Hỏi: Con có vài thắc mắc về sách Thần Vụ và cách giải thích các hướng dẫn của nó. 1) Trong các thánh vịnh của Giờ kinh giữa (daytime prayer): thí dụ ngày lễ Đức Trinh Nữ Maria, trong tập IV Sách Nhật tụng (các tuần 18-34 Mùa Thường niên), trang 1646, về “Giờ kinh giữa”, sách Thần Vụ nói: “… thay cho Thánh vịnh 122, Thánh vịnh 129, 1185 có thể được đọc, và thay cho Thánh vịnh 127, Thánh vịnh 131 có thể được đọc”. Câu hỏi của con là: Có phải luật phụng vụ nói rằng chúng ta phải thay đổi hai thánh vịnh, và lật sách qua lại chăng? Sự lộn xộn này về các Thánh vịnh giờ kinh giữa cũng được áp dụng cho lễ Đức Trinh Nữ, các thánh Tông đồ, lễ cung hiến thánh đường, và tuần III Sách Nhật tụng (Thứ Hai-Thứ Tư). 2) Vào ngày 29-8, lễ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết, tử đạo: Liệu chúng ta đọc các Thánh vịnh trong tuần, hay phải đọc các Thánh vịnh của phần Chung một vị tử đạo? Chúng ta được chọn đọc một trong hai nhóm Thánh vịnh này không? Loại lễ nhớ này dễ gây lẫn lộn, bởi vì nó trông giống như một lễ kính – M. I., California, Hoa Kỳ.
Đáp: Các qui chiếu trang sách, mà bạn đọc này nêu ra, là theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ ở Hoa Kỳ. Còn tôi sẽ trích dẫn từ bản dịch ba cuốn ở Anh và Ireland.
Để trả lời câu hỏi thứ nhất, chúng ta cần phải xem xét cấu trúc của Giờ kinh giữa. Có ba bộ giờ kinh giữa gọi là giờ ba (terce, midmorning), giờ sáu (sext, midday) và giờ chín (none, afternoon). Các giờ kinh ngắn này thường bao gồm ba Thánh Vịnh, mỗi Thánh vịnh đều có một điệp ca. Thánh vịnh đầu tiên trong ba Thánh vịnh gần như luôn luôn là một số câu của Thánh Vịnh 118, vốn là Thánh vịnh dài nhất. Sau các Thánh vịnh, là một bài đọc vắn, câu xướng và lời nguyện thay đổi tùy ngày, tùy mùa và tùy lễ. Giờ kinh kết thúc với câu tung hô: “Nào ta chúc tụng Chúa: Tạ ơn Chúa”.
Trong các mùa phụng vụ chính như Mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, và mùa Phục Sinh, cũng như hầu hết các lễ trọng, một điệp ca duy nhất được sử dụng cho cả ba Thánh vịnh và được đọc trước Thánh vịnh đầu và sau Thánh vịnh cuối. Lời nguyện kết thúc là giống như lời nguyện của Giờ kinh Sách, nhưng dùng câu kết thúc vắn “Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”.
Sách Thần Vụ có cả ba bộ giờ kinh giữa, nhưng những người có nghĩa vụ đọc Các Giờ Kinh Phụng vụ có thể chỉ đọc một trong ba giờ kinh này. Đây là sự thực hành phổ biến nhất, ngoại trừ các người sống trong các tu viện chiêm niệm. Cá nhân hoặc cộng đoàn có thể chọn một giờ kinh giữa, và công thức mà họ sẽ sử dụng.
Tuy nhiên, nếu một cá nhân hoặc một cộng đoàn quyết định đọc nhiều hơn một giờ kinh giữa, sách nhật tụng cung cấp các Thánh vịnh bổ sung, để các Thánh vịnh giống nhau không phải lặp đi lặp lại hai lần hoặc ba lần trong cùng một ngày.
Các Thánh vịnh bổ sung này là các Thánh vịnh 119, 120 và 121 cho Giờ ba; các Thánh vịnh 122, 123 và 124 cho Giờ sáu; và các Thánh vịnh 125, 126 và 127 cho Giờ chín.
Trong một số ngày nào đó, một trong các thánh vịnh này đã có trong sách Nhật tụng cho giờ kinh nào đó, và do đó sách Nhật tụng đưa ra các lựa chọn, để tránh lặp lại cùng một Thánh vịnh hai lần trong ngày.
Thí dụ, trong phần Chung của lễ cung hiến thánh đường, Thánh vịnh 121 được dự đoán là một phần của Kinh chiều, hoặc Kinh tối. Trong trường hợp này, chữ đỏ cho lời nguyện của giờ giữa nói: “Nếu các Thánh vịnh bổ sung được sử dụng, thì Thánh vịnh 121 có thể được thay thế bởi Thánh vịnh 128″. Một tình huống tương tự cũng xuất hiện cho phần Chung của lễ Đức Trinh Nữ Maria, trong đó Thánh vịnh 121 và Thánh vịnh 126 được dùng cho Kinh chiều.
Một lần nữa, trường hợp này sẽ chỉ nảy sinh, nếu một cộng đoàn cử hành nhiều hơn một giờ giữa. Trong hầu hết các trường hợp, các sự trùng hợp này không xảy ra. Trong mọi trường hợp, bởi vì biểu thức nói rằng các Thánh vịnh “có thể được thay thế”, có nghĩa là đây là sự tùy chọn. Và nếu không ai thấy phiền khi sử dụng cùng một Thánh vịnh hai lần trong cùng một ngày, thì cứ vẫn thực hiện.
Một điều tương tự xảy ra với điệp ca mở đầu của Giờ kinh. Sự lựa chọn thông thường cho điệp ca mở đầu là Thánh vịnh 94, nhưng các Thánh vịnh 99, 66 hoặc 23 cũng có thể được sử dụng. Một lần nữa, nếu một trong các Thánh vịnh này xuất hiện trong một giờ kinh ngày ấy, nó có thể được thay thế bằng Thánh vịnh 94.
Đối với câu hỏi thứ hai về lễ nhớ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết: Chúng ta phải nhớ rằng Thần Vụ đã phát triển trong một thời gian dài, và do đó, sự hợp lý hoàn hảo trong việc phân phối của nó là không được mong đợi.
Có một số lễ mừng, mà các giờ kinh không phù hợp với thể loại phụng vụ của chúng, nhưng được phát triển đầy đủ hơn sau đó cho một số lễ kính. Đây là trường hợp của lễ nhớ này. Một số thí dụ khác là lễ nhớ (mới đây nâng lên lễ kính) của thánh nữ Maria Magđala (ngày 22-7) và lễ nhớ thánh Martinô thành Tours (ngày 11-11). Thánh Martinô thực sự là vị không tử đạo đầu tiên được mừng lễ theo phụng vụ, và tầm quan trọng của Ngài trong thời Trung cổ như là bổn mạng của nước Pháp đã để lại cho chúng ta một di sản phụng vụ đáng kể trong Thần vụ. Do đó, Ngài có các điệp ca riêng cho Giờ kinh Sáng và Giờ kinh Chiều, và người ta buộc phải sử dụng các Thánh vịnh của Chúa Nhật Tuần I cho Giờ kinh Sáng, và các Thánh vịnh của phần Chung của thánh mục tử cho Giờ kinh Chiều. Cùng một nguyên tắc sẽ áp dụng cho các Giờ kinh của lễ nhớ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết.
Ngoài các trường hợp ngoại lệ đặc biệt này, quy tắc chung cho việc cử hành các lễ nhớ là khá đơn giản. Đối với lễ nhớ buộc, chỉ những gì được in dưới tiêu đề trong ngày là bắt buộc. Điều này thường bao gồm việc đọc bài thứ hai, và xướng đáp của Kinh Sách. Thỉnh thoảng, có một điệp ca riêng cho Thánh ca “Chúc tụng Đức Chúa” (Benedictus), và Thánh ca “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa (Magnificat), dành cho Giờ kinh Sáng và Giờ kinh Chiều, và lời nguyện kết thúc riêng.
Mọi thứ khác thường là tùy chọn; có nghĩa là, người ta có thể đọc Thánh thi, lời cầu Thánh vịnh và các thành phần khác của ngày.
Nếu muốn, người ta có thể lựa chọn phần Chung của vị thánh tương ứng. Người ta cũng có thể chọn làm như vậy cho một Giờ kinh, thí dụ Giờ kinh Sách, và tuân theo các nguyên tắc chung cho các Giờ kinh khác.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 22-9-2017)