Trong 117 thánh có nhiều vị là giáo dân có gia đình và con cháu thừa tự. Hậu duệ các ngài đến bây giờ ít nhất cũng trải qua 4 hoặc 5 đời. Giữa nhịp sống hiện đại, họ âm thầm dấn thân tùy theo ơn gọi của mình.
Những ngày gần lễ bế mạc Năm Thánh, chúng tôi ghé thăm linh mục Micae Nguyễn Văn Minh tại quê nhà ở Lái Thiêu. Cha là anh ruột của Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, hiện đảm đương cương vị Sứ thần Tòa Thánh tại Sri Lanka. Cả hai vị đều là cháu đời thứ tư của thánh Matthêu Lê Văn Gẫm. Ở tuổi 80, mỗi lần được hỏi về dòng họ, cha vẫn kể thao thao gia phả: “Ông Phaolô Lê Văn Bằng là người em thứ hai của thánh Gẫm. Con gái ông Bằng tên Lê Thị Lành lập gia đình với ông Nguyễn Văn Kiểm và có 7 người con. Người con thứ 6 Nguyễn Văn Sen góp vào tông đường 5 gái, 7 trai. Trong số này có tôi và Đức Tổng là em thứ chín trong nhà đi tu, còn có người nữa cũng chọn ơn gọi dâng hiến nhưng được Chúa gọi về hồi còn là chủng sinh”.Về hưu đã 5 năm, tại phòng nguyện nhỏ trong nhà, cha dâng lễ đều đều cho các cụ ông, cụ bà chung xóm. Nói về Năm Thánh, cha vui vẻ kể: “Cha luôn nhớ đến ông thánh trong lời cầu nguyện hằng ngày”. Được biết, hồi tháng rồi, Đức Tổng Phêrô về thăm quê. Trong chuyến hành trình ngắn ngày, ngài cũng đã đến viếng đền Thánh Gẫm tại nhà thờ Huyện Sĩ (Q1, TPHCM) và gặp gỡ dòng dõi ông thánh hiện rải rác ở nhiều nơi.
Theo thời gian, hậu duệ các thánh ngày nay tản mát xa gần. Có những nhóm ở tận châu Âu, châu Mỹ. Ngay ở trong nước cũng có những nhánh trong nam, ngoài bắc. Không ít người mất liên lạc với nhau nhưng cũng có những nhóm may thay còn giữ được mối dây nối kết. Linh mục Giuse Nguyễn Quốc Việt (dòng Chúa Cứu Thế), cháu đời thứ sáu của thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng cho biết, trong họ tộc hằng năm đến ngày giỗ, con cháu ở Bảo Lộc, Võ Đắt, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng đều về mừng lễ: “Mỗi lần về dự lễ giỗ thánh tổ, tôi luôn ước ao sự kiện này có sức tác động để bà con mình sau khi tham dự trở về với gia đình sống dấn thân xây dựng Hội Thánh. Trong phạm vi bản thân và gia đình của mình, tôi có hai tâm tình trái ngược: vui vì mình có ông tổ là thánh tử đạo, nhưng cũng cầu nguyện để gia đình cố gắng dấn thân nhiều hơn. Tôi là tu sĩ linh mục DCCT, đặc sủng của nhà dòng là loan báo Tin Mừng cho người nghèo, bị bỏ rơi. Tôi luôn cố sống ơn gọi đó của mình”. Hiện tại, cha Việt giúp tại xứ Châu Ổ, GP Đà Nẵng. Với vị mục tử này, niềm tự hào mang trong mình dòng máu ông thánh chắc chắn đã thôi thúc sự nhiệt thành. Dù nhiều mối lo mục vụ, song ngày lễ giỗ thánh Phượng năm nay (26.5.2018), cha cũng đã đến họp mặt tại Đồng Nai và cử hành nghi thức hôn xương thánh cho bà con mình.
Ngày họp mặt tại Đồng Nai quy tụ hơn 500 người đều là con cháu ông thánh. Bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, cháu đời thứ sáu – ngang vai với cha Việt – bày tỏ niềm vui với chúng tôi: “Không năm nào tôi không đi dự. Trong Năm Thánh này, khi cả Giáo hội mừng kính cách đặc biệt đến các vị, mình là con cháu càng phải sống tốt hơn, bắt chước ông thánh bằng sự hy sinh trong đời sống đạo, với mọi người xung quanh”. Nhìn lại hành trình năm vừa qua, chị Nguyễn Ngọc Hạnh Dung, thành viên thuộc nhánh tại Bảo Lộc cho biết, dòng họ thân thuộc nhà mình trong năm tổ chức đi hành hương nhiều địa điểm. “Tôi cũng sắp xếp đi cùng gia đình trong những chuyến đi đó. Những chuyến đi mang đến cho tôi nhiều cảm nghiệm riêng. Là con cháu thánh Phượng, từ nhỏ tôi luôn háo hức tới ngày giỗ thánh để được họp mặt gia tộc cách đầy đủ nhất. Khi lớn lên, được biết các chi tộc khác đều có tổ chức lễ giỗ, cảm giác rất tự hào. Nghe người lớn kể lại, ông thánh là một lương y khi còn sống nên đền thánh Phượng bây giờ còn là nơi cho các bệnh nhân đến khẩn cầu”, chị nói.
Năm Thánh mừng các thánh tử đạo Việt Nam khép lại nhưng mở ra trong lòng tín hữu những thay đổi về cách sống, tinh thần dấn thân hy sinh. Còn với con cháu các vị, sự kiện đặc biệt này còn mang lại nhiều xúc cảm, là một năm có nhiều kỷ niệm cùng với dòng tộc.
HÙNG LUÂN