Town

Và như vậy vào ngày 12 tháng 12 năm 1917, với 90 đôla vay từ một người bạn để trả tiền nhà, ngài đưa 5 đứa con trai về ở với ngài trong căn nhà đầu tiên, khu Byron Reed Building ở đường 25th và đường Dodge.

Số trẻ tăng mau, ngày 1 tháng 6, 1918 thì cha Flanagan cùng 32 đứa trẻ dọn tới một căn nhà lớn hơn gọi là German-American Home ở số 4206 đường South 13th Street.

Những đứa bụi đời ấy, đa số là những phạm nhân được tòa án giao cho, có đứa từ đường phố xin vào, và có đứa do người ta bắt được trao tới. Cha Flanagan ghi danh và cho chúng lái xe tới trường sau khi cam đoan với nhà trường là chúng sẽ cư xử ngoan ngõan.

Noel năm đó, số trẻ tăng lên đến 100 rồi 150.

Nhờ sự giúp đỡ của các Sơ của nhà dòng Notre Dame Sisters và nhiều thầy giáo khác đã được huấn luyện kỹ lưỡng, cha Flanagan quyết định thực hiện một chương trình giáo dục đặc biệt dành riêng cho trẻ bụi đời, lấy phòng khách của căn nhà làm lớp học, chương trình chú ý đến từng đứa một theo trình độ của chúng.

Một tờ nguyệt san được phát hành có tên là Father Flanagan’s Boy’s Home Journal, bán 10 cent một số, có thông tin về sinh họat, có bài viết của cha Flanagan, có thực đơn làm bếp, có chuyện vui và có cả những chỉ dẫn sửa nhà sửa cửa.

Ngày 18 tháng 5, 1921 Cha Flanagan ký giấy mua một nông trại có tên là Overlook Farm, cách Omaha 10 dặm. Ngài dựng 5 căn nhà gỗ và dọn các trẻ về đó.

Nông trại đủ rộng để cho các trẻ có thể trồng rau, chơi baseball, chơi football, chạy việt dã.

Tháng 3 năm 1922, nhiều thương nghiệp và tôn giáo của Omaha đã quyên góp đủ tiền để xây cho nông trại một tòa nhà 5 tầng, vừa làm văn phòng, vừa làm phòng học, phòng ăn , phòng thể thao, phòng ngủ, nguyện đường, và trạm y tế.

Nông trại được đăng ký là Boys Town, bầu ra thị trưởng riêng, mục đích là để giáo dục và luyện nghề cho các trẻ trai từ 10 cho đến 16 tuổi.

Vào năm 1930, dân số Boys Town tăng lên 280 em.

Trung tâm Boys Town luôn mở rộng cánh cửa cho mọi người. Không có hàng rào, không có một cản trở nào nếu một đứa trẻ muốn bỏ đi. Cha Flanagan thường nói rằng ngài “không xây một nhà tù”, “Đây là một Nhà, chúng ta không bắt nhốt những đứa con của gia đình.”

Ngài đã giải thích rõ hơn cái ý tưởng giáo dục ấy trong lời phát biểu ở Ái Nhĩ Lan sau này:”Tôi không tin một đứa trẻ có thể hóan cải nhờ vào xiềng xích và chuồng cọp, hay là vì sợ hãi mà phát huy nhân phẩm được”

Chương trình sinh họat hằng ngày được thiết kế giống như một ngày ‘bình thường’ của các trẻ em ‘bình thường’ khác, thức dậy vào lúc 7:30am và đi ngủ vào khoảng 9pm-10pm tùy theo ngày trong tuần. Ban ngày các em học và làm việc, ban đêm chơi giải trí, đánh bài, nghe radio.

Trong những sinh hoạt đó cha Flanagan đã nêu gương trước, cách riêng những gương sáng đạo đức. Ngài kính mến Đức Mẹ một cách đặc biêt và không quên lần chuỗi hàng ngày. Ngài có mặt ở nhà nguyện trứơc khi mọi người tới. Ngài khuyến khích các trẻ trai cầu nguyện theo niềm tin của chúng. Tôn chỉ của ngài là “mọi đứa con trai cần cầu nguyện; cầu nguyện gì thì là tùy ở chúng.”

Nguyên tắc căn bản mà ngài áp dụng khi làm việc với giới trẻ là chúng cần có tình thương để phát triển. Câu châm ngôn nổi danh của ngài là “Không có đứa con trai nào xấu cả. Chỉ có môi trường xấu, phương pháp xấu, gương xấu, ý tưởng xấu”.

Danh tiếng của Boys Town từ từ lan rộng nhờ những chương trình Radio của cha Flanagan, nhờ các buổi trình diễn hợp ca của ca đòan Boys Town và nhờ những thành công trong việc trả về cho xã hội những công dân tốt. Nhưng sự quảng bá rầm rộ nhất đến từ Hollywood, qua hai phim lấy Boys Town làm bối cảnh do Spencer Tracy và Mickey Rooney đóng. Cả Thế Giới bắt đầu nói tới Boys Town.

Cuốn phim thứ nhất ‘Boys Town’ phát hành năm 1938 kể chuyện thành lập Boys Town của cha Flanagan và đã đem lại cho tài tử Tracy giải Oscar là diễn viên xuất sắc nhất. Trong lúc nhận giải, ông Tracy đã cao hứng nói thao thao bất tuyệt về cha Flanagan và kết luận “nếu qúi vị hiểu được ngài qua những diễn xuất của tôi thì tôi xin chân thành cám ơn qúi vị”.

Người ta đã đúc thêm một phiên bản của tượng Oscar và trao cho Boys Town, với dòng chữ khắc như sau: “Kính tặng Cha Flanagan, lượng từ bi nhân hậu và lòng can đảm phi thường của cha đã rọi sáng những đóng góp khiêm nhừơng của tôi. Ký tên Spencer Tracy.”

Cuốn phim thứ hai là ‘Men of Boys Town,’ cũng do Spencer Tracy thủ vai, phát hành năm 1941.

Di sản của linh mục Flanagan

Cha Flanagan đã trở thành một thẩm quyền trên lĩnh vực giáo dục con trẻ. Trong lúc sinh thời Ngài đã trực tiếp lo cho hơn 6.000 thiếu niên, đã đi khắp Hoa Kỳ để quảng bá quan điểm của mình về trẻ vị thành niên.

Sau Thế chiến II, Tổng thống Truman đã mời ngài sang châu Á và châu Âu để cố vấn cho các chương trình trẻ mồ côi nạn nhân chiến tranh.

Năm 1946, Cha Flanagan đến thăm quê hương Ái Nhĩ Lan yêu quý. Ngài đi thăm các nhà tù, các trường dậy nghề cho thanh thiếu niên và các cơ sở giáo dục của dòng Christian Brothers. Ngài rất thất vọng và công khai lên án các chương trình và các tổ chức của Ái Nhĩ Lan là những “tổ chức trừng phạt”, một “nỗi ô nhục của dân tộc.”

Ngài đề nghị cho Ái Nhĩ Lan một giải pháp và tha thiết cầu xin quê nhà áp dụng nó. Nhưng về điều này, giống như Chúa Kitô ngày xưa đã bị xua đuổi khỏi quê hương mình, ngài bị công khai chế nhạo và bị tẩy chay bởi chính phủ và các giới chức của dòng Christian Brothers.

Một trong những mong ước cuối cùng của ngài là những cải thiện sẽ được du nhập vào Ái Nhĩ Lan.

(Buồn thay ngày nay, sau hơn 60 năm, Ái Nhĩ Lan vẫn chưa cải tiến phương pháp giáo dục và đang xa vào một cuộc khủng hỏang lớn. Khi điều tra về các lạm dụng trong hệ thống giáo dục, nhiều người tiếc là đã bỏ lỡ một cơ hội ‘ngàn năm một thuở’ vì không nghe theo lời khuyên của Cha Flanagan lúc đó. Bản ‘Điều Trần Ryan’ năm 2009 của chính phủ viết: ” Những chứng cớ cho thấy tuy Cha Flanagan không phải là người duy nhất đã lên tiếng chống đối cơ chế này. Tuy nhiên, ngài đã thẳng thắn và can đảm không sợ mích lòng, dù cho lúc đó ngài đang được khen ngợi là một vị anh hùng dân tộc, để lên tiếng rất mạnh mẽ và gọi cơ chế này, không những chỉ là bất nhân, mà còn là phi kitô giáo.”)

Năm 1947, ngài tiếp tục đi công tác qua Nhật và Đại hàn rồi qua Áo và cuối cùng, năm 1948, qua Đức.

Ngài nói tiên tri về cái chết và về tương lai của công việc trước khi qua đời vì một cơn đau tim đột xuất tại Berlin (Đức) vào ngày 15 tháng 5 năm 1948, “Những công việc mà bạn nhìn thấy sẽ được tiếp tục cho dù tôi còn có hay không, bởi vì đó là công việc của Chúa, chứ không phải của tôi.”

Thực vậy, sứ mệnh của ngài đã lan rộng ra sau khi ngài không còn nữa. Ngày nay, chương trình Boys Town đã được thực hiện ở 10 tiểu bang và ở Washington DC, chương trình còn điều hành hai bệnh viện, một trung tâm đào tạo quốc gia và một đường dây nóng. Trên bình diện quốc tế, chương trình Boys Town săn sóc trực tiếp và gián tiếp cho 1.4 triệu thanh thiếu niên và gia đình của chúng.

Thi thể của Ngài đã được đưa về Nhà, là Nebraska, và chôn trong nguyện đường Dowd của Boys Town.

Thay lời kết

Trong khi tìm hiểu và vinh danh cuộc đời thánh thiện của linh mục Flanagan, chúng ta không thể không so sánh với các linh mục Việt Nam ở quốc ngọai hiện nay, và nói chung với các tu sĩ nam nữ VN. Cũng cùng một nghịch cảnh tha hương hay bị bức bách trên con đường tận hiến, cũng cùng một sứ mệnh là xoa dịu nỗi đau thương cho những người đồng hương, vẫn còn mang nhiều vết tích thương đau từ một lịch sử và cơ chế đầy bạo hành. Cũng như linh mục Flanagan, các ngài đang hy sinh trọn vẹn cuộc đời cho ‘đòan Lữ Hành’ được ‘sống tốt hơn’. Chúng ta xin vinh danh các ngài.

Người VN có câu “Thời Thế tạo Anh Hùng”, hy vọng rằng hòan cảnh tương đồng sẽ tạo ra nhiều ‘Flanagan VN’ trong tương lai.


Trần Mạnh Trác

Exit mobile version