1. Cửa phòng nằm dịch vụ mớ, cô y tá với gương mặt có chút khó chịu:
– L.T.T là ai ?
– Dạ, tôi ạ.
Tớ có tình nhỏ nhẹ, với hy vọng ‘nhu thắng cương’…
– Lên phòng 301 gặp bác sĩ T.
Cô y tá vẫn giữ vẻ khó chịu vội quay gót ra khỏi phòng. Không một lời thăm hỏi bệnh nhân…
Xương cánh tay phải tớ do va quẹt nhẹ té xe hôm trước gẫy bể xương hai khúc, kể ra khá nặng nên mỗi lần di chuyển, động đậy lại nhói đau, rồi âm ỉ nhức- dù đã được bó bột định vị- nhưng tớ thấy bình thường mặt bình nhiên, tươi vui vì… không bằng cái móng tay’ so với nỗi thống thân của Thầy Giêsu (thậm chí còn ‘thú vị’ vì Chúa cho cơ hội nên giống Chúa Giêsu).
Khi tới phòng hành chánh khoa chi trên (p.301), tới cửa phòng chính, tớ vẫn nhỏ nhẹ, có chút ngây thơ :
– Thưa chị, tôi vào gặp bác sĩ T. được chưa ?
– Đứng đợi đấy !
Ờ thì đợi… Tớ quan sát…. có đến cả chục bệnh nhân mặc đồng phục đang đợi, vài người không có ghế ngồi đành đứng- trong đó có tớ, có vài người nhăn nhó mặt có vẻ đau…
Cô y tá vẫn giọng khó chịu (hay ban ơn) gọi cộc lốc họ tên lên đo huyết áp…
Đến lượt tớ :
– Có bị cao huyết áp không ?
– Dạ, có. Cái này tôi đã ghi rõ trong bản thẩm tra.
– Có uống thuốc không ?
– Dạ, cách đây hai tháng tôi vẫn uống hàng ngày, lúc sáng một viên giảm cao huyết áp.
– Thuốc tên gì ?
– Xin lỗi, tôi không nhớ ?
– Anh bảo người nhà về lấy, sáng mai uống 1 viên.
Thấy có chủ từ ‘anh’, có nghĩa là hành trình… khúm núm của tớ có chút hy vọng.
– Chị thông cảm, tôi ở Đồng Nai, trời lại tối… Nếu được xin chị mua giúp tôi được không.
– Anh bảo người nhà mang lên…Xong rồi, ra kia đứng đợi… Rồi cô y tá ngẩnh đầu quan sát rồi phán : mọi người đứng đợi, không được về phòng. Tôi không có giờ đến phòng hướng dẫn riêng.
Sau khi đo huyết áp, cô y tá căn dặn ăn uống ra sao, tự vệ sinh cá nhân thế nào… sau đó phát cho từng người tờ giấy nhỏ ghi căn dặn cụ thể.
À, thì ra đây là những bệnh nhân cho ca mổ hôm sau.
Cô y tá sau khi gọi tên phát tờ hướng ẫn những việc phải làm trước khi mổ, hỏi lại lần nữa xem ai chưa hiểu hoặc thắc mắc gì không… rồi giải tán.
Tớ đang định hỏi cái vụ cạo … lông lách. Như tớ bó bột từ bả vai không thể giơ tay làm sao để người nhà … cạo được, nhưng lại thôi, vì thấy cô ý tá có nét dễ thương song nhịp độ cáu kỉnh đang … hồi sinh.
(Còn vụ kiếm viên thuốc giảm huyết áp cao tớ đã có cách giải quyết đơn giản. Nhờ người nhà đi ra tiệm thuốc tây mua thì mấy hồi ; Nếu không thì nhờ người quen đang làmđiều dưỡng khu phẫu thuật tìm cho ; bất quá thì… alo bác sĩ có vị thế, lại có tiếng tăm ở đây… ra tay giúp. Vị bác sĩ này tớ không quen song có người uy tín cả đời làm y tá ở đây có lời gởi gắm)
– Thưa chị, tôi vào gặp bác sĩ T. được chưa ?
– Được rồi
Sau khi gặp Bác sĩ T. người phụ trách chính ca mổ dịch vụ, cho coi những phim chụp, trao đổi một chút về ca mổ… tớ ra khỏi phòng.
Cô y tá vẫn đang đứng đo huyết áp (chắc đợt tiếp theo). Đi qua, tớ dừng lại và gọi tẳng tên (tớ biết vì… lén đọc bản tên trên ngực).
– Chị X. ơi, tôi xin được nói hai câu được không ?
– Chuyện gì vậy ?
– Dạ, không chuyện gì cả. Tôi chỉ muốn nói hai câu : Tạ ơn Chúa và cảm ơn chị nhiều.
Tớ đi độ 3 bước, bất ngờ cô y tá gọi giật lại :
– Anh ơi, khỏi nói người nhà lấy thuốc nữa, tôi tìm cho.
Tớ về phòng chừng hơn nửa tiếng, cô y tá vào, giọng nhẹ nhàng cả chút ngọt ngào
– Em gởi anh viên thuốc này, uống sau ăn cháo trước 7 giờ. Em có viên, anh giữ cẩn thận nhé.
Tớ nói có chút ‘ngọt ngào’ vì thấy cô y tá xưng…‘em’.
Cô y tá có chút hồn nhiên, dễ thương thật sự !
2. Sau mấy ngày ở bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tớ biết áp lực công việc rất lớn, nhất là ngành giao thông luôn đạt tỉ lệ kỷ lục về số vụ tai nạn giao thông không ngừng gia tăng.
Dường như bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, phòng bệnh không đủ giường cho bệnh nhân nằm, phải lấy thêm ghế bố đặt giữa dường lưu thông trong phòng bệnh, tệ hơn đặt ngoài hiênnhà để bệnh nhân nằm…
Trong bối cảnh như thế, chuyện cáu kỉnh từ phía ‘lương y như từ mẫu’ cũng dễ hiểu, dễ thông cảm…
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang rất đau khổ cả thống thân lẫn thống tâm, nếu được những lời trân trọng, dịu dàng thì sẽ được nâng dỡ, nỗi đau biết đâu được vơi đi một nửa, hơn nửa…
Tớ thấy môi trường y tế có rất nhiều cơ hội để người Công giáo sống Đức ái và nhờ ơn Chúa họ dễ có sự kiên nhẫn, chịu đựng đôi khi ngoài sức chịu đựng con người và như thế bệnh nhân sẽ được phục vụ cách tốt nhất.
Tớ nhớ đến nữ tu Mến Thánh giá Trợ Quán- dì D phục vụ tại bệnh viện này cho tới tuổi hưu đã để lại nhiều hình ảnh đẹp, tận tụy, hiền lành và mặc dù đã nghỉ hưu hơn 5 năm nhưng uy tín của Dì vẫn còn âm hưởng (cá nhân tớ biết ơn Dì lắm, nhờ có lời gởi gắm của Di nên tớ được quan tâm, ưu đãi…)
Tớ nhớ đến bác sĩ Phật tử trở thành Linh mục Công giáo đã đi đến bước ngoặc tin theo Đạo nhờ gương sáng bác ái của một chị nữ tu Vinh Sơn phục vụ trong trại người cùi, Bác sĩ Augustino Nguyễn Viết Chung.
Theo lời chia sẻ Cha thánh này, đoàn bác sĩ từ thiện của ngài trong một chuyến đi dài hàng tuần đến khám cho trung tâm người cùi, thấy cần phải phẫu thuật cắt bỏ chân, tay nhiều người… Khi gặp một bệnh nhân sẽ phải cưa chân than trách bác sĩ. Đại khái, bác sĩ chẳng thương yêu chúng tôi, chỉ coi chúng tôi như vật thí nghiệm… Lúc đấy vị bác sĩ Phật tử đáng kính này có những lời có vẻ bực tức, khó nghe… Biết chuyện, chị Nữ tu già thánh thiện liền nhỏ nhẹ riêng với bác sĩ: Bác sĩ C. ơi người bệnh đau chứ bác sĩ không đau, người bệnh bị cưa chân chứ không phải bác sĩ… Thôi thì..[1].
Đêm ấy vị bác sĩ Phật tử không ngủ được khi nghĩ về những gương sáng bác ái Công giáo… Làm sao họ có sự chịu đựng ngoài sức chịu đụng con người mà vẫn an vui… Và vị bác sĩ nhận ra: bởi họ có niềm tin vào Chúa Giêsu…
Hy vọng xã hội sẽ có nhiều người Công giáo được làm nơi bệnh viện, sẽ có những bệnh viện Công giáo được mở… Và như thế tình thương sẽ thêm triển nở, quyền- và phẩm giá con người được trân trọng được nâng cao…
Vì trong Ánh Sáng Đức tin bệnh nhân- nhất là những người khốn khổ không đơn giản là nạn nhân mà còn là anh chị em trong Gia đình Thiên Chúa, thậm chí còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu Kitô.
Lm. Đaminh Hương Quất
———————————
[1]x. https//www.youtube.com/watch?v=7nMZlF0U5Uo