Nhiều năm trước Carlo Carretto, một trong những tác giả thiêng liêng lớn người Ý của thời đại chúng ta đã từ sa mạc Sahara trở về Ý sau nhiều năm ẩn tu tại Bedouin. Ông viết một bản tự thuật thiêng liêng, Tôi tìm và đã tìm được (I sought and I found, DLT, 1984), thuật lại những đấu tranh và con đường của ông để đến với Chúa. Kết thúc quyển sách của ông là một bức tâm thư gởi đến Giáo hội, một cơ cấu Giáo hội hữu hình.
Nhiều năm trước Carlo Carretto, một trong những tác giả thiêng liêng lớn người Ý của thời đại chúng ta đã từ sa mạc Sahara trở về Ý sau nhiều năm ẩn tu tại Bedouin. Ông viết một bản tự thuật thiêng liêng, Tôi tìm và đã tìm được (I sought and I found, DLT, 1984), thuật lại những đấu tranh và con đường của ông để đến với Chúa. Kết thúc quyển sách của ông là một bức tâm thư gởi đến Giáo hội, một cơ cấu Giáo hội hữu hình.
Những dòng mở đầu có đoạn thế này:
Tôi phải phê phán người nhiều biết bao, nhà thờ của tôi, ấy vậy mà tôi yêu người nhiều biết bao!
Người đã làm cho tôi khổ đau nhiều hơn ai hết, ấy vậy mà tôi cũng hàm ơn người nhiều hơn ai hết.
Tôi những muốn thấy người bị hủy diệt, ấy vậy mà tôi cần sự có mặt của người.
Người đã tạo ra quá nhiều tai tiếng cho tôi, ấy vậy mà chỉ duy nhất người mới làm cho tôi hiểu thế nào là thánh thiện.
Không ở đâu trên thế gian này tôi thấy nhiều chuyện trái khuấy, sai trái hơn ở người, ấy vậy mà, tôi cũng chưa bao giờ trực nhận điều gì tinh khiết hơn, quảng đại hơn và đẹp đẽ hơn người.
Vô số lần tôi đã muốn đóng sập cửa tâm hồn tôi vào mặt người, ấy vậy mà, hằng đêm, tôi cầu nguyện để tôi có thể chết trong vòng tay vững chãi của người!
Không, tôi không thể nào không có người, bởi tôi là một với người, cho dù không phải là người trọn vẹn.
Vậy thì – tôi sẽ đi đâu?
Đi xây một nhà thờ khác?
Nhưng tôi không thể xây một nhà thờ nào khác không có cùng khiếm khuyết, vì chúng chính là những khiếm khuyết của tôi. Hơn nữa, nếu tôi xây một nhà thờ khác, nó là nhà thờ của tôi, không phải là nhà thờ của Chúa.
Không, tôi đã già dặn. Tôi đã hiểu hơn!
Thật là một mô tả tuyệt vời về Giáo hội – thiếu sót nhưng siêu phàm, trung gian cho sự có mặt của Chúa dù có những cản trở, tắc nghẽn.
Tôi thấy mình ngày càng họa theo mô tả này khi nghĩ đến các lời trách oán về cơ chế Giáo hội.
Nói gì đây khi đứng trước sự kiện một cơ chế Giáo hội thiếu sót, thương tổn, tha hóa vì quyền lực, đầy yếu kém và nhỏ nhen của tính người.
Nói gì đây khi đứng trước sự kiện Giáo hội chưa bao giờ sống tận căn và trọn vẹn theo lời dạy của Phúc âm?
Nói gì đây khi đứng trước sự kiện, trong những thời điểm tăm tối mà Giáo hội đã và tiếp tục làm tổn thương không biết bao nhiêu là người? Và như vậy thì làm sao mà Giáo hội có uy tín và làm sao tự cho mình là người trung gian cho sự hiện diện của Thiên Chúa?
Có biết bao nhiêu là lời than trách và thường còn nghe thêm lời chê: “Tôi có thể nói chuyện được với Chúa, nhưng tôi không nói chuyện được với Giáo hội!”
Những lời than trách này là trung thực, dù nó có tính cách lý luận. Tuy vậy dù gì thì các sự kiện đưa ra đều thật. Chúng ta không thể chối bỏ lịch sử và thực tế. Giáo hội đã luôn luôn có và sẽ còn có khía cạnh tăm tối. Giáo hội không phải là trung gian trong sáng của sự hiện diện của Chúa. Rõ ràng sự thật là vậy.
Tuy nhiên ngoài những gì đã được thừa nhận, vẫn còn những điều cần nói thêm. Giáo hội, tự thân là mang tính nhân loại, chứ không có gì là trừu tượng. Giáo hội chỉ tồn tại nơi những con người thật sự. Chúng ta chỉ gặp Giáo hội trong một hiện thân đặc biệt, cụ thể, có tính lịch sử, có nghĩa là nơi những con người thật có tên thật, có những vấn đề thật, những thiếu sót thật. Những gì chúng ta gặp không bao giờ là Giáo hội mà chỉ là phần này phần kia của Giáo hội.
Giáo hội là một gia đình, rất cụ thể và có tính lịch sử.
Tôi nghĩ đây là bối cảnh thuận lợi để nhận biết về Giáo hội. Khi sinh ra trong một gia đình, chúng ta nhận lấy dấu vết bẩm sinh của mình. Chúng ta có thể không thích nó, giận nó, bỏ nhà đi vào những dịp lễ, nổi xung với những lỗi lầm của gia đình, nói những lời cay chua, phản đối để mong được thương thêm, hiểu thêm, chậm phê phán và gán tội – nhưng thế nào thì đó cũng là gia đình chúng ta, chúng ta muốn hòa giải với nó.
Rốt cùng, một trong những đòi hỏi tất yếu của cuộc sống là cố gắng tạo hòa khí trong gia đình mình. Không một ai thực sự rời bỏ gia đình, dù chết xa gia đình.
Với Giáo hội cũng như vậy. Giáo hội không phải là Chúa. Giáo hội cũng không đồng hóa với Chúa, cũng như cha ruột tôi không có nghĩa là Chúa Cha. Nhưng, giống như cha mẹ ruột tôi, và đó là thật, là những gì chúng ta gặp trên trần thế này.
Như với gia đình mình, chúng ta có thể không thích, giận dữ và cay chua với những bất toàn của nó. Chúng ta có thể ao ước một gia đình khác. Chúng ta có thể chống lại gia đình, hay rời bỏ gia đình một thời gian dài (đôi lúc chuyện này lại lành mạnh), nhưng cuối cùng thì chúng ta vẫn mang trên mình dấu vết gia đình, đó là gia đình của chúng ta, đó là gia đình hiện nay và chỉ ở nơi này chúng ta mới tiếp cận được với Đức Ki-tô thật.
Vì sự thật không chối cãi này mà chúng ta có những cảm nhận mạnh như vậy về Giáo hội. Cũng như Carretto, có những lúc chúng ta muốn đóng sập cửa tâm hồn vào mặt Giáo hội, và cũng hằng ngày chúng ta nguyện cầu để được yên nghỉ trong lòng Giáo hội.
Và vì như thế, chúng ta cũng giống như văn sĩ Carretto, cuối cùng nhận ra rằng chẳng bao giờ mình thật sự rời bỏ Giáo hội.
Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Nguyễn Kim An dịch