Có thể thay chuông bằng nhạc cụ khác trong mùa Vọng không?

Hỏi:Thưa cha, con muốn tìm xem trong việc cử hành Thánh lễ, nhất là trong mùa Vọng, liệu việc rung chuông có bị cấm khi truyền phép, như được làm trong suốt mùa Thường Niên không. Con nhận thấy rằng trong mùa Vọng, chuông không được sử dụng. Nhưng đồng thời, các thanh gổ tròn dài được đánh vào nhau để thay thế tiếng chuông khi truyền phép. Liệu sự thay thế này là được phép không? Nếu có, tại sao không tiếp tục dùng chuông, vì các thanh gỗ này cũng gây “tiếng ồn” không kém tiếng chuông bình thường. Có điều khoản Giáo luật nào nói về việc thay thế này không? Con cũng biết là không được sử dụng các nhạc cụ trong Mùa này. Liệu đây có phải là sự thực hành trong cả Giáo Hội phổ quát không? – E. C., Kabwe, Zambia

Đáp: Về việc sử dụng đại quản cầm và các nhạc cụ khác trong Mùa Vọng, chúng tôi xin nhắc lại một phần chúng tôi đã viết trong một câu trả lời cách đây 10 năm:

“Có nhiều tài liệu liên quan đến chủ đề này. Huấn thị về âm nhạc trong phụng vụ thánh “Musicam Sacram” (ngày 5-3-1967 của Thánh Bộ Nghi lễ) giải quyết vấn đề về đại quản cầm và các nhạc cụ khác trong các số 62-67. Xin trích dẫn:

“62. Các nhạc khí có thể rất hữu ích trong các buổi cử hành lễ nghi phụng vụ, hoặc đệm theo tiếng hát, hoặc chơi riêng một mình.

Trong Hội Thánh la-tinh, đại quản cầm có ống rất được quý chuộng và được coi như nhạc khí cổ truyền mà âm thanh có thể tăng thêm vẻ huy hoàng kỳ diệu cho những nghi lễ của Hội Thánh, và có sức mãnh liệt nâng các tâm hồn lên cùng Thiên Chúa và lên trời.

Còn những nhạc khí khác, thì tùy theo sự xét đoán và chấp thuận của thẩm quyền địa phương, có thể được dùng trong việc thờ phượng, tùy như chúng thích hợp hay có thể thích hợp được để dùng vào việc thánh với công dụng thiêng thánh, hay hợp với vẻ trang trọng của đền thờ, và thực sự giúp cho các tín hữu sốt sắng hơn. (41)

“63. Muốn thừa nhận và sử dụng các nhạc khí, phải để ý đến nét đặc sắc và tập quán của mỗi dân tộc. Những nhạc khí nào, mà theo ý kiến chung, và cách sử dụng thông thường, chỉ hợp với nhạc đời, thì phải loại trừ ra khỏi lễ nghi phụng vụ và các việc đạo đức thánh thiện.

“Mọi nhạc khí được thừa nhận trong việc thờ phượng phải sử dụng thế nào cho hợp với các đòi hỏi của lễ nghi phụng vụ, và làm cho việc thờ phượng nên tốt đẹp cũng như giúp các tín hữu thêm lòng đạo đức.

“64. Nên dùng nhạc khí để đệm theo tiéng hát hầu giữ cho giọng khỏi xuống, và giúp cho cộng đoàn tham dự dễ dàng hơn, cũng như hợp nhất với nhau mật thiết hơn. Nhưng âm thanh của các nhạc khí không bao giờ được lấn tiếng hát, và làm cho bản văn trở nên khó hiểu. Mọi nhạc khí đều phải im tiếng khi linh mục hay thừa tác viên đọc cao giọng một bản văn được dành riêng cho các vị ấy.

“65. Trong các lễ hát hoặc lễ đọc, có thể dùng đại quản cầm hoặc một nhạc khí nào khác đã được chính thức thừa nhận để đệm theo tiếng hát của ca đoàn và giáo dân. Có thể độc tấu nhạc trước khi linh mục tới bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ. Có thể áp dụng cùng một quy tắc đó, thích nghi cho hợp trong các buổi cử hành thiêng thánh khác.

“66. Không được phép độc tấu các nhạc khí đó trong Mùa Vọng và Mùa Chay, trong Tuần Tam Nhật Vượt qua, và trong giờ Kinh Lễ cầu hồn.

“67. Mong sao các nhạc công đại quản cầm và các nhạc khí khác, chẳng những sử dụng thành thạo nhạc khí, mà còn hiểu biết sâu sắc tinh thần phụng vụ, để khi thi hành nhiệm vụ, dù chơi theo ngẫu hứng, họ vẫn làm cho buổi cử hành thêm phong phú theo bản tính thực của mỗi yếu tố và làm cho tín hữu say sưa tham dự” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Do đó, theo tài liệu này, không được phép độc tấu đại quản cầm trong Mùa Vọng.

Tuy nhiên, trong khi các tiêu chí trên vẫn còn hiệu lực, dường như có một sự nới rộng nhỏ để cho phép độc tấu đại quản cầm trong Mùa Vọng, trong Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma năm 2001, vốn trích dẫn các qui chế được đưa ra trong Sách Lễ nghi Giám Mục năm 1984.

Số 313 nói: “Trong Mùa Vọng được phép đánh phong cầm và các nhạc cụ khác cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn của lễ Chúa Giáng Sinh.

“Trong Mùa Chay tiếng phong cầm và các nhạc cụ khác chỉ để giúp hát mà thôi, trừ Chúa Nhật Laetare (IV Mùa Chay), lễ trọng và lễ kính” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Như vậy, việc cấm rõ ràng độc tấu đại quản cầm, được tìm thấy trong huấn thị “Musicam Sacram”, được giới hạn trong Mùa Chay, trong khi trong mùa Vọng, bây giờ có thể độc tấu đại quản cầm, miễn là “một cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này”.

Đúng là không phải Sách Lễ Nghi Giám Mục, và cũng không phải Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 66, đã minh nhiên cấm hoặc xóa bỏ luật trước đó.

Tuy nhiên, bởi vì các tài liệu Giáo Hội thường trích dẫn chính xác các tài liệu trước đó, các thay đổi nhỏ trong việc nhấn mạnh thường có ý nghĩa, và có thể phản ánh một sự tiến hóa trong qui chế, ngay cả khi luật trước đó không được bãi bỏ cách đặc biệt. Vì vậy tôi nghĩ rằng đây là một sự thay đổi rõ ràng về sự nhấn mạnh đối với tài liệu trước đó, bởi vì việc không nhắc đến sự sử dụng đại quản cầm để giúp hát trong mùa Vọng chắc chắn không phải là ngẫu nhiên.

Lý do có thể cho việc này là rằng Mùa Vọng không còn chính thức được kể vào các mùa thống hối.

Theo Sách Lễ Nghi Giám Mục, số 41, trong Mùa Vọng được phép đánh phong cầm và các nhạc cụ khác cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn của lễ Chúa Giáng Sinh.

Chắc chắn, Mùa Vọng có các yếu tố giống với mùa Chay sám hối (lễ phục màu tím, bỏ kinh Vinh Danh (Gloria),…). Chúng được biện minh bởi sự tập chú của Mùa Vọng vào việc chuẩn bị tinh thần cho Chúa Kitô đến, bằng cách nhắc lại các mầu nhiệm của lịch sử cứu độ, cũng như các ám chỉ cánh chung của phụng vụ với “bốn sự sau”: sự chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục.

Theo số 39 của Phần Giới thiệu lịch phụng vụ Rôma: “Mùa Vọng có hai đặc điểm: là một mùa để chuẩn bị Lễ Chúa Giáng Sinh khi việc Chúa Kitô đến lần đầu với chúng ta được tưởng nhớ; là một mùa khi sự tưởng nhớ này hướng tâm trí và con tim để chờ đợi việc Chúa Kitô đến lần thứ hai vào lúc tận cùng thời gian. Do đó Mùa Vọng là một khoảng thời gian cho sự chờ đợi sốt sắng và vui mừng”.

Mùa Vọng, được phát triển trong Nghi Lễ Rôma vào thế kỷ thứ sáu và luôn chứa đựng hai yếu tố này, mặc dù đôi khi một yếu tố được nhấn mạnh nhiều hơn yếu tố kia, cho đến khi mùa đạt đến nhiều hay ít hình thức hiện tại của nó.

Việc dùng các thanh gỗ gõ ra tiếng để thay thế cho chuông trong mùa Vọng dường như là một tập tục địa phương, và không được quy định trong luật phụng vụ. Chỉ có một số dịp khi luật phổ quát tiên liệu việc dùng các thanh trắc được gõ thay tiếng chuông khi truyền phép, sau kinh Vinh Danh cho Thánh Lễ Tiệc ly ngày Thứ Năm Tuần Thánh, sau đó không được rung chuông nữa cho đến kinh Vinh Danh của Đêm Vọng Phục Sinh.

Tại một số nơi, việc dùng các thanh trắc được tập tục địa phương cho mở rộng trọn mùa Chay, và cũng xuất hiện ở đây trong mùa Vọng nữa. Không có lý do phụng vụ tốt để duy trì sự thay thế này, và chuông có thể được rung trong suốt Mùa Vọng. Tuy nhiên, nếu tập tục đã có từ lâu và có qui chế của một tập tục pháp lý, nó cũng có thể được tiếp tục thực hiện.

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 16-12-2014)

Exit mobile version